Hệ thống pháp luật

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------

Số: 81/CĐ-TTg

Hà Nội, ngày 15 tháng 01 năm 2009

 

CÔNG ĐIỆN

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

 Điện:

- Bộ trưởng các Bộ, Thủ trưởng các cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;
- Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
- Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam;
- Hội Nông dân Việt Nam;
- Đài Truyền hình Việt Nam;
- Đài Tiếng nói Việt Nam;
- Thông tấn xã Việt Nam;
- Báo Nhân dân.

 

Hàng năm, vào dịp Tết Nguyên đán, nhu cầu tiêu thụ thực phẩm của người dân tăng cao, đi liền với đó là các nguy cơ ô nhiễm thực phẩm và bệnh truyền qua thực phẩm cũng tăng cao. Để bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm cho nhân dân trong dịp Tết Kỷ Sửu, phòng ngừa ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm như dịch cúm gia cầm, lở mồm long móng, dịch tiêu chảy cấp nguy hiểm... đang có nguy cơ bùng phát trở lại, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu:

1. Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương:

- Chỉ đạo Sở Y tế, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Công thương và các Sở, Ban, ngành tăng cường công tác tuyên truyền phổ biến kiến thức pháp luật, thực hành về vệ sinh an toàn thực phẩm, vận động nhân dân thay đổi các phong tục tập quán sinh hoạt, chế biến, ăn uống lạc hậu trong các ngày lễ, Tết nhằm giảm nguy cơ ô nhiễm thực phẩm và ngộ độc thực phẩm; khuyến cáo người dân không ăn thịt gia súc, gia cầm ốm, chết, không rõ nguồn gốc, chưa qua kiểm dịch, không ăn tiết canh và thức ăn chưa được nấu chín.

- Chỉ đạo các cơ quan Quản lý thị trường, Công an, Hải quan, Bộ đội biên phòng đặc biệt tại các tỉnh biên giới, tăng cường kiểm tra, kiểm soát và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về nhập khẩu, vận chuyển, lưu thông thực phẩm giả, kém chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ.

- Đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các quy định bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, chú trọng đến việc sử dụng nguyên liệu, phụ gia thực phẩm và ghi nhãn, quảng cáo thực phẩm.

- Tăng cường kiểm tra, giám sát và xử lý triệt để các vùng có dịch cúm gia cầm, dịch tiêu chảy cấp.

- Chỉ đạo Đài Truyền thanh, Truyền hình địa phương, các báo trên địa bàn đẩy mạnh việc thông tin tuyên truyền về các nguy cơ ảnh hưởng đến sức khoẻ và tính mạng khi sử dụng thực phẩm không bảo đảm vệ sinh an toàn và không ngăn chặn kịp thời các bệnh dịch.

2. Bộ Y tế:

- Chỉ đạo, phối hợp các Bộ, ngành triển khai công tác kiểm tra, thanh tra toàn diện về vệ sinh an toàn thực phẩm tại các tỉnh, thành phố trọng điểm.

- Phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông triển khai và hướng dẫn tuyến dưới tuyên truyền đầy đủ, kịp thời các biện pháp bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm.

3. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:

- Chỉ đạo, phối hợp với các cơ quan truyền thông tuyên truyền, giáo dục nông dân, các cơ sở trồng trọt, chăn nuôi, các tổ chức, cá nhân thu gom, sơ chế, giết mổ, chế biến, bảo quản nông sản, thuỷ sản thực phẩm thực hiện tốt các quy định bảo đảm về an toàn thực phẩm.

- Tăng cường công tác kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm trong sản xuất, chế biến các thực phẩm có mức tiêu thụ cao trong dịp Tết như rau, quả, thịt gia súc, gia cầm, thuỷ sản.

4. Bộ Công Thương:

- Chỉ đạo tăng cường kiểm tra, kiểm soát, đấu tranh chống các hành vi vi phạm về sản xuất, vận chuyển, buôn bán thực phẩm giả, thực phẩm không bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm.

- Tăng cường phối hợp với lực lượng Hải quan, Bộ đội biên phòng và các đơn vị liên quan, đặc biệt tại các tỉnh biên giới, nhằm kiên quyết ngăn chặn nhập khẩu thực phẩm lậu, thực phẩm kém chất lượng và xử lý triệt để, nghiêm minh các hành vi vi phạm.

5. Bộ Quốc phòng, Bộ Công an:

- Chỉ đạo các lực lượng Công an, Bộ đội biên phòng phối hợp với lực lượng Hải quan và các cơ quan của địa phương kiểm soát, ngăn chặn và xử lý kiên quyết việc nhập thực phẩm trái phép qua biên giới.

6. Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam và các phương tiện thông tin đại chúng ở Trung ương và địa phương tăng thời lượng phát sóng, thực hiện tuyên truyền, giáo dục tạo ý thức cho người dân phải biết tự bảo vệ sức khỏe, tính mạng của mình và không gây nguy cơ bệnh dịch, thiệt hại về người cho cộng đồng dân cư, đặc biệt vào dịp Tết, phản ánh kịp thời kết quả thực hiện công tác bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm trong dịp Tết Nguyên đán Kỷ Sửu 2009.

7. Đề nghị Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể và các tổ chức xã hội phối hợp triển khai có hiệu quả các hoạt động bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm trong dịp Tết Nguyên đán Kỷ Sửu 2009.

Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm trực tiếp trước nhân dân của địa phương mình và trước Chính phủ về việc đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm nói chung và đặc biệt trong dịp Tết Nguyên đán Kỷ Sửu 2009.

Giao Bộ Y tế theo dõi, tổng hợp kết quả thực hiện và báo cáo kịp thời lên Thủ tướng Chính phủ và tổng kết công tác bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm Tết Nguyên đán Kỷ Sửu trong tháng 02 năm 2009./.

 

 

Nơi nhận:
- Như trên;
- Ban Bí thư Trung ương Đảng;
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội;
- Văn phòng Quốc hội;
- VPCP: BTCN, các PCN, Cổng TTĐT, các Vụ: TH, KTTH, TKBT, KTN, ĐP, PL;
- Lưu: Văn thư, KGVX (5b). xh 30

KT. THỦ TƯỚNG
PHÓ THỦ TƯỚNG




Nguyễn Thiện Nhân

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Công điện 81/CĐ-TTG về việc bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm cho nhân dân trong dịp Tết Kỷ Sửu do Thủ tướng Chính phủ ban hành

  • Số hiệu: 81/CĐ-TTG
  • Loại văn bản: Công điện
  • Ngày ban hành: 15/01/2009
  • Nơi ban hành: Thủ tướng Chính phủ
  • Người ký: Nguyễn Thiện Nhân
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản