Hệ thống pháp luật

BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 15/2014/TT-BNNPTNT

Hà Nội, ngày 29 tháng 4 năm 2014

 

THÔNG TƯ

HƯỚNG DẪN THỰC HIỆN MỘT SỐ ĐIỀU TẠI QUYẾT ĐỊNH SỐ 62/2013/QĐ-TTG NGÀY 25/10/2013 CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ VỀ CHÍNH SÁCH KHUYẾN KHÍCH PHÁT TRIỂN HỢP TÁC, LIÊN KẾT SẢN XUẤT GẮN VỚI TIÊU THỤ NÔNG SẢN, XÂY DỰNG CÁNH ĐỒNG LỚN

Căn cứ Nghị định số 199/2013/NĐ-CP ngày 26/11/2013 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;

Căn cứ Quyết định 62/2013/QĐ-TTg ngày 25/10/2013 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản, xây dựng cánh đồng lớn;

Theo đề nghị của Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn,

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành Thông tư hướng dẫn thực hiện một số điều tại Quyết định số 62/2013/QĐ-TTg ngày 25/10/2013 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản, xây dựng cánh đồng lớn.

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng

1. Phạm vi điều chỉnh

Thông tư này ban hành tiêu chí cánh đồng lớn; Hướng dẫn quy hoạch và tổ chức triển khai xây dựng các vùng sản xuất nông sản tập trung theo mô hình cánh đồng lớn trong lĩnh vực trồng trọt.

2. Đối tượng áp dụng

a) Doanh nghiệp có hợp đồng hợp tác, liên kết sản xuất gắn với chế biến và tiêu thụ nông sản, xây dựng cánh đồng lớn với hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã (gọi chung là tổ chức đại diện của nông dân) hoặc hộ gia đình, cá nhân, trang trại (gọi chung là nông dân).

b) Tổ chức đại diện của nông dân có hợp đồng hợp tác, liên kết sản xuất gắn với chế biến và tiêu thụ nông sản, xây dựng cánh đồng lớn với doanh nghiệp hoặc nông dân.

c) Nông dân tham gia hợp đồng hợp tác, liên kết sản xuất gắn với chế biến và tiêu thụ nông sản, xây dựng cánh đồng lớn với doanh nghiệp hoặc tổ chức đại diện của nông dân.

Điều 2. Giải thích từ ngữ

1. Dự án hoặc Phương án cánh đồng lớn là dự án hoặc phương án phát triển hợp tác, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản, xây dựng cánh đồng lớn do doanh nghiệp hoặc tổ chức đại diện của nông dân xây dựng được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

2. Hợp đồng liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản là hợp đồng hợp tác, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản, xây dựng cánh đồng lớn (sau đây gọi là hợp đồng liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản) được ký kết giữa doanh nghiệp với tổ chức đại diện của nông dân hoặc nông dân; giữa tổ chức đại diện của nông dân với nông dân.

Điều 3. Tiêu chí cánh đồng lớn

Việc chấp thuận và phê duyệt Dự án hoặc Phương án cánh đồng lớn phải đáp ứng các tiêu chí sau đây:

1. Tiêu chí bắt buộc

a) Phù hợp với quy hoạch của địa phương về: Phát triển kinh tế - xã hội; sử dụng đất; tổng thể phát triển sản xuất ngành nông nghiệp; nông thôn mới và các quy hoạch khác.

b) Áp dụng đồng bộ quy trình sản xuất được thống nhất giữa các bên tham gia liên kết, phù hợp với loại cây trồng và đảm bảo phát triển bền vững.

c) Có ít nhất một trong các hình thức liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản thông qua hợp đồng sau đây:

- Liên kết giữa doanh nghiệp tiêu thụ - doanh nghiệp cung ứng vật tư đầu vào với tổ chức đại diện của nông dân hoặc nông dân;

- Liên kết sản xuất giữa doanh nghiệp với nông dân;

- Liên kết sản xuất giữa doanh nghiệp với tổ chức đại diện của nông dân;

- Liên kết sản xuất giữa tổ chức đại diện của nông dân với nông dân.

(Mẫu hợp đồng liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản theo phụ lục 1)

d) Quy mô diện tích của cánh đồng lớn:

Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi chung là Ủy ban nhân dân cấp tỉnh) căn cứ điều kiện của địa phương quy định quy mô diện tích tối thiểu Dự án hoặc Phương án cánh đồng lớn phù hợp với điều kiện cụ thể và từng loại nông sản, hình thành vùng nguyên liệu.

2. Tiêu chí khuyến khích

a) Có hạ tầng kinh tế như hệ thống giao thông nội đồng, thủy lợi, điện và những công trình phục vụ sản xuất khác đáp ứng yêu cầu sản xuất, tiêu thụ sản phẩm và từng bước cải thiện theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung.

b) Quy mô lớn tập trung và áp dụng cơ giới hóa đồng bộ; công nghệ tiên tiến (sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn, VietGAP, Global GAP…) và có cơ sở thu mua, bảo quản, chế biến nông sản gần nơi sản xuất.

c) Các tiêu chí khác do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định nếu thấy cần thiết.

Điều 4. Hướng dẫn Quy hoạch hoặc Kế hoạch cánh đồng lớn

Tùy theo điều kiện cụ thể từng địa phương lựa chọn xây dựng một trong hai hình thức Quy hoạch hoặc Kế hoạch cánh đồng lớn làm căn cứ phê duyệt các Dự án hoặc Phương án cánh đồng lớn tại địa phương.

1. Căn cứ xây dựng Quy hoạch hoặc Kế hoạch cánh đồng lớn

a) Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất các cấp đã được phê duyệt.

b) Quy hoạch phát triển sản xuất ngành nông nghiệp (bao gồm: Quy hoạch tổng thể phát triển sản xuất ngành nông nghiệp đến năm 2020 và tầm nhìn 2030 theo Quyết định số 124/2012/QĐ-TTg ban hành ngày 02/2/2012 của Thủ tướng Chính phủ; các quy hoạch khác của địa phương được cấp thẩm quyền phê duyệt).

d) Tiêu chí quy mô cánh đồng lớn quy định tại Điều 3 của Thông tư này.

đ) Lợi thế của địa phương, dự báo nhu cầu thị trường của loại sản phẩm dự kiến sản xuất và định hướng phát triển kinh tế xã hội ở địa phương.

e) Nhu cầu xây dựng cánh đồng lớn của các doanh nghiệp, tổ chức đại diện của nông dân.

2. Thời gian thực hiện Quy hoạch hoặc Kế hoạch cánh đồng lớn

Quy hoạch hoặc Kế hoạch cánh đồng lớn phải ổn định tối thiểu trong 10 năm; định kỳ có kiểm tra, đánh giá và điều chỉnh.

3. Quy trình xây dựng, thẩm định và phê duyệt Quy hoạch hoặc Kế hoạch cánh đồng lớn

a) Quy trình xây dựng, thẩm định và phê duyệt Quy hoạch cánh đồng lớn: Thực hiện theo quy định tại Thông tư số 05/2013/TT-BKHĐT ngày 31/10/2013 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn tổ chức lập, thẩm định, phê duyệt, điều chỉnh và công bố quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội; quy hoạch ngành, lĩnh vực và sản phẩm chủ yếu.

b) Quy trình xây dựng, thẩm định và phê duyệt Kế hoạch cánh đồng lớn

- Ủy ban nhân dân cấp tỉnh giao cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì xây dựng Kế hoạch cánh đồng lớn của tỉnh;

- Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các sở, ngành có liên quan, Uỷ ban nhân dân huyện, thị xã (sau đây gọi chung là Ủy ban nhân dân cấp huyện) xây dựng Kế hoạch cánh đồng lớn và trình Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh;

- Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thành lập hội đồng thẩm định, phê duyệt và công bố Kế hoạch cánh đồng lớn.

Điều 5. Quy định về xây dựng Dự án hoặc Phương án cánh đồng lớn

Tùy theo điều kiện cụ thể từng địa phương, doanh nghiệp, tổ chức đại diện của nông dân lựa chọn xây dựng một trong hai hình thức Dự án hoặc Phương án cánh đồng lớn.

1. Chấp thuận về chủ trương

Doanh nghiệp hoặc tổ chức đại diện của nông dân có nhu cầu tham gia liên kết trong cánh đồng lớn, có đơn đề nghị xây dựng Dự án hoặc Phương án cánh đồng lớn gửi Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xin ý kiến chấp thuận (mẫu đơn theo phụ lục 2).

Sau khi nhận được đơn đề nghị, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, Ủy ban nhân dân cấp huyện có liên quan xem xét và trả lời bằng văn bản việc chấp thuận trong thời hạn 15 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đơn. Trường hợp không chấp thuận phải nêu rõ lý do.

2. Xây dựng Dự án hoặc Phương án cánh đồng lớn

Căn cứ vào ý kiến chấp thuận của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, doanh nghiệp hoặc tổ chức đại diện của nông dân xây dựng Dự án hoặc Phương án cánh đồng lớn (mẫu Dự án hoặc Phương án theo phụ lục 3).

Phương án thực hiện các nội dung được ưu đãi, hỗ trợ quy định tại Điểm c Khoản 2 Điều 4 và Điểm b Khoản 2 Điều 5 Quyết định số 62/2013/QĐ-TTg phải thể hiện trong Dự án hoặc Phương án cánh đồng lớn mà doanh nghiệp hoặc tổ chức đại diện của nông dân xây dựng.

3. Hồ sơ đề nghị thẩm định, phê duyệt

a) Đơn đề nghị phê duyệt Dự án hoặc Phương án cánh đồng lớn (mẫu đơn theo phụ lục 4).

b) Dự án hoặc Phương án cánh đồng lớn.

c) Giấy phép kinh doanh theo quy định của pháp luật trong lĩnh vực sản xuất kinh doanh có điều kiện (bản công chứng).

d) Thông tin về năng lực tiêu thụ nông sản của doanh nghiệp, tổ chức đại diện của nông dân được tính bằng sản lượng nông sản tiêu thụ trong nước hoặc xuất khẩu trung bình 3 năm gần nhất; hoặc năng lực bảo quản và chế biến tính theo công suất kho, xưởng và máy móc thiết bị phục vụ chế biến hiện có của doanh nghiệp, tổ chức đại diện của nông dân. Các thông tin này do doanh nghiệp, tổ chức đại diện của nông dân tự kê khai và chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác của thông tin.

4. Quy trình thẩm định và phê duyệt

a) Sau khi được chấp thuận chủ trương, doanh nghiệp hoặc tổ chức đại diện của nông dân xây dựng Dự án hoặc Phương án cánh đồng lớn gửi Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ít nhất 07 bộ hồ sơ để tổ chức thẩm định.

b) Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày tiếp nhận hồ sơ theo đường bưu điện hoặc ngay trong ngày nếu nhận hồ sơ trực tiếp, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có trách nhiệm kiểm tra mức độ đầy đủ, hợp lệ của hồ sơ và yêu cầu đơn vị nộp hơ sơ hoàn thiện đầy đủ nếu hồ sơ còn thiếu.

c) Chậm nhất 15 ngày làm việc kể từ ngày tiếp nhận hồ sơ hợp lệ, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành và Ủy ban nhân dân cấp huyện có liên quan thẩm định trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xem xét phê duyệt Dự án hoặc Phương án cánh đồng lớn.

Trường hợp Dự án hoặc Phương án không được phê duyệt, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh giao cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thông báo bằng văn bản, nêu rõ lý do cho doanh nghiệp hoặc tổ chức đại diện của nông dân.

5. Thời gian thực hiện

Thời gian thực hiện Dự án hoặc Phương án cánh đồng lớn phải đảm bảo theo lộ trình thực hiện đối với cây hàng năm là 5 năm, đối với cây lâu năm là 7 năm.

6. Lộ trình xây dựng nhu cầu nguyên liệu

Để đảm bảo thực hiện quy định về vùng nguyên liệu tại Điểm b Khoản 2 Điều 4 của Quyết định số 62/2013/QĐ-TTg, Dự án hoặc Phương án cánh đồng lớn thực hiện theo lộ trình tối thiểu quy định tại Điểm b Khoản 6 Điều này và được tính như sau:

a) Công thức tính tỷ lệ đáp ứng về nhu cầu nguyên liệu (theo phụ lục 5).

b) Bảng quy định lộ trình xây dựng nhu cầu nguyên liệu:

Loại cây trồng

Tỷ lệ tối thiểu đáp ứng về nhu cầu nguyên liệu (%)

Năm 1

Năm 2

Năm 3

Năm 4

Năm 5

Năm 6

Năm 7

1. Cây hàng năm

10

20

30

40

50

 

 

2. Cây lâu năm

10

15

20

25

30

40

50

c) Hàng năm, doanh nghiệp, tổ chức đại diện của nông dân xây dựng lộ trình vùng nguyên liệu báo cáo Sở nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

7. Triển khai thực hiện Dự án hoặc Phương án cánh đồng lớn

Căn cứ vào Dự án hoặc Phương án cánh đồng lớn đã được phê duyệt, hàng năm doanh nghiệp, tổ chức đại diện của nông dân xây dựng kế hoạch triển khai và dự toán chi tiết gửi Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổng hợp trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.

8. Điều chỉnh, bổ sung, kéo dài thời gian thực hiện Dự án hoặc Phương án cánh đồng lớn

Doanh nghiệp hoặc tổ chức đại diện của nông dân có nhu cầu điều chỉnh, bổ sung, kéo dài thời gian thực hiện Dự án hoặc Phương án cánh đồng lớn có đơn đề nghị và kèm theo Dự án hoặc Phương án bổ sung gửi Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Việc thẩm định và phê duyệt điều chỉnh, bổ sung, kéo dài thời gian thực hiện Dự án hoặc Phương án cánh đồng lớn được thực hiện theo quy định tại Điểm b và Điểm c Khoản 4 của Điều này.

Điều 6. Quy định hỗ trợ đối với nông dân

Ủy ban nhân dân cấp xã căn cứ vào hợp đồng và biên bản nghiệm thu hợp đồng liên kết và tiêu thụ nông sản ký giữa doanh nghiệp hoặc tổ chức đại diện của nông dân với nông dân trong khuôn khổ các dự án hoặc phương án cánh đồng lớn thực hiện trên địa bàn xã xác nhận việc thực hiện hợp đồng của nông dân để làm căn cứ cho việc xem xét nông dân được hưởng ưu đãi, hỗ trợ theo quy định tại Khoản 2 Điều 6 Quyết định số 62/2013/QĐ-TTg.

Ủy ban nhân dân cấp huyện căn cứ vào xác nhận thực hiện hợp đồng thực hiện việc ưu đãi, hỗ trợ cho hộ nông dân theo quy định của pháp luật hiện hành.

Điều 7. Tổ chức thực hiện

1. Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn

a) Chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan tham mưu giúp Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo, theo dõi, hướng dẫn triển khai thực hiện Thông tư này.

b) Kiểm tra, giám sát, sơ kết, tổng kết đánh giá theo định kỳ tình hình thực hiện Quyết định số 62/2013/QĐ-TTg, định kỳ báo cáo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

2. Cục Trồng trọt

Chủ trì, phối hợp với Cục Bảo vệ thực vật, Cục Chế biến Nông Lâm Thủy sản và Nghề muối và các cơ quan liên quan thuộc Bộ hướng dẫn việc áp dụng đồng bộ quy trình sản xuất và các công nghệ tiên tiến.

3. Trung tâm Khuyến nông Quốc gia

Lồng ghép các dự án khuyến nông để xây dựng, nhân rộng các mô hình liên kết, hướng dẫn và tham gia tập huấn kỹ thuật cho nông dân, chỉ đạo Trung tâm Khuyến nông các tỉnh hỗ trợ cán bộ kỹ thuật giúp các đơn vị tham gia liên kết trong xây dựng cánh đồng lớn.

4. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

a) Tùy theo nhu cầu phát triển cánh đồng lớn ở mỗi địa phương, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tham mưu cho Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh xem xét, quyết định thành lập Ban chỉ đạo hoặc Ban điều hành xây dựng cánh đồng lớn do Phó chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh là trưởng ban hoặc lồng ghép với các ban chỉ đạo khác của tỉnh để giúp Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chỉ đạo xây dựng và tổ chức thực hiện Quy hoạch hoặc Kế hoạch, chính sách cánh đồng lớn trên địa bàn.

b) Tham mưu giúp Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ban hành tiêu chí quy mô diện tích tối thiểu, các tiêu chí khác về cánh đồng lớn và mức hỗ trợ cụ thể của địa phương về xây dựng cánh đồng lớn.

c) Thực hiện các nhiệm vụ đã được quy định tại Khoản 3 Điều 4 và Điều 5 của Thông tư này.

d) Chủ trì phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính tham mưu giúp Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xây dựng kế hoạch bố trí ngân sách hỗ trợ hàng năm cho doanh nghiệp, tổ chức đại diện của nông dân và nông dân tham gia cánh đồng lớn trình Hội đồng nhân dân cấp tỉnh phê duyệt.

đ) Hướng dẫn, kiểm tra, giám sát và đôn đốc thực hiện các Dự án hoặc Phương án cánh đồng lớn và báo cáo kết quả theo quy định.

e) Tham mưu giúp Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xử lý các tranh chấp, vi phạm trong quá trình thực hiện hợp đồng giữa các bên liên kết; xem xét, quyết định hoặc kiến nghị cấp có thẩm quyền thu hồi các hỗ trợ, ưu đãi của Nhà nước đối với các bên vi phạm hợp đồng liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản.

g) Tham mưu giúp Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chỉ đạo các cơ quan liên quan, các cấp chính quyền khuyến khích dồn điền, đổi thửa; hướng dẫn, tư vấn cho các bên tham gia liên kết thực hiện Dự án hoặc Phương án cánh đồng lớn.

Điều 7. Hiệu lực thi hành

Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày 15 tháng 6 năm 2014.

Trong quá trình tổ chức thực hiện, nếu có vấn đề phát sinh hoặc khó khăn vướng mắc, các địa phương phản ánh về Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để kịp thời bổ sung, sửa đổi./.

 

 

Nơi nhận:
- Văn phòng Chính phủ;
- Bộ trưởng Cao Đức Phát;
- Các Thứ trưởng Bộ NN và PTNT;
- Cục kiểm tra văn bản (Bộ Tư pháp);
- Công báo Chính phủ;
- Website chính phủ, Website Bộ NN và PTNT;
- Các đơn vị thuộc Bộ NN và PTNT;
- UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc TW;
- Sở NN và PTNT các tỉnh, thành phố trực thuộc TW;
- Chi cục PTNT các tỉnh, thành phố trực thuộc TW;
- Lưu: VP, KTHT.

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Trần Thanh Nam

 

PHỤ LỤC I

MẪU HỢP ĐỒNG LIÊN KẾT SẢN XUẤT VÀ TIÊU THỤ NÔNG SẢN
(Kèm theo Thông tư số : 15 /2014/TT-BNNPTNT ngày 29 tháng 4 năm 2014 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn)

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
------------------------

HỢP ĐỒNG

LIÊN KẾT SẢN XUẤT VÀ TIÊU THỤ…………………...

Số: ………/ 20 /HĐSXTT

Căn cứ:

- Bộ luật dân sự năm 2005;

- .....

Hôm nay, ngày……… tháng ……… năm 20…. tại ................................. ………………………………………………………, hai bên gồm:

BÊN A: DOANH NGHIỆP/TỔ CHỨC ĐẠI DIỆN CỦA NÔNG DÂN .......

Địa chỉ:….…………………………………………………………....

Điện thoại:………………………… Fax: ……………………………....

Mã số thuế: ……………………………………………………………....

Tài khoản: ………………………………………………………………....

Do ông/bà: ………………………………………………………………

Chức vụ: …………………………………. làm đại diện.

BÊN B: TỔ CHỨC ĐẠI DIỆN CỦA NÔNG DÂN/NÔNG DÂN…………..

Do ông/bà :…………………… Chức vụ: ………………. làm đại diện.

CMND số:..…………….ngày cấp ……………….nơi cấp……..…………

Địa chỉ: …………………………………………….………………………

Điện thoại: …………………………………………………………………

Tài khoản: ………………………………………………………………….

Sau khi bàn bạc trao đổi thống nhất, hai bên nhất trí ký Hợp đồng như sau:

Điều 1. Nội dung chính

1. Bên B đồng ý Hợp đồng sản xuất và bán (tiêu thụ) …………cho bên A:

- Thời gian sản xuất: từ ngày…... tháng ….. năm …….. đến ngày…. tháng ……. năm..........

- Diện tích: ………..……………… ha.

- Sản lượng dự kiến: ………………… tấn.

- Địa điểm: ......................................................................................

2. Bên A bán (trả ngay hoặc ghi nợ) cho bên B giống, vật tư phục vụ sản xuất cụ thể như sau:

Tên sản phẩm

Diện tích sản xuất (ha)

Số lượng (tấn)

Đơn giá (đồng/tấn)

Thành tiền (đồng)

1.

 

 

 

 

2.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Tổng cộng

 

 

 

 

3. Nếu bên B tự mua (tên giống hoặc vật tư)................ : ............... (tên giống hoặc vật tư) mà bên B tự mua phải là loại ...................... đạt tiêu chuẩn, chất lượng của giống ............., được sự chứng nhận của cơ quan có thẩm quyền.

4. Bên B bán ..................hàng hóa cho bên A:

- Số lượng tạm tính: ....................................................................................

- Với quy cách, chất lượng, phương thức kiểm tra, đánh giá chất lượng sản phẩm...................... do hai bên đã thoả thuận được ghi ở Điều 3 dưới đây và với số lượng thực tế khi thu hoạch.

Điều 2. Thời gian, địa điểm giao nhận và bốc xếp

1. Thời gian giao hàng

2. Địa điểm giao, nhận hàng

3. Bốc xếp, vận chuyển, giao nhận

Điều 3. Giá cả và phương thức thanh toán, địa điểm giao hàng

1. Giống và vật tư nông nghiệp (áp dụng cho trường hợp bên A bán ghi nợ cho bên B):

- Giá các loại vật tư, phân bón, công lao động

- Phương thức thanh toán

- Thời hạn thanh toán

2. Sản phẩm hàng hóa

- Tiêu chuẩn: (các tiêu chuẩn sản phẩm hàng hóa phải đạt được).

- Giá nông sản dự kiến (giá trên thị trường tại thời điểm thu hoạch hoặc giá sàn hoặc mức bù giá….)

- Phương thức và thời điểm thanh toán

3. Địa điểm giao hàng

- Ghi rõ địa điểm bên B giao sản phẩm nông sản hàng hoá cho bên A

Điều 4. Trách nhiệm bên A

- Giới thiệu doanh nghiệp cung cấp vật tư nông nghiệp (phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thức ăn) cho bên B nếu bên B có nhu cầu.

- Đảm bảo giao giống đúng số lượng, chất lượng, chủng loại, qui cách và thời hạn đã cam kết (đối với trường hợp bên A bán ghi nợ cho bên B giống phục vụ sản xuất)

- Đảm bảo thu mua sản phẩm hàng hóa đúng theo qui cách - phẩm chất đã cam kết và số lượng thu hoạch thực tế.

- Phối hợp với bên B tổ chức các biện pháp thu mua phù hợp với thời gian thu hoạch của bên B và kế hoạch giao nhận của bên A (căn cứ theo lịch điều phối của bên A).

- Cung cấp bao bì đựng ……… cho bên B (nếu có yêu cầu) sau khi đạt được thỏa thuận mua bán giữa hai bên.

- ……………

Điều 5. Trách nhiệm bên B

- Bên B phải tuân thủ các qui trình canh tác theo yêu cầu của bên A và phù hợp với khuyến cáo của ngành nông nghiệp.

- Giao, bán sản phẩm hàng hóa đúng theo qui cách về phẩm chất, số lượng (theo thực tế thu hoạch), đúng thời gian, địa điểm giao hàng đã được hai bên thống nhất.

- Cung cấp cho bên A các thông tin về quá trình canh tác, thời gian thu hoạch, địa điểm giao hàng v.v....

- Lập danh sách hộ nông dân tham gia liên kết sản xuất trong cánh đồng lớn (có danh sách kèm theo hợp đồng).

- …………….

Điều 6. Xử lý vi phạm

1. Trường hợp bên A vi phạm Hợp đồng

Nếu bên A được xác định là không thực hiện đúng theo quy định của hợp đồng mà không có lý do chính đáng thì phải ghi rõ trách nhiệm đền bù hợp đồng của bên A cho bên B.

2. Trường hợp bên B vi phạm Hợp đồng

Nếu bên B được xác định là không thực hiện đúng theo quy định của hợp đồng mà không có lý do chính đáng thì phải ghi rõ trách nhiệm đền bù hợp đồng của bên B cho bên A.

Điều 7. Điều khoản chung

1. Trong trường hợp có phát sinh trong hợp đồng thì cả hai bên phải có trách nhiệm cùng nhau thống nhất giải quyết.

2. Hai bên cam kết cùng nhau thực hiện nghiêm chỉnh Hợp đồng đã ký, trong quá trình thực hiện có gì thay đổi, hai bên cùng bàn bạc thống nhất để bổ sung bằng văn bản hay phụ lục Hợp đồng. Nếu có trường hợp vi phạm Hợp đồng mà hai bên không thể thương lượng được thì các bên xem xét đưa ra toà án để giải quyết theo pháp luật.

Hợp đồng được lập thành ……. bản, mỗi bên giữ ….. bản có giá trị ngang nhau./.

 

ĐẠI DIỆN BÊN B

ĐẠI DIỆN BÊN A

 

PHỤ LỤC II

ĐƠN ĐỀ NGHỊ CHẤP THUẬN CHỦ TRƯƠNG XÂY DỰNG DỰ ÁN HOẶC PHƯƠNG ÁN CÁNH ĐỒNG LỚN
(Kèm theo Thông tư số 15 /2014/TT-BNNPTNT ngày 29 tháng 4 năm 2014 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn)

ĐƠN VỊ ĐỀ XUẤT ………….
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số:       /

……………., ngày    tháng     năm 20….

 

ĐƠN ĐỀ NGHỊ CHẤP THUẬN CHỦ TRƯƠNG XÂY DỰNG
DỰ ÁN HOẶC PHƯƠNG ÁN CÁNH ĐỒNG LỚN

Kính gửi: Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh…………..

Căn cứ Quyết định 62/2013/QĐ-TTg ngày 25/10/2013 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản, xây dựng cánh đồng lớn;

Căn cứ Thông tư số 15/2014/TT-BNNPTNT ngày 29 /4 /2014 về hướng dẫn thực hiện một số điều trong Quyết định 62/2013/QĐ-TTg ngày 25/10/2013 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản, xây dựng cánh đồng lớn;

Căn cứ vào Quyết định phê duyệt Quy hoạch (Kế hoạch) cánh đồng lớn số ………..của UBND tỉnh ……………………..

………….. kính trình Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, xem xét và chấp thuận chủ trương xây dựng cánh đồng lớn tại xã…….huyện…….. tỉnh…., với các nội dung như sau:

1. Tên Dự án (Phương án): Xây dựng cánh đồng lớn liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản, xây dựng cánh đồng lớn …………………………………..

2. Cơ quan xây dựng:

Doanh nghiệp/tổ chức đại diện của nông dân ………………………..........

3. Đối tác tham gia: (Ghi rõ các đối tác tham gia là những tổ chức cá nhân sau này sẽ tham gia ký các hợp đồng sản xuất gắn với chế biến và tiêu thụ nông sản, xây dựng cánh đồng lớn)

……………………………………………………………….……………

4. Mục tiêu: (Bao gồm các mục tiêu như nâng cao hiệu quả sử dụng đất, hiệu quả sản xuất và thu nhập của các đối tác tham gia; Bảo đảm ổn định nguyên liệu cho chế biến, tiêu thụ và xuất khẩu nông sản; nâng cao chất lượng nông sản và những mục tiêu khác)

……………………………………………………………….……………

5. Nội dung và quy mô:

……………………………………………………………….………………

6. Địa điểm triển khai (Ghi rõ tên các xã, huyện dự kiến xây dựng cánh đồng lớn)

……………………………………………………………….………………

7. Kinh phí đầu tư (dự kiến):

……………………………………………………………….………………

8. Nguồn vốn (các nguồn của doanh nghiệp đầu tư, nguồn vốn vay và các nguồn hợp pháp khác):

……………………………………………………………….………………

………… đề nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, xem xét, chấp thuận chủ trương xây dựng cánh lớn hợp tác, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ…………….. để …………………….… làm căn cứ thực hiện./.

 

 

GIÁM ĐỐC/CHỦ TỊCH HỘI ĐỒNG QUẢN TRỊ

 

PHỤ LỤC III

MẪU ĐỀ CƯƠNG DỰ ÁN (PHƯƠNG ÁN) CÁNH ĐỒNG LỚN
(Kèm theo Thông tư số 15 /2014/TT-BNNPTNT ngày 29 tháng 4 năm 2014 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn)

Phần I: GIỚI THIỆU VỀ DỰ ÁN (PHƯƠNG ÁN)

1. Tên Dự án (Phương án): Tên Dự án (Phương án) phải ghi rõ đây là Dự án (Phương án) cánh đồng lớn đối với loại cây trồng gì và địa bàn triển khai chính là ở đâu. Ví dụ: Dự án xây dựng cánh đồng lớn sản xuất lúa chất lượng cao xuất khẩu tại huyện X, tỉnh Y.

2. Địa chỉ thực hiện Dự án (Phương án): Ghi đầy đủ địa chỉ tên các xã, huyện, tỉnh Dự án sẽ triển khai.

3. Các đối tác tham gia Dự án (Phương án)

a) Doanh nghiệp: Tên của các doanh nghiệp, loại hình dịch vụ kinh doanh chính (ví dụ chế biến xuất khẩu gạo), năng lực sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp trong 3 năm trở lại đây.

b) Tổ chức đại diện của nông dân: Tên Hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã và số lượng thành viên tham gia.

c) Nông dân: Số lượng nông dân tham gia.

4. Căn cứ pháp lý xây dựng Dự án (Phương án) cánh đồng lớn

- Quyết định số 62/2013/QĐ-TTg ngày 25/10/2013 của Thủ tướng Chính Phủ về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết gắn sản xuất với tiêu thụ nông sản, xây dựng cánh đồng lớn và Thông tư số 15 /2014/TT-BNNPTNT ngày 29/4/2014 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

- Quyết định số /QĐ-UBND ngày tháng năm về việc phê duyệt Quy hoạch (Kế hoạch) cánh đồng lớn của Ủy ban nhân dân tỉnh……........

- Văn bản số / -SNN ngày tháng năm của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh ………….về việc chấp thuận chủ trương xây dựng cánh đồng lớn…………………………………………………………...

- Những căn cứ khác (nếu có) ……………………………………………...

5. Mục tiêu:

Nêu rõ các mục tiêu như nâng cao hiệu quả sử dụng đất, hiệu quả sản xuất và thu nhập của các đối tác tham gia; bảo đảm ổn định vùng nguyên liệu cho chế biến, tiêu thụ và xuất khẩu nông sản; nâng cao chất lượng nông sản và những mục tiêu khác.

Phần II. TÓM TẮT NỘI DUNG DỰ ÁN (PHƯƠNG ÁN) CÁNH ĐỒNG LỚN.

1. Bối cảnh xây dựng dự án: Giới thiệu các nội dung chính sau đây

- Tình hình sản xuất, tiêu thụ nông sản mà Dự án dự kiến đầu tư sản xuất. Những thuận lợi khó khăn hiện nay trong sản xuất và tiêu thụ nông sản đang gặp phải.

- Nhu cầu của thị trường tiêu thụ (sản lượng, chất lượng và giá cả nông sản) và những rủi ro của phương thức sản xuất hiện tại (không có liên kết).

- Cơ hội mà liên kết gắn sản xuất với chế biến và tiêu thụ nông sản, xây dựng cánh đồng lớn tạo ra cho các thành phần tham gia Dự án (Phương án).

2. Địa bàn triển khai và thời gian thực hiện

- Địa bàn triển khai: Tên địa điểm (mô tả theo Quy hoạch hoặc Kế hoạch cánh đồng lớn); đặc điểm kinh tế xã hội vùng sản xuất.

- Thời gian thực hiện: Ghi rõ số năm và số vụ sản xuất mà Dự án (Phương án) dự kiến tổ chức xây dựng cánh đồng lớn.

3. Nội dung kế hoạch đầu tư sản xuất trong Dự án (Phương án) cánh đồng lớn, bao gồm các kế hoạch cụ thể sau:

- Diện tích, năng suất, sản lượng, giống nông sản dự kiến theo từng năm, từng mùa vụ liên kết.

- Kế hoạch đầu tư xây dựng và củng cố hạ tầng phục vụ sản xuất (mương máng, bờ vùng, đường nội đồng, trạm bơm, kho chứa, hệ thống điện).

- Kế hoạch đầu tư, chi phí vật tư, phân bón và lao động cho sản xuất theo mùa vụ trong Dự án (Phương án) cánh đồng lớn.

- Kế hoạch tiêu thụ, bảo quản và chế biến nông sản cho nông dân.

4. Hình thức liên kết:

Mô tả cụ thể các hình thức liên kết dự kiến sẽ áp dụng trong Dự án (Phương án) cánh đồng lớn.

- Hình thức liên kết giữa doanh nghiệp, tổ chức đại diện của nông dân trong tiêu thụ sản phẩm nông sản.

- Hình thức liên kết giữa doanh nghiệp, tổ chức đại diện của nông dân trong cung cấp dịch vụ và vật tư phân bón cho nông dân.

- Vai trò của doanh nghiệp, tổ chức đại diện nông dân, chính quyền nhà nước và các tác nhân khác trong liên kết sản xuất.

5. Quy trình sản xuất và quy trình kỹ thuật dự kiến áp dụng trong Dự án (Phương án) cánh đồng lớn:

- Mô tả quy trình sản xuất (kỹ thuật làm đất; chủng loại giống; yêu cầu phẩm cấp chất lượng giống sử dụng trong sản xuất; quy trình bón phân, chăm sóc, tưới nước, làm cỏ; quy trình thu hoạch và sơ chế và bảo quản…) được quy định trong Dự án (Phương án) cánh đồng lớn (thường do các doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm đề xuất và được các đối tác tham gia cánh đồng lớn như nông dân, doanh nghiệp cung cấp phân bón vật tư nông nghiệp chấp nhận nhằm bảo đảm chất lượng nông sản và nâng cao hiệu quả sản xuất).

- Mô tả phương thức kiểm soát quy trình sản xuất và chất lượng nông sản trong Dự án (Phương án) cánh đồng lớn.

6. Các hoạt động và các giải pháp chính nhằm thực hiện Dự án (Phương án) cánh đồng lớn

- Củng cố, đầu tư xây dựng hạ tầng trong vùng cánh đồng lớn.

- Xây dựng các tổ chức nông dân.

- Ký kết hợp đồng tiêu thụ sản phẩm nông sản và hợp đồng cung cấp vật tư dịch vụ đầu vào cho sản xuất.

- Đào tạo, tập huấn cho nông dân.

- Chuyển giao khoa học kỹ thuật.

- Các giải pháp khác(nếu có)

7. Đề xuất kinh phí thực hiện Dự án (Phương án) cánh đồng lớn

- Xác định những khoản mục, hoạt động cần thiết nhằm thực hiện Dự án (Phương án) cánh đồng lớn.

- Dự toán chi tiết kinh phí đầu tư thực hiện Dự án (Phương án) cánh đồng lớn.

- Nguồn kinh phí thực hiện Dự án (Phương án) cánh đồng lớn.

Phần III: HIỆU QUẢ VÀ TÁC ĐỘNG CỦA DỰ ÁN (PHƯƠNG ÁN) CÁNH ĐỒNG LỚN

1. Phân tích hiệu quả kinh tế của Dự án (Phương án)

- Lợi ích chung mà Dự án (Phương án) cánh đồng lớn có thể mang lại như: Nâng cao được chất lượng và giá bán nông sản; nâng cao hiệu quả đầu tư sản xuất và năng lực cạnh tranh của sản phẩm nông sản; góp phần phát triển bền vững ngành nông nghiệp ở địa phương.

- Lợi ích đối với nông dân và các tổ chức đại diện của nông dân như: Nâng cao thu nhập cho người sản xuất; hạn chế rủi ro trong sản xuất.

- Lợi ích đối với các doanh nghiệp: Bảo đảm ổn định nguồn nguyên liệu cung cấp cho doanh nghiệp; nâng cao chất lượng nguyên liệu phục vụ chế biến và tiêu thụ của doanh nghiệp; nâng cao hiệu quả xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

2. Đánh giá các rủi ro và các biện pháp giảm thiểu

- Các rủi ro về thị trường và giải pháp khắc phục trong Dự án (Phương án) cánh đồng lớn.

- Những rủi ro về mặt tổ chức thực hiện các Dự án (Phương án) cánh đồng lớn.

- Các rủi ro và rào cản khác Dự án hoặc Phương án có thể gặp phải.

Phần IV. KẾ HOẠCH TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Nêu cụ thể các nội dung sau đây trong Kế hoạch tổ chức thực hiện:

1. Kế hoạch xây dựng tổ chức đại diện của nông dân.

2. Kế hoạch đào tạo kỹ thuật cho nông dân.

3. Kế hoạch đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất trong cánh đồng lớn.

4. Kế hoạch hỗ trợ các dịch vụ đầu vào phục vụ sản xuất trong cánh đồng lớn.

5. Kế hoạch tài chính.

6. Kế hoạch giám sát và đánh giá thực hiện Dự án (Phương án) cánh đồng lớn.

 

 

GIÁM ĐỐC/CHỦ TỊCH HỘI ĐỒNG QUẢN TRỊ

 

PHỤ LỤC IV

ĐƠN ĐỀ NGHỊ PHÊ DUYỆT DỰ ÁN (PHƯƠNG ÁN) CÁNH ĐỒNG LỚN
(Kèm theo Thông tư số 15 /2014/TT-BNNPTNT ngày 29 tháng 4 năm 2014 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn)

ĐƠN VỊ ĐỀ XUẤT …………
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số:        /-

……………., ngày     tháng     năm 20…..

 

ĐƠN ĐỀ NGHỊ PHÊ DUYỆT DỰ ÁN (PHƯƠNG ÁN) CÁNH ĐỒNG LỚN

Kính gửi:

- Ủy ban nhân dân tỉnh………………………………………………

- Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh……………………..

 

Căn cứ Thông tư số 15/2014/TT-BNNPTNT ngày 29 /4/2014 về hướng dẫn thực hiện một số điều trong Quyết định 62/2013/QĐ-TTg ngày 25/10/2013 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản, xây dựng cánh đồng lớn;

Căn cứ vào Quyết định phê duyệt Quy hoạch hoặc Kế hoạch cánh đồng lớn số ……ngày………. tháng………năm…….… của UBND tỉnh ……………………………..

- Căn cứ vào Văn bản chấp thuận số…………ngày……tháng …….năm……của Sở Nông nghiệp và PTNT về việc chấp thuận chủ trương xây dựng dự án (phương án) cánh đồng lớn ……………………………………………………………………………

………….. kính trình Ủy ban nhân dân tỉnh…………, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ……… xem xét và phê duyệt Dự án (Phương án) cánh đồng lớn tại xã …….huyện…….. tỉnh………………….., với các nội dung như sau:

1. Tên Dự án (Phương án): Xây dựng cánh đồng lớn liên kết sản xuất và tiêu thụ ………. …………………………………………………………………..

2. Cơ quan xây dựng Dự án (Phương án):

Doanh nghiệp/tổ chức đại diện của nông dân……………………………...

3. Đối tác tham gia: (Ghi rõ các đối tác tham gia là những tổ chức cá nhân sau này sẽ tham gia ký các hợp đồng sản xuất gắn với chế biến và tiêu thụ nông sản, xây dựng cánh đồng lớn)

……………………………………………………………….……………

4. Mục tiêu: (Bao gồm các mục tiêu như nâng cao hiệu quả sử dụng dất, hiệu quả sản xuất và thu nhập của các đối tác tham gia; bảo đảm ổn định nguyên liệu cho chế biến, tiêu thụ và xuất khẩu nông sản; nâng cao chất lượng nông sản và những mục tiêu khác)

……………………………………………………………….……………

……………………………………………………………….……………

5. Nội dung và quy mô Dự án (Phương án):

……………………………………………………………….………………

……………………………………………………………….………………

……………………………………………………………….………………

6. Địa điểm triển khai (Ghi rõ tên các xã, huyện dự kiến xây dựng cánh đồng lớn)

……………………………………………………………….………………

7. Kinh phí đầu tư (dự kiến):

……………………………………………………………….………………

8. Nguồn vốn (các nguồn của doanh nghiệp đầu tư, nguồn vốn vay và các nguồn hợp pháp khác):

……………………………………………………………….………………

9. Lộ trình thực hiện:

……………………………………………………………….………………

10. Dự kiến kết quả triển khai:

………………………………………………….………………………….

………………………………………………….………………………….

11. Tổ chức thực hiện:

……………………………………………………………….…………….

………… đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh…………, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn………, xem xét, phê duyệt Dự án (Phương án) cánh đồng lớn hợp tác, liên kết sản xuất, gắn với tiêu thụ …….. để …………… làm căn cứ thực hiện./.

 

 

GIÁM ĐỐC/CHỦ TỊCH HỘI ĐỒNG QUẢN TRỊ

 

PHỤ LỤC V

CÔNG THỨC TỈNH TỶ LỆ ĐÁP ỨNG NHU CẦU NGUYÊN LIỆU
(Kèm theo Thông tư số 15 /2014/TT-BNNPTNT ngày 29 tháng 4 năm 2014 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn)

Công thức:

A = Tỷ lệ đáp ứng nhu cầu nguyên liệu (%)

B = Sản lượng nông sản nguyên liệu ký trong Hợp đồng liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản nằm trong các cánh đồng lớn mà đơn vị đăng ký.

C = Năng lực tiêu thụ nông sản của đơn vị tính bằng sản lượng nông sản tiêu thụ trong nước hoặc xuất khẩu trung bình của đơn vị trong 3 năm gần đây; hoặc năng lực bảo quản và chế biến tính theo công suất kho, xưởng và máy móc thiết bị phục vụ chế biến. Các thông tin này do đơn vị tự kê khai và chịu trách nhiệm trước pháp luật trong hồ sơ Dự án (Phương án) cánh đồng lớn.

Ví dụ: Công ty xuất nhập khẩu N có năng lực xuất khẩu hàng năm là 15.000 tấn. Tại vụ đông xuân năm 2014, Công ty này có các Hợp đồng nông sản với nông dân ở các cánh đồng lớn tỉnh M với tổng sản lượng ghi trong các Tổng sản lượng cộng từ các Hợp đồng sản xuất gắn với chế biến và tiêu thụ nông sản, xây dựng cánh đồng lớn là 5.000 tấn. Vậy tỷ lệ đáp ứng vùng nguyên liệu của Công ty N trong vụ đông xuân 2014 được tính như sau:

Hằng năm, doanh nghiệp hoặc tổ chức đại diện của nông dân có trách nhiệm tính toán tỷ lệ đáp ứng nhu cầu nguyên liệu này báo cáo với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để làm căn cứ xét cho đơn vị được hưởng chính sách hỗ trợ, ưu đãi. Doanh nghiệp hoặc tổ chức đại diện của nông dân chỉ được xem xét hưởng chính sách ưu đãi, hỗ trợ nếu tỷ lệ đáp ứng nhu cầu nguyên liệu này đáp ứng lộ trình quy định tại Điểm b Khoản 6 Điều 5 của Thông tư.

Chú ý, tỷ lệ đáp ứng nhu cầu nguyên liệu này không giống với tỷ lệ thành công của hợp đồng liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản thường được tính bằng tỷ lệ (%) của tổng sản lượng nông sản tiêu thụ trên thực tế qua hợp đồng chia cho tổng sản lượng nông sản ký kết giữa bên sản xuất và bên bao tiêu sản phẩm.

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Circular No. 15/2014/TT-BNNPTNT dated April 29, 2014, providing guidance on implementation of Decision No. 62/2013/QD-TTg on the incentive policy for development of cooperation in production and consumption of agricultural products, and vast crop fields

  • Số hiệu: 15/2014/TT-BNNPTNT
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 29/04/2014
  • Nơi ban hành: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
  • Người ký: Trần Thanh Nam
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản