Hệ thống pháp luật

BỘ TÀI CHÍNH
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 312/2016/TT-BTC

Hà Nội, ngày 24 tháng 11 năm 2016

 

THÔNG TƯ

QUY ĐỊNH CHẾ ĐỘ TÀI CHÍNH ĐỐI VỚI BẢO HIỂM TIỀN GỬI VIỆT NAM

Căn cứ Luật Bảo hiểm tiền gửi số 06/2012/QH13 ngày 18 tháng 6 năm 2012;

Căn cứ Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp số 69/2014/QH13 ngày 26 tháng 11 năm 2014;

Căn cứ Nghị định số 68/2013/NĐ-CP ngày 28 tháng 6 năm 2013 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Bảo hiểm tiền gửi;

Căn cứ Nghị định số 215/2013/NĐ-CP ngày 23 tháng 12 năm 2013 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính;

Căn cứ Nghị định số 91/2015/NĐ-CP ngày 13 tháng 10 năm 2015 về đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp và quản lý, sử dụng vốn, tài sản tại doanh nghiệp;

Căn cứ Nghị định số 87/2015/NĐ-CP ngày 06 tháng 10 năm 2015 của Chính phủ về giám sát đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp; giám sát tài chính, đánh giá hiệu quả hoạt động và công khai thông tin tài chính của doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp có vốn nhà nước;

Căn cứ Quyết định số 1394/QĐ-TTg ngày 13 tháng 8 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam;

Căn cứ Quyết định số 1395/QĐ-TTg ngày 13 tháng 8 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt điều lệ về tổ chức và hoạt động của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam;

Căn cứ Quyết định số 527/QĐ-TTg ngày 01/4/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Điều lệ về tổ chức hoạt động của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam ban hành kèm Quyết định số 1395/QĐ-TTg ngày 13 tháng 8 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ;

Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Tài chính các ngân hàng và tổ chức tài chính,

Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành Thông tư quy định chế độ tài chính đối với Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam.

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng

Thông tư này quy định chế độ tài chính đối với Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam được thành lập theo Quyết định số 1394/QĐ-TTg ngày 13 tháng 8 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam.

Điều 2. Nguyên tắc quản lý tài chính

1. Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam là tổ chức tài chính nhà nước, hoạt động theo mô hình Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ, có tư cách pháp nhân, có con dấu, có tài khoản riêng theo pháp luật Việt Nam, hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận, bảo đảm an toàn vốn và tự bù đắp chi phí.

2. Nguồn thu của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam được miễn nộp các loại thuế theo quy định của pháp luật.

3. Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam hạch toán tập trung toàn hệ thống, thực hiện thu, chi và quyết toán thu, chi tài chính theo các nội dung quy định tại Thông tư này và các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan.

Điều 3. Chế độ trách nhiệm

1. Hội đồng quản trị Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam chịu trách nhiệm trước pháp luật, trước các cơ quan quản lý nhà nước về quản lý an toàn vốn và tài sản, sử dụng vốn, chấp hành chế độ tài chính, kế toán và kiểm toán của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam.

2. Chế độ trách nhiệm của Chủ tịch và thành viên Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc, Phó Tổng giám đốc, Kiểm soát viên, Kế toán trưởng Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam thực hiện theo quy định của pháp luật về trách nhiệm đối với Chủ tịch và thành viên Hội đồng thành viên, Tổng Giám đốc, Phó Tổng giám đốc, Kiểm soát viên, Kế toán trưởng trong công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ.

Chương II

QUẢN LÝ VỐN VÀ TÀI SẢN

Điều 4. Vốn hoạt động của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam

Vốn hoạt động của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam bao gồm vốn điều lệ do ngân sách nhà nước cấp, nguồn thu từ phí bảo hiểm tiền gửi, các nguồn thu từ hoạt động đầu tư nguồn vốn tạm thời nhàn rỗi và các nguồn thu hợp pháp khác theo quy định của pháp luật, cụ thể như sau:

1. Vốn điều lệ:

a) Vốn điều lệ 5.000 tỷ đồng từ nguồn ngân sách nhà nước cấp và các nguồn vốn hợp pháp khác;

b) Khi có yêu cầu thay đổi mức vốn điều lệ, Hội đồng quản trị Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam báo cáo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam để Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chủ trì phối hợp với Bộ Tài chính trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

2. Quỹ dự phòng nghiệp vụ được hình thành từ các nguồn sau:

a) Tiền thu phí bảo hiểm tiền gửi hàng năm;

b) Thu nhập từ hoạt động đầu tư nguồn vốn tạm thời nhàn rỗi sau khi trích một phần để trang trải chi phí hoạt động của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam theo quy định tại khoản 3 Điều 6 Thông tư này;

c) Các khoản tiền bảo hiểm không có người nhận theo quy định tại khoản 6 Điều 26 Luật Bảo hiểm tiền gửi;

d) Số tiền còn lại (nếu có) từ việc thanh lý tài sản của tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi theo quy định tại khoản 2 Điều 16 Thông tư này;

đ) Chênh lệch thu chi tài chính còn lại hàng năm sau khi trích lập quỹ đầu tư phát triển và quỹ khen thưởng, phúc lợi theo quy định tại điểm đ khoản 2 Điều 21 Thông tư này (nếu có).

3. Quỹ đầu tư phát triển.

4. Vốn khác theo quy định của pháp luật, bao gồm:

a) Vốn tiếp nhận hỗ trợ theo quy định của Luật Bảo hiểm tiền gửi và các văn bản pháp luật liên quan;

b) Vốn tài trợ hợp pháp của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước (nếu có);

c) Các khoản chênh lệch do đánh giá lại tài sản (nếu có);

d) Chênh lệch thu chi chưa phân bổ cho các quỹ (nếu có);

đ) Vốn hợp pháp khác.

Điều 5. Nguyên tắc sử dụng vốn

1. Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam được sử dụng vốn để phục vụ hoạt động theo quy định của pháp luật. Việc sử dụng vốn của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam phải đảm bảo nguyên tắc bảo toàn, phát triển vốn.

2. Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam có trách nhiệm theo dõi toàn bộ vốn và tài sản hiện có, thực hiện hạch toán theo đúng chế độ kế toán, thống kê hiện hành, phản ánh đầy đủ, chính xác, kịp thời tình hình biến động vốn và tài sản trong quá trình hoạt động, quy định rõ trách nhiệm của từng bộ phận, cá nhân đối với các trường hợp làm thất thoát vốn, hư hỏng, mất mát tài sản.

3. Việc đầu tư, mua sắm tài sản cố định, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam thực hiện theo quy định của pháp luật đối với công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ. Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam được mua sắm, đầu tư vào tài sản cố định phục vụ hoạt động của mình theo nguyên tắc giá trị còn lại của tài sản cố định không vượt quá 30% giá trị vốn điều lệ và quỹ đầu tư phát triển hạch toán trên sổ sách kế toán. Việc đầu tư và mua sắm tài sản cố định phải tuân thủ các quy định của Nhà nước, đảm bảo thực hành tiết kiệm chống lãng phí và trong phạm vi kế hoạch năm được Hội đồng quản trị phê duyệt.

4. Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam được sử dụng nguồn vốn tạm thời nhàn rỗi để đầu tư, mua trái phiếu Chính phủ, tín phiếu Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và gửi tiền tại Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

5. Quỹ dự phòng nghiệp vụ được sử dụng để chi trả tiền bảo hiểm cho người gửi tiền theo quy định của pháp luật về bảo hiểm tiền gửi.

a) Trong trường hợp quỹ dự phòng nghiệp vụ không đủ để trả tiền bảo hiểm cho người gửi tiền, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam được tiếp nhận hỗ trợ hoặc vay của tổ chức tín dụng, tổ chức khác có bảo lãnh của Chính phủ theo quy định của Luật Bảo hiểm tiền gửi và các văn bản hướng dẫn.

b) Trong trường hợp Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam phải bán trái phiếu Chính phủ, tín phiếu Ngân hàng Nhà nước Việt Nam để trả tiền bảo hiểm cho người gửi tiền thì phần chênh lệch giữa giá bán và giá mua (chênh lệch dương hoặc chênh lệch âm) được hạch toán vào quỹ dự phòng nghiệp vụ.

Điều 6. Quản lý tiền thu được từ hoạt động đầu tư nguồn vốn tạm thời nhàn rỗi

1. Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam phải theo dõi, hạch toán riêng các khoản thu được từ hoạt động đầu tư nguồn vốn tạm thời nhàn rỗi theo quy định tại khoản 4 Điều 5 Thông tư này.

2. Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam được trích một phần nguồn thu từ hoạt động đầu tư nguồn vốn tạm thời nhàn rỗi để bù đắp chi phí.

a) Hàng năm Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam xây dựng mức trích từ nguồn thu hoạt động đầu tư nguồn vốn tạm thời nhàn rỗi để hạch toán vào thu nhập và gửi Bộ Tài chính trước ngày 30 tháng 10 năm trước năm kế hoạch, kèm theo phương án sử dụng vốn, dự kiến thu nhập, chi phí và các tài liệu khác có liên quan.

b) Trong vòng 60 ngày kể từ khi nhận đủ hồ sơ, căn cứ đề nghị của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam, Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam xác định mức cụ thể được trích cho năm kế hoạch cho Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam.

c) Mức trích được xem xét, thay đổi trên cơ sở ý kiến đề nghị của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam nếu trong năm kế hoạch, Nhà nước thay đổi chính sách về bảo hiểm tiền gửi hoặc có nguyên nhân khách quan bất khả kháng quy định tại khoản 4 Điều 7 Thông tư này ảnh hưởng đến nguồn thu từ hoạt động đầu tư nguồn vốn tạm thời nhàn rỗi của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam.

3. Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam hạch toán vào quỹ dự phòng nghiệp vụ số tiền còn lại sau khi trích một phần để trang trải chi phí hoạt động theo quy định tại khoản 2 Điều này.

Điều 7. Bảo toàn vốn của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam

1. Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam có trách nhiệm bảo toàn và phát triển vốn. Mọi biến động về tăng, giảm vốn nhà nước tại Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam phải báo cáo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Bộ Tài chính để theo dõi, giám sát.

2. Việc bảo toàn vốn nhà nước tại Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam được thực hiện bằng các biện pháp sau đây:

a) Thực hiện đúng chế độ quản lý sử dụng vốn, tài sản, phân phối chênh lệch thu chi, chế độ quản lý tài chính khác và chế độ kế toán theo quy định của pháp luật.

b) Mua bảo hiểm tài sản theo quy định của pháp luật.

c) Xử lý kịp thời giá trị tài sản tổn thất, các khoản nợ không có khả năng thu hồi và trích lập các khoản dự phòng rủi ro theo quy định của pháp luật.

d) Các biện pháp khác về bảo toàn vốn nhà nước tại Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam theo quy định của pháp luật.

3. Định kỳ hàng năm Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam phải đánh giá mức độ bảo toàn vốn của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam, phương pháp đánh giá như sau:

a) Kết quả hoạt động của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam không phát sinh chênh lệch thu chi âm hoặc có chênh lệch thu chi dương thì được đánh giá là bảo toàn vốn.

b) Kết quả hoạt động của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam phát sinh chênh lệch thu chi âm (bao gồm trường hợp còn âm chênh lệch thu chi lũy kế) thì được đánh giá là không bảo toàn được vốn.

4. Khi đánh giá mức độ bảo toàn vốn, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam được loại trừ các yếu tố khách quan ảnh hưởng đến vốn và thu nhập, gồm:

a) Nhà nước điều chỉnh chính sách về bảo hiểm tiền gửi: điều chỉnh mức phí bảo hiểm tiền gửi, điều chỉnh hạn mức chi trả tiền bảo hiểm;

b) Quỹ dự phòng nghiệp vụ của bảo hiểm tiền gửi việt nam sụt giảm do chi trả tiền bảo hiểm cho người gửi tiền tại tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi làm giảm nguồn vốn và thu nhập trong năm của bảo hiểm tiền gửi việt nam;

c) Thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh, chiến tranh và các nguyên nhân khách quan bất khả kháng khác.

Điều 8. Đầu tư, xây dựng, mua sắm tài sản cố định

Thẩm quyền quyết định, trình tự, thủ tục đầu tư, xây dựng, mua sắm tài sản cố định của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam thực hiện theo quy định của pháp luật đối với công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ, trong đó thẩm quyền quyết định dự án đầu tư, xây dựng, mua sắm tài sản cố định của Hội đồng quản trị Bảo hiểm tiền gửi thực hiện theo quy định của pháp luật về thẩm quyền đối với Hội đồng thành viên Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ.

Điều 9. Quy định nội bộ về quản lý tài sản tại Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam

Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam phải xây dựng và ban hành Quy chế nội bộ để quản lý, sử dụng các loại tài sản của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam; Quy chế phải xác định rõ việc phối hợp của từng bộ phận quản lý trong Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam, quy định rõ trách nhiệm bồi thường của từng bộ phận, cá nhân đối với các trường hợp làm hư hỏng, mất mát, gây tổn thất tài sản, thiệt hại cho Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam.

Điều 10. Kiểm kê, đánh giá lại tài sản

1. Kiểm kê tài sản:

Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam phải tổ chức kiểm kê tài sản định kỳ hoặc đột xuất khi khóa sổ kế toán để lập báo cáo tài chính năm; sau khi xảy ra thiên tai, địch họa; hoặc vì lý do nào đó gây ra biến động tài sản của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam; hoặc theo quy định của Nhà nước. Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam phải thống kê tài sản thừa, thiếu, xác định rõ nguyên nhân, trách nhiệm của tổ chức và cá nhân có liên quan và xác định mức bồi thường vật chất theo quy định.

Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam xử lý kiểm kê tài sản theo quy định của pháp luật đối với doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ.

2. Đánh giá lại tài sản:

a) Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam thực hiện đánh giá lại tài sản theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền;

b) Việc đánh giá lại tài sản phải theo đúng các quy định của Nhà nước. Các khoản chênh lệch tăng hoặc giảm giá trị do đánh giá lại tài sản quy định tại điểm a khoản này thực hiện theo quy định của pháp luật đối với từng trường hợp cụ thể.

Điều 11. Khấu hao tài sản cố định

Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam thực hiện trích khấu hao tài sản cố định theo quy định của pháp luật đối với doanh nghiệp.

Điều 12. Xử lý tổn thất tài sản

Mọi tổn thất tài sản của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam (trừ tổn thất thuộc cam kết bảo hiểm tiền gửi của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam) phải được lập biên bản xác định giá trị tổn thất, nguyên nhân, trách nhiệm và xử lý theo nguyên tắc sau:

1. Nếu tổn thất do nguyên nhân chủ quan thì người gây ra tổn thất phải bồi thường. Hội đồng quản trị Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam quyết định mức bồi thường và chịu trách nhiệm về quyết định của mình.

2. Tài sản đã mua bảo hiểm thì xử lý theo hợp đồng bảo hiểm.

3. Giá trị tổn thất sau khi đã thu hồi và bù đắp bằng tiền bồi thường của cá nhân, tập thể, của các tổ chức bảo hiểm, dự phòng rủi ro, phần thiếu được hạch toán vào chi phí trong kỳ.

4. Những trường hợp tổn thất do thiên tai, địch họa hoặc nguyên nhân bất khả kháng gây thiệt hại nghiêm trọng, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam không thể khắc phục được thì Hội đồng quản trị Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam lập phương án xử lý tổn thất báo cáo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam để trình Thủ tướng Chính phủ quyết định.

5. Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam có trách nhiệm xử lý kịp thời các khoản tổn thất tài sản, trường hợp để các khoản tổn thất tài sản không được xử lý theo đúng quy định thì Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.

Điều 13. Cho thuê tài sản

1. Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam được quyền cho thuê tài sản theo nguyên tắc có hiệu quả, bảo toàn và phát triển vốn theo quy định của pháp luật đối với doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ.

2. Việc sử dụng tài sản để cho thuê phải tuân theo đúng các quy định của Bộ luật Dân sự và các quy định của pháp luật khác có liên quan.

Điều 14. Thanh lý, nhượng bán tài sản cố định

1. Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam được quyền chủ động và thực hiện nhượng bán, thanh lý tài sản cố định đã hư hỏng, lạc hậu kỹ thuật, không có nhu cầu sử dụng hoặc không sử dụng được để thu hồi vốn trên nguyên tắc công khai, minh bạch, bảo toàn vốn theo quy định của pháp luật hiện hành.

2. Thẩm quyền quyết định, phương thức, trình tự, thủ tục thanh lý, nhượng bán tài sản cố định của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam thực hiện theo quy định của pháp luật đối với Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ, trong đó thẩm quyền quyết định phương án thanh lý, nhượng bán tài sản cố định của Hội đồng quản trị Bảo hiểm tiền gửi thực hiện theo quy định về thẩm quyền đối với Hội đồng thành viên Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ.

Điều 15. Quản lý nợ phải thu, nợ phải trả

Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam thực hiện quản lý nợ phải thu, nợ phải trả theo đúng quy định của pháp luật đối với Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ.

Điều 16. Xử lý số tiền thu được từ thanh lý tài sản của tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi bị phá sản

1. Việc thanh lý tài sản của tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi bị phá sản thực hiện theo quy định của pháp luật.

2. Số tiền Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam thu được từ thanh lý tài sản của tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi được bổ sung vào quỹ dự phòng nghiệp vụ.

Chương III

THU NHẬP, CHI PHÍ

Điều 17. Quản lý các khoản thu và chi phí của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam

1. Hội đồng quản trị Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam chịu trách nhiệm trước Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và trước pháp luật trong việc tổ chức quản lý chặt chẽ, đảm bảo tính đúng đắn, trung thực, hợp pháp của các khoản thu và chi phí của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam.

2. Toàn bộ các khoản thu và chi phí phát sinh trong hoạt động của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam phải có đầy đủ hồ sơ, chứng từ theo quy định của pháp luật và phản ánh đầy đủ trong sổ kế toán của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam theo chế độ kế toán do Bộ Tài chính quy định.

3. Các khoản thu và chi phí của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam được xác định bằng đồng Việt Nam, trường hợp thu hoặc chi bằng ngoại tệ phải quy đổi về đồng Việt Nam theo quy định của pháp luật hiện hành.

4. Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam phải tính đúng, tính đủ chi phí hoạt động, tự trang trải mọi khoản chi phí bằng các khoản thu của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam và tự chịu trách nhiệm về kết quả hoạt động của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam.

Điều 18. Các khoản thu của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam

1. Các khoản thu của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam bao gồm:

1.1. Thu hoạt động tài chính: là khoản thu được trích một phần từ nguồn thu hoạt động đầu tư nguồn vốn tạm thời nhàn rỗi hàng năm theo quy định tại khoản 2 Điều 6 Thông tư này.

1.2. Thu hoạt động nghiệp vụ bảo hiểm tiền gửi:

a) Thu tiền phạt tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi vi phạm về xác định số phí bảo hiểm tiền gửi phải nộp và thời hạn nộp phí bảo hiểm tiền gửi theo quy định;

b) Thu hoạt động nghiệp vụ bảo hiểm tiền gửi khác có liên quan.

1.3. Thu hoạt động khác:

a) Thu thanh lý, nhượng bán tài sản;

b) Thu cho thuê tài sản;

c) Thu phí dịch vụ tư vấn, đào tạo cán bộ cho tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi;

d) Các khoản thu khác theo quy định của pháp luật.

2. Nguyên tắc hạch toán thu

Các khoản thu của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam phải được xác định phù hợp với các chuẩn mực kế toán và các quy định của pháp luật có liên quan, có hóa đơn hoặc chứng từ hợp lệ và phải được hạch toán đầy đủ vào doanh thu. Riêng đối với khoản thu hoạt động tài chính:

2.1. Cuối mỗi tháng hoặc quý, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam căn cứ vào tỷ lệ được phép trích trên số tiền thu được từ hoạt động đầu tư nguồn vốn tạm thời nhàn rỗi hàng năm theo quy định tại khoản 2 Điều 6 Thông tư này để trang trải chi phí hoạt động và số tiền thu được từ hoạt động đầu tư vốn tạm thời nhàn rỗi của tháng, quý đó để tạm trích và hạch toán vào thu nhập (bằng tỷ lệ nhân với (x) số thu từ đầu tư nguồn vốn tạm thời nhàn rỗi); hạch toán số thu nhập từ hoạt động đầu tư nguồn vốn tạm thời nhàn rỗi còn lại vào quỹ dự phòng nghiệp vụ. Trường hợp tỷ lệ được trích từ số tiền thu được của hoạt động đầu tư nguồn vốn tạm thời nhàn rỗi để trang trải chi phí hoạt động chưa được Bộ Tài chính phê duyệt, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam tạm trích vào thu nhập theo mức bằng 80% tỷ lệ được trích của năm trước liền kề.

2.2. Cuối năm, căn cứ vào số tiền thu được từ hoạt động đầu tư vốn tạm thời nhàn rỗi của năm, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam có trách nhiệm hạch toán chính xác số thu vào thu nhập và thu nhập từ hoạt động đầu tư nguồn vốn tạm thời nhàn rỗi sau khi trích một phần để bù đắp chi phí theo quy định tại khoản 2 Điều 6 Thông tư này vào quỹ dự phòng nghiệp vụ.

2.3. Sau khi có Báo cáo kết quả kiểm toán Báo cáo tài chính năm của Kiểm toán Nhà nước hoặc các kết luận của các cơ quan có thẩm quyền về thu chi tài chính của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam, trường hợp số thu từ đầu tư vốn tạm thời nhàn rỗi có thay đổi, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam có trách nhiệm điều chỉnh việc phân bổ số thu vào thu nhập và thu nhập từ hoạt động đầu tư nguồn vốn tạm thời nhàn rỗi sau khi trích một phần để bù đắp chi phí theo quy định tại khoản 2 Điều 6 Thông tư này vào quỹ dự phòng nghiệp vụ.

Điều 19. Các khoản chi của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam

1. Các khoản chi của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam bao gồm:

1.1. Chi trả lãi tiền vay đối với các khoản vốn đi vay trong trường hợp vốn của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam tạm thời không đủ để trả tiền bảo hiểm theo quy định tại khoản 12 Điều 13 Luật Bảo hiểm tiền gửi.

1.2. Chi phí dịch vụ thanh toán, ủy thác.

1.3. Chi phí liên quan đến việc tham gia quá trình kiểm soát đặc biệt; tham gia quản lý, thanh lý tài sản của tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi.

1.4. Chi trả phí dịch vụ thu nợ (nếu có) cho các tổ chức được phép thực hiện dịch vụ thu nợ theo quy định của pháp luật để thu hồi các khoản nợ quá hạn khó đòi và các khoản nợ Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam trở thành chủ nợ khi tham gia thanh lý tài sản của các tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi bị phá sản theo quy định của pháp luật.

1.5. Chi chênh lệch tỷ giá theo quy định tại chuẩn mực kế toán và các quy định của pháp luật.

1.6. Chi cho công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và tuyên truyền chính sách về bảo hiểm tiền gửi. Nội dung và mức chi được thực hiện theo quy định của pháp luật. Tổng mức chi của khoản chi này không vượt quá 3% tổng chi phí hợp lý, hợp lệ.

1.7. Chi cho cán bộ, nhân viên:

a) Chi phí tiền lương, thù lao của người quản lý Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam theo hướng dẫn của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội;

b) Chi phí tiền lương, tiền công và các khoản chi mang tính chất tiền lương phải trả cho người lao động do Hội đồng quản trị quyết định theo hướng dẫn của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội;

c) Chi tiền ăn ca cho cán bộ, nhân viên theo quy định của pháp luật về thuế thu nhập doanh nghiệp;

d) Chi cho lao động nữ theo chế độ quy định;

đ) Chi trang phục giao dịch bằng tiền, bằng hiện vật; mức chi tối đa không quá mức chi trang phục giao dịch bằng tiền theo quy định pháp luật về thuế thu nhập doanh nghiệp;

e) Chi bảo hộ lao động theo quy định;

g) Chi trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm;

h) Chi khám chữa bệnh định kỳ cho người lao động và các khoản chi y tế theo chế độ quy định;

i) Chi thanh toán tiền nghỉ phép hàng năm;

k) Chi phí bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, kinh phí công đoàn và các khoản đóng góp khác theo chế độ quy định;

l) Khoản chi có tính chất phúc lợi chi trực tiếp cho người lao động thực hiện theo quy định pháp luật về thuế thu nhập doanh nghiệp (nếu có).

1.8. Chi hoạt động quản lý, bao gồm:

a) Chi vật tư văn phòng;

b) Chi về cước phí bưu điện, truyền tin, điện báo, thuê kênh truyền tin, telex, fax trả theo hóa đơn của cơ quan bưu điện;

c) Chi điện, nước, y tế, vệ sinh cơ quan, môi trường;

d) Chi xăng dầu;

đ) Chi lễ tân, giao dịch đối ngoại, khánh tiết, hội nghị theo quy định hiện hành của pháp luật và phải gắn với hoạt động của Bảo hiềm tiền gửi Việt Nam. Các khoản chi này không quá 5% tổng chi phí hợp lý, hợp lệ;

e) Chi công tác phí cho cán bộ đi công tác trong nước;

g) Chi công tác phí cho cán bộ đi công tác nước ngoài: Thực hiện trong phạm vi kế hoạch đoàn ra được Hội đồng quản trị Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam phê duyệt. Nội dung và mức chi thực hiện theo quy định của Nhà nước về chế độ công tác phí đối với cán bộ, công chức thuộc các cơ quan, đơn vị hành chính sự nghiệp đi công tác ngắn hạn ở nước ngoài do ngân sách nhà nước đảm bảo kinh phí;

h) Chi đào tạo, tập huấn cán bộ: Thực hiện trong phạm vi kế hoạch đào tạo, tập huấn cán bộ được Hội đồng quản trị Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam phê duyệt. Nội dung và mức chi thực hiện theo quy định của Nhà nước về quản lý và sử dụng kinh phí đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức nhà nước;

i) Chi nghiên cứu khoa học: Thực hiện trong phạm vi kế hoạch nghiên cứu khoa học được Hội đồng quản trị Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam phê duyệt. Nội dung và mức chi thực hiện theo quy định đối với đề tài, dự án khoa học và công nghệ có sử dụng ngân sách nhà nước;

k) Chi về thuê chuyên gia trong nước và ngoài nước thực hiện trong phạm vi kế hoạch năm được Hội đồng quản trị Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam phê duyệt;

l) Chi phí thanh tra, kiểm tra, kiểm toán;

m) Chi tiền phạt vi phạm hợp đồng kinh tế do nguyên nhân khách quan bất khả kháng;

n) Chi thưởng sáng kiến cải tiến, thưởng tăng năng suất lao động, thưởng tiết kiệm vật tư và chi phí. Mức thưởng do Tổng giám đốc quyết định căn cứ vào hiệu quả công việc trên mang lại nhưng không được cao hơn số tiết kiệm chi phí do công việc đó mang lại trong 01 năm. Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam phải ban hành quy chế khen thưởng và chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính hiệu quả và tính đúng đắn của quy chế;

o) Chi cho công tác bảo vệ môi trường;

p) Chi án phí, lệ phí thi hành án (nếu có);

q) Chi phí quản lý khác theo quy định.

1.9. Chi dự phòng rủi ro theo quy định của pháp luật đối với doanh nghiệp.

1.10. Chi về tài sản:

a) Chi trích khấu hao tài sản cố định: Căn cứ vào quy định của pháp luật về chế độ quản lý, sử dụng và trích khấu hao tài sản cố định đối với doanh nghiệp, Hội đồng quản trị Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam quy định cụ thể tỷ lệ trích khấu hao đối với từng loại tài sản trong quy chế tài chính nội bộ cho phù hợp với đặc thù hoạt động;

b) Chi về mua bảo hiểm tài sản;

c) Chi mua sắm công cụ lao động;

d) Chi bảo dưỡng và sửa chữa tài sản: Mức chi hàng năm tối đa không quá 5% giá trị tài sản cố định bình quân trong năm;

đ) Chi trả tiền thuê tài sản theo hợp đồng thuê tài sản giữa bên cho thuê và Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam. Trường hợp trả tiền thuê tài sản một lần cho nhiều năm thì tiền thuê được phân bổ dần vào chi phí theo số năm sử dụng tài sản;

e) Chi về thanh lý, nhượng bán tài sản (bao gồm giá trị còn lại của tài sản và các chi phí thanh lý, nhượng bán);

g) Chi cho khoản tổn thất tài sản còn lại sau khi đã được bù đắp bằng các nguồn theo chế độ quy định.

1.11. Các khoản chi phí khác:

a) Chi phí cho tổ chức Đảng, đoàn thể trong trường hợp nguồn kinh phí của các tổ chức này không đủ trang trải chi phí hoạt động theo chế độ quy định;

b) Chi phòng cháy chữa cháy, quốc phòng an ninh;

c) Chi nộp thuế, phí, lệ phí;

d) Chi đóng phí hiệp hội ngành nghề trong và ngoài nước mà Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam tham gia theo mức phí do các hiệp hội này quy định;

đ) Các chi phí hợp lý, hợp lệ khác cần thiết cho hoạt động của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam, phát sinh trong quá trình hoạt động, chưa quy định tại Thông tư này do Hội đồng quản trị Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam xem xét, quyết định và chịu trách nhiệm trước pháp luật.

2. Nguyên tắc hạch toán chi

2.1. Chi phí của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam là các khoản chi phí liên quan đến hoạt động của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam, tuân thủ nguyên tắc phù hợp giữa thu nhập và chi phí và có đủ hóa đơn, chứng từ hợp lệ theo quy định của pháp luật và nằm trong kế hoạch tài chính được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam thẩm định hàng năm. Việc xác định chi phí được thực hiện phù hợp với các chuẩn mực kế toán, phù hợp với quy định pháp luật về thuế thu nhập doanh nghiệp và các quy định của pháp luật có liên quan.

2.2. Các khoản Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam không được hạch toán vào chi phí:

a) Các khoản tiền phạt về vi phạm pháp luật mà cá nhân phải nộp phạt theo quy định của pháp luật;

b) Các khoản chi không liên quan đến hoạt động của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam, các khoản chi không có hóa đơn hoặc chứng từ hợp lý, hợp lệ;

c) Các khoản chi do các nguồn kinh phí khác đài thọ;

d) Các khoản chi không hợp lý, hợp lệ khác.

Chương IV

CHÊNH LỆCH THU CHI TÀI CHÍNH VÀ TRÍCH LẬP CÁC QUỸ

Điều 20. Chênh lệch thu chi

Chênh lệch thu chi tài chính thực hiện trong năm là kết quả hoạt động của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam, được xác định giữa tổng thu nhập trừ đi tổng chi phí hợp lý, hợp lệ phát sinh trong năm.

Điều 21. Xử lý chênh lệch thu chi tài chính hàng năm

Chênh lệch thu chi của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam được phân phối như sau:

1. Bù đắp chênh lệch thu nhỏ hơn chi các năm trước.

2. Số còn lại coi như 100% được xử lý như sau:

a) Trích tối đa 30% vào quỹ đầu tư phát triển của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam.

b) Trích lập 2 quỹ khen thưởng và phúc lợi cho người lao động trong Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam:

- Trường hợp Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam được xếp loại A thì mức trích tối đa không quá 3 tháng lương thực hiện cho hai quỹ khen thưởng, phúc lợi;

- Trường hợp Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam được xếp loại B thì mức trích tối đa không quá 1,5 tháng lương thực hiện cho hai quỹ khen thưởng, phúc lợi;

- Trường hợp Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam được xếp loại C thì mức trích tối đa không quá 1 tháng lương thực hiện cho hai quỹ khen thưởng, phúc lợi;

- Trường hợp Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam không thực hiện xếp loại thì không được trích lập hai quỹ khen thưởng, phúc lợi.

Tỷ lệ phân chia vào hai quỹ khen thưởng và phúc lợi do Hội đồng quản trị Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam quyết định.

c) Trích lập quỹ thưởng người quản lý:

- Trường hợp Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam được xếp loại A thì mức trích tối đa không quá 1,5 tháng lương thực hiện của người quản lý Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam;

- Trường hợp Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam được xếp loại B thì mức trích tối đa không quá 01 tháng lương thực hiện của người quản lý Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam;

- Trường hợp Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam được xếp loại C hoặc không thực hiện xếp loại thì không được trích lập quỹ thưởng người quản lý.

d) Trường hợp số chênh lệch thu chi còn lại sau khi trích lập quỹ đầu tư phát triển quy định tại điểm a khoản này mà không đủ nguồn để trích các quỹ khen thưởng, quỹ phúc lợi, quỹ thưởng người quản lý Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam theo mức quy định thì Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam được giảm trừ phần chênh lệch thu chi trích lập quỹ đầu tư phát triển để bổ sung nguồn trích lập đủ quỹ khen thưởng, phúc lợi, quỹ thưởng người quản lý theo mức quy định, nhưng mức giảm tối đa không quá mức trích vào quỹ đầu tư phát triển trong năm tài chính.

đ) Số còn lại được bổ sung vào quỹ dự phòng nghiệp vụ.

3. Việc đánh giá hiệu quả hoạt động và xếp loại doanh nghiệp đối với Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam làm căn cứ để trích lập các quỹ khen thưởng, phúc lợi, quỹ thưởng người quản lý thực hiện theo quy định của pháp luật đối với Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ và hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phù hợp với đặc thù hoạt động của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam.

Điều 22. Quản lý và sử dụng các quỹ được trích lập từ chênh lệch thu chi

1. Việc sử dụng các quỹ của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam phải đúng mục đích, đúng đối tượng.

a) Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam phải xây dựng, ban hành Quy chế quản lý sử dụng các quỹ theo quy định của pháp luật để áp dụng trong nội bộ Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam; quy chế đảm bảo dân chủ, minh bạch có sự tham gia của Ban Chấp hành công đoàn Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam và công khai trong Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam trước khi thực hiện.

b) Trong năm tài chính, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam chủ động thực hiện tạm trích các quỹ trên cơ sở kết quả hoạt động của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam có chênh lệch thu chi dương để có nguồn chi sử dụng các quỹ theo mục đích đã quy định.

2. Quỹ đầu tư phát triển được dùng để thực hiện các dự án đầu tư phát triển Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam và bổ sung vốn điều lệ cho Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ trên cơ sở đề nghị của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam sau khi có ý kiến của Bộ Tài chính.

3. Quỹ khen thưởng được dùng để:

a) Thưởng cuối năm, thưởng thường kỳ, thưởng đột xuất, thưởng theo quy định của pháp luật về thi đua khen thưởng cho người lao động tại Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam. Không dùng quỹ khen thưởng của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam để chi thưởng cho đối tượng là người quản lý Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam, kiểm soát viên do nhà nước bổ nhiệm (trừ khoản thưởng theo quy định của pháp luật về thi đua khen thưởng).

b) Thưởng cho những cá nhân và đơn vị ngoài Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam có đóng góp nhiều cho hoạt động, công tác quản lý của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam.

c) Mức thưởng thực hiện theo Quy chế quản lý sử dụng quỹ của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam.

4. Quỹ phúc lợi được dùng để:

a) Đầu tư xây dựng hoặc sửa chữa các công trình phúc lợi của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam.

b) Chi cho các hoạt động phúc lợi của người lao động trong Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam bao gồm cả người quản lý Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam, kiểm soát viên do nhà nước bổ nhiệm.

c) Góp một phần vốn để đầu tư xây dựng các công trình phúc lợi với các đơn vị khác theo hợp đồng.

d) Sử dụng một phần quỹ phúc lợi để trợ cấp khó khăn đột xuất cho những người lao động kể cả những trường hợp về hưu, về mất sức, lâm vào hoàn cảnh khó khăn, không nơi nương tựa hoặc làm công tác từ thiện xã hội.

đ) Mức chi sử dụng quỹ thực hiện theo Quy chế quản lý, sử dụng quỹ của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam.

5. Quỹ thưởng người quản lý được sử dụng để:

a) Thưởng hàng năm; thưởng khi kết thúc nhiệm kỳ cho Chủ tịch và thành viên Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc, Phó Tổng giám đốc, Kiểm soát viên, Kế toán trưởng Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam.

b) Mức thưởng hàng năm và thưởng khi kết thúc nhiệm kỳ do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quyết định gắn với tiêu chí đánh giá người quản lý, kiểm soát viên và hiệu quả hoạt động của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam, trên cơ sở đề nghị của Chủ tịch Hội đồng quản trị Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam.

c) Trường hợp Chủ tịch và thành viên Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc, Phó Tổng giám đốc, Kiểm soát viên, Kế toán trưởng Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam được khen thưởng theo quy định của pháp luật về thi đua khen thưởng thì Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam sử dụng nguồn quỹ khen thưởng của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam để chi thưởng cho các đối tượng nêu trên theo mức thưởng mà pháp luật về thi đua khen thưởng đã quy định đối với từng hình thức thi đua, khen thưởng.

Chương V

CHẾ ĐỘ KẾ TOÁN, THỐNG KÊ, KIỂM TOÁN VÀ KẾ HOẠCH TÀI CHÍNH

Điều 23. Kế toán, thống kê

1. Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam phải thực hiện chế độ kế toán, thống kê theo quy định của pháp luật và các văn bản hướng dẫn của Bộ Tài chính.

2. Năm tài chính của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam bắt đầu từ ngày 01 tháng 01 và kết thúc vào ngày 31 tháng 12 dương lịch.

Điều 24. Kế hoạch tài chính

1. Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam có trách nhiệm lập và gửi Ngân hàng Nhà nước Việt Nam dự kiến kế hoạch tài chính (Biểu mẫu báo cáo Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam lập theo Phụ lục 1 ban hành kèm theo Thông tư này) trước ngày 01 tháng 3 năm kế hoạch.

2. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính thực hiện rà soát kế hoạch tài chính và giao cho Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam trước ngày 30 tháng 4 năm kế hoạch một số chỉ tiêu sau:

a) Các chỉ tiêu kế hoạch:

- Tổng thu nhập trừ tổng chi phí chưa có lương;

- Chi công tác phí cho cán bộ đi công tác nước ngoài;

- Chi nghiên cứu khoa học;

- Chi đào tạo và tập huấn cán bộ;

- Chi thuê chuyên gia trong và ngoài nước.

Trong quá trình thực hiện kế hoạch tài chính, trường hợp không thực hiện được các chỉ tiêu tài chính được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam giao, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam phải có văn bản đề nghị điều chỉnh gửi Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và chỉ được thực hiện sau khi có ý kiến chấp thuận bằng văn bản của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (sau khi có ý kiến thống nhất của Bộ Tài chính).

b) Các chỉ tiêu đánh giá hiệu quả hoạt động và xếp loại Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam. Các chỉ tiêu đánh giá này không được điều chỉnh trong suốt kỳ thực hiện kế hoạch (trừ các trường hợp bất khả kháng lớn).

3. Căn cứ các chỉ tiêu kế hoạch được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam giao tại điểm a khoản 2 Điều này, Chủ tịch Hội đồng quản trị Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam phê duyệt kế hoạch tài chính chi tiết để thực hiện.

Điều 25. Chế độ báo cáo

Định kỳ (quý, năm) Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam có trách nhiệm lập và gửi các Báo cáo nghiệp vụ, Báo cáo thống kê, Báo cáo tài chính và các Báo cáo định kỳ, đột xuất khác theo quy định của Bộ Tài chính và Tổng cục Thống kê.

1. Các loại báo cáo:

a) Bảng cân đối tài khoản cấp III theo định kỳ tháng;

b) Bảng cân đối kế toán (bảng tổng kết tài sản);

c) Báo cáo kết quả hoạt động;

d) Thuyết minh Báo cáo tài chính:

- Tình hình tăng giảm tài sản cố định;

- Thực hiện lao động, tiền lương - thu nhập;

- Tình hình tăng, giảm biến động nguồn vốn, sử dụng vốn;

- Tình hình trích lập và sử dụng quỹ dự phòng nghiệp vụ.

đ) Báo cáo về giám sát tài chính, đánh giá hiệu quả hoạt động và xếp loại hàng năm theo quy định của pháp luật.

2. Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam chịu trách nhiệm về tính chính xác, tính trung thực của các báo cáo này.

3. Thời hạn gửi báo cáo, nơi gửi báo cáo:

a) Báo cáo tháng gửi chậm nhất trong vòng 10 ngày kể từ ngày kết thúc tháng và gửi cho Ngân hàng Nhà nước Việt Nam;

b) Báo cáo quý gửi chậm nhất trong vòng 30 ngày kể từ ngày kết thúc quý và gửi cho Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam;

c) Báo cáo năm của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam được Hội đồng quản trị thông qua và gửi cho Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chậm nhất trong vòng 90 ngày từ ngày kết thúc năm tài chính.

Điều 26. Kiểm toán

1. Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam thực hiện chế độ kiểm toán nội bộ theo quy định hiện hành.

2. Báo cáo tài chính hàng năm của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam phải được Kiểm toán Nhà nước kiểm toán và xác nhận. Kết quả và báo cáo kết quả thực hiện kiểm toán Báo cáo tài chính của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam phải được gửi cho Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

Chương VI

TRÁCH NHIỆM CỦA CƠ QUAN QUẢN LÝ

Điều 27. Trách nhiệm của Bộ Tài chính

1. Thực hiện thanh tra tài chính theo quy định của pháp luật về thanh tra tài chính.

2. Kiểm tra, đánh giá tình hình chấp hành chế độ tài chính nhằm hoàn thiện chế độ tài chính của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam.

3. Phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam xử lý các vấn đề về tài chính Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam.

Điều 28. Trách nhiệm của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam

1. Thực hiện chức năng quản lý nhà nước về bảo hiểm tiền gửi theo quy định của pháp luật.

2. Thực hiện giám sát tài chính của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam và gửi Bộ Tài chính kế hoạch giám sát tài chính, báo cáo kết quả giám sát tài chính theo quy định của pháp luật đối với doanh nghiệp nhà nước.

3. Thực hiện kiểm tra, thanh tra toàn diện hoạt động của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam; thông báo cho Bộ Tài chính các vi phạm (nếu có) về chế độ tài chính Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam được phát hiện trong quá trình kiểm tra, thanh tra, giám sát, các biện pháp xử lý các vi phạm của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam.

4. Thực hiện chức năng đại diện chủ sở hữu nhà nước đối với Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam.

a) Quyết định và chịu trách nhiệm về các quyết định của mình trong phạm vi thẩm quyền của chủ sở hữu nhà nước được Thủ tướng Chính phủ giao theo quy định của pháp luật;

b) Chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định các vấn đề liên quan đến tài chính vượt thẩm quyền;

c) Căn cứ quy định của pháp luật và đặc thù hoạt động của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam để quy định, hướng dẫn việc đánh giá hiệu quả hoạt động và xếp loại doanh nghiệp đối với Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam.

d) Chủ trì phối hợp với Bộ Tài chính trình Thủ tướng Chính phủ quyết định thay đổi mức vốn điều lệ của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam căn cứ đề nghị của Hội đồng quản trị Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam.

đ) Chủ trì phối hợp với Bộ Tài chính trình Thủ tướng chính phủ xem xét, quyết định hỗ trợ tài chính đối với Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam trong trường hợp nguồn vốn tạm thời nhàn rỗi của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam không đủ để chi trả bảo hiểm tiền gửi.

Chương VII

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 29. Hiệu lực thi hành

1. Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 10 tháng 01 năm 2017.

2. Thông tư này thay thế Thông tư số 41/2014/TT-BTC ngày 08 tháng 4 năm 2014 của Bộ Tài chính quy định chế độ tài chính đối với Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam.

3. Căn cứ vào quy định tại Thông tư này và các quy định của pháp luật có liên quan, trong vòng 120 ngày kể từ ngày Thông tư này được ký ban hành, Hội đồng quản trị Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam phải ban hành quy chế tài chính nội bộ để làm căn cứ thực hiện.

4. Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc, đề nghị phản ánh về Bộ Tài chính để nghiên cứu, xem xét, giải quyết./.

 

 

Nơi nhận:
- Thủ tướng, các Phó TTCP;
- VPTW và các Ban của Đảng;
- VP Quốc Hội;
- VP Chủ tịch nước;
- VP Chính phủ;
- Viện kiểm sát nhân dân tối cao;
- Tòa án nhân dân tối cao;
- Kiểm toán Nhà nước;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc CP;
- Cơ quan TW của các đoàn thể;
- UBND, Sở Tài chính, Cục Thuế, Kho bạc các tỉnh, TP trực thuộc TW;
- Website Chính phủ; Công báo;
- VP BCĐ TW về phòng chống tham nhũng;
- Cục kiểm tra văn bản (Bộ Tư pháp);
- Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam;
- Các đơn vị thuộc Bộ Tài chính;
- Website Bộ Tài chính;
- Lưu: VT, Vụ TCNH.

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Trần Văn Hiếu

 

Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam

PHỤ LỤC

KẾ HOẠCH TÀI CHÍNH
(Ban hành kèm theo Thông tư số//TT-BTC ngày của Bộ Tài chính)

Đơn vị tính: triệu đồng

Chỉ tiêu

Năm liền trước năm báo cáo (số thực hiện)

Năm báo cáo (năm hiện tại)

Kế hoạch năm kế tiếp

So sánh TH/KH (%)

So sánh năm KH/ năm BC (%)

Giải trình

Kế hoạch Năm

Thực hiện đến 30/09

Ước thực hiện năm

I. Nguồn vốn

 

 

 

 

 

 

 

 

1. Vốn chủ sở hữu

 

 

 

 

 

 

 

 

2. Vốn điều lệ được phê duyệt

 

 

 

 

 

 

 

 

3. Quỹ dự phòng nghiệp vụ

 

 

 

 

 

 

 

 

4. Quỹ Đầu tư phát triển

 

 

 

 

 

 

 

 

5. Quỹ khen thưởng, phúc lợi

 

 

 

 

 

 

 

 

6. Tổng nguồn vốn đầu tư

 

 

 

 

 

 

 

 

7. Nguồn vốn khác

 

 

 

 

 

 

 

 

II. Nguồn thu

 

 

 

 

 

 

 

 

1. Thu phí BHTG

 

 

 

 

 

 

 

 

2. Thu từ hoạt động đầu tư nguồn vốn tạm thời nhàn rỗi

 

 

 

 

 

 

 

 

3. Thu khác

 

 

 

 

 

 

 

 

III. Thu nhập

 

 

 

 

 

 

 

 

1. Thu hoạt động tài chính

 

 

 

 

 

 

 

 

2. Thu hoạt động nghiệp vụ BHTG

 

 

 

 

 

 

 

 

3. Thu khác

 

 

 

 

 

 

 

 

IV. Chi phí

 

 

 

 

 

 

 

 

1. Chi phí trả lãi tiền vay

 

 

 

 

 

 

 

 

2. Chi phí dịch vụ thanh toán ủy thác

 

 

 

 

 

 

 

 

3. Chi phí liên quan đến hoạt động nghiệp vụ BHTG

 

 

 

 

 

 

 

 

4. Chi chênh lệch tỷ giá

 

 

 

 

 

 

 

 

5. Chi công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và tuyên truyền chính sách về BHTG

 

 

 

 

 

 

 

 

6. Chi cho cán bộ

 

 

 

 

 

 

 

 

6.1. Chi phí tiền lương, thù lao của người quản lý

 

 

 

 

 

 

 

 

6.2. Chi tiền lương trả cho người lao động

 

 

 

 

 

 

 

 

6.3. Chi ăn ca

 

 

 

 

 

 

 

 

6.4. Chi cho lao động nữ

 

 

 

 

 

 

 

 

6.5.. Chi trang phục giao dịch

 

 

 

 

 

 

 

 

6.6. Chi khác cho cán bộ

 

 

 

 

 

 

 

 

7. Chi hoạt động quản lý

 

 

 

 

 

 

 

 

7.1. Chi vật tư văn phòng

 

 

 

 

 

 

 

 

7.2. Chi về cước phí bưu điện

 

 

 

 

 

 

 

 

7.3. Chi điện, nước, y tế, vệ sinh

 

 

 

 

 

 

 

 

7.4. Chi xăng dầu

 

 

 

 

 

 

 

 

7.5. Chi lễ tân, giao dịch đối ngoại, khánh tiết, hội nghị

 

 

 

 

 

 

 

 

7.6. Chi công tác phí trong nước

 

 

 

 

 

 

 

 

7.7. Chi công tác phí nước ngoài

 

 

 

 

 

 

 

 

7.8. Chi đào tạo tập huấn cán bộ

 

 

 

 

 

 

 

 

7.9. Chi nghiên cứu khoa học

 

 

 

 

 

 

 

 

7.10. Chi về thuê chuyên gia trong nước và ngoài nước

 

 

 

 

 

 

 

 

7.11. Chi phí quản lý khác

 

 

 

 

 

 

 

 

8. Chi về tài sản

 

 

 

 

 

 

 

 

8.1. Chi trích khấu hao TSCĐ

 

 

 

 

 

 

 

 

8.2. Chi về mua bảo hiểm tài sản

 

 

 

 

 

 

 

 

8.3. Chi mua sắm công cụ lao động

 

 

 

 

 

 

 

 

8.4. Chi bảo dưỡng và sửa chữa tài sản

 

 

 

 

 

 

 

 

8.5. Chi trả tiền thuê tài sản theo hợp đồng thuê tài sản giữa bên cho thuê và BHTGVN

 

 

 

 

 

 

 

 

8.6. Chi thanh lý, nhượng bán TS

 

 

 

 

 

 

 

 

8.7. Chi cho khoản tổn thất tài sản còn lại sau khi đã được bù đắp bằng các nguồn theo chế độ quy định

 

 

 

 

 

 

 

 

9. Các khoản chi phí khác

 

 

 

 

 

 

 

 

9.1. Chi phí cho tổ chức Đảng, đoàn thể

 

 

 

 

 

 

 

 

9.2. Chi phòng cháy chữa cháy, quốc phòng an ninh

 

 

 

 

 

 

 

 

9.3. Chi nộp thuế, phí, lệ phí

 

 

 

 

 

 

 

 

9.4. Chi phí khác

 

 

 

 

 

 

 

 

V. Chênh lệch thu chi

 

 

 

 

 

 

 

 

1. Tổng thu nhập

 

 

 

 

 

 

 

 

2. Tổng chi phí

 

 

 

 

 

 

 

 

VI. Xử lý chênh lệch thu chi

 

 

 

 

 

 

 

 

1. Chênh lệch thu chi thực hiện

 

 

 

 

 

 

 

 

2. Bù lỗ các năm trước (nếu có)

 

 

 

 

 

 

 

 

3. Trích quỹ đầu tư phát triển

 

 

 

 

 

 

 

 

4. Trích quỹ khen thưởng, phúc lợi

 

 

 

 

 

 

 

 

5. Quỹ thưởng người quản lý BHTGVN

 

 

 

 

 

 

 

 

6. Chênh lệch thu chi còn lại sau khi trích các quỹ

 

 

 

 

 

 

 

 

Ghi chú: Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam gửi biểu mẫu kèm theo công văn giải trình, thuyết minh chi tiết các căn cứ xây dựng kế hoạch tài chính (như Bảng tính lãi dự thu trái phiếu Chính phủ, tín phiếu Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, tiền gửi tại Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; kế hoạch lao động, tiền lương; kế hoạch công tác nước ngoài; kế hoạch đào tạo; kế hoạch trích khấu hao tài sản cố định…) và nêu kiến nghị của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam.

 


NGƯỜI LẬP BIỂU

……….., ngày ….. tháng ….. năm ….
TỔNG GIÁM ĐỐC
(Ký tên, đóng dấu)

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Circular No. 312/2016/TT-BTC dated November 24, 2016,

  • Số hiệu: 312/2016/TT-BTC
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 24/11/2016
  • Nơi ban hành: Bộ Tài chính
  • Người ký: Vũ Thị Mai
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản