Hệ thống pháp luật

BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 905/CĐ-BGDĐT

Hà Nội, ngày 10 tháng 9 năm 2021

 

CÔNG ĐIỆN

V/V TỔ CHỨC DẠY HỌC ỨNG PHÓ DIỄN BIẾN DỊCH COVID-19

BỘ TRƯỞNG BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO điện:

Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương

Hiện nay, dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp và ảnh hưởng nặng nề tới nhiều mặt đời sống kinh tế-xã hội của nhiều tỉnh, thành phố, trong đó có ngành Giáo dục, hàng triệu học sinh, giáo viên đang thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 15, Chỉ thị 16 và Chỉ thị 19 của Thủ tướng Chính phủ ngay từ thời điểm bắt đầu năm học mới 2021-2022. Thực hiện Chỉ thị số 24/CT-TTg ngày 03/9/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc đẩy mạnh triển khai các nhiệm vụ, giải pháp tổ chức dạy học an toàn, bảo đảm chương trình và mục tiêu chất lượng giáo dục, đào tạo ứng phó với đại dịch COVID-19 và ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam tại cuộc họp về bảo đảm điều kiện dạy và học phù hợp với tình hình dịch Covid-19, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) đề nghị Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi chung là tỉnh) khẩn trương chỉ đạo một số nội dung sau:

1. Chỉ đạo Sở GDĐT hướng dẫn các cơ sở giáo dục tổ chức dạy học chủ động, linh hoạt thông qua hình thức trực tiếp, trực tuyến hoặc trên truyền hình nội dung môn học, hoạt động giáo dục (sau đây gọi chung là môn học) với thời lượng hợp lý theo các văn bản hướng dẫn tinh giản nội dung dạy học của Bộ GDĐT. Cụ thể:

- Đối với địa phương đang thực hiện giãn cách xã hội và không tổ chức dạy học trực tiếp tại trường, triển khai tổ chức dạy học trực tuyến kết hợp dạy học trên truyền hình các nội dung lí thuyết, hướng dẫn học sinh khai thác hiệu quả sách giáo khoa để học tập. Đối với lớp 1, lớp 2 ưu tiên tổ chức dạy học trên truyền hình và không thực hiện kiểm tra, đánh giá định kỳ trong khoảng thời gian này, khi học sinh đi học trở lại phải tổ chức ôn tập trước khi kiểm tra, đánh giá định kỳ. Đối với lớp 3 đến lớp 12 tổ chức dạy học trực tuyến là chủ đạo, dạy học trên truyền hình là bổ trợ, ưu tiên cho các lớp cuối cấp. Hướng dẫn tổ chức tiết học, giờ học trực tuyến không kéo dài thời gian như học trực tiếp trên lớp để đảm bảo sức khỏe, tâm sinh lý của học sinh khi phải tiếp xúc với máy tính, điện thoại, tivi.

- Đối với các địa phương cơ bản kiểm soát được dịch COVID-19, tận dụng tối đa khoảng thời gian học sinh có thể đến trường để dạy học trực tiếp, nhất là các nội dung thực hành, thí nghiệm và kết hợp ôn tập, củng cố những nội dung lí thuyết đã học trực tuyến, học trên truyền hình, bảo đảm an toàn phòng, chống dịch bệnh theo quy định. Tùy vào điều kiện thực tế của mỗi địa phương có thể tổ chức dạy học nhiều hơn 6 buổi/tuần. Chủ động xây dựng kế hoạch chuẩn bị các điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị, hạ tầng viễn thông để tổ chức triển khai dạy học trực tuyến khi cần thiết.

2. Tổ chức bồi dưỡng, tập huấn nâng cao kĩ năng tổ chức dạy học trực tuyến, dạy học trên truyền hình cho giáo viên và cán bộ quản lý; sử dụng bài giảng trên truyền hình, kho học liệu số và bản mềm sách giáo khoa tại các trang web của nhà xuất bản để tổ chức dạy học có hiệu quả trong điều kiện thực hiện giãn cách xã hội.

3. Chỉ đạo Sở GDĐT tăng cường phối hợp với Đài phát thanh và truyền hình địa phương xây dựng video bài giảng các nội dung cốt lõi theo hướng tinh giản của bài học, chủ đề các môn học để phát sóng trên đài phát thanh, trên truyền hình và bổ sung kho học liệu số. Chủ động có phương án tiếp sóng, phát lại các bài giảng bảo đảm một môn học, lớp học phải có ít nhất 2 khung giờ phát bài giảng truyền hình trong một ngày; kết hợp chuyển tài liệu học tập đến tận tay học sinh tại những địa phương mà học sinh không đủ điều kiện, khả năng tiếp cận học tập trực tuyến.

4. Tổ chức triển khai hiệu quả Chương trình “Sóng và máy tính cho em” của Bộ Thông tin và Truyền thông và Bộ GDĐT. Đặc biệt quan tâm đối với trẻ em mầm non, học sinh phổ thông, học viên giáo dục thường xuyên thuộc khu vực bị ảnh hưởng nặng nề vì dịch COVID-19; hỗ trợ các học sinh thuộc gia đình có hoàn cảnh khó khăn vì COVID-19.

Huy động các nguồn lực tăng cường hạ tầng viễn thông, trang thiết bị, rà soát các điều kiện về công nghệ thông tin và các điều kiện cần thiết khác để tổ chức hiệu quả dạy học trực tuyến, dạy học trên truyền hình. Tập trung hỗ trợ các cơ sở giáo dục tại các vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, còn thiếu trang thiết bị dạy học trực tuyến bảo đảm công bằng trong tiếp cận giáo dục.

Bộ trưởng Bộ GDĐT trân trọng đề nghị Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh quan tâm chỉ đạo kịp thời./.

 


Nơi nhận:
- Như trên;
- Thủ tướng và các Phó Thủ tướng (để báo cáo);
- Ủy ban Quốc gia phòng chống COVID-19 (để báo cáo);
- Ban Tuyên giáo Trung ương (để báo cáo);
- Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội (để báo cáo);
- Các đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Thành ủy trực thuộc Trung ương (để phối hợp chỉ đạo);
- Các Sở GDĐT ;
- Cổng TTĐT Bộ GDĐT;
- Lưu: VT, Vụ GDTrH.

BỘ TRƯỞNG




Nguyễn Kim Sơn

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Công điện 905/CĐ-BGDĐT năm 2021 về tổ chức dạy học ứng phó diễn biến dịch COVID-19 do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo điện

  • Số hiệu: 905/CĐ-BGDĐT
  • Loại văn bản: Công điện
  • Ngày ban hành: 10/09/2021
  • Nơi ban hành: Bộ Giáo dục và Đào tạo
  • Người ký: Nguyễn Kim Sơn
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản