Hệ thống pháp luật
Loading content, please wait a moment ...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

BỘ TÀI CHÍNH
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 39/2004/TT-BTC

Hà Nội, ngày 11 tháng 5 năm 2004

 

THÔNG TƯ

CỦA BỘ TÀI CHÍNH SỐ 39/2004/TT-BTC NGÀY 11THÁNG 5 NĂM 2004 HƯỚNG DẪN TRÌNH TỰ, THỦ TỤC VÀ XỬ LÝ TÀI CHÍNH ĐỐI VỚI HOẠT ĐỘNG MUA, BÁN, BÀN GIAO, TIẾP NHẬN, XỬ LÝ NỢ VÀ TÀI SẢN TỒN ĐỌNG CỦA DOANH NGHIỆP

Căn cứ Nghị định số 69/2002/NĐ-CP ngày 12/7/2002 của Chính phủ về quản lý và xử lý nợ tồn đọng của doanh nghiệp nhà nước.
Căn cứ Quyết định số 109/2003/QĐ-TTg ngày 5/6/2003 của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập Công ty mua, bán nợ và tài sản tồn đọng của doanh nghiệp.
Căn cứ Nghị định số 77/2003/NĐ-CP ngày 01/7/2003 của Chính phủ về qui định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức Bộ Tài chính.
Bộ Tài chính hướng dẫn trình tự, thủ tục và xử lý tài chính đối với hoạt động mua, bán, bàn giao, tiếp nhận, xử lý nợ và tài sản tồn đọng của doanh nghiệp như sau:

Phần thứ nhất:

QUY ĐỊNH CHUNG

1. Phạm vi áp dụng:

Thông tư này hướng dẫn trình tự, thủ tục và xử lý tài chính đối với các hoạt động: mua, bán, xử lý nợ và tài sản tồn đọng của các doanh nghiệp, tổ chức kinh tế, cá nhân với Công ty mua, bán nợ và tài sản tồn đọng của doanh nghiệp theo nguyên tắc thoả thuận; mua, bán, xử lý nợ và tài sản tồn đọng theo chỉ định của Thủ tướng Chính phủ; bàn giao, tiếp nhận, xử lý nợ và tài sản đã loại trừ không tính vào giá trị doanh nghiệp khi thực hiện chuyển đổi sở hữu doanh nghiệp nhà nước.

2. Đối tượng áp dụng:

2.1. Công ty mua, bán nợ và tài sản tồn đọng của doanh nghiệp thành lập theo Quyết định số 109/2003/QĐ-TTg ngày 5/6/2003 của Thủ tướng Chính phủ (sau đây gọi tắt là Công ty mua, bán nợ);

2.2. Các doanh nghiệp, tổ chức có nợ phải thu, tài sản tồn đọng bán cho Công ty mua, bán nợ (chủ nợ, chủ tài sản);

2.3. Các doanh nghiệp, tổ chức kinh tế mua nợ và tài sản tồn đọng của Công ty mua, bán nợ ;

2.4. Các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân có nợ phải trả (khách nợ);

2.5. Các doanh nghiệp, tổ chức kinh tế đang giữ hộ nợ, tài sản loại trừ không tính vào giá trị doanh nghiệp khi chuyển đổi sở hữu doanh nghiệp nhà nước.

3. Các thuật ngữ sử dụng trong Thông tư này được hiểu như sau:

3.1. "Nợ tồn đọng" là các khoản nợ phải thu, nợ phải trả đã quá hạn thanh toán nhưng chưa thu được, chưa trả được.

3.2. "Chủ nợ" là các doanh nghiệp, tổ chức có nợ phải thu.

3.3. "Khách nợ" là các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân có nợ phải trả.

3.4. "Chủ tài sản" là các doanh nghiệp, tổ chức có quyền sở hữu tài sản.

3.5. "Tài sản tồn đọng" là thành phẩm, vật tư, hàng hoá, tài sản cố định thuộc sở hữu của doanh nghiệp còn tồn kho, ứ đọng nhưng doanh nghiệp không có nhu cầu sử dụng.

3.6. "Mua, bán nợ, tài sản tồn đọng" là việc chủ nợ có nợ phải thu, chủ tài sản có tài sản tồn đọng bán cho Công ty mua, bán nợ. Công ty mua, bán nợ trở thành chủ nợ mới của khách nợ, chủ sở hữu mới của tài sản.

3.7. "Mua, bán nợ, tài sản tồn đọng theo chỉ định" là việc mua, bán nợ, tài sản tồn đọng theo chỉ định của Thủ tướng Chính phủ.

4. Công ty mua, bán nợ được quyền mua, bán, xử lý các khoản nợ, tài sản tồn đọng bao gồm cả giá trị quyền sử dụng đất theo giá thoả thuận và theo chỉ định; có quyền bán các tài sản cầm cố, thế chấp cho các khoản nợ Công ty mua, bán nợ đã mua bao gồm cả giá trị quyền sử dụng đất theo qui định hiện hành.

5. Các doanh nghiệp và tổ chức thuộc mọi thành phần kinh tế được quyền mua, bán các khoản nợ và tài sản tồn đọng theo giá thoả thuận cho Công ty mua bán nợ.

6. Khi Hợp đồng mua, bán nợ, tài sản tồn đọng có hiệu lực, các bên có quyền và nghĩa vụ như sau:

- Toàn bộ quyền và nghĩa vụ của chủ nợ (bên bán nợ), chủ tài sản (bên bán tài sản) được chuyển giao cho Công ty mua, bán nợ.

- Chủ nợ, chủ tài sản có trách nhiệm chuyển giao đầy đủ nợ, tài sản kèm theo hồ sơ, tài liệu có liên quan theo đúng qui định của hợp đồng và các qui định pháp luật hiện hành. Đồng thời có trách nhiệm thông báo cho khách nợ biết việc chuyển đổi chủ nợ đối với khoản nợ đã bán.

- Công ty mua, bán nợ được kế thừa đầy đủ các quyền và nghĩa vụ của chủ nợ đối với khoản nợ đã mua, có các quyền và nghĩa vụ của chủ tài sản đối với tài sản đã mua.

- Khách nợ có trách nhiệm thực hiện đầy đủ nghĩa vụ trả nợ và các nghĩa vụ khác đối với Công ty mua, bán nợ (như: cung cấp tài liệu, thông tin liên quan đến khoản nợ).

7. Đối với các khoản nợ và tài sản tồn đọng đã mua hoặc nợ, tài sản tồn đọng được Nhà nước giao xử lý, Công ty mua, bán nợ được phép xử lý theo các hình thức sau: thu nợ, bán tài sản đảm bảo; cho thuê tài sản tồn đọng; sử dụng nợ, tài sản tồn đọng để góp vốn cổ phần, góp vốn liên doanh, hợp tác kinh doanh; bán nợ, tài sản tồn đọng; sửa chữa, nâng cấp tài sản tồn đọng để bán, cho thuê, góp vốn cổ phần, góp vốn liên doanh, hợp tác kinh doanh; hoặc các hình thức khác mà pháp luật không cấm. Trình tự, thủ tục và thẩm quyền xử lý nợ và tài sản tồn đọng của Công ty mua, bán nợ được Bộ trưởng Bộ Tài chính qui định cụ thể trong Quy chế quản lý tài chính của Công ty mua, bán nợ.

8. Hoạt động mua, bán nợ và tài sản tồn đọng phải lập chứng từ theo qui định hiện hành.

9. Bên mua nợ có trách nhiệm theo dõi, hạch toán chi phí mua nợ và tài sản tồn đọng theo giá (bao gồm giá mua nợ, giá mua tài sản tồn đọng ghi trên chứng từ, chi phí vận chuyển tài sản, chi phí sửa chữa, nâng cấp tài sản - nếu có) và theo dõi giá trị nợ gốc của khoản nợ trên tài khoản ngoại bảng.

10. Các doanh nghiệp, tổ chức kinh tế khi mua các khoản nợ và tài sản tồn đọng của Công ty mua, bán nợ thực hiện theo giá cả thị trường bằng các hình thức thoả thuận, đầu giá, đấu thầu theo qui định hiện hành. Trình tự, thủ tục và xử lý tài chính được áp dụng như đối với hoạt động bán nợ và tài sản tồn đọng của Công ty mua, bán nợ.

11. Hoạt động mua, bán, thu hồi, xử lý nợ tồn đọng bao gồm cả bán tài sản cầm cố, thế chấp để thu hồi nợ qui định tại Thông tư này không thuộc đối tượng chịu thuế giá trị gia tăng.

Phần thứ hai

QUI ĐỊNH CỤ THỂ

I. ĐỐI VỚI HOẠT ĐỘNG MUA, BÁN NỢ VÀ TÀI SẢN TỒN ĐỌNG THEO THOẢ THUẬN

1. Trình tự, thủ tục thực hiện mua, bán nợ và tài sản tồn đọng

1.1. Công ty mua, bán nợ, các chủ nợ có nợ tồn đọng chủ động tiếp cận để tìm hiểu nhu cầu mua, bán nợ. Khi có nhu cầu bán nợ, chủ nợ cung cấp cho Công ty mua, bán nợ tài liệu liên quan đến khoản nợ.

1.2. Việc mua, bán nợ được thực hiện trên cơ sở hợp đồng ký kết giữa hai bên.

1.3. Việc mua, bán nợ và tài sản tồn đọng theo giá cả thị trường bằng các phương thức thoả thuận, đấu thầu, đấu giá theo qui định hiện hành.

2. Xử lý tài chính đối với hoạt động mua, bán, xử lý nợ

2.1. Đối với Công ty mua, bán nợ:

Khoản nợ đã mua được coi như một loại hàng hoá đặc biệt. Doanh thu, chi phí, kết quả kinh doanh liên quan đến hoạt động mua, bán nợ được quy định trong Quy chế tài chính của Công ty mua bán nợ.

2.2. Đối với bên bán nợ

a. Trường hợp khoản nợ bán là khoản nợ phải thu không có khả năng thu hồi mà chủ nợ đã xử lý theo qui định của Nhà nước và đang theo dõi tại tài khoản ngoài bảng cân đối kế toán thì số tiền thu hồi được từ việc bán khoản nợ này được tính vào thu nhập khác của bên bán.

b. Trường hợp khoản nợ bán là khoản nợ đang theo dõi trong bảng Cân đối kế toán (nội bảng) thì số tiền bán khoản nợ không tính vào doanh thu hoặc thu nhập khác của bên bán nợ mà ghi giảm khoản phải thu tương ứng. Chênh lệch giữa số tiền thu được khi bán nợ với giá trị khoản nợ ghi trên sổ kế toán được bù đắp bằng các nguồn theo thứ tự sau đây:

- Dự phòng khoản phải thu khó đòi hoặc dự phòng rủi ro (đối với tổ chức tín dụng).

- Nếu nguồn dự phòng các khoản phải thu khó đòi hoặc dự phòng rủi ro không đủ bù đắp, thì phần còn thiếu được hạch toán vào chi phí hoạt động kinh doanh.

+ Đối với doanh nghiệp nhà nước: Trường hợp hạch toán vào chi phí hoạt động kinh doanh trong 02 (hai) năm liên tiếp mà doanh nghiệp bị lỗ không có khả năng bù đắp và doanh nghiệp không thuộc trường hợp phải giải thể, phá sản thì doanh nghiệp lập hồ sơ báo cáo cơ quan nhà nước có thẩm quyền xem xét, quyết định giảm vốn Nhà nước tại doanh nghiệp theo qui định hiện hành.

+ Đối với doanh nghiệp nhà nước đang thực hiện chuyển đổi sở hữu: Trường hợp tính vào chi phí kinh doanh bị lỗ thì được trừ vào phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp trước khi chuyển đổi tương ứng với phần lỗ.

2.3. Đối với khách nợ

Sau khi thực hiện xong việc thanh toán nợ, trường hợp số tiền thực trả được Công ty mua bán nợ chấp nhận thấp hơn giá trị khoản nợ hạch toán trên sổ kế toán thì khoản chênh lệch được hạch toán vào thu nhập khác.

Trường hợp giá trị thực tế khoản nợ góp vốn cổ phần, góp vốn liên doanh, hợp tác kinh doanh được Công ty mua, bán nợ chấp nhận thấp hơn giá trị khoản nợ theo sổ sách kế toán thì khoản chênh lệch được hạch toán vào thu nhập khác.

3. Xử lý tài chính đối với hoạt động mua, bán tài sản tồn đọng

3.1. Đối với Công ty mua, bán nợ:

Tài sản đã mua được coi là hàng hoá. Doanh thu, chi phí, kết quả kinh doanh liên quan đến hoạt động mua, bán tài sản được thực hiện theo qui định tại Qui chế quản lý tài chính của Công ty mua, bán nợ.

3.2. Đối với bên bán tài sản là doanh nghiệp:

- Doanh nghiệp được nhượng bán các tài sản không cần dùng, lạc hậu về kỹ thuật để thu hồi vốn sử dụng cho mục đích kinh doanh có hiệu quả hơn. Riêng đối với doanh nghiệp Nhà nước, thẩm quyền quyết định bán tài sản và qui trình nhượng bán tài sản thực hiện theo qui định hiện hành của Nhà nước.

- Số tiền bán tài sản sau khi trừ đi chi phí nhượng bán phải hoàn lại vốn (giá trị tài sản còn lại trên sổ kế toán). Trường hợp số tiền bán tài sản (sau khi trừ chi phí nhượng bán) lớn hơn giá trị còn lại của tài sản trên sổ kế toán thì số chênh lệch được hạch toán vào thu nhập của doanh nghiệp. Trường hợp ngược lại, nếu nhỏ hơn thì số chênh lệch được hạch toán vào chi phí của doanh nghiệp.

II. ĐỐI VỚI HOẠT ĐỘNG MUA, BÁN NỢ VÀ TÀI SẢN TỒN ĐỌNG THEO CHỈ ĐỊNH

1. Đối tượng được thực hiện bán các khoản nợ và tài sản tồn đọng theo chỉ định

1.1. Các doanh nghiệp nhà nước thực hiện cổ phần hoá, trường hợp giá trị phần vốn Nhà nước tại doanh nghiệp không đủ để xử lý lỗ luỹ kế và nợ không có khả năng thu hồi hoặc sau khi xử lý giảm giá trị phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp mà giá trị còn lại không còn đủ để đảm bảo mức vốn Nhà nước cần tham gia trong công ty cổ phần theo phương án được duyệt theo quy định hiện hành.

1.2. Các doanh nghiệp Nhà nước cần giữ lại là doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước theo đề án sắp xếp, đổi mới và phát triển doanh nghiệp được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt mà bị thua lỗ, không có khả năng thanh toán nợ, có các khoản nợ và tài sản tồn đọng phát sinh do các nguyên nhân sau đây:

- Do thực hiện các quyết định của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

- Do việc thay đổi cơ chế, chính sách của Nhà nước tác động trực tiếp đến doanh nghiệp.

- Do các nguyên nhân khách quan, bất khả kháng khác như: thiên tai, dịch bệnh.

1.3. Các đối tượng khác theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

2. Trình tự, thủ tục mua, bán nợ và tài sản theo chỉ định

2.1. Các doanh nghiệp có các khoản nợ và tài sản tồn đọng thuộc đối tượng quy định tại điểm 1, mục II, phần thứ hai của Thông tư này có trách nhiệm lập hồ sơ liên quan đến các khoản nợ và tài sản tồn đọng, bao gồm:

- Tờ trình xử lý nợ, tài sản tồn đọng: trong đó nêu rõ lý do đề nghị được bán nợ, tài sản tồn đọng theo chỉ định.

- Phương án kinh doanh có hiệu quả được cấp có thẩm quyền duyệt (đối với trường hợp 1.2 mục II).

- Biên bản xác định giá trị doanh nghiệp trước khi chuyển đổi của Hội đồng xác định giá trị doanh nghiệp (đối với trường hợp 1.1 mục II).

- Các tài liệu liên quan đến khoản nợ và tài sản tồn đọng như: quyết định của cơ quan có thẩm quyền liên quan đến khoản nợ, tài sản tồn đọng, Hợp đồng kinh tế, biên bản đối chiếu công nợ, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất…

- Báo cáo tài chính 03 năm gần nhất.

2.2. Hồ sơ được gửi đến đại diện chủ sở hữu doanh nghiệp (Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, Hội đồng quản trị Tổng công ty Nhà nước), Bộ Tài chính.

2.3. Trong thời hạn 45 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ, Đại diện chủ sở hữu doanh nghiệp chủ trì cùng với các cơ quan chức năng có liên quan định giá bán khoản nợ và tài sản tồn đọng và gửi Bộ Tài chính để trình Thủ tướng Chính phủ quyết định.

2.4. Căn cứ quyết định mua nợ và tài sản theo chỉ định, Công ty mua, bán nợ và các doanh nghiệp có các khoản nợ và tài sản tồn đọng ký kết hợp đồng mua, bán nợ và tài sản theo qui định.

2.5. Công ty mua, bán nợ có trách nhiệm tổ chức xử lý nợ, tài sản tồn đọng mua chỉ định theo phương thức thoả thuận, đấu thầu, đấu giá theo qui định hiện hành và hướng dẫn tại Quy chế tài chính của Công ty.

Các tài sản mua theo chỉ định cần thiết phải sửa chữa, nâng cấp nhằm mục đích tăng giá trị và tạo thuận lợi cho việc xử lý tài sản tồn đọng để thu hồi vốn, Công ty mua, bán nợ sử dụng nguồn vốn của mình để tiến hành sửa chữa, nâng cấp tài sản tồn đọng. Đối với những tài sản có giá trị sửa chữa, nâng cấp dự kiến từ 1 tỷ đồng trở lên, Công ty mua, bán nợ phải xây dựng phương án sửa chữa, nâng cấp trình Bộ Tài chính xem xét, quyết định trước khi thực hiện.

Trường hợp sau (02) hai năm kể từ thời điểm mua, Công ty mua, bán nợ đã sử dụng các biện pháp, hình thức để thu hồi nợ, bán tài sản tồn đọng mà vẫn không thu hồi được, không bán được thì Công ty mua, bán nợ có văn bản báo cáo Bộ trưởng Bộ Tài chính phương án xử lý.

3. Xử lý tài chính đối với hoạt động mua, bán nợ và tài sản tồn đọng theo chỉ định

3.1. Đối với Công ty mua, bán nợ

- Khi tiến hành mua nợ và tài sản tồn đọng theo chỉ định, Công ty mua, ban nợ được Bộ Tài chính cấp tiền từ nguồn chi phí cải cách doanh nghiệp Nhà nước để:

+ Thanh toán cho bên bán theo giá của phương án chỉ định sau khi hai bên ký hợp đồng mua, bán.

+ Bù đắp chi phí hoạt động, tiếp nhận, quản lý các khoản nợ và tài sản tồn đọng bằng 1% tính trên giá trị khoản nợ, giá trị tài sản tồn đọng theo giá của phương án chỉ định.

- Giá trị thu hồi khoản nợ (do thu nợ từ khách hàng, bán tài sản đảm bảo hoặc bán nợ), bán tài sản tồn đọng được xử lý như sau:

+ Bù đắp chi phí sửa chữa, nâng cấp tài sản (nếu có)

+ Trích 10% số tiền nợ và tài sản thu hồi được để Công ty mua, bán nợ bù đắp chi phí định giá, đấu giá (nếu có) và khuyến khích xử lý nhanh, hiệu quả các khoản nợ và tài sản tồn đọng mua theo chỉ định nhằm thu hồi vốn cho Nhà nước.

+ Phần còn lại nộp ngân sách Nhà nước (nguồn chi phí cải cách doanh nghiệp Nhà nước).

- Trường hợp Công ty mua, bán nợ sử dụng khoản nợ và tài sản tồn đọng để chuyển thành vốn góp cổ phần, vốn góp liên doanh, hợp tác kinh doanh thì giá trị vốn góp sau khi trừ (-) chi phí sửa chữa, nâng cấp tài sản, chi phí định giá (nếu có), được ghi tăng vốn ngân sách Nhà nước cấp cho hoạt động của Công ty mua, bán nợ.

- Hàng quý, Công ty mua bán nợ báo cáo Bộ Tài chính về kết quả mua, bán, xử lý nợ, tài sản tồn đọng theo chỉ định.

3.2. Đối với doanh nghiệp bán nợ và tài sản tồn đọng

Đối với doanh nghiệp bán nợ và tài sản tồn đọng việc xử lý tài chính thực hiện theo qui định tại tiết 2.2, điểm 2, Mục I, Phần thứ hai và điểm 3, Mục I, Phần thứ hai của Thông tư này.

3.3. Đối với khách nợ

Đối với khách nợ, việc xử lý tài chính thực hiện theo qui định tại tiết 2.3, điểm 2, Mục I, Phần thứ hai của Thông tư này.

III. ĐỐI VỚI HOẠT ĐỘNG BÀN GIAO, TIẾP NHẬN, XỬ LÝ NỢ VÀ TÀI SẢN KHÔNG TÍNH VÀO GIÁ TRỊ DOANH NGHIỆP KHI CHUYỂN ĐỔI SỞ HỮU DOANH NGHIỆP NHÀ NƯỚC

1. Bàn giao, tiếp nhận

1.1. Bên giao:

1.1.1. Đại diện chủ sở hữu các khoản nợ và tài sản đã loại trừ không tính vào giá trị doanh nghiệp khi chuyển đổi sở hữu doanh nghiệp nhà nước: các Bộ, cơ quan ngang Bộ đối với doanh nghiệp trực thuộc Bộ, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đối với doanh nghiệp do Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quyết định thành lập và Hội đồng quản trị các Tổng công ty Nhà nước đối với các doanh nghiệp thành viên của Tổng công ty. Đại diện chủ sở hữu có thể uỷ quyền cho doanh nghiệp hiện đang giữ hộ nợ và tài sản thực hiện việc bàn giao.

1.1.2. Doanh nghiệp chuyển đổi sở hữu hiện đang giữ hộ nợ và tài sản đã loại trừ khỏi giá trị doanh nghiệp.

1.2. Bên nhận là Công ty mua, bán nợ.

1.3. Nội dung giao nhận nợ và tài sản

- Nợ phải thu:

+ Bên giao phân loại theo các tiêu thức: có đủ hồ sơ, không đủ hồ sơ; khách nợ còn tồn tại, khách nợ không còn tồn tại.

+ Thực hiện bàn giao, tiếp nhận những khoản nợ có đủ hồ sơ và khách nợ còn tồn tại.

+ Đối với các khoản nợ, khách nợ không còn tồn tại, khoản nợ không đủ hồ sơ do bên giao tự xử lý, không thuộc diện bàn giao cho Công ty mua, bán nợ.

- Tài sản:

+ Bên giao phân loại tài sản theo tiêu thức: tài sản có thể bán được, tài sản thuộc diện huỷ bỏ.

+ Thực hiện bàn giao, tiếp nhận những tài sản có thể bán được để thu hồi vốn cho Nhà nước.

+ Đối với những tài sản thuộc diện phải huỷ bỏ như: hoá chất, thuốc trừ sâu đã quá thời hạn sử dụng, nguyên liệu da thuộc đã thối, mục, nát…, bên giao tự xử lý, không thuộc diện bàn giao cho Công ty mua, bán nợ.

2. Thủ tục giao nhận

2.1. Đại diện chủ sở hữu (hoặc người được uỷ quyền) cùng với doanh nghiệp đang giữ hộ nợ, tài sản loại ra khỏi giá trị doanh nghiệp hoặc doanh nghiệp đang chuyển đổi sở hữu đã có quyết định giá trị doanh nghiệp (gọi chung là doanh nghiệp) thực hiện bàn giao nợ, tài sản cho Công ty mua, bán nợ.

2.2. Khi giao, nhận phải lập Biên bản bàn giao. Biên bản phải có chữ ký của ba bên (bên giao, doanh nghiệp và Công ty mua, bán nợ). Nội dung chính của Biên bản gồm:

- Số lượng, giá trị theo sổ kế toán các khoản nợ, tài sản đã loại trừ không tính vào giá trị doanh nghiệp tại thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp và tại thời điểm bàn giao.

- Số lượng, giá trị theo sổ kế toán các khoản nợ và tài sản đã xử lý trong thời gian từ khi xác định giá trị doanh nghiệp đến khi bàn giao cho Công ty mua, bán nợ; Số tiền thu được do xử lý nợ, tài sản; số đã nộp theo qui định, số chưa nộp.

- Số lượng, giá trị theo sổ kế toán tài sản thiếu hụt. Nêu rõ nguyên nhân.

- Số lượng, giá trị tài sản thuộc diện huỷ bỏ ngay.

- Số lượng, giá trị khoản nợ khách nợ không còn tồn tại, không đủ hồ sơ… bên giao tự xử lý.

- Số lượng, giá trị các khoản nợ, tài sản bàn giao cho Công ty mua bán nợ.

3. Trách nhiệm các bên giao, nhận

3.1. Bên giao:

3.1.1. Cơ quan đại diện Chủ sở hữu:

- Chỉ đạo doanh nghiệp chuẩn bị hồ sơ, tài liệu liên quan đến nợ, tài sản cần bàn giao. Cùng với Công ty mua, bán nợ và doanh nghiệp lập kế hoạch và thực hiện bàn giao toàn bộ nợ và tài sản không tính vào giá trị doanh nghiệp khi chuyển đổi sở hữu.

- Chỉ đạo doanh nghiệp thực hiện xử lý tài sản thuộc diện phải huỷ bỏ, những khoản nợ khách nợ không còn tồn tại hoặc không đủ hồ sơ.

3.1.2. Doanh nghiệp:

Chuẩn bị đầy đủ hồ sơ, tài liệu liên quan để thực hiện cùng bàn giao toàn bộ nợ, tài sản không tính vào giá trị doanh nghiệp khi chuyển đổi sở hữu doanh nghiệp nhà nước cho Công ty mua, bán nợ. Tiếp tục giữ hộ tài sản theo yêu cầu của Công ty mua, bán nợ và phối hợp với Công ty mua, bán nợ trong việc xử lý tài sản đang giữ hộ. Tổ chức xử lý tài sản phải huỷ bỏ và những khoản nợ khách nợ không còn tồn tại, hoặc không đủ hồ sơ theo qui định hiện hành.

3.2. Bên nhận:

- Thống nhất với bên giao về kế hoạch tiếp nhận.

- Tổ chức tiếp nhận công nợ, tài sản và hồ sơ, tài liệu kèm theo, mở sổ kế toán theo dõi nợ và tài sản tồn đọng đã nhận bàn giao.

- Thực hiện thu hồi nợ, xử lý tài sản đã tiếp nhận theo qui định tại điểm 2.5, Mục II, Phần thứ hai của Thông tư này.

- Hàng quý, Công ty mua bán nợ báo cáo Bộ Tài chính về kết quả xử lý nợ, bán tài sản đã tiếp nhận.

4. Xử lý tài chính đối với các khoản nợ và tài sản khi bàn giao, tiếp nhận

4.1. Đối với Công ty mua, bán nợ

- Số tiền thu được từ việc thu hồi nợ, bán, khai thác tài sản tồn đọng được sử dụng như sau:

+ Bù đắp chi phí sửa chữa, nâng cấp tài sản (nếu có).

+ Trích 20% số tiền nợ và tài sản thu hồi để lại cho Công ty mua bán nợ để bù đắp chi phí tiếp nhận, quản lý nợ, tài sản; bù đắp chi phí định giá, đấu giá (nếu có) và khuyến khích xử lý nhanh, có hiệu quả các khoản nợ và tài sản được giao để thu hồi vốn cho Nhà nước.

+ Trích 10% số tiền nợ và tài sản thu hồi chuyển trả doanh nghiệp giữ hộ tài sản để bù đắp các chi phí quản lý, giữ hộ và xử lý hoặc tổ chức tiêu huỷ các tài sản không được bàn giao cho Công ty mua, bán nợ (thuộc diện doanh nghiệp phải tiêu huỷ).

+ Số còn lại Công ty mua, bán nợ nộp ngân sách Nhà nước (nguồn chi phí cải cách doanh nghiệp Nhà nước).

- Trường hợp Công ty mua, bán nợ sử dụng khoản nợ và tài sản tồn đọng nhận bàn giao để chuyển thành vốn góp cổ phần, vốn góp liên doanh, hợp tác kinh doanh thì giá trị được tính để chuyển thành vốn góp theo các hình thức này sau khi trừ (-) chi phí sửa chữa, nâng cấp tài sản (nếu có), được ghi tăng vốn ngân sách Nhà nước cấp cho hoạt động của Công ty mua, bán nợ.

4.2. Đối với doanh nghiệp: Căn cứ biên bản bàn giao nợ và tài sản, doanh nghiệp xử lý giảm giá trị tài sản, nợ bàn giao tương ứng. Doanh nghiệp được hưởng số tiền do giữ hộ và tham gia bán tài sản qui định tại điểm 4.1.Mục III - Phần thứ hai của Thông tư này.

4.3. Đối với các Tổng công ty Nhà nước: Khi thực hiện bàn giao các khoản nợ, tài sản loại ra khỏi giá trị doanh nghiệp cho Công ty mua, bán nợ, chủ sở hữu được hạch toán giảm vốn tương ứng.

4.4.Đối với khách nợ: Đối với khách nợ, việc xử lý tài chính thực hiện theo qui định tại tiết 2.3, điểm 2, Mục I - Phần thứ hai của Thông tư này.

Phần thứ ba

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Thông tư này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày kể từ ngày đăng công báo. Các qui định khác trái với Thông tư này đều bãi bỏ. Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc đề nghị các Bộ, ngành, các địa phương, doanh nghiệp phản ánh về Bộ Tài chính để nghiên cứu, giải quyết.

 

 

Lê Thị Băng Tâm

(Đã ký)