- 1Decree No. 88/2010/ND-CP of August 16, 2010, detailing and guiding a number of articles of the law on intellectual property and the law amending and supplementing a number of articles of the law on intellectual property regarding rights to plant varieties
- 2Decree No. 98/2011/ND-CP of October 26, 2011, of the government amending, supplementing some articles of decrees on agriculture
- 1Circular No 41/2009/TT-BNNPTNN of July 9, 2009, on management and use of specimens of plant varieties.
- 2Circular No. 180/2011/TT-BTC of December 14, 2011, on rates, collection, remittance, management and use of charges and fees in crop production and forest tree varieties
- 3Decree No. 119/2011/ND-CP of December 16, 2011, amending and supplementing administrative procedures provided in the Government’s Decree No.116/2005/ND-CP of September 15, 2005, detailing the implementation of a number of articles of the Law on Competition
- 1Decree of Government No.105/2006/ND-CP of September 22, 2006 detailing and guiding the implementation of a number of articles of The Law on Intellectual Property on protection of intellectual property rights and on state management of intellectual property
- 2Decree of Government No. 01/2008/ND-CP of January 03, 2008 defining the functions, tasks, powers and organizational structure of The Ministry Of Agriculture and Rural Development
- 3Law No. 50/2005/QH11 of November 29, 2005, on Intellectual property.
- 4Law No. 36/2009/QH12 of June 19, 2009, amending and supplementing a number of articles of the Law on intellectual property
- 5Decree No. 75/2009/ND-CP of September 10, 2009, amending Article 3 of the Government''s Decree no. 01/2008/ND-CP of January 3, 2008, defining the functions, tasks, powers and organizational structure of the Ministry of Agriculture and Rural Development
- 6Decree No. 119/2010/ND-CP of December 30, 2010, amending and supplementing a number of articles the Government''s Decree No. 105/ 2006/ND-CP of September 22, 2006, detailing and guiding a number of articles of the Law on Intellectual Property regarding protection of intellectual property rights and state management of intellectual property
BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 16/2013/TT-BNNPTNT | Hà Nội, ngày 28 tháng 02 năm 2013 |
HƯỚNG DẪN VỀ BẢO HỘ QUYỀN ĐỐI VỚI GIỐNG CÂY TRỒNG
Căn cứ Nghị định số 01/2008/NĐ-CP ngày 03 tháng 01 năm 2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Nghị định 75/2009/NĐ-CP ngày 10 tháng 9 năm 2009 của Chính phủ về việc sửa đổi điều 3 Nghị định 01/2008/ NĐ-CP ngày 03 tháng 1 năm 2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;
Căn cứ Luật Sở hữu trí tuệ số 50/2005/QH11 ngày 29 tháng 11 năm 2005; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ số 36/2009/QH12 ngày 19 tháng 6 năm 2009;
Căn cứ Nghị định số 88/2010/NĐ-CP ngày 16 tháng 8 năm 2010 của Chính phủ quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ về quyền đối với giống cây trồng và Nghị định số 98/2011/NĐ-CP ngày 26 tháng 10 năm 2011 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định về nông nghiệp;
Căn cứ Nghị định số 105/2006/NĐ-CP ngày 22 tháng 9 năm 2006 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ về bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ và quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ và Nghị định số 119/2010/NĐ-CP ngày 30 tháng 12 năm 2010 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số Điều của Nghị định số 105/2006/NĐ-CP;
Theo đề nghị của Cục trưởng Cục trồng trọt;
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành Thông tư hướng dẫn về bảo hộ quyền đối với giống cây trồng.
Thông tư này hướng dẫn thi hành một số nội dung về xác lập quyền đối với giống cây trồng, đại diện quyền đối với giống cây trồng, giám định quyền đối với giống cây trồng và biểu mẫu về bảo hộ giống cây trồng.
Thông tư này áp dụng đối với:
1. Tổ chức, cá nhân Việt Nam;
2. Tổ chức, cá nhân nước ngoài là các đối tượng được quy định tại khoản 18 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ.
Trong Thông tư này các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
1. Chọn tạo giống cây trồng là quá trình lai hữu tính, gây đột biến hoặc áp dụng phương pháp khác để tạo các biến dị nhân tạo và chọn lọc tìm ra biến dị phù hợp với yêu cầu của sản xuất.
2. Phát hiện và phát triển giống cây trồng:
a) Phát hiện là hoạt động chọn lọc tìm ra biến dị tự nhiên có sẵn trong quần thể một giống cây trồng hoặc tìm ra nguồn gen mới có sẵn trong tự nhiên;
b) Phát triển là quá trình nhân và đánh giá để chọn ra biến dị hoặc nguồn gen phù hợp với yêu cầu của sản xuất.
Điều 4. Người đại diện hợp pháp, đại diện theo uỷ quyền của chủ đơn
1. Người đại diện hợp pháp của chủ đơn theo quy định tại khoản 2 Điều 3 Nghị định số 88/2010/NĐ-CP gồm:
a) Trường hợp chủ đơn là tổ chức, cá nhân Việt Nam: người đại diện theo pháp luật, người đại diện theo uỷ quyền của chủ đơn hoặc tổ chức dịch vụ đại diện quyền đối với giống cây trồng theo uỷ quyền của chủ đơn;
b) Trường hợp chủ đơn là tổ chức, cá nhân nước ngoài có trụ sở, địa chỉ thường trú tại Việt Nam hoặc có cơ sở sản xuất, kinh doanh giống cây trồng tại Việt Nam: người đứng đầu văn phòng đại diện hoặc đứng đầu chi nhánh tại Việt Nam hoặc tổ chức dịch vụ đại diện quyền đối với giống cây trồng theo uỷ quyền của chủ đơn;
c) Trường hợp chủ đơn là tổ chức, cá nhân nước ngoài không có trụ sở, địa chỉ thường trú tại Việt Nam hoặc không có cơ sở sản xuất, kinh doanh giống cây trồng tại Việt Nam: tổ chức dịch vụ đại diện quyền đối với giống cây trồng theo uỷ quyền của chủ đơn.
2. Đại diện theo uỷ quyền của chủ đơn tiến hành các thủ tục về bảo hộ giống cây trồng theo quy định pháp luật về uỷ quyền; giấy uỷ quyền theo mẫu tại Phụ lục 1 của Thông tư này.
Điều 5. Xử lý ý kiến phản đối của người thứ ba
1. Kể từ ngày đơn đăng ký bảo hộ được công bố trên Website của Văn phòng bảo hộ giống cây trồng mới hoặc Tạp chí Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đến trước ngày ký quyết định cấp Bằng bảo hộ, bất kỳ người thứ ba nào cũng có quyền gửi ý kiến phản đối đến Cục Trồng trọt về quyền đăng ký, quyền ưu tiên, điều kiện bảo hộ và những vấn đề khác liên quan đến việc chấp nhận đơn đăng ký bảo hộ giống cây trồng.
2. Ý kiến phản đối của người thứ ba phải được làm theo mẫu quy định tại Phụ lục 2 của Thông tư này, kèm theo thuyết minh về căn cứ, lý do phản đối, các chứng cứ khác (nếu có) gửi về Cục Trồng trọt.
3. Trình tự, thời gian giải quyết:
a) Trong thời hạn ba mươi (30) ngày làm việc kể từ ngày nhận được ý kiến của người thứ ba, Cục Trồng trọt thông báo cho người nộp đơn đăng ký bảo hộ;
b) Người nộp đơn đăng ký bảo hộ có trách nhiệm trả lời bằng văn bản tới Cục Trồng trọt trong thời hạn ba mươi (30) ngày làm việc kể từ ngày ký thông báo của Cục Trồng trọt;
c) Trong thời hạn mười lăm (15) ngày làm việc kể từ ngày nhận được ý kiến phản hồi của người nộp đơn đăng ký bảo hộ, nếu thấy cần thiết, Cục Trồng trọt có thể tổ chức đối thoại trực tiếp giữa người thứ ba và người nộp đơn đăng ký bảo hộ hoặc thông báo ý kiến phản hồi cho người thứ ba;
d) Người thứ ba có trách nhiệm trả lời bằng văn bản tới Cục Trồng trọt trong thời hạn tối đa là ba mươi (30) ngày làm việc kể từ ngày ký thông báo của Cục Trồng trọt;
đ) Trường hợp có đủ căn cứ kết luận ý kiến của người thứ ba là không có cơ sở: trong thời hạn là mười lăm (15) ngày làm việc kể từ ngày nhận được ý kiến trả lời của người thứ ba, Cục Trồng trọt phải thông báo cho người thứ ba về việc từ chối xem xét, có nêu rõ lý do;
e) Trường hợp chưa đủ căn cứ kết luận ý kiến của người thứ ba là không có cơ sở: trong thời hạn ba mươi (30) ngày làm việc kể từ ngày nhận được ý kiến trả lời của người thứ ba, Cục Trồng trọt thông báo để người thứ ba yêu cầu Toà án giải quyết theo thủ tục tố tụng dân sự. Trong thời hạn ba mươi (30) ngày làm việc kể từ ngày ra thông báo, nếu không nhận được trả lời bằng văn bản của người thứ ba về việc đã nộp đơn cho Toà án thì Cục Trồng trọt coi như người thứ ba đã rút bỏ ý kiến phản đối. Nếu nhận được trả lời của người thứ ba, Cục Trồng trọt tạm dừng việc xử lý đơn đăng ký bảo hộ để chờ kết quả giải quyết tranh chấp của Toà án. Sau khi nhận được kết quả giải quyết của Toà án, việc xử lý đơn đăng ký bảo hộ sẽ được tiến hành phù hợp với kết quả đó và thông báo bằng văn bản cho người thứ ba trong thời hạn mười lăm (15) ngày làm việc.
Điều 6. Giống cây trồng được biết đến rộng rãi và tính mới của giống cây trồng
1. Giống cây trồng cùng loài với giống đăng ký bảo hộ được coi là giống cây trồng được biết đến rộng rãi thuộc một trong các trường hợp sau đây:
a) Giống cây trồng mà vật liệu nhân giống hoặc vật liệu thu hoạch của giống đó đã được sử dụng một cách rộng rãi trên thị trường Việt Nam hoặc ở bất kỳ quốc gia nào tại thời điểm nộp đơn đăng ký bảo hộ;
b) Giống cây trồng đã được bảo hộ hoặc được công nhận sản xuất thử, công nhận chính thức hoặc có tên trong Danh mục giống cây trồng được phép sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam hoặc ở bất kỳ quốc gia nào;
c) Giống cây trồng là đối tượng trong đơn đăng ký bảo hộ giống cây trồng mới hoặc đơn đăng ký khảo nghiệm hoặc đơn đăng ký công nhận giống cây trồng mới tại Việt Nam hoặc ở bất kỳ quốc gia nào, nếu các đơn này không bị từ chối.
2. Giống cây trồng được coi là không còn tính mới và không đủ điều kiện được đăng ký bảo hộ sau mười hai (12) tháng kể từ ngày giống có tên trong Danh mục giống cây trồng được phép sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam.
1. Biểu mẫu về bảo hộ quyền đối với giống cây trồng gồm:
a) Tờ khai đăng ký hợp đồng chuyển nhượng quyền đối với giống cây trồng theo mẫu tại Phụ lục 3 Thông tư này;
b) Tờ khai yêu cầu bắt buộc chuyển giao quyền sử dụng giống cây trồng theo mẫu tại Phụ lục 4 của Thông tư này;
c) Mẫu Bằng bảo hộ giống cây trồng theo quy định tại Phụ lục 14 của Thông tư này;
d) Các biểu mẫu khác được quy định tại các Điều 4 đến Điều 35 của Thông tư này.
2. Văn phòng Bảo hộ giống cây trồng mới tiếp nhận đơn, hồ sơ về bảo hộ giống cây trồng bằng một trong các hình thức sau:
a) Nhận trực tiếp;
b) Nhận qua bưu điện.
3. Nơi tiếp nhận và trả kết quả đơn, hồ sơ về bảo hộ giống cây trồng tại Văn phòng bảo hộ giống cây trồng mới - Cục Trồng trọt, địa chỉ: số 2 Ngọc Hà - Ba Đình - Hà Nội, điện thoại: (04) 38435182, fax: (04) 37342844, email: pvpvietnam@mard.gov.vn, website: pvpo.mard.gov.vn.
4. Ngày nộp đơn là ngày đơn được Văn phòng bảo hộ giống cây trồng mới tiếp nhận theo quy định tại khoản 2 Điều 175 Luật Sở hữu trí tuệ.
Điều 8. Phí, lệ phí bảo hộ quyền đối với giống cây trồng
a) Phí, lệ phí liên quan đến bảo hộ quyền đối với giống cây trồng thực hiện theo quy định tại Thông tư số 180/2011/TT- BTC ngày 14 tháng 12 năm 2011 của Bộ Tài chính quy định về mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí, lệ phí trong lĩnh vực trồng trọt và giống cây lâm nghiệp;
b) Người tham dự khóa đào tạo về đại diện quyền đối với giống cây trồng hoặc đào tạo nghiệp vụ về giám định quyền đối với giống cây trồng phải trả chi phí đào tạo.
XÁC LẬP QUYỀN ĐỐI VỚI GIỐNG CÂY TRỒNG
Điều 9. Nhận đơn đăng ký bảo hộ và thẩm quyền cấp, chuyển nhượng Bằng bảo hộ
1. Tài liệu trong đơn đăng ký bảo hộ
Tài liệu trong đơn đăng ký bảo hộ theo quy định tại Điều 174 Luật Sở hữu trí tuệ và Điều 8 Nghị định số 88/2010/NĐ-CP được hướng dẫn như sau:
a) Tờ khai đăng ký bảo hộ giống cây trồng theo mẫu tại Phụ lục 5 của Thông tư này;
b) Tờ khai kỹ thuật khảo nghiệm DUS theo mẫu tại quy phạm khảo nghiệm DUS của từng loài cây trồng;
c) Bản sao chụp biên lai thu phí, lệ phí hoặc bản fax giấy tờ chứng minh đã chuyển tiền vào tài khoản của Cục Trồng trọt;
d) Giấy uỷ quyền theo mẫu tại Phụ lục 1 của Thông tư này (nếu nộp đơn thông qua đại diện);
đ) Ảnh chụp mẫu giống: Tối thiểu 03 ảnh màu thể hiện 3 tính trạng đặc trưng của giống, kích cỡ 9cm x 15 cm;
2. Thông báo chấp nhận đơn đăng ký bảo hộ giống cây trồng theo mẫu tại Phụ lục 6 của Thông tư này.
3. Cục trưởng Cục Trồng trọt quyết định cấp Bằng bảo hộ giống cây trồng, Giấy chứng nhận đăng ký hợp đồng chuyển nhượng quyền đối với giống cây trồng trong trường hợp chuyển nhượng Bằng bảo hộ giống cây trồng.
Điều 10. Sửa đổi, bổ sung đơn đăng ký bảo hộ
1. Trước khi Cục Trồng trọt ra thông báo từ chối đơn, thông báo chấp nhận đơn; quyết định cấp Bằng bảo hộ hoặc thông báo từ chối cấp Bằng bảo hộ, người nộp đơn có quyền đề nghị hoặc theo yêu cầu của Cục Trồng trọt sửa chữa sai lỗi chính tả về tên, địa chỉ của người nộp đơn, tác giả giống, tên giống cây trồng hoặc đổi tên giống cây trồng; sửa đổi, bổ sung các tài liệu trong đơn, nhưng không làm thay đổi bản chất của đơn. Trường hợp người nộp đơn khi thay đổi bản chất của đơn (thay đổi chủ sở hữu, tác giả giống, giống đăng ký) thì phải nộp lại đơn từ đầu theo quy định.
2. Người nộp đơn có đề nghị sửa đổi, bổ sung đơn phải nộp 01 bộ hồ sơ cho Cục Trồng trọt. Hồ sơ gồm:
a) Tờ khai yêu cầu sửa đổi, bổ sung đơn theo mẫu tại Phụ lục 7 của Thông tư này;
b) Bản sao chứng thực hoặc có bản gốc xuất trình để đối chiếu: Quyết định đổi tên, địa chỉ hoặc Giấy phép đăng ký kinh doanh có ghi nhận việc thay đổi tên, địa chỉ hoặc các tài liệu pháp lý khác chứng minh việc thay đổi tên, địa chỉ người nộp đơn, tác giả giống cây trồng (trường hợp sửa chữa sai sót về tên, địa chỉ của người nộp đơn, tác giả giống cây trồng);
c) Bản giải trình về đổi tên giống (trường hợp sửa đổi tên giống);
d) Bản tài liệu mới đã được sửa đổi, kèm theo bản thuyết minh chi tiết nội dung sửa đổi so với bản tài liệu ban đầu trong đơn đã nộp (trường hợp sửa đổi, bổ sung các tài liệu trong đơn);
đ) Giấy uỷ quyền theo mẫu tại Phụ lục 1 của Thông tư này (trường hợp thay đổi đại diện);
e) Bản sao chụp biên lai thu phí, lệ phí hoặc bản fax giấy tờ chứng minh đã chuyển tiền vào tài khoản của Cục Trồng trọt.
3. Trình tự, thời gian giải quyết:
a) Trong thời hạn năm (05) ngày làm việc kể từ ngày nhận hồ sơ, Cục Trồng trọt xác định tính đầy đủ theo quy định của hồ sơ, gửi yêu cầu bổ sung trong trường hợp hồ sơ chưa đầy đủ theo quy định;
b) Trong thời hạn ba mươi (30) ngày làm việc kể từ khi Cục Trồng trọt nhận được hồ sơ đầy đủ theo quy định, Cục trưởng Cục Trồng trọt ký thông báo chấp nhận sửa đổi, bổ sung đơn và công bố trên Website của Văn phòng bảo hộ giống cây trồng mới trong thời hạn năm (05) ngày làm việc, kể từ ngày ký thông báo hoặc trên Tạp chí Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Trường hợp không giải quyết, phải thông báo bằng văn bản, nêu rõ lý do.
Điều 11. Chuyển giao quyền nộp đơn đăng ký bảo hộ
1. Giống cây trồng chưa được chủ sở hữu nộp đơn đăng ký bảo hộ sau khi được chuyển giao quyền sở hữu cho tổ chức, cá nhân khác theo quy định của pháp luật thì bên nhận chuyển giao có quyền nộp đơn đăng ký bảo hộ đó theo quy định.
2. Tài liệu trong đơn đăng ký bảo hộ theo quy định tại khoản 1 Điều 9 Thông tư này và bổ sung thêm tài liệu chứng minh quyền nộp đơn là bản hợp đồng chuyển giao quyền chủ sở hữu cây trồng đó (bản chính hoặc bản sao chứng thực) bằng tiếng Việt hoặc phải dịch ra tiếng Việt, từng trang phải có chữ ký xác nhận của các bên hoặc dấu giáp lai.
Điều 12. Chuyển nhượng đơn đăng ký bảo hộ
1. Trước khi Cục Trồng trọt ra thông báo từ chối đơn, thông báo chấp nhận đơn; quyết định cấp Bằng bảo hộ hoặc thông báo từ chối cấp bằng bảo hộ giống cây trồng, chủ đơn có quyền chuyển nhượng đơn đăng ký bảo hộ giống cây trồng cho người khác. Bên nhận chuyển nhượng đơn đăng ký trở thành chủ đơn. Việc chuyển nhượng đơn đăng ký bảo hộ được làm thành hợp đồng theo quy định tại khoản 2 Điều 25 Nghị định 88/2010/NĐ-CP.
2. Chủ đơn (bên chuyển nhượng đơn đăng ký bảo hộ) nộp 01 bộ hồ sơ cho Cục Trồng trọt. Hồ sơ gồm:
a) Tờ khai đăng ký hợp đồng chuyển nhượng đơn đăng ký bảo hộ theo mẫu tại Phụ lục 3 Thông tư này;
b) Hợp đồng (bản chính hoặc bản sao chứng thực) bằng tiếng Việt hoặc phải dịch ra tiếng Việt, từng trang phải có chữ ký xác nhận của các bên hoặc dấu giáp lai;
c) Văn bản đồng ý của các đồng chủ sở hữu, đối với trường hợp giống cây trồng thuộc sở hữu chung;
d) Bản sao chụp biên lai thu phí, lệ phí hoặc bản fax giấy tờ chứng minh đã chuyển tiền vào tài khoản của Cục Trồng trọt;
đ) Trường hợp giống cây trồng được tạo ra bằng ngân sách nhà nước thì phải bổ sung các tài liệu chứng minh việc chuyển nhượng được thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 27 Nghị định số 88/2010/NĐ-CP.
3. Trình tự, thời gian giải quyết:
a) Trong thời hạn năm (05) ngày làm việc kể từ ngày nhận hồ sơ, Cục Trồng trọt xác định tính đầy đủ của hồ sơ theo quy định. Trường hợp hồ sơ chưa đầy đủ theo quy định, Cục Trồng trọt thông báo rõ các thiếu sót của hồ sơ đề nghị chuyển nhượng, ấn định thời hạn ba mươi (30) ngày làm việc kể từ ngày ký thông báo để người nộp hồ sơ sửa chữa các thiếu sót và có ý kiến phản hồi. Quá thời hạn trên, nếu người nộp đơn không sửa chữa, bổ sung thì Cục Trồng trọt ra thông báo từ chối hồ sơ, có nêu rõ lý do.
b) Trong thời hạn ba mươi (30) ngày làm việc kể từ khi Cục Trồng trọt nhận được hồ sơ đầy đủ theo quy định, Cục trưởng Cục Trồng trọt ký thông báo chấp nhận chuyển nhượng đơn và công bố trên Website của Văn phòng bảo hộ giống cây trồng mới trong thời hạn năm (05) ngày làm việc kể từ ngày ký thông báo hoặc trên Tạp chí Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Điều 13. Chỉ định và kiểm tra hoạt động của tổ chức, cá nhân khảo nghiệm DUS được chỉ định
1. Tổ chức, cá nhân có đủ điều kiện theo quy định tại khoản 1 Điều 1 Nghị định số 98/2011/NĐ-CP và đáp ứng yêu cầu cụ thể tại quy phạm khảo nghiệm DUS đối với từng loài cây trồng, gửi một (01) bộ hồ sơ về Cục Trồng trọt đề nghị được chỉ định thực hiện khảo nghiệm DUS. Hồ sơ gồm:
a) Đơn đề nghị được chỉ định khảo nghiệm DUS theo mẫu quy định tại Phụ lục 8 của Thông tư này;
b) Quyết định thành lập hoặc Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, hoặc Giấy phép đầu tư của tổ chức; chứng minh thư nhân dân hoặc hộ chiếu của cá nhân (bản sao chứng thực hoặc bản chính xuất trình để đối chiếu).
2. Trình tự, thời gian giải quyết:
a) Trong thời hạn năm (05) ngày làm việc kể từ ngày nhận hồ sơ, Cục Trồng trọt xác định tính đầy đủ theo quy định của hồ sơ, hướng dẫn bổ sung trong trường hợp hồ sơ chưa đầy đủ theo quy định;
b) Trong thời hạn ba mươi (30) ngày làm việc kể từ khi Cục Trồng trọt nhận được hồ sơ đầy đủ theo quy định, Cục trưởng Cục Trồng trọt thành lập Đoàn thẩm định gồm 02-03 người đánh giá tại chỗ các điều kiện thực hiện khảo nghiệm DUS giống cây trồng;
c) Trong thời hạn mười (10) ngày làm việc sau khi Cục Trồng trọt nhận được biên bản thẩm định của đoàn đánh giá và báo cáo khắc phục của tổ chức, cá nhân đăng ký khảo nghiệm, Cục trưởng Cục Trồng trọt ký quyết định chỉ định tổ chức, cá nhân khảo nghiệm DUS giống cây trồng; công bố trên Website của Văn phòng bảo hộ giống cây trồng mới trong thời hạn năm (05) ngày làm việc kể từ ngày ký quyết định. Trường hợp không giải quyết, phải thông báo bằng văn bản, nêu rõ lý do.
d) Thời hạn hiệu lực của quyết định chỉ định là mười (10) năm. Trước khi hết hiệu lực chín mươi (90) ngày, tổ chức, cá nhân muốn được chỉ định lại phải gửi đơn đề nghị theo mẫu quy định tại Phụ lục 8 của Thông tư này. Căn cứ đơn đề nghị, kết quả kiểm tra hoạt động trong thời gian được chỉ định, Cục trưởng Cục Trồng ký quyết định chỉ định lại hoặc không chỉ định lại tổ chức, cá nhân khảo nghiệm DUS giống cây trồng, nêu rõ lý do.
3. Kiểm tra hoạt động của tổ chức, cá nhân khảo nghiệm DUS được chỉ định
a) Tần xuất kiểm tra ít nhất là 02 năm/01 lần, trừ trường hợp kiểm tra đột xuất;
b) Cục trưởng Cục Trồng trọt thành lập Đoàn kiểm tra gồm 02-03 người tiến hành kiểm tra tại chỗ;
c) Kiểm tra tại chỗ được thực hiện tại cơ quan khảo nghiệm DUS và tại ít nhất một (01) thí nghiệm khảo nghiệm DUS. Kết quả kiểm tra là căn cứ để duy trì, cảnh báo, đình chỉ, huỷ bỏ hiệu lực của quyết định chỉ định;
d) Nội dung kiểm tra: kiểm tra sự phù hợp của tổ chức, cá nhân khảo nghiệm DUS với các điều kiện được chỉ định; sự phù hợp của thí nghiệm khảo nghiệm với quy phạm khảo nghiệm DUS; hồ sơ và kết quả khảo nghiệm;
đ) Trường hợp tổ chức, cá nhân khảo nghiệm có sai lỗi phải thực hiện ngay các hành động khắc phục và báo cáo kết quả về Cục Trồng trọt theo thời gian quy định tại biên bản kiểm tra;
Cục Trồng trọt thẩm định kết quả khắc phục căn cứ theo báo cáo khắc phục của tổ chức, cá nhân khảo nghiệm DUS; khi cần thiết thì tổ chức kiểm tra lại tại chỗ.
4. Biên bản thẩm định, biên bản kiểm tra theo mẫu tại Phụ lục 9; báo cáo khắc phục theo mẫu quy định tại Phụ lục 10 của Thông tư này.
Điều 14. Quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân được chỉ định khảo nghiệm kỹ thuật (DUS)
1. Quyền của tổ chức, cá nhân được chỉ định khảo nghiệm DUS:
a) Tiến hành khảo nghiệm trên cơ sở hợp đồng ký kết với tổ chức, cá nhân có giống khảo nghiệm thuộc loài cây trồng được chỉ định;
b) Được thu phí khảo nghiệm theo quy định của nhà nước hoặc theo thoả thuận với tổ chức, cá nhân có giống khảo nghiệm nếu chưa có quy định của nhà nước;
c) Từ chối cung cấp thông tin liên quan đến kết quả khảo nghiệm cho bên thứ ba, trừ trường hợp cơ quan nhà nước có thẩm quyền yêu cầu.
2. Nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân khảo nghiệm DUS được chỉ định:
a) Đáp ứng điều kiện theo quy định tại Điều 16 Nghị định số 88/2010/NĐ-CP sửa đổi;
b) Thực hiện khảo nghiệm theo quy phạm khảo nghiệm DUS quy định tại khoản 3 Điều 15 Nghị định số 88/2010/NĐ-CP;
c) Thực hiện khảo nghiệm DUS trong phạm vi được chỉ định. Không được từ chối khảo nghiệm khi không có lý do chính đáng;
d) Trên cơ sở quy phạm khảo nghiệm, xây dựng trình tự thủ tục khảo nghiệm cụ thể cho từng đối tượng gửi Cục Trồng trọt và thông báo cho tổ chức, cá nhân đăng ký khảo nghiệm;
đ) Bảo đảm công khai, minh bạch, độc lập, khách quan, chính xác và không phân biệt đối xử trong hoạt động khảo nghiệm;
e) Gửi Cục Trồng trọt báo cáo kết quả khảo nghiệm theo mẫu tại Phụ lục 13 của Thông tư này, trong thời hạn bốn mươi lăm (45) ngày làm việc kể từ ngày kết thúc khảo nghiệm; báo cáo mọi thay đổi có ảnh hưởng tới năng lực hoạt động được chỉ định trong thời hạn mười lăm (15) ngày kể từ ngày có sự thay đổi;
g) Trả phí khảo nghiệm lại cho người nộp đơn theo quy định tại khoản 4, khoản 5 Điều 15 Nghị định số 88/2010/NĐ-CP;
h) Chịu trách nhiệm trước pháp luật về kết quả khảo nghiệm do chính tổ chức, cá nhân đó thực hiện; chịu sự kiểm tra, thanh tra của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Điều 15. Cảnh báo, đình chỉ, phục hồi và huỷ bỏ hiệu lực của quyết định chỉ định
Căn cứ kết quả kiểm tra, thanh tra, Cục trưởng Cục Trồng trọt quyết định:
1. Cảnh báo khi tổ chức, cá nhân khảo nghiệm được chỉ định có sai lỗi nhưng chưa ảnh hưởng đến kết quả khảo nghiệm.
2. Đình chỉ quyết định chỉ định trong trường hợp có sai lỗi về kỹ thuật nhưng có thể khắc phục được và chưa gây hậu quả nghiêm trọng gồm:
a) Các hành động khắc phục trong biên bản kiểm tra không được thực hiện đầy đủ;
b) Các ý kiến khiếu nại về kết quả khảo nghiệm là do sai lỗi của tổ chức, cá nhân khảo nghiệm nhưng không được khắc phục;
c) Không thực hiện chế độ báo cáo theo quy định tại điểm e khoản 2 Điều 14 của Thông tư này.
3. Phục hồi hiệu lực của quyết định chỉ định khi các sai lỗi đã được khắc phục.
4. Huỷ bỏ hiệu lực của quyết định chỉ định trong trường hợp tổ chức, cá nhân khảo nghiệm mắc sai lỗi nghiêm trọng: không đáp ứng điều kiện quy định tại khoản 3 Điều 15, Điều 17 Nghị định số 88/2010/NĐ-CP hoặc công bố kết quả khảo nghiệm không đúng sự thật.
Trong thời hạn một (01) năm kể từ ngày Cục trưởng Cục Trồng trọt quyết định huỷ bỏ quyết định chỉ định, tổ chức, cá nhân khảo nghiệm không được hoạt động khảo nghiệm. Sau đó nếu có nhu cầu khảo nghiệm thì phải đăng ký chỉ định lại theo quy định tại khoản 1, 2 Điều 13 của Thông tư này.
Điều 16. Khảo nghiệm DUS do người nộp đơn thực hiện
1. Ngoài các tài liệu theo quy định tại Điều 174 Luật Sở hữu trí tuệ, người nộp đơn tự thực hiện khảo nghiệm DUS đối với giống của mình phải nộp bổ sung cho Cục Trồng trọt các tài liệu sau đây:
a) Bản kê khai chi tiết điều kiện để được tự khảo nghiệm theo mẫu tại Phụ lục 11 của Thông tư này, phù hợp với yêu cầu cụ thể tại quy phạm khảo nghiệm DUS đối với từng loài cây trồng;
b) Kế hoạch khảo nghiệm theo mẫu tại Phụ lục 12 của Thông tư này.
2. Cục Trồng trọt xem xét hồ sơ, khi cần thiết kiểm tra tại thực địa, thông báo cho người nộp đơn được tự khảo nghiệm đối với giống đăng ký bảo hộ tại thông báo chấp nhận đơn quy định tại khoản 2 Điều 9 Thông tư này.
3. Trong thời hạn ba mươi (30) ngày làm việc kể từ ngày ký thông báo cho phép tự khảo nghiệm, nếu có thay đổi kế hoạch khảo nghiệm người nộp đơn phải báo cáo bằng văn bản cho Cục Trồng trọt.
4. Trong thời hạn bốn mươi lăm (45) ngày làm việc kể từ ngày kết thúc khảo nghiệm, người nộp đơn gửi Cục Trồng trọt báo cáo kết quả khảo nghiệm theo mẫu tại Phụ lục 13 của Thông tư này.
5. Kiểm tra tại chỗ
a) Cục Trồng trọt thành lập Đoàn kiểm tra từ 02-03 người, trong đó có ít nhất 01 (một) chuyên gia của cơ quan khảo nghiệm DUS được chỉ định hoặc cơ quan nghiên cứu chuyên ngành về loài cây trồng đó;
b) Đoàn kiểm tra đánh giá thí nghiệm khảo nghiệm DUS ít nhất một (01) lần vào thời điểm phù hợp theo quy phạm khảo nghiệm DUS;
c) Nội dung kiểm tra: việc đáp ứng của tổ chức, cá nhân so với quy định về điều kiện được tự khảo nghiệm; việc thực hiện khảo nghiệm so với quy phạm khảo nghiệm và kết quả khảo nghiệm;
d) Biên bản kiểm tra tại chỗ được lập theo mẫu quy định tại Phụ lục 9 của Thông tư này; biên bản kiểm tra là một căn cứ để Cục Trồng trọt thẩm định báo cáo kết quả khảo nghiệm DUS do người nộp đơn thực hiện và lưu trong hồ sơ thẩm định kết quả khảo nghiệm DUS.
6. Xử lý kết quả kiểm tra
a) Trường hợp tổ chức, cá nhân tự khảo nghiệm có sai lỗi nhưng chưa ảnh hưởng đến kết quả khảo nghiệm thì phải thực hiện ngay các hành động khắc phục và báo cáo kết quả về Cục Trồng trọt theo mẫu tại Phụ lục 10 của Thông tư này;
b) Trường hợp tổ chức, cá nhân khảo nghiệm mắc sai lỗi nghiêm trọng như khoản 4 Điều 15 của Thông tư này thì yêu cầu chấm dứt tự khảo nghiệm để lựa chọn hình thức khảo nghiệm khác đối với giống đăng ký bảo hộ.
Điều 17. Thời hạn nộp mẫu giống, quản lý và sử dụng mẫu giống cây trồng
1. Thời hạn nộp mẫu giống, quản lý và sử dụng mẫu giống cây trồng được thực hiện theo Thông tư số 41/2009/TT-BNNPTNT ngày 09 tháng 7 năm 2009 quy định về quản lý và sử dụng mẫu giống cây trồng.
2. Trong thời hạn tối đa một (01) năm kể từ ngày chấp nhận đơn hợp lệ, nếu người nộp đơn không nộp mẫu giống cho cơ quan khảo nghiệm thì đơn đăng ký bị từ chối.
Điều 18. Sửa đổi Bằng bảo hộ giống cây trồng
1. Chủ bằng bảo hộ có quyền đề nghị Cục Trồng trọt thay đổi, sửa chữa sai sót về tên và địa chỉ của chủ bằng bảo hộ.
2. Chủ bằng bảo hộ có đề nghị sửa đổi Bằng bảo hộ nộp một (01) bộ hồ sơ cho Cục Trồng trọt. Hồ sơ gồm:
a) Tờ khai đề nghị sửa đổi Bằng bảo hộ theo mẫu tại Phụ lục 15 của Thông tư này;
b) Bản chính Bằng bảo hộ;
c) Bản sao (có chứng thực hoặc bản chính xuất trình để đối chiếu) quyết định đổi tên, địa chỉ hoặc Giấy phép đăng ký kinh doanh có ghi nhận việc thay đổi tên, địa chỉ hoặc các tài liệu pháp lý khác chứng minh việc thay đổi tên, địa chỉ của chủ Bằng bảo hộ;
d) Giấy uỷ quyền (nếu nộp hồ sơ thông qua đại diện);
đ) Bản sao chụp biên lai thu lệ phí hoặc bản fax giấy tờ chứng minh đã chuyển tiền vào tài khoản của Cục Trồng trọt.
3. Trình tự, thời gian giải quyết:
a) Trong thời hạn ba (03) ngày làm việc kể từ ngày nhận hồ sơ, Cục Trồng trọt xác định tính đầy đủ theo quy định của hồ sơ, gửi thông báo yêu cầu bổ sung trong trường hợp hồ sơ chưa đầy đủ theo quy định;
b) Trong thời hạn mười lăm (15) ngày làm việc kể từ khi nhận được hồ sơ đầy đủ theo quy định, Cục trưởng Cục trồng trọt ký quyết định sửa đổi Bằng bảo hộ giống cây trồng, ghi nhận vào Sổ đăng ký quốc gia và công bố trên Website của Văn phòng bảo hộ giống cây trồng mới trong thời hạn năm (05) ngày làm việc kể từ ngày ký quyết định hoặc trên Tạp chí Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Trường hợp không giải quyết, phải thông báo bằng văn bản, nêu rõ lý do.
4. Trường hợp Bằng bảo hộ giống cây trồng bị lỗi do Cục Trồng trọt thì Cục Trồng trọt phải cấp lại Bằng bảo hộ trong ba (03) ngày làm việc kể từ ngày được yêu cầu (không thu lệ phí cấp lại Bằng bảo hộ).
Điều 19. Cấp lại Bằng bảo hộ giống cây trồng
1. Chủ bằng bảo hộ có quyền đề nghị Cục Trồng trọt cấp lại Bằng bảo hộ trong các trường hợp sau:
a) Bằng bảo hộ bị mất;
b) Bằng bảo hộ bị hỏng, rách, bẩn, phai mờ đến mức không sử dụng được.
2. Chủ bằng bảo hộ có đề nghị cấp lại Bằng bảo hộ nộp một (01) bộ hồ sơ cho Cục Trồng trọt. Hồ sơ gồm:
a) Tờ khai yêu cầu cấp lại Bằng bảo hộ làm theo mẫu tại Phụ lục 16 của Thông tư này;
b) Giấy uỷ quyền (nếu nộp hồ sơ thông qua đại diện);
c) Bản sao chụp biên lai thu phí, lệ phí hoặc bản fax giấy tờ chứng minh đã chuyển tiền vào tài khoản của Cục Trồng trọt;
d) Bằng bảo hộ bị hỏng, rách, bẩn, phai mờ.
3. Trình tự, thời gian giải quyết:
a) Trong thời hạn ba (03) ngày làm việc kể từ ngày nhận hồ sơ, Cục Trồng trọt xác định tính đầy đủ theo quy định của hồ sơ, gửi yêu cầu bổ sung trong trường hợp hồ sơ chưa đầy đủ theo quy định;
b) Trong thời hạn mười lăm (15) ngày làm việc kể từ khi nhận được hồ sơ đầy đủ theo quy định, Cục trưởng Cục trồng trọt ký quyết định cấp lại Bằng bảo hộ giống cây trồng, ghi nhận vào Sổ đăng ký quốc gia. Trường hợp không giải quyết, phải thông báo bằng văn bản, nêu rõ lý do.
Điều 20. Đình chỉ hiệu lực Bằng bảo hộ giống cây trồng
1. Trong thời hạn hiệu lực của Bằng bảo hộ, bất cứ bên thứ ba nào cũng có quyền gửi một (01) bộ hồ sơ đề nghị đình chỉ hiệu lực Bằng bảo hộ cho Cục Trồng trọt với lý do giống cây trồng được bảo hộ không đáp ứng tính đồng nhất và tính ổn định như tại thời điểm cấp Bằng theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 170 Luật Sở hữu trí tuệ. Hồ sơ gồm:
a) Đơn đề nghị đình chỉ hiệu lực bằng bảo hộ làm theo mẫu tại Phụ lục 17 của Thông tư này;
b) Tài liệu, chứng cứ chứng minh giống cây trồng không đáp ứng tính đồng nhất và tính ổn định như tại thời điểm cấp Bằng bảo hộ;
c) Bản sao chụp biên lai thu phí khảo nghiệm lại và bản fax giấy tờ chứng minh đã chuyển tiền vào tài khoản của Cục Trồng trọt.
2. Trình tự và thời gian giải quyết
a) Trong vòng ba mươi (30) ngày làm việc kể từ ngày nhận được yêu cầu đình chỉ hiệu lực bằng bảo hộ giống cây trồng của bất kỳ bên thứ ba nào, Cục Trồng trọt phải hoàn thành việc xác minh thông tin nêu trong đơn yêu cầu; nếu có đủ căn cứ thì thông báo dự kiến đình chỉ cho chủ bằng bảo hộ giống cây trồng; nếu không đủ căn cứ thì thông báo cho bên thứ ba và nêu rõ lý do. Yêu cầu đình chỉ hiệu lực bằng bảo hộ giống cây trồng phải được thể hiện bằng văn bản kèm theo chứng cứ chứng minh giống cây trồng không đáp ứng tính đồng nhất và tính ổn định như tại thời điểm cấp bằng bảo hộ và nộp phí khảo nghiệm lại;
b) Sau ba mươi (30) ngày làm việc kể từ ngày ra thông báo dự kiến đình chỉ của cơ quan bảo hộ giống cây trồng mà chủ bằng bảo hộ giống cây trồng không có đơn phản đối thì Cục Trồng trọt ký quyết định đình chỉ hiệu lực bằng bảo hộ giống cây trồng và thông báo cho bên thứ ba. Thời điểm đình chỉ có hiệu lực tính từ ngày ký quyết định đình chỉ hiệu lực bằng bảo hộ và được công bố trên website của Văn phòng Bảo hộ giống cây trồng mới hoặc trên Tạp chí Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;
c) Trường hợp chủ bằng bảo hộ giống cây trồng có đơn phản đối, trong vòng ba mươi (30) ngày làm việc thì kể từ khi nhận được đơn phản đối, Cục Trồng trọt yêu cầu chủ bằng bảo hộ thực hiện các thủ tục khảo nghiệm lại như quy định tại khoản 4 Điều 15 của Nghị định 88/2010/NĐ-CP; việc khảo nghiệm lại do cơ quan khảo nghiệm quy định tại điểm a khoản 1 Điều 15 của Nghị định 88/2010/NĐ-CP thực hiện.
Nếu kết quả khảo nghiệm lại cho thấy giống cây trồng không đáp ứng tính đồng nhất hoặc tính ổn định như tại thời điểm cấp bằng thì trong vòng ba mươi (30) ngày làm việc kể từ ngày nhận được kết quả khảo nghiệm lại, Cục Trồng trọt làm thủ tục đình chỉ như quy định tại điểm b khoản này và trả lại phí khảo nghiệm lại cho người yêu cầu đình chỉ hiệu lực bằng bảo hộ.
Nếu kết quả khảo nghiệm lại cho thấy giống cây trồng đáp ứng tính đồng nhất hoặc tính ổn định như tại thời điểm cấp bằng thì trong vòng mười lăm (15) ngày làm việc kể từ ngày nhận được kết quả khảo nghiệm lại, Cục Trồng trọt thông báo cho bên thứ ba biết.
Điều 21. Phục hồi hiệu lực Bằng bảo hộ giống cây trồng
1. Trong thời hạn ba mươi (30) ngày làm việc kể từ ngày Cục trưởng Cục Trồng trọt ký thông báo đình chỉ hiệu lực Bằng bảo hộ, chủ bằng bảo hộ có quyền gửi 01 (một) bộ hồ sơ đề nghị phục hồi hiệu lực Bằng bảo hộ cho Cục Trồng trọt. Hồ sơ gồm:
a) Đơn đề nghị phục hồi hiệu lực bằng bảo hộ làm theo mẫu tại Phụ lục 18 của Thông tư này;
b) Chứng cứ chứng minh chủ bằng bảo hộ đã khắc phục được các lý do đình chỉ;
c) Bản sao chụp biên lai thu phí, lệ phí hoặc bản fax giấy tờ chứng minh đã chuyển tiền vào tài khoản của Cục Trồng trọt.
2. Thời gian giải quyết:
a) Trường hợp lý do đình chỉ là do không nộp phí duy trì hiệu lực, không đổi tên giống cây trồng, không cung cấp tài liệu, vật liệu nhân giống: Trong thời hạn năm (05) ngày làm việc kể từ ngày có bằng chứng cho thấy chủ bằng bảo hộ đã thực hiện các hành động khắc phục, Cục trưởng Cục trồng trọt ký quyết định phục hồi hiệu lực Bằng bảo hộ, ghi nhận vào Sổ đăng ký quốc gia và công bố trên Website của Văn phòng bảo hộ giống cây trồng mới trong thời hạn năm (05) ngày làm việc kể từ ngày ký quyết định hoặc trên Tạp chí Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;
b) Trường hợp lý do đình chỉ là do giống không đáp ứng được tính đồng nhất và tính ổn định như tại thời điểm cấp Bằng theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 170 Luật Sở hữu trí tuệ: Trong thời hạn mười (10) ngày làm việc kể từ ngày chủ bằng bảo hộ chứng minh được giống đã đáp ứng các điều kiện về tính đồng nhất và tính ổn định, Cục trưởng Cục trồng trọt ký quyết định phục hồi hiệu lực Bằng bảo hộ, ghi nhận vào Sổ đăng ký quốc gia và công bố trên Website của Văn phòng bảo hộ giống cây trồng mới trong thời hạn năm (05) ngày làm việc kể từ ngày ký quyết định hoặc trên Tạp chí Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Điều 22. Huỷ bỏ hiệu lực Bằng bảo hộ giống cây trồng
1. Trong thời hạn hiệu lực của Bằng bảo hộ, bất cứ bên thứ ba nào cũng có quyền gửi một (01) bộ hồ sơ đề nghị huỷ bỏ hiệu lực Bằng bảo hộ cho Cục Trồng trọt nếu thấy có dấu hiệu vi phạm theo quy định tại khoản 1 Điều 171 Luật Sở hữu trí tuệ. Hồ sơ gồm:
a) Đơn đề nghị hủy bỏ hiệu lực bằng bảo hộ làm theo mẫu tại Phụ lục 17 của Thông tư này;
b) Chứng cứ chứng minh lý do yêu cầu huỷ bỏ hiệu lực bằng bảo hộ;
c) Bản sao chụp biên lai thu phí khảo nghiệm lại hoặc bản fax giấy tờ chứng minh đã chuyển tiền vào tài khoản của Cục Trồng trọt (áp dụng đối với điểm b và c khoản 1 Điều 171 Luật Sở hữu trí tuệ).
2. Trình tự, thời gian giải quyết:
a) Trong thời hạn năm (05) ngày làm việc kể từ ngày nhận hồ sơ, Văn phòng bảo hộ giống cây trồng mới xác định tính đầy đủ theo quy định của hồ sơ, gửi yêu cầu bổ sung trong trường hợp hồ sơ chưa đầy đủ theo quy định;
b) Trường hợp lý do đề nghị huỷ bỏ hiệu lực Bằng bảo hộ là do giống cây trồng không đáp ứng tính mới hoặc chủ bằng bảo hộ là người không có quyền nộp đơn: Trong thời hạn ba mươi (30) ngày làm việc kể từ khi nhận được hồ sơ đầy đủ theo quy định, Cục trưởng Cục trồng trọt ký quyết định huỷ bỏ hiệu lực Bằng bảo hộ, ghi nhận vào Sổ đăng ký quốc gia hoặc thông báo từ chối đề nghị huỷ bỏ, có nêu rõ lý do và công bố trên Website của Văn phòng bảo hộ giống cây trồng mới trong thời hạn năm (05) ngày làm việc kể từ ngày ký quyết định hoặc trên Tạp chí Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
c) Trường hợp lý do đề nghị huỷ bỏ hiệu lực Bằng bảo hộ là do giống cây trồng không đáp ứng tính khác biệt hoặc tính đồng nhất hoặc tính ổn định: Trong thời hạn mười (10) ngày làm việc kể từ khi kết thúc thẩm định kết quả khảo nghiệm lại, Cục trưởng Cục trồng trọt ký quyết định huỷ bỏ hiệu lực Bằng bảo hộ, ghi nhận vào Sổ đăng ký quốc gia hoặc thông báo từ chối đề nghị huỷ bỏ, có nêu rõ lý do và công bố trên Website của Văn phòng bảo hộ giống cây trồng mới trong thời hạn năm (05) ngày làm việc kể từ ngày ký quyết định hoặc trên Tạp chí Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
ĐẠI DIỆN QUYỀN ĐỐI VỚI GIỐNG CÂY TRỒNG
Điều 23. Đào tạo về đại diện quyền đối với giống cây trồng
1. Nội dung đào tạo về đại diện quyền đối với giống cây trồng gồm 02 phần:
a) Pháp luật về quyền đối với giống cây trồng, gồm các quy định pháp luật của Việt Nam và các điều ước quốc tế, thoả thuận song phương mà Việt Nam tham gia;
b) Nghiệp vụ đại diện quyền đối với giống cây trồng gồm kỹ năng áp dụng pháp luật trong việc làm, nộp, theo dõi đơn đăng ký quyền đối với giống cây trồng; quy định chung về khảo nghiệm DUS; nghiệp vụ tra cứu, khai thác thông tin bảo hộ giống cây trồng.
2. Cục trưởng Cục Trồng trọt phê duyệt chương trình đào tạo về đại diện quyền đối với giống cây trồng gồm nội dung, thời gian đào tạo, yêu cầu giảng viên, bộ câu hỏi kiểm tra nghiệp vụ đại diện quyền đối với giống cây trồng.
3. Người tham dự đầy đủ nội dung đào tạo về pháp luật quyền đối với giống cây trồng được cấp Chứng chỉ đào tạo về quyền đối với giống cây trồng. Người tham dự đầy đủ nội dung đào tạo về nghiệp vụ đại diện quyền đối với giống cây trồng và đạt điểm kiểm tra từ trung bình trở lên được coi là đạt yêu cầu về kiểm tra nghiệp vụ đại diện quyền đối với giống cây trồng.
4. Thực hiện đào tạo về đại diện quyền đối với giống cây trồng:
a) Cục Trồng trọt thông báo cho người có yêu cầu đào tạo về nội dung, thời gian, địa điểm đào tạo và chi phí đào tạo;
b) Cục Trồng trọt tổ chức đào tạo về đại diện quyền đối với giống cây trồng và kiểm tra nghiệp vụ đại diện quyền đối với giống cây trồng theo chương trình được Cục trưởng Cục Trồng trọt phê duyệt;
c) Cục trưởng Cục Trồng trọt cấp Chứng chỉ đào tạo về quyền đối với giống cây trồng và phê duyệt danh sách đạt yêu cầu về kiểm tra nghiệp vụ đại diện quyền đối với giống cây trồng; thông báo trên Website của Văn phòng bảo hộ giống cây trồng mới.
Điều 24. Cấp Chứng chỉ hành nghề dịch vụ đại diện quyền đối với giống cây trồng
1. Cá nhân đáp ứng điều kiện quy định tại điểm 5 khoản 21 Điều 1 Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi có yêu cầu cấp Chứng chỉ hành nghề dịch vụ đại diện quyền đối với giống cây trồng nộp một (01) bộ hồ sơ cho Cục Trồng trọt. Hồ sơ gồm:
a) Tờ khai yêu cầu cấp Chứng chỉ hành nghề dịch vụ đại diện quyền đối với giống cây trồng theo mẫu tại Phụ lục 19 của Thông tư này;
b) Bản sao chụp Chứng minh thư nhân dân;
c) Bằng tốt nghiệp đại học (bản sao chứng thực hoặc bản chính xuất trình để đối chiếu);
d) Bản sao chụp Chứng chỉ đào tạo về quyền đối với giống cây trồng hoặc bản chính của một trong các tài liệu sau: Giấy xác nhận của cơ sở đào tạo về việc người nộp hồ sơ đã hoàn thành luận văn tốt nghiệp đại học, sau đại học về đề tài quyền đối với giống cây trồng hoặc bản sao luận văn tốt nghiệp và có bản chính để đối chiếu; Giấy xác nhận của cơ quan có thẩm quyền về việc người nộp hồ sơ đã trực tiếp làm công tác thẩm định đơn đăng ký bảo hộ tại cơ quan quốc gia hoặc quốc tế về quyền đối với giống cây trồng hoặc đã trực tiếp làm công tác pháp luật về quyền đối với giống cây trồng liên tục từ năm (05) năm trở lên.
đ) 02 ảnh 3x4;
e) Bản sao chụp biên lai thu phí, lệ phí hoặc bản fax giấy tờ chứng minh đã chuyển tiền vào tài khoản của Cục Trồng trọt.
2. Trình tự, thời gian giải quyết:
a) Trong thời hạn ba (03) ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ, trường hợp hồ sơ chưa đầy đủ, Cục Trồng trọt thông báo cho người nộp hồ sơ, có nêu rõ lý do.
b) Trong thời hạn mười (10) ngày làm việc, kể từ khi nhận được hồ sơ đầy đủ theo quy định, Cục trưởng Cục trồng trọt ký quyết định cấp Chứng chỉ hành nghề cho người có hồ sơ hợp lệ và có tên trong danh sách đạt yêu cầu về kiểm tra nghiệp vụ đại diện quyền đối với giống cây trồng; ghi nhận vào Sổ đăng ký quốc gia về đại diện quyền đối với giống cây trồng và công bố trên Website của Văn phòng bảo hộ giống cây trồng mới trong thời hạn năm (05) ngày làm việc kể từ ngày ký quyết định. Trường hợp từ chối, phải thông báo bằng văn bản, nêu rõ lý do.
Điều 25. Thu hồi Chứng chỉ hành nghề dịch vụ đại diện quyền đối với giống cây trồng
1. Chứng chỉ hành nghề bị thu hồi trong trường hợp sau:
a) Người có Chứng chỉ hành nghề dịch vụ đại diện vi phạm quy định tại khoản 2 Điều 38 Nghị định số 88/2010/NĐ-CP hoặc các quy định khác của pháp luật bị cơ quan có thẩm quyền đề nghị xử lý bằng hình thức thu hồi Chứng chỉ hành nghề;
b) Có chứng cứ khẳng định Chứng chỉ hành nghề được cấp trái quy định, người được cấp không đáp ứng yêu cầu tại khoản điểm 5 khoản 21 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ.
2. Thủ tục thu hồi Chứng chỉ hành nghề khi có căn cứ thu hồi Chứng chỉ hành nghề theo quy định tại khoản 1 Điều này, Văn phòng bảo hộ giống cây trồng mới thực hiện các thủ tục sau đây:
a) Trình Cục trưởng Cục Trồng trọt ban hành quyết định thu hồi Chứng chỉ hành nghề dịch vụ đại diện quyền đối với giống cây trồng theo đề nghị của cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định tại điểm a khoản 1 Điều này;
b) Xoá tên khỏi Sổ đăng ký quốc gia về người đại diện quyền đối với giống cây trồng;
c) Công bố trên Website của Văn phòng bảo hộ giống cây trồng mới trong thời hạn năm (05) ngày làm việc kể từ ngày ký quyết định.
Điều 26. Cấp lại Chứng chỉ hành nghề dịch vụ đại diện quyền đối với giống cây trồng
1. Người có Chứng chỉ hành nghề bị mất hoặc bị rách, bẩn, phai mờ đến mức không thể sử dụng được hoặc người bị thu hồi Chứng chỉ hành nghề đã hết thời hạn ba (03) năm, kể từ ngày bị thu hồi Chứng chỉ hành nghề theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 25 Thông tư này có quyền yêu cầu cấp lại Chứng chỉ hành nghề.
2. Người có yêu cầu cấp lại Chứng chỉ hành nghề nộp một (01) bộ hồ sơ cho Cục Trồng trọt. Hồ sơ gồm:
a) Tờ khai yêu cầu cấp lại Chứng chỉ hành nghề theo mẫu tại Phụ lục 20 của Thông tư này;
b) 02 ảnh 3x4;
c) Bản sao chụp biên lai thu phí, lệ phí hoặc bản fax giấy tờ chứng minh đã chuyển tiền vào tài khoản của Cục Trồng trọt.
3. Trình tự, thời gian giải quyết:
a) Trong thời hạn ba (03) ngày làm việc kể từ ngày nhận hồ sơ, Cục Trồng trọt xác định tính đầy đủ theo quy định của hồ sơ, gửi yêu cầu bổ sung trong trường hợp hồ sơ chưa đầy đủ theo quy định;
b) Trong thời hạn mười (10) ngày làm việc kể từ khi Cục Trồng trọt nhận được hồ sơ đầy đủ theo quy định, Cục trưởng Cục Trồng trọt cấp lại Chứng chỉ hành nghề đại diện quyền đối với giống cây trồng.
4. Trường hợp Chứng chỉ hành nghề dịch vụ đại diện quyền đối với giống cây trồng bị lỗi do Cục Trồng trọt thì Cục Trồng trọt phải cấp lại Chứng chỉ miễn phí trong thời gian 03 (ba) ngày làm việc kể từ ngày nhận được yêu cầu.
Điều 27. Ghi nhận tổ chức dịch vụ đại diện quyền đối với giống cây trồng
1. Tổ chức có yêu cầu ghi nhận là tổ chức dịch vụ đại diện quyền đối với giống cây trồng nộp một (01) bộ hồ sơ cho Cục Trồng trọt. Hồ sơ gồm:
a) Tờ khai yêu cầu ghi nhận tổ chức dịch vụ đại diện quyền đối với giống cây trồng theo mẫu tại Phụ lục 21 của Thông tư này;
b) Danh sách thành viên có Chứng chỉ hành nghề dịch vụ đại diện quyền đối với giống cây trồng (bản sao chứng thực hoặc có bản chính xuất trình để đối chiếu), trong đó có người đứng đầu tổ chức hoặc người được người đứng đầu tổ chức ủy quyền;
c) Bản sao chứng thực Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động của tổ chức;
d) Bản sao chụp biên lai thu phí, lệ phí hoặc bản fax giấy tờ chứng minh đã chuyển tiền vào tài khoản của Cục Trồng trọt.
2. Trình tự, thời gian giải quyết:
a) Trong thời hạn năm (05) ngày làm việc kể từ ngày nhận hồ sơ, Cục Trồng trọt xác định tính đầy đủ theo quy định của hồ sơ, gửi yêu cầu bổ sung trong trường hợp hồ sơ chưa đầy đủ theo quy định;
b) Trong thời hạn mười lăm (15) ngày làm việc kể từ khi Cục Trồng trọt nhận được hồ sơ đầy đủ theo quy định, Cục trưởng Cục Trồng trọt ra thông báo ghi nhận tổ chức dịch vụ đại diện quyền đối với giống cây trồng, vào Sổ đăng ký quốc gia về đại diện quyền đối với giống cây trồng; công bố trên Website của Văn phòng bảo hộ giống cây trồng mới trong thời hạn năm (05) ngày làm việc kể từ ngày ký quyết định hoặc trên Tạp chí Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Trường hợp từ chối, phải thông báo bằng văn bản, nêu rõ lý do.
Điều 28. Ghi nhận sửa đổi thông tin tổ chức dịch vụ đại diện quyền đối với giống cây trồng
1. Tổ chức dịch vụ đại diện quyền đối với giống cây trồng có yêu cầu ghi nhận thay đổi tên, địa chỉ của tổ chức hoặc thành viên trong danh sách người đại diện quyền đối với giống cây trồng nộp một (01) bộ hồ sơ cho Cục Trồng trọt. Hồ sơ gồm:
a) Tờ khai yêu cầu ghi nhận sửa đổi thông tin về tổ chức dịch vụ đại diện quyền đối với giống cây trồng theo mẫu tại Phụ lục 22 của Thông tư này;
b) Bản sao chứng thực Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh/Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động đã được sửa đổi của tổ chức dịch vụ đại diện quyền đối với giống cây trồng;
c) Quyết định tuyển dụng hoặc quyết định chấm dứt hợp đồng lao động đối với thành viên trong danh sách người đại diện quyền đối với giống cây trồng của tổ chức;
d) Bản sao chụp biên lai thu phí, lệ phí hoặc bản fax giấy tờ chứng minh đã chuyển tiền vào tài khoản của Cục Trồng trọt.
2. Trình tự, thời gian giải quyết:
a) Trong thời hạn ba (03) ngày làm việc kể từ ngày nhận hồ sơ, Cục Trồng trọt xác định tính đầy đủ theo quy định của hồ sơ, gửi yêu cầu bổ sung trong trường hợp hồ sơ chưa đầy đủ theo quy định;
b) Trong thời hạn mười (10) ngày làm việc kể từ khi Cục Trồng trọt nhận được hồ sơ đầy đủ theo quy định, Cục trưởng Cục Trồng trọt ký thông báo ghi nhận sửa đổi thông tin tổ chức dịch vụ đại diện quyền đối với giống cây trồng, vào Sổ đăng ký quốc gia về đại diện quyền đối với giống cây trồng; công bố trên Website của Văn phòng bảo hộ giống cây trồng mới trong thời hạn năm (05) ngày làm việc kể từ ngày ký thông báo hoặc trên Tạp chí Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Trường hợp từ chối, phải thông báo bằng văn bản, nêu rõ lý do.
Điều 29. Xóa tên tổ chức dịch vụ đại diện quyền đối với giống cây trồng
Trường hợp Tổ chức dịch vụ đại diện vi phạm quy định tại khoản 2 Điều 37 Nghị định số 88/2010/NĐ-CP bị cơ quan có thẩm quyền đề nghị xử lý bằng hình thức xoá tên, Văn phòng bảo hộ giống cây trồng mới thực hiện các thủ tục sau đây:
1. Trình Cục trưởng Cục Trồng trọt ban hành quyết định xoá tên Tổ chức dịch vụ đại diện;
2. Xoá tên khỏi Sổ đăng ký quốc gia về đại diện quyền đối với giống cây trồng;
3. Công bố trên Website của Văn phòng bảo hộ giống cây trồng mới trong thời hạn ba (03) ngày làm việc kể từ ngày ký quyết định hoặc trên Tạp chí Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
GIÁM ĐỊNH QUYỀN ĐỐI VỚI GIỐNG CÂY TRỒNG
Điều 30. Đào tạo nghiệp vụ về giám định quyền đối với giống cây trồng
1. Nội dung đào tạo về giám định quyền đối với giống cây trồng gồm 02 phần:
a) Pháp luật về quyền đối với giống cây trồng, gồm các quy định pháp luật của Việt Nam và các điều ước quốc tế, thoả thuận song phương mà Việt Nam tham gia;
b) Nghiệp vụ giám định quyền đối với giống cây trồng gồm kỹ năng áp dụng pháp luật trong việc xác định phạm vi bảo hộ; yếu tố xâm phạm quyền đối với giống cây trồng; sự khác biệt giữa giống được xem xét với giống được bảo hộ; giá trị quyền đối với giống cây trồng và giá trị thiệt hại.
2. Cục trưởng Cục Trồng trọt phê duyệt chương trình đào tạo nghiệp vụ về giám định quyền đối với giống cây trồng gồm: nội dung, thời gian đào tạo, yêu cầu giảng viên, bộ câu hỏi kiểm tra nghiệp vụ về giám định quyền đối với giống cây trồng.
3. Người tham dự đầy đủ nội dung đào tạo nghiệp vụ về giám định quyền đối với giống cây trồng và đạt điểm kiểm tra từ trung bình trở lên được coi là đạt yêu cầu về kiểm tra nghiệp vụ về giám định quyền đối với giống cây trồng.
4. Thực hiện đào tạo nghiệp vụ về giám định quyền đối với giống cây trồng:
a) Cục Trồng trọt thông báo cho người có yêu cầu đào tạo về nội dung, thời gian, địa điểm đào tạo và chi phí đào tạo.
b) Cục Trồng trọt tổ chức đào tạo nghiệp vụ về giám định quyền đối với giống cây trồng và kiểm tra nghiệp vụ về giám định quyền đối với giống cây trồng theo chương trình được Cục trưởng Cục Trồng trọt phê duyệt.
c) Cục trưởng Cục Trồng trọt phê duyệt danh sách đạt yêu cầu kiểm tra nghiệp vụ về giám định quyền đối với giống cây trồng và thông báo Website của Văn phòng bảo hộ giống cây trồng mới.
Điều 31. Cấp Thẻ giám định viên quyền đối với giống cây trồng
1. Cá nhân là công dân Việt Nam, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, thường trú tại Việt Nam, đạt yêu cầu kiểm tra nghiệp vụ về giám định quyền đối với giống cây trồng, chưa bị xử lý vi phạm hành chính do vi phạm pháp luật về sở hữu trí tuệ hoặc vi phạm đạo đức nghề nghiệp và không thuộc diện bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc đã bị kết án mà chưa được xoá án tích, có quyền yêu cầu cấp Thẻ giám định viên quyền đối với giống cây trồng (sau đây gọi tắt là Thẻ giám định viên).
2. Cá nhân theo quy định tại Khoản 1 Điều này phải nộp một (01) bộ hồ sơ cho Cục Trồng trọt. Hồ sơ gồm:
a) Tờ khai đề nghị cấp Thẻ giám định viên theo mẫu tại Phụ lục 23 của Thông tư này;
b) Bản sao chụp Chứng minh thư nhân dân;
c) Bằng tốt nghiệp đại học chuyên ngành trồng trọt, nông học hoặc ngành có liên quan về giống cây trồng (bản sao chứng thực hoặc bản chính xuất trình để đối chiếu);
d) Tài liệu có xác nhận của cơ quan có thẩm quyền về việc người nộp hồ sơ đã trực tiếp làm công tác chuyên môn lĩnh vực giống cây trồng từ năm (05) năm trở lên;
đ) 02 ảnh 3x4;
e) Bản sao chụp biên lai thu phí, lệ phí hoặc bản fax giấy tờ chứng minh đã chuyển tiền vào tài khoản của Cục Trồng trọt.
3. Trình tự, thời gian giải quyết:
a) Trong thời hạn năm (05) ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ, trường hợp hồ sơ chưa đầy đủ, Cục Trồng trọt thông báo cho người nộp hồ sơ, có nêu rõ lý do;
b) Trong thời hạn mười lăm (15) ngày làm việc từ ngày nhận được hồ sơ đầy đủ, Cục trưởng Cục Trồng trọt cấp Thẻ giám định viên cho người đủ điều kiện theo mẫu quy định tại Phụ lục 24 ban hành kèm theo Thông tư này; ghi nhận vào Sổ đăng ký quốc gia về giám định quyền đối với giống cây trồng; công bố trên Website của Văn phòng bảo hộ giống cây trồng mới trong thời hạn năm (05) ngày làm việc kể từ ngày cấp. Trường hợp từ chối, phải thông báo bằng văn bản, nêu rõ lý do.
Điều 32. Thu hồi Thẻ giám định viên
1. Thẻ giám định viên bị thu hồi trong trường hợp sau:
a) Người có Thẻ giám định viên vi phạm theo quy định tại Điều 52 Nghị định số 105/2006/NĐ-CP hoặc các quy định khác của pháp luật bị cơ quan nhà nước có thẩm quyền đề nghị xử lý bằng hình thức thu hồi Thẻ giám định viên;
b) Có chứng cứ khẳng định Thẻ giám định viên được cấp trái quy định, người được cấp không đáp ứng yêu cầu tại khoản 12 Điều 1 của Nghị định số 119/2011/NĐ-CP và khoản 1 Điều 30 của Thông tư này;
c) Người được cấp Thẻ giám định viên từ bỏ hoặc không thực hiện hoạt động giám định.
2. Thủ tục thu hồi Thẻ giám định viên
Khi có căn cứ thu hồi Thẻ giám định viên theo quy định tại khoản 1 Điều này, Cục Trồng trọt thực hiện các thủ tục sau đây:
a) Cục trưởng Cục Trồng trọt ký quyết định thu hồi Thẻ giám định viên;
b) Xoá tên khỏi Sổ đăng ký quốc gia về người hoạt động giám định quyền đối với giống cây trồng;
c) Công bố trên Website của Văn phòng bảo hộ giống cây trồng mới trong thời hạn năm (05) ngày kể từ ngày ký quyết định.
Điều 33. Cấp lại Thẻ giám định viên
1. Người có Thẻ giám định viên bị mất hoặc bị rách, bẩn, phai mờ đến mức không thể sử dụng được hoặc người bị thu hồi Thẻ giám định viên đã hết thời gian bị tước quyền sử dụng Thẻ giám định viên theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 32 Thông tư này nếu có yêu cầu cấp lại Thẻ giám định viên phải nộp một (01) bộ hồ sơ cho Cục Trồng trọt. Hồ sơ gồm:
a) Tờ khai yêu cầu cấp lại Thẻ giám định viên theo mẫu tại Phụ lục 25 của Thông tư này;
b) Thẻ giám định viên (trường hợp thẻ bị hỏng);
c) 02 ảnh 3x4;
d) Bản sao chụp biên lai thu phí, lệ phí hoặc bản fax giấy tờ chứng minh đã chuyển tiền vào tài khoản của Cục Trồng trọt.
2. Trình tự, thời gian giải quyết:
a) Trong thời hạn năm (05) ngày làm việc kể từ ngày nhận hồ sơ, Cục Trồng trọt xác định tính đầy đủ theo quy định của hồ sơ, gửi yêu cầu bổ sung trong trường hợp hồ sơ chưa đầy đủ theo quy định;
b) Trong thời hạn mười (10) ngày làm việc kể từ khi Cục Trồng trọt nhận được hồ sơ đầy đủ theo quy định, Cục trưởng Cục Trồng trọt cấp lại Thẻ giám định viên. Trường hợp từ chối, phải thông báo bằng văn bản, nêu rõ lý do.
3. Trường hợp Thẻ giám định viên quyền đối với giống cây trồng bị lỗi do Cục Trồng trọt thì Cục Trồng trọt phải cấp lại thẻ giám định viên miễn phí trong thời gian ba (03) ngày làm việc kể từ ngày nhận được yêu cầu.
Điều 34. Cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động giám định quyền đối với giống cây trồng
1. Tổ chức đáp ứng quy định tại khoản 10 Điều 1 của Nghị định số 119/2010/NĐ-CP, nếu có yêu cầu cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động giám định quyền đối với giống cây trồng (sau đây gọi là Giấy chứng nhận) nộp một (01) bộ hồ sơ cùng với phí và lệ phí theo quy định cho Cục Trồng trọt. Hồ sơ gồm:
a) Tờ khai yêu cầu cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động giám định quyền đối với giống cây trồng theo mẫu tại Phụ lục 26 của Thông tư này;
b) Quyết định tuyển dụng hoặc hợp đồng lao động giữa tổ chức và giám định viên hoạt động cho tổ chức (bản sao có chứng thực hoặc có bản chính xuất trình để đối chiếu);
c) Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động khoa học và công nghệ hoặc Giấy đăng ký hoạt động đối với tổ chức hành nghề luật sư (bản sao có chứng thực hoặc có bản chính xuất trình để đối chiếu), trong đó có ghi chức năng thực hiện hoạt động giám định về giống cây trồng;
d) Bảng thống kê về trụ sở, trang thiết bị, phương tiện làm việc; nguồn cơ sở dữ liệu thông tin cần thiết để thực hiện hoạt động giám định (danh mục giống được phép sản xuất kinh doanh, danh mục giống được bảo hộ, các quy chuẩn kỹ thuật của UPOV và Việt Nam);
đ) Bản sao chụp biên lai thu phí, lệ phí hoặc bản fax giấy tờ chứng minh đã chuyển tiền vào tài khoản của Cục Trồng trọt.
2. Trình tự, thời gian giải quyết:
a) Trong thời hạn năm (05) ngày làm việc kể từ ngày nhận hồ sơ, Cục Trồng trọt xác định tính đầy đủ theo quy định của hồ sơ, gửi yêu cầu bổ sung trong trường hợp hồ sơ chưa đầy đủ theo quy định;
b) Trong thời hạn ba mươi (30) ngày làm việc kể từ khi Cục Trồng trọt nhận được hồ sơ đầy đủ theo quy định, Cục trưởng Cục Trồng trọt cấp Giấy chứng nhận cho tổ chức đủ điều kiện hoạt động giám định quyền đối với giống cây trồng theo mẫu tại Phụ lục 27 ban hành kèm theo Thông tư này, ghi nhận vào Sổ đăng ký quốc gia về giám định quyền đối với giống cây trồng; công bố trên Website của Văn phòng bảo hộ giống cây trồng mới trong thời hạn năm (05) ngày làm việc kể từ ngày ký quyết định. Trường hợp từ chối, phải thông báo bằng văn bản, nêu rõ lý do.
Điều 35. Ghi nhận sửa đổi thông tin tổ chức giám định quyền đối với giống cây trồng
1. Tổ chức giám định có yêu cầu ghi nhận thay đổi tên, địa chỉ của tổ chức hoặc thành viên trong danh sách giám định viên nộp một (01) bộ hồ sơ cho Cục Trồng trọt. Hồ sơ gồm:
a) Tờ khai yêu cầu ghi nhận sửa đổi thông tin về Tổ chức giám định theo mẫu tại Phụ lục 28 của Thông tư này;
b) Bản sao Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh/Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động đã được sửa đổi của tổ chức giám định;
c) Quyết định tuyển dụng hoặc quyết định chấm dứt hợp đồng lao động đối với thành viên trong danh sách giám định viên của tổ chức;
d) Bản sao chụp biên lai thu phí, lệ phí hoặc bản fax giấy tờ chứng minh đã chuyển tiền vào tài khoản của Cục Trồng trọt.
2. Trình tự, thời gian giải quyết hồ sơ yêu cầu sửa đổi thông tin về tổ chức giám định quyền đối với giống cây trồng được tiến hành tương tự như thủ tục quy định tại khoản 2 Điều 28 Thông tư này.
Điều 36. Xóa tên tổ chức giám định quyền đối với giống cây trồng
1. Tổ chức giám định bị xóa tên trong trường hợp:
a) Tổ chức giám định vi phạm theo quy định tại Điều 52 Nghị định số 105/2006/NĐ-CP bị cơ quan nhà nước có thẩm quyền đề nghị xử lý bằng hình thức xoá tên;
b) Có chứng cứ khẳng định Giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động giám định quyền đối với giống cây trồng được cấp trái quy định, tổ chức được cấp Giấy chứng nhận không đáp ứng yêu cầu tại khoản 10 Điều 1 của Nghị định số 119/2010/NĐ-CP;
c) Tổ chức giám định từ bỏ hoặc không thực hiện hoạt động giám định.
2. Thủ tục xóa tên Tổ chức giám định
Khi có căn cứ xóa tên Tổ chức giám định theo quy định tại khoản 1 Điều này, Cục Trồng trọt thực hiện các thủ tục sau đây:
a) Cục trưởng Cục Trồng trọt ký quyết định xóa tên Tổ chức giám định quyền đối với giống cây trồng;
b) Xoá tên khỏi Sổ đăng ký quốc gia về giám định quyền đối với giống cây trồng;
c) Công bố trên Website của Văn phòng bảo hộ giống cây trồng mới trong thời hạn năm (05) ngày làm việc kể từ ngày ký quyết định.
1. Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày 13 tháng 4 năm 2013.
2. Cục trưởng Cục Trồng trọt, Chánh Văn phòng Bộ, Thủ trưởng các đơn vị thuộc Bộ và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Thông tư này.
3. Trong quá trình thực hiện, nếu có khó khăn vướng mắc, tổ chức, cá nhân có liên quan phản ánh bằng văn bản về Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Cục Trồng trọt) để kịp thời xử lý./.
Nơi nhận: | KT. BỘ TRƯỞNG |
MẪU GIẤY UỶ QUYỀN
(Ban hành kèm theo Thông tư số 16 /2013/TT-BNNPTNT Ngày 28 tháng 02 năm 2013 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn)
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
GIẤY UỶ QUYỀN
1. Bên uỷ quyền (chủ đơn)
Tên (tổ chức, cá nhân):
Số chứng minh nhân dân hoặc hộ chiếu:
Ngày cấp: Ngày còn giá trị: Nơi cấp:
Địa chỉ:
Điện thoại: Fax: E-mail:
2. Bên được uỷ quyền (đại diện của chủ đơn)
Tên (tổ chức, cá nhân):
Số chứng minh nhân dân hoặc hộ chiếu:
Ngày cấp: Ngày còn giá trị: Nơi cấp:
Địa chỉ:
Điện thoại: Fax: E-mail:
3. Nội dung uỷ quyền (Phạm vi, khối lượng công việc được uỷ quyền)
4. Thời hạn uỷ quyền
Chúng tôi cam đoan mọi thông tin trong giấy uỷ quyền là trung thực, đúng sự thật và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật./.
Đại diện bên uỷ quyền | Đại diện bên được uỷ quyền |
MẪU TỜ KHAI Ý KIẾN PHẢN ĐỐI CỦA NGƯỜI THỨ BA VỀ VIỆC CHẤP NHẬN ĐƠN ĐĂNG KÝ BẢO HỘ
(Ban hành kèm theo Thông tư số 16 /2013/TT-BNNPTNT ngày 28 tháng 02 năm 2013 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn)
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------
.........., ngày tháng năm
TỜ KHAI Ý KIẾN PHẢN ĐỐI CỦA NGƯỜI THỨ BA VỀ VIỆC CHẤP NHẬN ĐƠN ĐĂNG KÝ BẢO HỘ
Kính gửi: Văn phòng Bảo hộ giống cây trồng mới Cục Trồng trọt - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn |
DẤU NHẬN ĐƠN(Dành cho cán bộ nhận đơn)
| |
CHỦ ĐƠN (Tổ chức, cá nhân bên thứ ba) Tên đầy đủ: Địa chỉ: Điện thoại: Fax: E-mail: | ||
ĐẠI DIỆN CỦA CHỦ ĐƠN là người đại diện theo pháp luật của chủ đơn là tổ chức dịch vụ đại diện quyền đối với giống cây trồng được uỷ quyền của chủ đơn Tên đầy đủ: Địa chỉ: Điện thoại: Fax: E-mail: | ||
ĐỐI TƯỢNG, NỘI DUNG PHẢN ĐỐI - Số đơn: Thông báo/ Quyết định số: ngày tháng năm - Nội dung phản đối: - Lý do: | ||
CÁC TÀI LIỆU CÓ TRONG ĐƠN
□ Tờ khai, gồm.......trang x .......bản □ Bản thuyết minh về căn cứ, lý do phản đối gồm...trang x ...bản □ Giấy uỷ quyền □ Tài liệu, chứng cứ khác, cụ thể là: | KIỂM TRA DANH MỤC TÀI LIỆU (Dành cho cán bộ nhận đơn) □ □ □ □ | |
CAM KẾT CỦA CHỦ ĐƠN Tôi cam đoan mọi thông tin trong tờ khai trên đây là trung thực, đúng sự thật và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật./. Khai tại: ... ngày ... tháng ... năm... Chữ ký, họ tên chủ đơn/đại diện của chủ đơn (ghi rõ chức vụ và đóng dấu, nếu có)
| ||
MẪU TỜ KHAI ĐĂNG KÝ HỢP ĐỒNG CHUYỂN NHƯỢNG ĐƠN ĐĂNG KÝ/BẰNG BẢO HỘ GIỐNG CÂY TRỒNG
(Ban hành kèm theo Thông tư số 16 /2013/TT-BNNPTNT Ngày 28 tháng 02 năm 2013 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn)
TỜ KHAIĐĂNG KÝ HỢP ĐỒNG CHUYỂN NHƯỢNG ĐƠN ĐĂNG KÝ/BẰNG BẢO HỘ GIỐNG CÂY TRỒNG Kính gửi: Văn phòng Bảo hộ giống cây trồng mới Cục Trồng trọt - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn | DẤU NHẬN ĐƠN(Dành cho cán bộ nhận đơn) | |
CHỦ ĐƠN (Tổ chức, cá nhân đăng ký chuyển nhượng đơn hoặc Bằng bảo hộ) Tên đầy đủ: Địa chỉ: Điện thoại: Fax: E-mail:
| ||
ĐẠI DIỆN CỦA CHỦ ĐƠN là người đại diện theo pháp luật của chủ đơn là tổ chức dịch vụ đại diện quyền đối với giống cây trồng được uỷ quyền của chủ đơn Tên đầy đủ: Địa chỉ: Điện thoại: Fax: E-mail:
| ||
BÊN NHẬN CHUYỂN NHƯỢNG ĐƠN Tên đầy đủ: Địa chỉ: Điện thoại: Fax: E-mail:
| ||
ĐỐI TƯỢNG CỦA HỢP ĐỒNG CHUYỂN NHƯỢNG
Tên giống cây trồng: Số đơn/số bằng bảo hộ: | ||
CÁC TÀI LIỆU CÓ TRONG ĐƠN
□ Tờ khai, gồm …….trang x …….bản □ Hợp đồng chuyển nhượng □ Văn bản đồng ý của các đồng sở hữu □ Bằng bảo hộ (trường hợp chuyển nhượng bằng bảo hộ) □ Tài liệu chứng minh việc chuyển nhượng thực hiện theo quy định đối với giống tạo ra bằng ngân sách nhà nước □ Giấy uỷ quyền □ Chứng từ phí, lệ phí □ Tài liệu khác, cụ thể |
KIỂM TRA DANH MỤC TÀI LIỆU (Dành cho cán bộ nhận đơn) □ □ □ □ □ □ □ □ | |
CAM KẾT CỦA CHỦ ĐƠN Tôi cam đoan mọi thông tin trong tờ khai trên đây là trung thực, đúng sự thật và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật. Khai tại:……….ngày…… tháng……năm……Chữ ký, họ tên chủ đơn/đại diện của chủ đơn (ghi rõ chức vụ và đóng dấu, nếu có)
| ||
TỜ KHAI YÊU CẦU BẮT BUỘC CHUYỂN GIAO QUYỀN SỬ DỤNG GIỐNG CÂY TRỒNG
(Ban hành kèm theo Thông tư số 16 /2013/TT-BNNPTNT Ngày 28 tháng 02 năm 2013 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn)
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
------------------
...., ngày tháng năm
TỜ KHAIYÊU CẦU BẮT BUỘC CHUYỂN GIAO QUYỀN SỬ DỤNG GIỐNG CÂY TRỒNG
Kính gửi: Văn phòng Bảo hộ giống cây trồng mới Cục Trồng trọt - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn | DẤU NHẬN ĐƠN(Dành cho cán bộ nhận đơn)
| |
CHỦ ĐƠN (Tổ chức, cá nhân đề nghị nhận chuyển giao bắt buộc quyền sử dụng giống cây trồng)
Tên đầy đủ: Địa chỉ: Điện thoại: Fax: E-mail: | ||
ĐẠI DIỆN CỦA CHỦ ĐƠN
□ là người đại diện theo pháp luật của chủ đơn □ là tổ chức dịch vụ đại diện quyền đối với giống cây trồng được uỷ quyền của chủ đơn Tên đầy đủ: Địa chỉ: Điện thoại: Fax: E-mail | ||
CHỦ SỞ HỮU BẰNG BẢO HỘ HOẶC NGƯỜI ĐƯỢC CHUYỂN GIAO ĐỘC QUYỀN Tên đầy đủ: Điện thoại: Fax: E-mail: | ||
ĐỐI TƯỢNG, PHẠM VI VÀ THỜI GIAN NHẬN CHUYỂN GIAO - Đối tượng: Tên giống cây trồng được bảo hộ: Số bằng: Ngày cấp: - Phạm vi chuyển giao: - Thời gian nhận chuyển giao: | ||
CÁC TÀI LIỆU CÓ TRONG ĐƠN
□ Tờ khai, gồm.......trang □ Giấy chứng nhận đăng ký sản xuất, kinh doanh giống cây trồng □ Báo cáo năng lực tài chính □ Tài liệu chứng minh cơ sở đề nghị chuyển giao bắt buộc, gồm......trang □ Giấy uỷ quyền □ Chứng từ lệ phí □ Tài liệu khác, cụ thể: |
KIỂM TRA DANH MỤC TÀI LIỆU (Dành cho cán bộ nhận đơn) □ □ □ □
□ □ | |
CAM KẾT CỦA CHỦ ĐƠN Tôi cam đoan mọi thông tin trong tờ khai trên đây là trung thực, đúng sự thật và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật. Khai tại:……….ngày…… tháng……năm… Chữ ký, họ tên chủ đơn/đại diện của chủ đơn (ghi rõ chức vụ và đóng dấu, nếu có) | ||
MẪU TỜ KHAI ĐĂNG KÝ BẢO HỘ GIỐNG CÂY TRỒNG
(Ban hành kèm theo Thông tư số /2013/TT-BNNPTNT Ngày tháng năm 2013 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn)
TỜ KHAI ĐĂNG KÝ BẢO HỘ GIỐNG CÂY TRỒNG
Kính gửi: Văn phòng Bảo hộ giống cây trồng mới Cục Trồng trọt Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Số 2, Ngọc Hà, Ba Đình, Hà Nội | DẤU NHẬN ĐƠN VÀ SỐ ĐƠN (Dành cho cán bộ nhận đơn)
|
1. Tên chủ đơn (chủ sở hữu giống cây trồng):
...................................................................................................................................
Địa chỉ:........................................................................................................................
Địa chỉ liên hệ (khi cần thiết):.........................................................................................
Quốc tịch (chủ đơn là cá nhân) : ...................................................................................
Điện thoại: .................................................... .............................................................
Fax: ............................................................................ E-mail:....................................
2. Tên đại diện của chủ đơn (trường hợp nộp đơn qua đại diện):
...................................................................................................................................
Địa chỉ: .......................................................................................................................
Điện thoại: .................................................................................................................
Fax: ............................................................................ E-mail:....................................
3. Tên loài cây trồng (Viết bằng tiếng Việt và tên La tinh): ............................................
...................................................................................................................................
4. Tên giống đăng ký bảo hộ (viết chữ in hoa): ..................................................................................................................................................
5. Tác giả của giống đăng ký bảo hộ:
a. Tác giả chính:...........................................................................................................
Địa chỉ: .......................................................................................................................
Điện thoại: .................................................... .............................................................
Fax: ............................................................................ E-mail:....................................
b. Đồng tác giả (Lập danh sách: họ và tên, quốc tịch, địa chỉ, điện thoai, fax, email)
6. Địa điểm chọn tạo hoặc phát hiện và phát triển giống đăng ký bảo hộ (ghi rõ tên cơ quan, địa chỉ hoặc địa điểm):...................................................................................................................................
7. Giống đăng ký bảo hộ được chuyển nhượng cho chủ đơn thông qua hình thức sau:
[ ] hợp đồng chuyển nhượng .....................................................................................
[ ] thừa kế .................................................................................................................
[ ] hình thức khác ......................................................................................................
8. Các đơn đã nộp liên quan đến quyền đối với giống đăng ký bảo hộ
Hình thức bảo hộ | Nơi nộp đơn (quốc gia/vùng lãnh thổ) | Số đơn | Tình trạng đơn | Tên giống ghi trong đơn |
- Bảo hộ theo UPOV |
|
|
|
|
- Sáng chế (Patent) |
|
|
|
|
- Khác |
|
|
|
|
9. Giống đăng ký bảo hộ có trong Danh mục giống được phép sản xuất kinh doanh tại Việt nam:
Không [ ];
Có [ ] tại Thông tư số.......... ngày.......tháng...... năm. ... với tên giống là: ............
10. Đơn đề nghị hưởng quyền ưu tiên trên cơ sở đơn đầu tiên nộp tại: .....................
Ngày........tháng ..........năm ........... với tên giống là: ....................................................
11. Tính mới về thương mại
a) Giống đã được kinh doanh trên thị trường Việt Nam: chưa bán [ ], bán lần đầu tiên [ ] vào ngày ... tháng ... năm ............với tên giống là ............................................................................................... t
b) Giống đã được kinh doanh ở nước ngoài chưa bán [ ], bán lần đầu tiên [ ] từ ngày..................... tại ........................................ với tên giống là ..................................................................
12. Khảo nghiệm kỹ thuật (khảo nghiệm DUS)
a) Đã thực hiện:..........................................................................................................................
- Tổ chức, cá nhân thực hiện: .......................................................................................
- Thời gian thực hiện: vụ/năm:....................................................................................................
- Địa điểm thực hiện:...................................................................................................................
- Báo cáo kết quả khảo nghiệm DUS:.........................................................................................
- Đề nghị:.....................................................................................................................................
b) Đang thực hiện:.................................................................................................................... ..
- Tổ chức, cá nhân thực hiện:......................................................................................................
- Thời gian thực hiện:..................................................................................................................
- Địa điểm thực hiện:...................................................................................................................
- Đề nghị: ....................................................................................................................................
c) Chưa thực hiện:.......................................................................................................................
- Đề nghị hình thức khảo nghiệm DUS:
13. Vật liệu nhân của giống đăng ký bảo hộ
a) Chúng tôi cam đoan các vật liệu nhân giống được cung cấp cùng với đơn này là đại diện cho giống và phù hợp với nội dung của đơn.
b) Chúng tôi đồng ý để Văn phòng bảo hộ giống cây trồng mới sử dụng các thông tin cần thiết và vật liệu nhân giống trao đổi với các cơ quan liên quan có thẩm quyền của các nước thành viên UPOV, với điều kiện là quyền của chúng tôi được bảo đảm.
14. Các tài liệu có trong đơn
Phần xác nhận của chủ đơn | Kiểm tra danh mục tài liệu (Dành cho cán bộ nhận đơn) | |||
a | Tờ khai đăng ký BHGCT gồm: trang x bản | □ |
| □ |
b | Tờ khai kỹ thuật gồm trang x bản | □ |
| □ |
c | Ảnh mô tả giống gồm: ảnh | □ |
| □ |
d | Tài liệu chứng minh quyền đăng ký | □ |
| □ |
đ | Tài liệu xin hưởng quyền ưu tiên | □ |
| □ |
e | Giấy ủy quyền | □ |
| □ |
f | Chứng từ nộp phí nộp đơn | □ |
| □ |
g | Chứng từ nộp phí xin hưởng quyền ưu tiên | □ |
| □ |
h | Tài liệu khác (nếu có) gồm: trang x bản | □ |
| □ |
15. Cam kết của chủ đơn: Tôi cam đoan mọi thông tin trong tờ khai là trung thực, đúng sự thật và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật./.
| Khai tại:……….ngày…… tháng……năm…… Chữ ký, họ tên chủ đơn/đại diện của chủ đơn (ghi rõ chức vụ và đóng dấu, nếu có) |
MẪU THÔNG BÁO CHẤP NHẬN ĐƠN ĐĂNG KÝ BẢO HỘ GIỐNG CÂY TRỒNG
(Ban hành kèm theo Thông tư số 16 /2013/TT-BNNPTNT Ngày 28 tháng 02 năm 2013 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn)
BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: /TB-TT-VPBH | Hà Nội, ngày tháng năm |
THÔNG BÁO
Về việc chấp nhận đơn đăng ký bảo hộ giống cây trồng
Kính gửi: ................................................................................
Căn cứ Quyết định số 16/2008/QĐ-BNN ngày 28/01/2008 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Cục Trồng trọt;
Căn cứ Điều 167, Điều 174, điểm d khoản 3 Điều 176 và khoản 1 Điều 177 Luật Sở hữu trí tuệ;
Căn cứ kết quả thẩm định hình thức đơn ...;
Cục Trồng trọt thông báo:
1. Chấp nhận Đơn đăng ký bảo hộ giống cây trồng mới nộp ngày tháng năm tại Văn phòng Bảo hộ giống cây trồng mới - Cục Trồng trọt:
Tên giống đăng ký bảo hộ:
Loài cây trồng:
Số đơn:
Chủ đơn (chủ sở hữu giống cây trồng):
Địa chỉ: Điện thoại: Fax: Email:
Tác giả chính giống cây trồng:
Địa chỉ: Điện thoại: Fax: Email:
Đại diện của chủ đơn (trường hợp nộp đơn qua đại diện):
Địa chỉ: Điện thoại: Fax: Email:
2. Đơn nói trên được chấp nhận là đơn hợp lệ từ ngày:
3. Ghi nhận tạm thời với tên giống đăng ký bảo hộ:
4. Được hưởng quyền ưu tiên theo đơn đầu tiên số:
5. Hình thức khảo nghiệm kỹ thuật (1 trong 4 hình thức sau):
- Tổ chức, cá nhân khảo nghiệm DUS được chỉ định thực hiện:
- Tổ chức, cá nhân đăng ký bảo hộ được phép tự khảo nghiệm DUS:
- Sử dụng số liệu khảo nghiệm đã có:
- Hợp đồng với nước thành viên UPOV:
6. Thông báo này sẽ được công bố trên website của Văn phòng bảo hộ giống cây trồng mới .... vào ngày........tháng ... năm ...
Nơi nhận: | CỤC TRƯỞNG
|
MẪU TỜ KHAI YÊU CẦU SỬA ĐỔI, BỔ SUNG ĐƠN ĐĂNG KÝ BẢO HỘ GIỐNG CÂY TRỒNG
(Ban hành kèm theo Thông tư số 16 /2013/TT-BNNPTNT ngày 28 tháng 02 năm 2013 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn)
TỜ KHAI YÊU CẦU SỬA ĐỔI, BỔ SUNG ĐƠN ĐĂNG KÝ BẢO HỘ GIỐNG CÂY TRỒNG
Kính gửi: Văn phòng Bảo hộ giống cây trồng mới Cục Trồng trọt - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
| DẤU NHẬN ĐƠN(Dành cho cán bộ nhận đơn) | |||
CHỦ ĐƠN (Tổ chức, cá nhân yêu cầu sửa đổi, bổ sung đơn đăng ký bảo hộ) Tên đầy đủ:
Địa chỉ:
Điện thoại: Fax: E-mail: | ||||
ĐẠI DIỆN CỦA CHỦ ĐƠN □ là người đại diện theo pháp luật của chủ đơn □ là tổ chức dịch vụ đại diện quyền đối với giống cây trồng được uỷ quyền của chủ đơn
Tên đầy đủ:
Địa chỉ: Điện thoại: Fax: E-mail: | ||||
ĐƠN YÊU CẦU SỬA ĐỔI, BỔ SUNG Tên giống cây trồng đăng ký bảo hộ: |
Số đơn: | |||
NỘI DUNG YÊU CẦU SỬA ĐỔI, BỔ SUNG □ Tên chủ đơn/tác giả giống/ người đại diện □ Địa chỉ của chủ đơn/tác giá giống/ người đại diện □ Tên giống □ Nội dung khác: | Đề nghị sửa lại thành: | |||
CÁC TÀI LIỆU CÓ TRONG ĐƠN
□ Tờ khai, gồm…….trang □ Tài liệu xác nhận việc sửa đổi hợp pháp, bằng tiếng……. □ Bản dịch tiếng Việt, gồm …….trang □ Giấy uỷ quyền □ Chứng từ phí, lệ phí □ Tài liệu khác, cụ thể: |
KIỂM TRA DANH MỤC TÀI LIỆU (Dành cho cán bộ nhận đơn) □ □ □ □ □ □ | |||
CAM KẾT CỦA CHỦ ĐƠN Tôi cam đoan mọi thông tin trong tờ khai là trung thực, đúng sự thật và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật. Khai tại:……….ngày…… tháng……năm…… Chữ ký, họ tên chủ đơn/đại diện của chủ đơn (ghi rõ chức vụ và đóng dấu, nếu có)
| ||||
MẪU ĐƠN ĐỀ NGHỊ CHỈ ĐỊNH/CHỈ ĐỊNH LẠI TỔ CHỨC, CÁ NHẬN KHẢO NGHIỆM DUS
(Ban hành kèm theo Thông tư số 16 /2013/TT-BNNPTNT ngày 28 tháng 02 năm 2013 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn)
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
.........., ngày tháng năm
ĐƠN ĐỀ NGHỊ CHỈ ĐỊNH/CHỈ ĐỊNH LẠI TỔ CHỨC, CÁ NHÂN KHẢO NGHIỆM DUS
Kính gửi: Cục Trồng trọt
1. Tên tổ chức, cá nhân đề nghị:
Địa chỉ:
Điện thoại: Fax: E-mail:
2. Quyết định thành lập/Giấy phép kinh doanh/Chứng minh thư nhân dân (đối với cá nhân):
3. Loài cây trồng đề nghị được chỉ định/chỉ định lại khảo nghiệm:
4. Điều kiện thực hiện khảo nghiệm:
4.1. Địa điểm, đất đai
- Địa điểm:
- Diện tích (ha)
- Tình trạng pháp lý của đất (được cấp, thuê..)
- Địa hình: (dốc đồi núi, đồng bằng, ven biển... )
- Loại đất, thành phần cơ giới (đất ruộng, đất bãi, đất đồi)
- Nhà lưới, nhà kính (diện tích, trang thiết bị ...):
- Tưới tiêu (tự chảy, phun mưa, nhỏ giọt...)
4.2.Thiết bị phân tích các chỉ tiêu theo yêu cầu khảo nghiệm:
a) Trường hợp tự phân tích:
TT | Tên thiết bị | Số lượng | Tình trạng hoạt động | Chỉ tiêu phân tích |
|
|
|
|
|
b) Trường hợp hợp đồng với tổ chức, cá nhân khác (Hợp đồng số ngày tháng năm ):
4.3. Nhân viên kỹ thuật
TT | Trình độ chuyên môn | Số lượng | Thời gian công tác | Chuyên môn | Chứng chỉ đào tạo |
1 | Tiến sỹ |
|
|
|
|
2 | Thạc sỹ |
|
|
|
|
3 | Kỹ sư |
|
|
|
|
4 | Trung cấp |
|
|
|
|
5 | Công nhân kỹ thuật |
|
|
|
|
4.4. Bộ mẫu giống chuẩn:
- Loài cây…. Số mẫu…… (có danh sách kèm theo).
4.5. Các tài liệu khác (nếu có)
5. Tôi cam đoan mọi thông tin trong tờ khai là trung thực, đúng sự thật và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật./.
| Đại diện tổ chức/cá nhân đăng ký |
MẪU BIÊN BẢN THẨM ĐỊNH/KIỂM TRA TỔ CHỨC, CÁ NHÂN/NGƯỜI NỘP ĐƠN THỰC HIỆN KHẢO NGHIỆM DUS
(Ban hành kèm theo Thông tư số 16 /2013/TT-BNNPTNT ngày 28 tháng 02 năm 2013 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn)
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
...., ngày tháng năm
BIÊN BẢN THẨM ĐỊNH/KIỂM TRA
TỔ CHỨC, CÁ NHÂN/NGƯỜI NỘP ĐƠN THỰC HIỆN KHẢO NGHIỆM DUS
Tên tổ chức, cá nhân/người nộp đơn:
Địa chỉ:
Điện thoại: Fax: Email:
Họ và tên các cán bộ thẩm định/kiểm tra:
Tên loài cây trồng đăng ký chỉ định/được chỉ định/giống cây trồng được tự khảo nghiệm:
I. Nội dung kiểm tra:
1. Sự phù hợp với các điều kiện được khảo nghiệm;
2. Sự phù hợp của thí nghiệm khảo nghiệm với quy phạm khảo nghiệm DUS;
3. Hồ sơ, kết quả khảo nghiệm.
4. Thông tin khác
II. Kết quả thẩm định/kiểm tra:
III. Các sai lỗi được phát hiện:
IV. Các hành động khắc phục phải thực hiện:
V. Kết luận (nêu rõ thời gian phải gửi báo cáo khắc phục):
TỔ CHỨC, CÁ NHÂN KHẢO NGHIỆM | ĐOÀN THẨM ĐỊNH/KIỂM TRA |
MẪU BÁO CÁO KẾT QUẢ THỰC HIỆN HÀNH ĐỘNG KHẮC PHỤC
(Ban hành kèm theo Thông tư số 16 /2013/TT-BNNPTNT Ngày 28 tháng 02 năm 2013 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn)
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
...., ngày tháng năm
BÁO CÁO KẾT QUẢ THỰC HIỆN HÀNH ĐỘNG KHẮC PHỤC
1. Tên tổ chức, cá nhân khảo nghiệm:
2. Địa chỉ: Điện thoại: Fax: Email:
5. Sai lỗi được phát hiện Mức độ
7. Nguyên nhân
8. Biện pháp khắc phục
9. Những thay đổi kèm theo để thực hiện thí nghiệm khảo nghiệm (nếu có).
Nơi gửi: | Người báo cáo | Cơ quan chủ quản |
10. Ý kiến thẩm định của đoàn thẩm định/kiểm tra:
11. Kết luận của đoàn thẩm định/kiểm tra:
| Ngày tháng năm |
MẪU BẢN KÊ KHAI CHI TIẾT ĐIỀU KIỆN ĐỂ ĐƯỢC TỰ KHẢO NGHIỆM DUS
(Ban hành kèm theo Thông tư số 16 /2013/TT-BNNPTNT ngày 28 tháng 02 năm 2013 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn)
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
.........., ngày tháng năm
BẢN KÊ KHAI CHI TIẾT ĐIỀU KIỆN ĐỂ ĐƯỢC TỰ KHẢO NGHIỆM DUS
1. Tên tổ chức, cá nhân kê khai:
Địa chỉ:
Điện thoại: Fax: E-mail:
3. Quyết định thành lập/Giấy phép kinh doanh/ Chứng minh nhân dân (đối với cá nhân):
3. Tên giống cây trồng đăng ký khảo nghiệm: thuộc loài cây trồng:
4. Điều kiện thực hiện khảo nghiệm:
4.1. Đất đai
- Địa điểm.
- Diện tích (m2)
- Tình trạng pháp lý của đất (được cấp, thuê..)
- Địa hình (dốc đồi núi, đồng bằng, ven biển... )
- Loại đất, thành phần cơ giới (đất ruộng, đất bãi, đất đồi.. )
- Nhà lưới, nhà kính (diện tích, trang thiết bị ...):
- Tưới tiêu (tự chảy, phun mưa, nhỏ giọt... )
4.2.Trang thiết bị phân tích các chỉ tiêu theo yêu cầu khảo nghiệm:
a) Trường hợp tự phân tích:
TT | Tên thiết bị | Số lượng | Tình trạng hoạt động | Chỉ tiêu phân tích |
|
|
|
|
|
b) Trường hợp hợp đồng với tổ chức, cá nhân khác (Hợp đồng số ngày tháng năm )
4.3. Nhân viên kỹ thuật
TT | Họ và tên | Thời gian công tác | Chuyên môn | Chứng chỉ đào tạo |
|
|
|
|
|
4.4. Các giống tương tự với giống đăng ký khảo nghiệm:
TT | Tên giống | Tổ chức, cá nhân là chủ sở hữu | Các tính trạng khác biệt với giống đăng ký bảo hộ | Ghi chú |
|
|
|
|
|
4.5. Các tài liệu khác (nếu có)
5. Tôi cam đoan mọi thông tin trong tờ khai là trung thực, đúng sự thật và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật./.
| Đại diện Tổ chức/cá nhân đăng ký |
MẪU KẾ HOẠCH KHẢO NGHIỆM DUS DO NGƯỜI NỘP ĐƠN THỰC HIỆN
(Ban hành kèm theo Thông tư số 16 /2013/TT-BNNPTNT ngày 28 tháng 02 năm 2013 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn)
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
........., ngày tháng năm
KẾ HOẠCH KHẢO NGHIỆM DUS DO NGƯỜI NỘP ĐƠN THỰC HIỆN
1. Tên tổ chức, cá nhân lập kế hoạch:
Địa chỉ:
Điện thoại: Fax: E-mail:
3. Quyết định thành lập/Giấy phép kinh doanh/ Chứng minh nhân dân (đối với cá nhân):
3. Tên giống cây trồng đăng ký khảo nghiệm: thuộc loài cây trồng:
4. Kế hoạch khảo nghiệm:
4.1. Thời vụ:
Vụ: Ngày gieo: Ngày trồng:
4.2. Đất đai
- Địa điểm:
- Diện tích (m2):
4.3. Giống đối chứng: Số giống: Tên từng giống
4.4. Sơ đồ bố trí thí nghiệm
4.5. Quy phạm khảo nghiệm DUS (theo QCVN hoặc UPOV)
4.6. Kỹ thuật gieo trồng, chăm sóc (theo QCVN, TCCS)
4.7. Cán bộ khảo nghiệm (họ và tên):
4.8. Thông tin khác (nếu có)
| Đại diện tổ chức/cá nhân đăng ký |
MẪU BÁO CÁO KẾT QUẢ KHẢO NGHIỆM DUS
(Ban hành kèm theo Thông tư số 16 /2013/TT-BNNPTNT ngày 28 tháng 02 năm 2013 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn)
(Tổ chức, cá nhân khảo nghiệm) | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: | , ngày tháng năm |
BÁO CÁO KẾT QUẢ KHẢO NGHIỆM DUS
1. Tên loài cây trồng:
2. Tên giống đăng ký bảo hộ:
3. Tên gọi khác của giống (nếu có):
4. Tên tổ chức, cá nhân đăng ký bảo hộ:
5. Số đơn:
6. Vụ khảo nghiệm:
Vụ 1: Ngày gieo: Ngày trồng: Ngày thu hoạch:
Vụ 2: Ngày gieo: Ngày trồng: Ngày thu hoạch:
7. Cơ quan khảo nghiệm
- Địa chỉ: Điện thoại: Fax: Email:
- Cán bộ khảo nghiệm:
8. Tài liệu kèm theo:
- Danh sách giống đối chứng:
- Bảng mô tả giống: Giống đăng ký và … giống tương tự.
- Ảnh về các tính trạng khác biệt:
- Các tài liệu khác:
9. Quy trình khảo nghiệm:
a) Điều kiện thí nghiệm (đồng ruộng/nhà lưới)
b) Điều kiện đất (tưới tiêu, độ phì, cây trồng vụ trước…)
c) Phân bón:
- Lượng bón (kg/ha):
- Cách bón: (Bón lót, bón thúc)
d) Kích thước ô và số cây thí nghiệm
- Kích thước ô thí nghiệm:
- Số cây/ô:
e) Phòng trừ sâu bệnh:
- Số lần dùng thuốc BVTV:
- Loại thuốc đã sử dụng:
10. Nhận xét về điều kiện thời tiết trong quá trình làm thí nghiệm
11. Giống tương tự (số giống, tên giống):
12. Kết quả đánh giá tính khác biệt, tính đồng nhất và tính ổn định:
a) Tính khác biệt:
- Giống đăng ký khác biệt với từng giống đối chứng ở các tính trạng sau:
Số TT | Tính trạng | Vụ/năm | Giống đăng ký | Giống tương tụ | Khoảng cách tối thiểu/LSD0.05 |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
b) Tính đồng nhất:
Số cây khác dạng / tổng số cây quan sát là: so với quy định là ….
c) Tính ổn định:
Cán bộ khảo nghiệm |
|
Người kiểm tra |
|
Nơi gửi: | Đại diện tổ chức, cá nhân khảo nghiệm |
MẪU BẰNG BẢO HỘ GIỐNG CÂY TRỒNG
(Ban hành kèm theo Thông tư số 16 /2013/TT-BNNPTNT ngày 28 tháng 02 năm 2013 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn)
MẪU TỜ KHAI YÊU CẦU SỬA ĐỔI BẰNG BẢO HỘ GIỐNG CÂY TRỒNG
(Ban hành kèm theo Thông tư số 16 /2013/TT-BNNPTNT Ngày 28 tháng 02 năm 2013 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn)
TỜ KHAIYÊU CẦU SỬA ĐỔI BẰNG BẢO HỘ GIỐNG CÂY TRỒNG
Kính gửi: Văn phòng Bảo hộ giống cây trồng mới Cục Trồng trọt - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn | DẤU NHẬN ĐƠN(Dành cho cán bộ nhận đơn) | ||
CHỦ ĐƠN (Tổ chức, cá nhân yêu cầu sửa đổi bằng bảo hộ) Tên đầy đủ: Địa chỉ: Điện thoại: Fax: E-mail: | |||
ĐẠI DIỆN CỦA CHỦ ĐƠN □ là người đại diện theo pháp luật của chủ đơn □ là tổ chức dịch vụ đại diện quyền đối với giống cây trồng được uỷ quyền của chủ đơn Tên đầy đủ: Địa chỉ: Điện thoại: Fax: E-mail: | |||
BẰNG BẢO HỘ ĐỀ NGHỊ SỬA ĐỔI
Tên giống cây trồng: |
Số bằng bảo hộ:
| ||
THÔNG TIN CẦN SỬA ĐỔI □ Tên của chủ bằng bảo hộ □ Địa chỉ của chủ bằng bảo hộ | |||
CÁC TÀI LIỆU CÓ TRONG ĐƠN
□ Tờ khai, gồm…….trang x …….bản □ Bản sao quyết định đổi tên, địa chỉ hoặc giấy phép đăng ký kinh doanh □ Tài liệu pháp lý khác chứng minh việc thay đổi tên, địa chỉ của chủ bằng Bảo hộ □ Giấy uỷ quyền □ Chứng từ phí, lệ phí
|
KIỂM TRA DANH MỤC TÀI LIỆU (Dành cho cán bộ nhận đơn) □ □
□ | ||
CAM KẾT CỦA CHỦ ĐƠN
Tôi cam đoan mọi thông tin trong tờ khai trên đây là trung thực, đúng sự thật và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật. Khai tại: … ngày … tháng … năm …Chữ ký, họ tên chủ đơn/đại diện của chủ đơn (ghi rõ chức vụ và đóng dấu, nếu có)
| |||
MẪU TỜ KHAI YÊU CẦU CẤP LẠI BẰNG BẢO HỘ GIỐNG CÂY TRỒNG
(Ban hành kèm theo Thông tư số 16 /2013/TT-BNNPTNT ngày 28 tháng 02 năm 2013 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn)
TỜ KHAIYÊU CẦU CẤP LẠI BẰNG BẢO HỘ GIỐNG CÂY TRỒNG
Kính gửi: Văn phòng Bảo hộ giống cây trồng mới Cục Trồng trọt - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
| DẤU NHẬN ĐƠN(Dành cho cán bộ nhận đơn) | ||
CHỦ ĐƠN (Tổ chức, cá nhân yêu cầu cấp lại bằng bảo hộ) Tên đầy đủ: Địa chỉ: Điện thoại: Fax: E-mail: | |||
ĐẠI DIỆN CỦA CHỦ ĐƠN □ là người đại diện theo pháp luật của chủ đơn □ là tổ chức dịch vụ đại diện quyền đối với giống cây trồng được uỷ quyền của chủ đơn Tên đầy đủ: Địa chỉ: Điện thoại: Fax: E-mail: | |||
BẰNG BẢO HỘ ĐỀ NGHỊ CẤP LẠI Tên giống cây trồng: | Số bằng bảo hộ:
| ||
NỘI DUNG YÊU CẦU □ Cấp lại bằng bảo hộ (số lần đã được cấp:…….) Lý do xin cấp lại: □ Bằng bảo hộ bị mất □ Bằng bảo hộ bị hỏng (rách, bẩn, phai mờ…)
| |||
CÁC TÀI LIỆU CÓ TRONG ĐƠN
□ Tờ khai, gồm…….trang x …….bản □ Bản gốc bằng bảo hộ bị hỏng □ Giấy uỷ quyền □ Chứng từ phí, lệ phí □ Tài liệu khác, cụ thể: |
KIỂM TRA DANH MỤC TÀI LIỆU (Dành cho cán bộ nhận đơn) □ □ □ □ □
| ||
CAM KẾT CỦA CHỦ ĐƠN
Tôi cam đoan mọi thông tin trong tờ khai trên đây là trung thực, đúng sự thật và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật. Khai tại: … ngày … tháng … năm …Chữ ký, họ tên chủ đơn/đại diện của chủ đơn (ghi rõ chức vụ và đóng dấu, nếu có)
| |||
MẪU ĐƠN ĐỀ NGHỊ ĐÌNH CHỈ/HỦY BỎ HIỆU LỰC BẰNG BẢO HỘ GIỐNG CÂY TRỒNG
(Ban hành kèm theo Thông tư số 16 /2013/TT-BNNPTNT ngày 28 tháng 02 năm 2013 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn)
ĐƠN ĐỀ NGHỊ ĐÌNH CHỈ/HỦY BỎ HIỆU LỰC BẰNG BẢO HỘ GIỐNG CÂY TRỒNG
Kính gửi: Văn phòng Bảo hộ giống cây trồng mới Cục Trồng trọt - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
| DẤU NHẬN ĐƠN(Dành cho cán bộ nhận đơn) | |
CHỦ ĐƠN (Tổ chức, cá nhân yêu cầu đình chỉ/huỷ bỏ hiệu lực bằng bảo hộ) Tên đầy đủ: Địa chỉ: Điện thoại: Fax: E-mail: | ||
ĐẠI DIỆN CỦA CHỦ ĐƠN □ là người đại diện theo pháp luật của chủ đơn □ là tổ chức dịch vụ đại diện quyền đối với giống cây trồng được uỷ quyền của chủ đơn Tên đầy đủ: Địa chỉ: Điện thoại: Fax: E-mail: | ||
BẰNG BẢO HỘ BỊ YÊU CẦU ĐÌNH CHỈ/HUỶ BỎ Tên giống cây trồng: |
Số bằng bảo hộ:
| |
NỘI DUNG YÊU CẦU □ Đình chỉ hiệu lực bằng bảo hộ □ Huỷ bỏ hiệu lực bằng bảo hộ Lý do:
| ||
CÁC TÀI LIỆU CÓ TRONG ĐƠN
□ Tờ khai, gồm……. trang x …….bản □ Chứng cứ chứng minh lý do yêu cầu đình chỉ/huỷ bỏ hiệu lực bằng bảo hộ □ Giấy uỷ quyền □ Chứng từ phí, lệ phí □ Tài liệu khác, cụ thể: |
KIỂM TRA DANH MỤC TÀI LIỆU (Dành cho cán bộ nhận đơn) □ □
□ □
| |
CAM KẾT CỦA CHỦ ĐƠN
Tôi cam đoan mọi thông tin trong đơn trên đây là trung thực, đúng sự thật và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật. Khai tại: … ngày … tháng … năm…Chữ ký, họ tên chủ đơn/đại diện của chủ đơn (ghi rõ chức vụ và đóng dấu, nếu có) | ||
MẪU ĐƠN ĐỀ NGHỊ PHỤC HỒI HIỆU LỰC BẰNG BẢO HỘ GIỐNG CÂY TRỒNG
(Ban hành kèm theo Thông tư số 16 /2013/TT-BNNPTNT ngày 28 tháng 02 năm 2013 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn)
ĐƠN ĐỀ NGHỊ PHỤC HỒI HIỆU LỰC BẰNG BẢO HỘ GIỐNG CÂY TRỒNG
Kính gửi: Văn phòng Bảo hộ giống cây trồng mới Cục Trồng trọt - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
| DẤU NHẬN ĐƠN(Dành cho cán bộ nhận đơn) | |
CHỦ ĐƠN (Tổ chức, cá nhân yêu cầu phục hồi hiệu lực bằng bảo hộ) Tên đầy đủ: Địa chỉ: Điện thoại: Fax: E-mail: | ||
ĐẠI DIỆN CỦA CHỦ ĐƠN □ là người đại diện theo pháp luật của chủ đơn □ là tổ chức dịch vụ đại diện quyền đối với giống cây trồng được uỷ quyền của chủ đơn Tên đầy đủ: Địa chỉ: Điện thoại: Fax: E-mail: | ||
BẰNG BẢO HỘ ĐỀ NGHỊ PHỤC HỒI Tên giống cây trồng: |
Số bằng bảo hộ:
| |
LÝ DO ĐỀ NGHỊ PHỤC HỒI - Lý do bị đình chỉ:
- Lý do đề nghị phục hồi:
| ||
CÁC TÀI LIỆU CÓ TRONG ĐƠN
□ Đơn, gồm……. trang x …….bản □ Chứng cứ chứng minh chủ bằng bảo hộ đã khắc phục được các lý do đình chỉ □ Giấy uỷ quyền □ Chứng từ phí, lệ phí □ Tài liệu khác, cụ thể: |
KIỂM TRA DANH MỤC TÀI LIỆU (Dành cho cán bộ nhận đơn) □ □
□ □
| |
CAM KẾT CỦA CHỦ ĐƠN
Tôi cam đoan mọi thông tin trong đơn trên đây là trung thực, đúng sự thật và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật. Khai tại: , ngày … tháng … năm…Chữ ký, họ tên chủ đơn/đại diện của chủ đơn (ghi rõ chức vụ và đóng dấu, nếu có) | ||
MẪU TỜ KHAI YÊU CẦU CẤP CHỨNG CHỈ HÀNH NGHỀ DỊCH VỤ ĐẠI DIỆN QUYỀN ĐỐI VỚI GIỐNG CÂY TRỒNG
(Ban hành kèm theo Thông tư số 16 /2013/TT-BNNPTNT Ngày 28 tháng 02 năm 2013 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn)
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
..., ngày tháng năm
TỜ KHAIYÊU CẦU CẤP CHỨNG CHỈ HÀNH NGHỀ DỊCH VỤ ĐẠI DIỆN QUYỀN ĐỐI VỚI GIỐNG CÂY TRỒNG
Kính gửi: Văn phòng Bảo hộ giống cây trồng mới Cục Trồng trọt - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn | DẤU NHẬN ĐƠN(Dành cho cán bộ nhận đơn)
| |
CHỦ ĐƠN (Cá nhân yêu cầu đào tạo và cấp chứng chỉ hành nghề dịch vụ đại diện quyền đối với giống cây trồng)
Họ và tên: Địa chỉ: Điện thoại: E-mail:
| ||
NỘI DUNG YÊU CẦU □ Đào tạo về pháp luật quyền đối với giống cây trồng □ Đào tạo về nghiệp vụ đại diện quyền đối với giống cây trồng □ Chứng chỉ hành nghề đại diện quyền đối với giống cây trồng | ||
CÁC TÀI LIỆU CÓ TRONG ĐƠN
□ Tờ khai theo mẫu □ Bản sao chụp chứng minh thư nhân dân □ Bản sao chụp Bằng tốt nghiệp đại học □ Bản sao chụp chứng chỉ tốt nghiệp khoá đào tạo pháp luật về quyền đối với giống cây trồng □ Tài liệu chứng minh đáp ứng điều kiện quy định tại điểm 5 khoản 21 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số Điều của Luật SHTT: □ Tài liệu xác nhận thời gian công tác và công việc đã làm □ Tài liệu xác nhận của trường ĐH về luận văn tốt nghiệp □ Hai ảnh 3 x 4 □ Chứng từ nộp lệ phí | KIỂM TRA DANH MỤC TÀI LIỆU (Dành cho cán bộ nhận đơn) □ □ □ □
□ □ □
| |
CAM KẾT CỦA CHỦ ĐƠN
Tôi cam đoan mọi thông tin trong tờ khai trên đây là trung thực, đúng sự thật và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật. Khai tại:………….. ngày … tháng ... năm … Chữ ký, họ tên chủ đơn (ghi rõ chức vụ và đóng dấu, nếu có)
| ||
MẪU TỜ KHAI YÊU CẦU CẤP LẠI CHỨNG CHỈ HÀNH NGHỀ DỊCH VỤ ĐẠI DIỆN QUYỀN ĐỐI VỚI GIỐNG CÂY TRỒNG
(Ban hành kèm theo Thông tư số 16 /2013/TT-BNNPTNT ngày 28 tháng 02 năm 2013 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn)
TỜ KHAIYÊU CẦU CẤP LẠI CHỨNG CHỈ HÀNH NGHỀ DỊCH VỤ ĐẠI DIỆN QUYỀN ĐỐI VỚI GIỐNG CÂY TRỒNG
Kính gửi: Văn phòng Bảo hộ giống cây trồng mới Cục Trồng trọt - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
| DẤU NHẬN ĐƠN(Dành cho cán bộ nhận đơn) | |
CHỦ ĐƠN (Cá nhân nộp đơn yêu cầu cấp lại chứng chỉ hành nghề dịch vụ đại diện quyền đối với giống cây trồng)
Họ và tên: Địa chỉ: Điện thoại: E- mail:
| ||
LÝ DO CẤP LẠI CHỨNG CHỈ □ Chứng chỉ bị mất □ Chứng chỉ bị hỏng | CHỨNG CHỈ CŨ □ Số Chứng chỉ:
| |
CÁC TÀI LIỆU CÓ TRONG ĐƠN
□ Tờ khai theo mẫu □ Chứng chỉ cũ (trường hợp chứng chỉ bị hỏng) □ Chứng từ phí, lệ phí
| KIỂM TRA DANH MỤC TÀI LIỆU (Dành cho cán bộ nhận đơn) □ □ □ | |
CAM KẾT CỦA CHỦ ĐƠN Tôi cam đoan mọi thông tin trong tờ khai trên đây là trung thực, đúng sự thật và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật. Khai tại: ………… ngày … tháng … năm … Chữ ký, họ tên của chủ đơn (ghi rõ chức vụ và đóng dấu, nếu có)
| ||
MẪU TỜ KHAI YÊU CẦU GHI NHẬN TỔ CHỨC DỊCH VỤ ĐẠI DIỆN QUYỀN ĐỐI VỚI GIỐNG CÂY TRỒNG
(Ban hành kèm theo Thông tư số 16 /2013/TT-BNNPTNT ngày 28 tháng 02 năm 2013 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn)
TỜ KHAIYÊU CẦU GHI NHẬN TỔ CHỨC DỊCH VỤ ĐẠI DIỆN QUYỀN ĐỐI VỚI GIỐNG CÂY TRỒNG
Kính gửi: Văn phòng Bảo hộ giống cây trồng mới Cục Trồng trọt - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
| DẤU NHẬN ĐƠN(Dành cho cán bộ nhận đơn) | |
CHỦ ĐƠN (Tổ chức yêu cầu ghi nhận tổ chức dịch vụ đại diện quyền đối với giống cây trồng của tổ chức) Họ và tên: Địa chỉ: Điện thoại: Fax: E-mail: | ||
CÁC TÀI LIỆU CÓ TRONG ĐƠN
□ Tờ khai theo mẫu □ Danh sách thành viên được ghi nhận đủ điều kiện hành nghề dịch vụ đại diện quyền đối với giống cây trồng; □ Bản sao chụp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh/Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động □ Văn bản ủy quyền của người đứng đầu tổ chức cho một trong các thành viên (nếu cần) □ Chứng từ phí, lệ phí | KIỂM TRA DANH MỤC TÀI LIỆU (Dành cho cán bộ nhận đơn) □ □
| |
CAM KẾT CỦA CHỦ ĐƠN
Tôi cam đoan mọi thông tin trong tờ khai trên đây là trung thực, đúng sự thật và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật. Khai tại: ……… ngày … tháng … năm … Chữ ký, họ tên chủ đơn (ghi rõ chức vụ và đóng dấu, nếu có)
| ||
MẪU TỜ KHAI YÊU CẦU GHI NHẬN SỬA ĐỔI THÔNG TIN VỀ TỔ CHỨC DỊCH VỤ ĐẠI DIỆN QUYỀN ĐỐI VỚI GIỐNG CÂY TRỒNG
(Ban hành kèm theo Thông tư số 16 /2013/TT-BNNPTNT Ngày 28 tháng 02 năm 2013 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn)
TỜ KHAIYÊU CẦU GHI NHẬN SỬA ĐỔI THÔNG TIN VỀ TỔ CHỨC DỊCH VỤ ĐẠI DIỆN QUYỀN ĐỐI VỚI GIỐNG CÂY TRỒNG
Kính gửi: Văn phòng Bảo hộ giống cây trồng mới - Cục Trồng trọt - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn | DẤU NHẬN ĐƠN(Dành cho cán bộ nhận đơn) | |
CHỦ ĐƠN (Tổ chức dịch vụ đại diện quyền đối với giống cây trồng yêu cầu ghi nhận sửa đổi thông tin) Tên đầy đủ: Địa chỉ: Điện thoại: Fax: E-mail: | ||
THÔNG TIN CẦN SỬA ĐỔI □ Tên tổ chức □ Địa chỉ □ Thay đổi liên quan đến danh sách Người đại diện quyền đối với giống cây trồng | ||
CÁC TÀI LIỆU CÓ TRONG ĐƠN
□ Tờ khai theo mẫu □ Bản sao chụp Giấy chứng nhận ĐKKD/Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động đã được sửa đổi □ Quyết định tuyển dụng Người đại diện quyền đối với giống cây trồng □ Quyết định chấm dứt HĐLĐ với người đại diện quyền đối với GCT □ Chứng từ phí, lệ phí
| KIỂM TRA DANH MỤC TÀI LIỆU (Dành cho cán bộ nhận đơn) □ □
□ | |
CAM KẾT CỦA CHỦ ĐƠN Tôi cam đoan mọi thông tin trong tờ khai trên đây là trung thực, đúng sự thật và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật. Khai tại: ………… ngày … tháng … năm … Chữ ký, họ tên chủ đơn (ghi rõ chức vụ và đóng dấu, nếu có)
| ||
MẪU TỜ KHAI YÊU CẦU CẤP THỂ GIÁM ĐỊNH VIÊN QUYỀN ĐỐI VỚI GIỐNG CÂY TRỒNG
(Ban hành kèm theo Thông tư số 16 /2013/TT-BNNPTNT ngày 28 tháng 02 năm 2013 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn)
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
-------------
...., ngày tháng năm
TỜ KHAIYÊU CẦU CẤP THỂ GIÁM ĐỊNH VIÊNQUYỀN ĐỐI VỚI GIỐNG CÂY TRỒNG
Kính gửi: Văn phòng Bảo hộ giống cây trồng mới Cục Trồng trọt - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn | DẤU NHẬN ĐƠN(Dành cho cán bộ nhận đơn)
| ||
CHỦ ĐƠN (Cá nhân yêu cầu cấp Thẻ giám định viên quyền đối với giống cây trồng)
Họ và tên: Địa chỉ: Điện thoại: E-mail: | |||
NỘI DUNG YÊU CẦU Đào tạo nghiệp vụ giám định quyền đối với giống cây trồng Thẻ giám định viên quyền đối với giống cây trồng | |||
CÁC TÀI LIỆU CÓ TRONG ĐƠN
□ Tờ khai theo mẫu □ Bản sao chụp chứng minh thư nhân dân □ Bản sao chụp Bằng tốt nghiệp đại học □ Bản sao chụp chứng chỉ tốt nghiệp khoá đào tạo nghiệp vụ giám định quyền đối với giống cây trồng (nếu có) □ Tài liệu chứng minh đã trực tiếp làm công tác chuyên môn trong lĩnh vực giống cây trồng từ 5 năm trở lên □ 02 ảnh 3 x 4 □ Chứng từ nộp lệ phí
| KIỂM TRA DANH MỤC TÀI LIỆU (Dành cho cán bộ nhận đơn) □ □ □ □
□
| ||
| CAM KẾT CỦA CHỦ ĐƠN
Tôi cam đoan mọi thông tin trong tờ khai trên đây là trung thực, đúng sự thật và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật. Khai tại:………….. ngày … tháng ... năm … Chữ ký, họ tên chủ đơn (ghi rõ chức vụ và đóng dấu, nếu có)
| ||
MẪU THẺ GIÁM ĐỊNH VIÊN
(Ban hành kèm theo Thông tư số 16 /2013/TT-BNNPTNT Ngày 28 tháng 02 năm 2013 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn)
MẪU TỜ KHAI YÊU CẦU CẤP LẠI THẺ GIÁM ĐỊNH VIÊN QUYỀN ĐỐI VỚI GIỐNG CÂY TRỒNG
(Ban hành kèm theo Thông tư số 16 /2013/TT-BNNPTNT ngày 28 tháng 02 năm 2013 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn)
TỜ KHAIYÊU CẦU CẤP LẠI THẺ GIÁM ĐỊNH VIÊNQUYỀN ĐỐI VỚI GIỐNG CÂY TRỒNG
Kính gửi: Văn phòng Bảo hộ giống cây trồng mới Cục Trồng trọt - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
| DẤU NHẬN ĐƠN(Dành cho cán bộ nhận đơn) | |
CHỦ ĐƠN (Cá nhân nộp đơn yêu cầu cấp Thẻ giám định viên quyền đối với giống cây trồng)
Họ và tên: Địa chỉ: Điện thoại: E- mail: | ||
LÝ DO CẤP LẠI CHỨNG CHỈ □ Thẻ bị mất □ Thẻ bị hỏng | CHỨNG CHỈ CŨ □ Số Thẻ:
| |
CÁC TÀI LIỆU CÓ TRONG ĐƠN
□ Tờ khai theo mẫu □ Thẻ cũ (trường hợp thẻ bị hỏng) □ Hai ảnh 3 x 4 □ Chứng từ phí, lệ phí
| KIỂM TRA DANH MỤC TÀI LIỆU (Dành cho cán bộ nhận đơn) □ □ □ □ | |
CAM KẾT CỦA CHỦ ĐƠN Tôi cam đoan mọi thông tin trong tờ khai trên đây là trung thực, đúng sự thật và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật. Khai tại: ………… ngày … tháng … năm … Chữ ký, họ tên của chủ đơn (ghi rõ chức vụ và đóng dấu, nếu có)
| ||
MẪU TỜ KHAI YÊU CẦU CẤP GIẤY CHỨNG NHẬN ĐỦ ĐIỀU KIỆN HOẠT ĐỘNG GIÁM ĐỊNH QUYỀN ĐỐI VỚI GIỐNG CÂY TRỒNG
(Ban hành kèm theo Thông tư số 16 /2013/TT-BNNPTNT Ngày 28 tháng 02 năm 2013 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn)
TỜ KHAIYÊU CẦU CẤP GIẤY CHỨNG NHẬNĐỦ ĐIỀU KIỆN HOẠT ĐỘNG GIÁM ĐỊNH QUYỀN ĐỐI VỚI GIỐNG CÂY TRỒNG
Kính gửi: Văn phòng Bảo hộ giống cây trồng mới Cục Trồng trọt - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
| DẤU NHẬN ĐƠN(Dành cho cán bộ nhận đơn) | |
CHỦ ĐƠN (Tổ chức yêu cầu cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động giám định quyền đối với giống cây trồng) Tên tổ chức: Địa chỉ: Điện thoại: Fax: E-mail: | ||
CÁC TÀI LIỆU CÓ TRONG ĐƠN
□ Tờ khai theo mẫu □ Bản sao chụp Quyết định tuyển dụng hoặc hợp đồng lao động giữa tổ chức và giám định viên hoạt động cho tổ chức; □ Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động khoa học và công nghệ hoặc Giấy đăng ký hoạt động đối với tổ chức hành nghề luật sư □ Bảng thống kê về trụ sở, trang thiết bị, phương tiện làm việc, nguồn cơ sở dữ liệu thông tin cần thiết để thực hiện hoạt động giám định □ Chứng từ phí, lệ phí | KIỂM TRA DANH MỤC TÀI LIỆU (Dành cho cán bộ nhận đơn) □ □
□ | |
CAM KẾT CỦA CHỦ ĐƠN
Tôi cam đoan mọi thông tin trong tờ khai trên đây là trung thực, đúng sự thật và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật. Khai tại: ……… ngày … tháng … năm … Chữ ký, họ tên chủ đơn (ghi rõ chức vụ và đóng dấu, nếu có) | ||
PHỤ LỤC 27
MẪU GIẤY CHỨNG NHẬN ĐỦ ĐIỀU KIỆN HOẠT ĐỘNG GIÁM ĐỊNH QUYỀN ĐỐI VỚI GIỐNG CÂY TRỒNG
(Ban hành kèm theo Thông tư số 16 /2013/TT-BNNPTNT Ngày 28 tháng 02 năm 2013 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn)
BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: /TT- BHGCT | Hà Nội, ngày tháng năm 20... |
GIẤY CHỨNG NHẬN
ĐỦ ĐIỀU KIỆN HOẠT ĐỘNG GIÁM ĐỊNH QUYỀN ĐỐI VỚI GIỐNG CÂY TRỒNG
CỤC TRƯỞNG CỤC TRỒNG TRỌT
Căn cứ Thông tư số / /TT-BNNPTNT ngày thàng năm của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Cục Trồng trọt;
Căn cứ khoản 10 Điều 1 của Nghị định số 119/2011/NĐ-CP ngày 30 tháng 12 năm 2010 Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 105/2006/NĐ-CP ngày 22 tháng 9 năm 2006 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ về bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ và quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ;
Căn cứ Điều 30 của Thông tư số /2012/TT-BNNPTNT ngày tháng năm 2012 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn về bảo hộ quyền đối với giống cây trồng,
CHỨNG NHẬN:
Tổ chức giám định quyền đối với giống cây trồng:
Tên đầy đủ:
Tên giao dịch:
Địa chỉ:
Danh sách giám định viên quyền đối với giống cây trồng là thành viên của tổ chức:
STT | Họ và tên | Số Giấy CMND | Số Thẻ giám định viên |
|
|
|
|
| CỤC TRƯỞNG |
MẪU TỜ KHAI YÊU CẦU GHI NHẬN SỬA ĐỔI THÔNG TIN VỀ TỔ CHỨC GIÁM ĐỊNH QUYỀN ĐỐI VỚI GIỐNG CÂY TRỒNG
(Ban hành kèm theo Thông tư số 16 /2013/TT-BNNPTNT Ngày 28 tháng năm 2013 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn)
TỜ KHAIYÊU CẦU GHI NHẬN SỬA ĐỔI THÔNG TIN VỀ TỔ CHỨC GIÁM ĐỊNH QUYỀN ĐỐI VỚI GIỐNG CÂY TRỒNG
Kính gửi: Văn phòng Bảo hộ giống cây trồng mới Cục Trồng trọt - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn | DẤU NHẬN ĐƠN(Dành cho cán bộ nhận đơn) | |
CHỦ ĐƠN (Tổ chức giám định quyền đối với giống cây trồng yêu cầu ghi nhận sửa đổi thông tin) Tên đầy đủ: Địa chỉ: Điện thoại: Fax: E-mail: | ||
THÔNG TIN CẦN SỬA ĐỔI □ Tên tổ chức □ Địa chỉ □ Thay đổi liên quan đến danh sách thành viên hoặc người đại diện quyền đối với giống cây trồng | ||
CÁC TÀI LIỆU CÓ TRONG ĐƠN
□ Tờ khai theo mẫu □ Bản sao chụp Giấy chứng nhận ĐKKD/Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động đã được sửa đổi □ Quyết định tuyển dụng giám định viên □ Quyết định chấm dứt HĐLĐ với giám định viên □ Chứng từ phí, lệ phí
| KIỂM TRA DANH MỤC TÀI LIỆU (Dành cho cán bộ nhận đơn) □ □
□ □ | |
CAM KẾT CỦA CHỦ ĐƠN Tôi cam đoan mọi thông tin trong tờ khai trên đây là trung thực, đúng sự thật và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật. Khai tại: ………… ngày … tháng … năm … Chữ ký, họ tên chủ đơn (ghi rõ chức vụ và đóng dấu, nếu có)
| ||
- 1Circular No. 01/2015/TT-BNNPTNT dated January 22, 2015, promulgating additional list of plant varieties eligible for production and trading in Vietnam
- 2Circular No. 180/2011/TT-BTC of December 14, 2011, on rates, collection, remittance, management and use of charges and fees in crop production and forest tree varieties
- 3Decree No. 98/2011/ND-CP of October 26, 2011, of the government amending, supplementing some articles of decrees on agriculture
- 4Decree No. 88/2010/ND-CP of August 16, 2010, detailing and guiding a number of articles of the law on intellectual property and the law amending and supplementing a number of articles of the law on intellectual property regarding rights to plant varieties
- 5Decree No. 75/2009/ND-CP of September 10, 2009, amending Article 3 of the Government''s Decree no. 01/2008/ND-CP of January 3, 2008, defining the functions, tasks, powers and organizational structure of the Ministry of Agriculture and Rural Development
- 6Law No. 36/2009/QH12 of June 19, 2009, amending and supplementing a number of articles of the Law on intellectual property
- 7Decree of Government No. 01/2008/ND-CP of January 03, 2008 defining the functions, tasks, powers and organizational structure of The Ministry Of Agriculture and Rural Development
- 8Decree of Government No.105/2006/ND-CP of September 22, 2006 detailing and guiding the implementation of a number of articles of The Law on Intellectual Property on protection of intellectual property rights and on state management of intellectual property
- 9Law No. 50/2005/QH11 of November 29, 2005, on Intellectual property.
Circular No. 16/2013/TT-BNNPTNT of February 28, 2013, on the protection of plant variety rights
- Số hiệu: 16/2013/TT-BNNPTNT
- Loại văn bản: Thông tư
- Ngày ban hành: 28/02/2013
- Nơi ban hành: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
- Người ký: Bùi Bá Bổng
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: 13/04/2013
- Ngày hết hiệu lực: 15/11/2023
- Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực