Hệ thống pháp luật

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
-----

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
-----------

Số: 1874/CĐ-TTg

Hà Nội, ngày 04 tháng 11 năm 2008

 

CÔNG ĐIỆN KHẨN

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Điện:

- Các Bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Quốc phòng, Công an, Tài nguyên và Môi trường, Giao thông vận tải, Lao động-Thương binh và Xã hội, Y tế, Thông tin và Truyền thông, Công Thương
- Ủy ban quốc gia Tìm kiếm Cứu nạn;
- Ban Chỉ đạo phòng, chống lụt, bão Trung ương;
- Ủy ban nhân dân các tỉnh: Quảng Bình, Lạng Sơn, Cao Bằng, Bắc Kạn, Hà Giang, Lào Cai, Yên Bái, Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hà Nội, Bắc Ninh, Bắc Giang, Hải Dương, Hưng Yên, Thái Bình, Nam Định, Hà Nam, Ninh Bình.
- Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Báo Nhân dân, Thông tấn xã Việt Nam.

 

Liên tiếp các ngày qua, mưa lũ lớn và trên diện rộng đã gây thiệt hại lớn về người, tài sản của nhân dân và nhà nước ở nhiều địa phương trên địa bàn các tỉnh phía Bắc. Hiện nay công việc khắc phục hậu quả mưa lũ đang triển khai tích cực, tuy nhiên theo dự báo của Trung tâm khí tượng thủy văn quốc gia thì trong các ngày tới trên địa bàn các tỉnh phía Bắc tiếp tục có mưa trên diện rộng với cường độ lớn từ 200-300 mm.

Để chủ động đối phó với tình huống xấu do mưa lũ gây ra, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại, nhất là thiệt hại về người, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu:

1. Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố: Hà Nội, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Hưng Yên, Hà Nam, Ninh Bình và các địa phương khác có trách nhiệm:

- Cùng với việc khẩn trương khắc phục hậu quả mưa lũ, phải có ngay phương án tổng thể để chủ động đối phó với diễn biến mưa lũ tiếp theo;

- Huy động các lực lượng, phương tiện để xử lý các sự cố về đê điều, hồ đập, đồng thời có phương án hộ đê, cứu hộ đê khi cần thiết;

- Theo dõi sát diễn biến mưa lũ để xem xét, quyết định việc tổ chức sơ tán dân đến nơi an toàn; đặc biệt là phải chủ động di dời dân tại các vùng có nguy cơ cao về lũ quét, sạt lở đất, vùng ven sông, suối và các vùng hạ du của các hồ đập có nguy cơ không bảo đảm an toàn khi lũ lên cao;

- Chỉ đạo làm tốt công tác phòng, chống dịch bệnh và vệ sinh môi trường; đảm đảm an ninh trật tự vùng bị lũ lụt; đồng thời chỉ đạo việc chuẩn bị sẵn sàng lương thực, thực phẩm, nước uống, thuốc men và các nhu yếu phẩm cần thiết khác để chủ động khi mưa lũ tiếp tục kéo dài và trên diện rộng;

Đối với thành phố Hà Nội cần tiếp tục chỉ đạo việc xử lý các điểm úng ngập, huy động các lực lượng (công an, quân đội, thanh niên xung kích...) bảo đảm giao thông; chỉ đạo việc cấp điện và an toàn về điện, không để xảy ra sự cố và sớm khắc phục hậu quả mưa lũ, ổn định đời sống nhân dân.

2. Bộ Quốc phòng, Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm Cứu nạn chỉ đạo ngay các lực lượng, phương tiện cần thiết, phối hợp với các địa phương để triển khai ngay các biện pháp hộ đê, hộ đập, đặc biệt là hệ thống đê sông Hồng, sông Tích, sông Nhuệ, bảo đảm quân đội là lực lượng chủ lực trong công tác này.

3. Bộ Công Thương chỉ đạo các cơ quan chức năng, bảo đảm cung ứng lương thực, thực phẩm và các nhu yếu phẩm cần thiết cho các vùng bị lũ lụt, bảo đảm ổn định thị trường.

4. Bộ Tài nguyên và Môi trường chỉ đạo Trung tâm Khí tượng Thủy văn quốc gia tiếp tục theo dõi sát diễn biến của mưa, có dự báo sớm, cung cấp thông tin kịp thời cho Ban Chỉ đạo phòng, chống lụt, bão Trung ương, các cơ quan thông tin đại chúng, các Bộ, ngành liên quan và các địa phương để chỉ đạo triển khai các biện pháp phòng, chống lũ hiệu quả.

5. Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam và các cơ quan thông tin đại chúng ở Trung ương và địa phương tăng cường thời lượng phát sóng; thường xuyên thông báo diễn biến của mưa lũ cho các Bộ, ngành, địa phương và nhân dân biết để chủ động phòng, tránh.

6. Giao Bộ trưởng, Trưởng Ban Chỉ đạo Phòng, chống lụt, bão Trung ương Cao Đức Phát họp ngay Ban Chỉ đạo để lên phương án tổng thể chủ động phòng chống mưa lũ; phân giao nhiệm vụ cụ thể cho các Bộ, ngành, địa phương để chủ động đối phó với diễn biến mưa lũ trong các ngày tới, với mục tiêu là hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về người; bảo đảm an toàn cho hệ thống đê sông Hồng; chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương, Tập đoàn Điện lực Việt Nam có ngay phương án điều tiết lũ các hồ chứa: Hòa Bình, Thác Bà, Na Hang, bảo đảm an toàn hồ đập và hệ thống đê điều hạ du;

7. Trong mùa mưa lũ, Thủ tướng yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương phải chấp hành nghiêm chỉnh các mệnh lệnh, chỉ đạo của Bộ trưởng, Trưởng ban Chỉ đạo phòng chống lụt bão Trung ương về công tác phòng, chống và khắc phục hậu quả lũ, bão./.

 

 

Nơi nhận:
- Như trên;
- Thủ tướng, các Phó TTgCP;
- Văn phòng Trung ương Đảng;
- Văn phòng Quốc hội;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- VPCP: BTCN, các PCN,
Các Vụ: TH, KTTH, NC, KGVX, ĐP, TTĐT;
- Lưu: VT, KTN (4).

THỦ TƯỚNG




Nguyễn Tấn Dũng

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Công điện 1874/CĐ-TTg năm 2008 về việc chủ động đối phó với tình huống xấu do mưa lũ gây ra, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại, nhất là thiệt hại về người do Thủ tướng Chính phủ ban hành

  • Số hiệu: 1874/CĐ-TTg
  • Loại văn bản: Công điện
  • Ngày ban hành: 04/11/2008
  • Nơi ban hành: Thủ tướng Chính phủ
  • Người ký: Nguyễn Tấn Dũng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản