Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
Nếu bạn là thành viên. Vui lòng ĐĂNG NHẬP để tiếp tục.
NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 25/2021/TT-NHNN | Hà Nội, ngày 31 tháng 12 năm 2021 |
Căn cứ Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ngày 16 tháng 6 năm 2010;
Căn cứ Luật Các tổ chức tín dụng ngày 16 tháng 6 năm 2010 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng ngày 20 tháng 11 năm 2017;
Căn cứ Nghị định số 16/2017/NĐ-CP ngày 17 tháng 02 năm 2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam;
Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ;
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 01/2015/TT-NHNN ngày 06 tháng 01 năm 2015 quy định hoạt động kinh doanh, cung ứng sản phẩm phái sinh lãi suất của ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.
Điều 1. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 01/2015/TT-NHNN
1. Bổ sung điểm c vào khoản 2 Điều 2 như sau:
“c) Nhà đầu tư nước ngoài là tổ chức sở hữu trái phiếu Chính phủ phát hành bằng Đồng Việt Nam tại thị trường trong nước.”
2. Sửa đổi, bổ sung khoản 8 và bổ sung các khoản 13, khoản 14, khoản 15, khoản 16 vào Điều 3 như sau:
a) Sửa đổi, bổ sung khoản 8 như sau:
“8. Lãi ròng hoặc lỗ ròng của hợp đồng phái sinh lãi suất của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại một thời điểm là lãi ròng hoặc lỗ ròng của tất cả các kỳ đã thanh toán của hợp đồng phái sinh lãi suất tính đến thời điểm đó.”
b) Bổ sung các khoản 13, khoản 14, khoản 15, khoản 16 vào Điều 3 như sau:
“13. Ngày giao kết hợp đồng phái sinh lãi suất là ngày các bên thực hiện ký hết hợp đồng phái sinh lãi suất.
14. Ngày có hiệu lực của hợp đồng phái sinh lãi suất theo thỏa thuận của các bên là ngày các bên bắt đầu thực hiện hợp đồng phái sinh lãi suất; ngày có hiệu lực của hợp đồng phái sinh lãi suất trùng hoặc sau ngày giao kết hợp đồng phái sinh lãi suất.
15. Thời hạn thực hiện của hợp đồng phái sinh lãi suất là khoảng thời gian tính từ ngày có hiệu lực của hợp đồng phái sinh lãi suất cho đến ngày đến hạn của hợp đồng phái sinh lãi suất đó. Thời hạn thực hiện của hợp đồng phái sinh lãi suất bằng hoặc ngắn hơn thời hạn thực hiện còn lại của giao dịch gốc.
16. Thanh toán ròng là việc xác định và thanh toán một khoản tiền ròng được tính theo giá trị thị trường hiện tại hoặc giá trị tính theo mô hình giá của các hợp đồng phái sinh lãi suất được chấm dứt tại hoặc trước thời điểm đến hạn theo thỏa thuận giữa các bên và sau khi thực hiện bù trừ các khoản tiền phải trả của các hợp đồng phái sinh lãi suất giữa các bên giao kết hợp đồng để xác định thành một khoản phải thu hoặc khoản phải trả của một bên tại ngày đến hạn hoặc ngày chấm dứt trước hạn của hợp đồng phái sinh lãi suất.”
3. Bổ sung khoản 6, khoản 7 vào Điều 4 như sau:
“6. Trường hợp khách hàng không có hoặc không có đủ ngoại tệ để thực hiện nghĩa vụ thanh toán phát sinh khi thực hiện hợp đồng phái sinh lãi suất, thì khách hàng được mua ngoại tệ tại chính ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài kinh doanh, cung ứng sản phẩm phái sinh lãi suất hoặc tại tổ chức tín dụng khác được phép hoạt động ngoại hối. Việc mua, bán ngoại tệ thực hiện theo quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về hướng dẫn giao dịch ngoại tệ trên thị trường ngoại tệ của các tổ chức tín dụng được phép hoạt động ngoại hối; trường hợp khách hàng mua ngoại tệ có kỳ hạn thì kỳ hạn của giao dịch này bằng hoặc ngắn hơn thời hạn thực hiện còn lại của hợp đồng phái sinh lãi suất.
7. Ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được thỏa thuận về việc thanh toán ròng của các hợp đồng phái sinh lãi suất giao kết với khách hàng, các giao dịch đối ứng thực hiện với ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài khác hoặc tổ chức tài chính nước ngoài.”
“Điều 4a. Kinh doanh, cung ứng sản phẩm phái sinh lãi suất bằng phương tiện điện tử
1. Ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài kinh doanh, cung ứng sản phẩm phái sinh lãi suất bằng phương tiện điện tử phải xây dựng quy trình kinh doanh, cung ứng sản phẩm phái sinh lãi suất bằng phương tiện điện tử phù hợp với quy định tại Thông tư này, quy định của pháp luật về phòng, chống rửa tiền, pháp luật về giao dịch điện tử và các quy định pháp luật liên quan, đảm bảo an toàn, bảo mật thông tin khách hàng và an toàn hoạt động của ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.
2. Ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải lưu trữ đầy đủ các thông tin liên quan đến việc kinh doanh, cung ứng sản phẩm phái sinh lãi suất bằng phương tiện điện tử để phục vụ cho công tác kiểm tra, đối chiếu, giải quyết tra soát, khiếu nại, tranh chấp và cung cấp thông tin khi có yêu cầu từ cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền.”
5. Sửa đổi, bổ sung điểm b khoản 2 và điểm b khoản 3 Điều 6 như sau:
a) Sửa đổi, bổ sung điểm b khoản 2 như sau:
“b) Sản phẩm hoán đổi lãi suất một đồng tiền cộng dồn (Accrual Interest Rate Swap): Là sản phẩm hoán đổi lãi suất một đồng tiền, trong đó ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài và khách hàng có thỏa thuận về khoản tiền lãi được nhận hoặc phải trả được tính theo các mức lãi suất có kèm theo các điều kiện dựa trên biến động tỷ giá, lãi suất, giá cả hàng hóa (trừ giá vàng và các hàng hóa cấm kinh doanh, cấm xuất, nhập khẩu theo quy định của pháp luật) và được cộng dồn theo kỳ thanh toán đã thỏa thuận trên cùng giá trị khoản vốn danh nghĩa.”
b) Sửa đổi, bổ sung điểm b khoản 3 như sau:
“b) Sản phẩm hoán đổi lãi suất giữa hai đồng tiền cộng dồn (Accrual Cross Currency Swap): Là sản phẩm hoán đổi lãi suất giữa hai đồng tiền, trong đó ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài và khách hàng có thỏa thuận về khoản tiền lãi được nhận hoặc phải trả được tính theo các mức lãi suất có kèm theo các điều kiện dựa trên biến động tỷ giá, lãi suất, giá cả hàng hóa (trừ giá vàng và các hàng hóa cấm kinh doanh, cấm xuất, nhập khẩu theo quy định của pháp luật) và được cộng dồn theo kỳ thanh toán đã thỏa thuận trên giá trị khoản vốn danh nghĩa; việc trao đổi hoặc không trao đổi giá trị khoản vốn danh nghĩa do hai bên thỏa thuận, trường hợp có trao đổi giá trị khoản vốn danh nghĩa ban đầu hoặc từng phần trong kỳ hoặc cuối cùng thì áp dụng theo tỷ giá cố định được thỏa thuận phù hợp với quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về tỷ giá tại thời điểm hai bên ký kết hợp đồng phái sinh lãi suất.”
6. Sửa đổi, bổ sung điểm b khoản 1; bổ sung điểm đ vào khoản 1; sửa đổi, bổ sung điểm a, b khoản 2 Điều 7 như sau:
a) Sửa đổi, bổ sung điểm b khoản 1 như sau:
“b) Có giao dịch gốc còn hiệu lực thực hiện, phù hợp với quy định của pháp luật. Đối với nhà đầu tư nước ngoài, giao dịch gốc là giao dịch đầu tư trái phiếu Chính phủ phát hành bằng đồng Việt Nam tại thị trường trong nước;”
b) Bổ sung điểm đ vào khoản 1 như sau:
“đ) Trường hợp khách hàng được nhận ngoại tệ từ khoản tiền lãi phát sinh trong giao dịch phái sinh lãi suất hoặc nhận ngoại tệ từ việc trao đổi khoản vốn danh nghĩa, thì nguồn ngoại tệ này được sử dụng để thanh toán cho các nghĩa vụ phát sinh từ giao dịch gốc của khách hàng hoặc khách hàng phải bán nguồn ngoại tệ này cho ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài kinh doanh, cung ứng sản phẩm phái sinh lãi suất đó.”
c) Sửa đổi, bổ sung điểm a, b khoản 2 như sau:
“a) Mục đích sử dụng sản phẩm phái sinh lãi suất là phòng ngừa, hạn chế rủi ro lãi suất đối với giao dịch gốc hoặc phòng ngừa, hạn chế rủi ro lãi suất cho các khoản mục của bảng cân đối kế toán (bao gồm cả các khoản mục ngoại bảng) của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đó;
b) Có giao dịch gốc còn hiệu lực thực hiện, phù hợp với nội dung và phạm vi hoạt động theo quy định của Luật Các tổ chức tín dụng và quy định của pháp luật liên quan. Đối với tổ chức tín dụng không phải là ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, trường hợp phòng ngừa, hạn chế rủi ro lãi suất cho các khoản mục của bảng cân đối kế toán (bao gồm cả các khoản mục ngoại bảng), thì tổ chức tín dụng đó phải có phương án phòng ngừa, hạn chế rủi ro lãi suất được cấp có thẩm quyền của tổ chức tín dụng phê duyệt;”
7. Sửa đổi, bổ sung điểm a khoản 3 Điều 8 như sau:
“a) Đối với trường hợp thực hiện một hoặc nhiều giao dịch đối ứng cho một hợp đồng phái sinh lãi suất mà ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đã cung ứng cho khách hàng, thời hạn thực hiện của từng giao dịch đối ứng và tổng giá trị còn lại (tính theo từng đồng tiền) của các khoản trao đổi vốn gốc của các giao dịch đối ứng sau khi thực hiện bù trừ lẫn nhau không vượt quá thời hạn còn lại và giá trị khoản vốn danh nghĩa của hợp đồng phái sinh lãi suất;”
8. Sửa đổi, bổ sung điểm b khoản 1 Điều 9 như sau:
“b) Phòng ngừa, hạn chế rủi ro lãi suất cho các khoản mục của bảng cân đối kế toán (bao gồm cả các khoản mục ngoại bảng) của ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.”
9. Sửa đổi, bổ sung Điều 12 như sau:
“Điều 12. Giới hạn về hoạt động kinh doanh, cung ứng và sử dụng sản phẩm phái sinh lãi suất
1. Ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài kinh doanh, cung ứng và sử dụng sản phẩm phái sinh lãi suất phải tuân thủ quy định tại Thông tư số 41/2016/TT-NHNN ngày 30 tháng 12 năm 2016 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về tỷ lệ an toàn vốn đối với ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài và các văn bản sửa đổi, bổ sung Thông tư này.
2. Ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài chưa áp dụng quy định tại Thông tư số 41/2016/TT-NHNN ngày 30 tháng 12 năm 2016 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về tỷ lệ an toàn vốn đối với ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài và các văn bản sửa đổi, bổ sung Thông tư này thực hiện kinh doanh, cung ứng và sử dụng sản phẩm phái sinh lãi suất kiểm soát giới hạn lỗ ròng về hoạt động kinh doanh, cung ứng và sử dụng sản phẩm phái sinh lãi suất không vượt quá 5% vốn điều lệ, vốn được cấp của ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đó. Trường hợp giới hạn lỗ ròng vượt 5% vốn điều lệ, vốn được cấp, thì ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài ngừng việc giao kết các hợp đồng phái sinh lãi suất mới, báo cáo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng) về nguyên nhân phát sinh lỗ, các biện pháp và thời hạn khắc phục.
Khi có nhu cầu giao kết hợp đồng phái sinh lãi suất mới, ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải xác định giới hạn lỗ ròng về hoạt động kinh doanh, cung ứng, sử dụng sản phẩm phái sinh lãi suất để làm cơ sở thực hiện phù hợp với quy định tại Thông tư này. Giới hạn lỗ ròng về sử dụng sản phẩm phái sinh lãi suất được xác định bằng tổng lãi ròng và lỗ ròng của các hợp đồng phái sinh lãi suất còn hiệu lực cộng (+) tổng lãi ròng và lỗ ròng của các hợp đồng phái sinh lãi suất đã tất toán trong năm tài chính.
3. Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài (không bao gồm ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này) sử dụng sản phẩm phái sinh lãi suất khi đáp ứng một trong hai nội dung sau:
a) Có quy định nội bộ về quản lý rủi ro, trong đó bao gồm hạn mức rủi ro lãi suất; hạn mức cắt lỗ; hạn mức tổng trạng thái rủi ro lãi suất đối với các sản phẩm phái sinh lãi suất;
b) Kiểm soát giới hạn lỗ ròng về hoạt động sử dụng sản phẩm phái sinh lãi suất theo quy định tại khoản 2 Điều này.”
10. Sửa đổi, bổ sung tiêu đề và điểm b, d khoản 1 Điều 14 như sau:
a) Sửa đổi, bổ sung tiêu đề khoản 1 như sau:
“1. Hợp đồng phái sinh lãi suất được lập thành văn bản (bao gồm cả hợp đồng điện tử), do các bên thỏa thuận phù hợp với các quy định tại Thông tư này và các quy định của pháp luật có liên quan, trong đó tối thiểu phải có các nội dung sau:”
b) Sửa đổi, bổ sung điểm b, d khoản 1 như sau:
“b) Giao dịch gốc, giá trị khoản vốn gốc, lãi suất áp dụng trong giao dịch gốc, lịch thanh toán gốc và lãi của giao dịch gốc (áp dụng đối với khách hàng là pháp nhân, nhà đầu tư nước ngoài);”
“d) Ngày có hiệu lực của hợp đồng phái sinh lãi suất, kỳ hạn thanh toán, ngày thanh toán, phương thức thanh toán lãi/lỗ ròng; thỏa thuận về việc thanh toán ròng của các hợp đồng phái sinh lãi suất (nếu có);”
11. Sửa đổi, bổ sung Điều 18 như sau:
“Điều 18. Báo cáo
Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài thực hiện báo cáo giao dịch phái sinh lãi suất theo quy định về chế độ báo cáo thống kê của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.”
12. Sửa đổi, bổ sung khoản 4, khoản 7; bổ sung khoản 9 vào Điều 19 như sau:
a) Sửa đổi, bổ sung khoản 4 như sau:
“4. Yêu cầu khách hàng là pháp nhân, nhà đầu tư nước ngoài cung cấp các thông tin, tài liệu chứng minh đủ điều kiện sử dụng sản phẩm phái sinh lãi suất theo quy định tại Thông tư này và quy định nội bộ của ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài về hoạt động kinh doanh, cung ứng sản phẩm phái sinh lãi suất.”
b) Sửa đổi, bổ sung khoản 7 như sau:
“7. Thực hiện báo cáo hoạt động kinh doanh, cung ứng sản phẩm phái sinh lãi suất theo quy định về chế độ báo cáo thống kê của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.”
“9. Ban hành quy trình kinh doanh, cung ứng sản phẩm phái sinh lãi suất bằng phương tiện điện tử, trong đó có các biện pháp quản lý, kiểm soát rủi ro phát sinh (nếu có).”
13. Sửa đổi, bổ sung điểm a khoản 2; sửa đổi, bổ sung điểm a, b, c, đ khoản 3 Điều 20 như sau:
a) Sửa đổi, bổ sung điểm a khoản 2 như sau:
“a) Cung cấp cho ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài: Bản sao y hoặc bản trích sao hợp đồng của giao dịch gốc; các thông tin, tài liệu khác do ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cung ứng sản phẩm phái sinh lãi suất quy định để chứng minh đủ điều kiện sử dụng sản phẩm phái sinh lãi suất theo quy định tại Thông tư này. Chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác, trung thực của các thông tin, tài liệu cung cấp cho ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài;”
b) Sửa đổi, bổ sung điểm a, b, c, đ khoản 3 như sau:
“a) Cam kết với ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại hợp đồng phái sinh lãi suất hoặc tại văn bản riêng về việc: sử dụng sản phẩm phái sinh lãi suất nhằm mục đích phòng ngừa, hạn chế rủi ro lãi suất; sẵn sàng cung cấp bản sao y hoặc bản trích sao hợp đồng của giao dịch gốc hoặc phương án phòng ngừa, hạn chế rủi ro lãi suất cho các khoản mục của bảng cân đối kế toán (bao gồm cả các khoản mục ngoại bảng) theo yêu cầu của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, cơ quan có thẩm quyền;
b) Chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác, trung thực của các thông tin, tài liệu cung cấp cho ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cung ứng sản phẩm phái sinh lãi suất;
c) Xây dựng và phê duyệt theo thẩm quyền phương án phòng ngừa, hạn chế rủi ro lãi suất cho các khoản mục của bảng cân đối kế toán (bao gồm cả các khoản mục ngoại bảng), trong đó có phân tích các rủi ro lãi suất;”
“đ) Thực hiện các trách nhiệm theo quy định tại điểm b và c khoản 2 Điều này.”
Điều 2. Thay thế, bãi bỏ một số từ, cụm từ, điểm, khoản điều của Thông tư số 01/2015/TT-NHNN
1. Thay thế cụm từ “phát sinh từ bảng cân đối kế toán” bằng cụm từ “cho các khoản mục của bảng cân đối kế toán (bao gồm cả các khoản mục ngoại bảng)” tại khoản 5 Điều 3 và khoản 2 Điều 5.
2. Thay thế cụm từ “pháp nhân” bằng cụm từ “pháp nhân và nhà đầu tư nước ngoài” tại khoản 5 Điều 4, khoản 1 Điều 5, tiêu đề và điểm a khoản 1 Điều 7, tiêu đề khoản 2 Điều 20.
3. Thay thế cụm từ “thời hạn hiệu lực” bằng cụm từ “thời hạn thực hiện” tại khoản 4 Điều 6.
4. Bỏ cụm từ “trích lập dự phòng rủi ro” tại tên của Mục 5.
5. Bãi bỏ Điều 16, Biểu số 01 và Biểu số 02 ban hành kèm theo Thông tư số 01/2015/TT-NHNN.
Điều 3. Trách nhiệm tổ chức thực hiện
Chánh Văn phòng, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ, Thủ trưởng các đơn vị thuộc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện Thông tư này.
1. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 14 tháng 02 năm 2022.
2. Đối với các hợp đồng phái sinh lãi suất đã ký kết trước ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành, ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tiếp tục thực hiện các nội dung ghi trong hợp đồng phái sinh lãi suất phù hợp với quy định của pháp luật có hiệu lực thi hành tại thời điểm ký kết hợp đồng phái sinh lãi suất đó hoặc thỏa thuận sửa đổi, bổ sung hợp đồng phái sinh lãi suất phù hợp với quy định tại Thông tư này./.
Nơi nhận: | KT. THỐNG ĐỐC |
Circular No. 25/2021/TT-NHNN dated December 31, 2021 on amendments to some Articles of the Circular No. 01/2015/TT-NHNN prescribing trading and provision of interest rate derivatives by commercial banks and foreign branch banks
- Số hiệu: 25/2021/TT-NHNN
- Loại văn bản: Thông tư
- Ngày ban hành: 31/12/2021
- Nơi ban hành: Ngân hàng Nhà nước Việt Nam
- Người ký: Phạm Thanh Hà
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: Kiểm tra
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra