Hệ thống pháp luật

BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 73/CĐ-BGTVT

Hà Nội, ngày 13 tháng 11 năm 2013

 

CÔNG ĐIỆN

VỀ VIỆC CHUẨN BỊ PHỤC VỤ TỐT NHU CẦU ĐI LẠI CỦA NHÂN DÂN, BẢO ĐẢM TRẬT TỰ, AN TOÀN GIAO THÔNG TRONG DỊP TẾT DƯƠNG LỊCH, TẾT NGUYÊN ĐÁN VÀ MÙA LỄ HỘI XUÂN GIÁP NGỌ 2014

BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI

Điện:

- Tổng cục Đường bộ Việt Nam;
- Cục Đường thủy nội địa Việt Nam;
- Cục Hàng hải Việt Nam;
- Cục Đường sắt Việt Nam;
- Cục Hàng không Việt Nam;
- Các Sở Giao thông vận tải;
- Các Tổng Công ty vận tải.

 

Để chuẩn bị phục vụ tốt nhu cầu đi lại của nhân dân, bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trong dịp Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán và mùa Lễ hội xuân Giáp Ngọ 2014, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải yêu cầu Tổng cục Đường bộ Việt Nam, các Cục quản lý chuyên ngành, các Sở Giao thông vận tải, các đơn vị, tổ chức, cá nhân có liên quan trong toàn ngành Giao thông vận tải, trong phạm vi, nhiệm vụ, quyền hạn của mình đôn đốc, chỉ đạo và thực hiện tốt các nội dung sau:

1. Công tác tổ chức, chỉ đạo thực hiện

Thành lập bộ phận chuyên trách, thực hiện công tác chỉ đạo, điều hành, kiểm tra, phối hợp giữa các lực lượng vận tải, quản lý kết cấu hạ tầng giao thông, bến tàu, nhà ga, bến xe, quản lý người điều khiển phương tiện nhằm bảo đảm kịp thời giải quyết hoặc tham mưu để xử lý các tình huống phát sinh.

2. Về công tác bảo đảm nhu cầu vận tải trong các đợt cao điểm

- Xây dựng kế hoạch phục vụ vận tải có khả năng đáp ứng tối đa khi nhu cầu vận tải phát sinh tăng cao nhất là tại các đầu mối giao thông bao gồm: Kế hoạch bố trí phương tiện (bao gồm kế hoạch điều chuyển, tăng cường), bố trí lái tàu, lái xe, phi công, nhân viên phục vụ nhằm bảo đảm cho cán bộ, nhân dân đi lại được nhanh chóng, thuận tiện, an toàn. Kiên quyết không để hành khách chậm về quê đón Tết do không có phương tiện vận chuyển;

- Tăng cường công tác truyền thông phục vụ hành khách bảo đảm cung cấp đầy đủ, kịp thời, chính xác các thông tin cần thiết cho việc lựa chọn chuyến đi triển khai sớm các hình thức bán vé đến tận tay hành khách, thực hiện các biện pháp chống nạn đầu cơ, buôn bán vé gây mất trật tự xã hội;

- Chỉnh trang công trình, bến bãi và điều kiện đón, tiễn hành khách tại các bến xe nhà ga, bến tàu, cảng hàng không bảo đảm đủ diện tích, thuận tiện, sạch sẽ, an toàn; tổ chức các điểm dừng, nghỉ cung cấp dịch vụ nghỉ ngơi, vệ sinh, ăn uống bảo đảm an toàn, sạch sẽ, giá cả hợp lý nhằm đáp ứng nhu cầu của lái xe và hành khách dọc trên các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ quan trọng trong các đợt cao điểm.

3. Ngăn chặn vận chuyển hàng cấm, hàng hóa là nguồn phát sinh, lây lan bệnh dịch

- Thực hiện nghiêm các quy định của Chỉ thị số 406/TTg ngày 08 tháng 8 năm 1994 của Thủ tướng Chính phủ về cấm sản xuất, vận chuyển, buôn bán và đốt pháo; Công điện số 1878/CĐ-TTg ngày 09 tháng 11 năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường thực hiện Nghị định số 36/2009/NĐ-CP ngày 15 tháng 4 năm 2009 của Chính phủ về quản lý, sử dụng pháo;

- Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát nhằm ngăn chặn vận chuyển gia súc, gia cầm, các sản phẩm từ gia súc, gia cầm không rõ nguồn gốc và không có chứng nhận kiểm dịch y tế, đặc biệt là trên các phương tiện vận tải hành khách đi, đến từ khu vực có dịch bệnh.

4. Công tác quản lý phương tiện, người điều khiển phương tiện

- Chỉ đạo các đơn vị kinh doanh vận tải tăng cường tuyên truyền, giáo dục đội ngũ lái xe, lái tàu, phi công, nhân viên phục vụ về ý thức chấp hành quy định pháp luật trật tự an toàn giao thông, tinh thần thái độ phục vụ hành khách;

- Tăng cường công tác kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật đối với đội ngũ lái xe, lái tàu, phi công, nhân viên phục vụ; đặc biệt tăng cường giám sát, ngăn chặn và xử lý nghiêm người điều khiển phương tiện chạy vượt quá tốc độ, sai hành trình, lái xe quá thời gian, chở quá số người quy định;

- Tăng cường công tác kiểm tra chất lượng phương tiện tại các đầu mối giao thông như bến tàu, bến xe, nhà ga, cảng hàng không, kiên quyết ngăn chặn không đưa vào khai thác các phương tiện không bảo đảm an toàn kỹ thuật để chuyên chở hành khách, hàng hóa.

5. Công tác quản lý kết cấu hạ tầng giao thông

- Kiểm tra, rà soát các nút giao thông, các điểm giao cắt giữa đường bộ với đường sắt, các điểm đấu nối giữa các khu công nghiệp, trường học, bệnh viện, chợ, trung tâm thương mại… với các tuyến đường chính, các vị trí tiềm ẩn mất an toàn giao thông, hệ thống biển báo, tín hiệu giao thông, có biện pháp cảnh báo và khắc phục kịp thời;

- Các đơn vị thi công trên các tuyến đường bộ đang khai thác, đặc biệt là trên quốc lộ 1A và Đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên, xây dựng phương án tổ chức giao thông để các phương tiện vận chuyển lưu thông thuận lợi an toàn.

6. Thực hiện các giải pháp bình ổn thị trường, chống tăng giá cước trong hoạt động vận tải

Các đơn vị cần chấp hành nghiêm quy định về quản lý giá cước vận tải, thực hiện các giải pháp bình ổn giá, bình ổn thị trường theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và các ngành chức năng; các Sở GTVT phối hợp Sở Tài chính, cục thuế kiểm tra việc thực hiện kê khai giá, niêm yết giá cước trên phương tiện và thu giá cước theo đúng quy định, tránh các trường hợp lợi dụng lượng hành khách tăng để tăng giá ở mức cao, ép khách.

7. Công tác phối hợp kiểm tra, kiểm soát, xử lý vi phạm

- Thanh tra giao thông vận tải phối hợp chặt chẽ với lực lượng cảnh sát giao thông và các lực lượng tham gia bảo đảm giao thông khác, tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm trật tự an toàn giao thông; tăng cường lực lượng làm công tác chỉ dẫn, phân luồng giao thông, giảm thiểu tối đa sự cố ùn tắc giao thông;

- Tăng cường phối hợp với lực lượng công an, quản lý thị trường, kiểm lâm, kiểm dịch động thực vật, kiểm dịch y tế bảo đảm giữ gìn trật tự, an ninh, vệ sinh dịch tễ trong hoạt động vận tải tại khu vực bến tàu, bến xe, cảng hàng không, khu vực xung quanh các khu công nghiệp, trường học, bệnh viện, trung tâm thương mại, khu vui chơi giải trí; bảo đảm an ninh, trật tự phương tiện trong quá trình hoạt động.

Bộ Giao thông vận tải yêu cầu các cơ quan, đơn vị khẩn trương triển khai thực hiện./.

 

 

Nơi nhận:
- Như trên;
- PTTg. Nguyễn Xuân Phúc (để b/c);
- Văn phòng Chính phủ;
- Các Bộ: Quốc phòng, Công an, Tài chính, Y tế, Công thương, NN&PTNT;
- Các đồng chí Thứ trưởng Bộ GTVT;
- Văn phòng UB ATGT Quốc gia;
- Các Vụ thuộc Bộ GTVT;
- Thanh tra Bộ GTVT;
- Văn phòng Bộ GTVT;
- Báo GTVT;
- Lưu VT, VTải (3).

BỘ TRƯỞNG




Đinh La Thăng

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Công điện 73/CĐ-BGTVT năm 2013 chuẩn bị phục vụ tốt nhu cầu đi lại của nhân dân, bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trong dịp Tết Dương lịch, Nguyên đán và mùa Lễ hội xuân Giáp Ngọ 2014 do Bộ Giao thông vận tải điện

  • Số hiệu: 73/CĐ-BGTVT
  • Loại văn bản: Công điện
  • Ngày ban hành: 13/11/2013
  • Nơi ban hành: Bộ Giao thông vận tải
  • Người ký: Đinh La Thăng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 13/11/2013
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản