Hệ thống pháp luật

Công chức sử dụng bằng cấp ba giả để học đại học bị xử lý thế nào?

Ngày gửi: 16/01/2020 lúc 11:31:12

Mã số: HTPL41888

Câu hỏi:

Tôi xin hỏi: hiện nay cơ quan tôi có 1 công chức đã đi làm được gần 10 năm. Đến nay phát hiện đ/c này không học hết cấp ba vì đã mua bằng cấp ba để vào học đại học (bằng đại học thì là bằng thật). Vậy trường hợp này chúng tôi phải làm như thế nào? Xử lý ra sao?

Câu trả lời tham khảo:

Hệ thống pháp luật Việt Nam (hethongphapluat.com) xin chân thành cảm ơn bạn đã tin tưởng gửi câu hỏi đến chúng tôi. Sau khi nghiên cứu, đối chiếu với quy định của pháp luật hiện hành, chúng tôi xin đưa ra câu trả lời có tính chất tham khảo như sau:

1. Căn cứ pháp lý 

Nghị định 138/2013/NĐ-CP

– Bộ luật hình sự năm 1999

Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012

Luật cán bộ, công chức 2008

2. Nội dung tư vấn 

Đối với người có hành vi sử dụng văn bằng, chứng chỉ giả có thể sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự. Ngoài ra, công chức có hành vi sử dụng giấy tờ, văn bằng giả để được tuyển dụng dụng vào cơ quan, tổ chức thì sẽ bị xử lý kỷ luật theo quy định của Luật cán bộ, công chức 2008.

* Thứ nhất: Về xử phạt vi phạm hành chính: 

Khoản 3 Điều 16 Nghị định 138/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục quy định như sau: 

“Điều 16. Vi phạm quy định về sử dụng và công khai thông tin cấp văn bằng, chứng chỉ

3. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi mua bán, sử dụng văn bằng, chứng chỉ giả.”

Đồng thời, căn cứ Điều 6 Luật xử lý vi phạm hành chính 2012 thì thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính đối với trường hợp này là 01 năm, kể từ thời điểm người đó sử dụng bằng cấp ba nộp vào trường đại học. 

* Thứ hai: Truy cứu trách nhiệm hình sự:

Điều 267 Bộ luật hình sự 1999 quy định tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức như sau: 

1. Người nào làm giả con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác của cơ quan, tổ chức hoặc sử dụng con dấu, tài liệu, giấy tờ đó nhằm lừa dối cơ quan, tổ chức hoặc công dân, thì bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng hoặc bị phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ hai năm đến năm năm:

a) Có tổ chức;

b) Phạm tội nhiều lần;

c)  Gây hậu quả nghiêm trọng;

d) Tái phạm nguy hiểm.

3. Phạm tội gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng, thì bị phạt tù từ bốn năm đến bảy năm.

4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi  triệu đồng.”

Cấu thành Tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức như sau: 

– Chủ thể: Người từ đủ 16 tuổi trở lên phải chịu trách nhiệm hình sự về tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức.

– Khách thể: tội phạm này xâm phạm trật tự quản lý hành chính Nhà nước, tổ chức và xâm phạm sự hoạt động bình thường, uy tín của cơ quan Nhà nước, tổ chức trong lĩnh vực quản lý hành chính nhà nước về con dấu, tài liêu hoặc giấy tờ khác.

– Mặt chủ quan: là lỗi cố ý trực tiếp. Đối với hành vi làm giả con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác của cơ quan, tổ chức thì không cần mục đích nhưng hành vi sử dụng chúng thì cần mục đích là để lừa dối cơ quan, tổ chức hoặc công dân.

– Mặt khách quan:

Làm giả con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác của cơ quan Nhà nước, tổ chức: là hành vi của người không có thẩm quyền cấp các giấy tờ đó nhưng đã tạo ra các giấy tờ đó bằng những phương pháp nhất định để coi nó như thật. Việc làm giả này có thể là giả toàn bộ hoặc chỉ từng phần (tiêu đề, chữ ký, con dấu, nội dung…). Hành vi phạm tội này hoàn thành kể từ khi người không có thẩm quyền tạo ra được con dấu, tài liệu, các giấy tờ giả của một cơ quan Nhà nước, tổ chức nhất định (kể cả cơ quan Nhà nước hay tổ chức đó không có thật hoặc đã bị giải thể). Điều luật không yêu cầu việc “làm” giả này phải nhằm sử dụng hoặc đã sử dụng vào mục đích gì.

Sử dụng con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ giả khác của cơ quan Nhà nước, tổ chức để lừa dối cơ quan, tổ chức hoặc công dân. Đây là trường hợp người phạm tội không có hành vi “làm” giả các đối tượng trên nhưng đã có hành vi “sử dụng” chúng để lừa dối cơ quan Nhà nước, tổ chức hoặc công dân. “Lừa dối” ở đây có nghĩa là người phạm tội sử dụng các đối tượng đó trong giao dịch với cơ quan Nhà nước, tổ chức hoặc công dân khiến cho các đối tác giao dịch tin đó là đối tượng thật.

Chế độ nghỉ hưu, hưu trí đối với cán bộ, công chức, viên chức

>>> Luật sư tư công chức sử dụng bằng cấp ba giả để học đại học bị xử lý thế nào: 024.6294.9155

Như vậy, người cán bộ đó ở cơ quan bạn đã có hành vi sử dụng bằng cấp ba giả (do chưa học hết cấp ba) để vào đại học, tức là có hành vi lừa dối nhà trường và đã cấu thành Tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức.

Tuy nhiên, cần phải xem xét thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự còn hay không? Điều 23 Bộ luật hình sự năm 1999 quy định Thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự như sau: 

“Điều 23. Thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự

2. Thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự được quy định như sau:

a) Năm năm đối với các tội phạm ít nghiêm trọng;

b) Mười năm đối với các tội phạm nghiêm trọng;

c) Mười lăm năm đối với các tội phạm rất nghiêm trọng;

d)  Hai mươi năm đối với các tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.”

Khoản 3 Điều 8 Bộ luật hình sự năm 1999 quy định Tội phạm ít nghiêm trọng là tội phạm gây nguy hại không lớn cho xã hội mà mức cao nhất của khung hình phạt đối với tội ấy là đến ba năm tù; tội phạm nghiêm trọng là tội phạm gây nguy hại lớn cho xã hội mà mức cao nhất của khung hình phạt đối với tội ấy là đến bảy năm tù; tội phạm rất nghiêm trọng là tội phạm gây nguy hại rất lớn cho xã hội mà mức cao nhất của khung hình phạt đối với tội ấy là đến mười lăm năm tù; tội phạm đặc biệt nghiêm trọng là tội phạm gây nguy hại đặc biệt lớn cho xã hội mà mức cao nhất của khung hình phạt đối với tội ấy là trên mười lăm năm tù, tù chung thân hoặc tử hình.

Do đó, nếu người này bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Khoản 1 Điều 267 Bộ luật hình sự năm 1999 thì được xác định là tội phạm ít nghiêm trọng, thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự là 05, kể từ ngày tội phạm được thực hiện. Nếu người này bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Khoản 2 hoặc Khoản 3 Điều 267 Bộ luật hình sự 1999 thì đây là tội phạm nghiêm trọng, thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự là 10 năm, kể từ ngày tội phạm được thực hiện. Khi hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự thì người phạm tội không bị truy cứu trách nhiệm hình sự. 

* Thứ ba: Xử lý kỷ luật đối với công chức: 

Theo quy định tại Điều 79 Luật cán bộ, công chức 2008 và được hướng dẫn tại Điều 13, Điều 14 Nghị định 34/2011/NĐ-CP về xử lý kỷ luật đối với công chức:

– Hình thức kỷ luật cách chức áp dụng đối với công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý có hành vi Sử dụng giấy tờ không hợp pháp để được bổ nhiệm chức vụ.

– Hình thức kỷ luật buộc thôi việc áp dụng đối với công chức có hành vi Sử dụng giấy tờ không hợp pháp để được tuyển dụng vào cơ quan, tổ chức, đơn vị.

Theo thông tin bạn cung cấp, người công chức này đã đi làm được gần 10 năm và có hành vi sử dụng bằng cấp ba giả (do chưa học hết cấp ba) để vào đại học. Nếu hết thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính hoặc thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định trên người đó sẽ không bị xử phạt nữa. Tuy nhiên, cơ quan bạn vẫn có thể áp dụng quy định của Luật cán bộ, công chức 2008 và các Nghị định hướng dẫn để xử lý kỷ luật đối với công chức. 

Trên đây là câu trả lời của Hệ Thống Pháp Luật Việt Nam liên quan đến yêu cầu câu hỏi của bạn. Hy vọng câu trả lời của chúng tôi sẽ hữu ích cho bạn.

Nếu có bất cứ vướng mắc gì về pháp lý mời bạn tiếp tục đặt câu hỏi. Chúng tôi luôn sẵn sàng giải đáp.

Trân trọng cảm ơn.

BBT.Hệ Thống Pháp Luật Việt nam

Lưu ý: Nội dung tư vấn của Hệ Thống Pháp Luật Việt Nam trên đây chỉ mang tính tham khảo. Tùy vào từng thời điểm và đối tượng khác nhau mà nội dung tư vấn trên có thể sẽ không còn phù hợp do sự thay đổi của chính sách hay quy định mới của pháp luật.

Gửi yêu cầu tư vấn

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM