BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 119/2001/TT-BNN | Hà Nội, ngày 21 tháng 12 năm 2001 |
Để thực hiện Nghị định số 13/2001/NĐ-CP ngày 20 tháng 4 năm 2001 của Chính phủ về Bảo hộ giống cây trồng mới, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn ban hành Thông tư hướng dẫn thủ tục cấp Văn bằng bảo hộ, chuyển giao quyền sở hữu và quyền sử dụng giống cây trồng mới và quản lý Nhà nước về bảo hộ giống cây trồng mới.
1. Giống cây nông nghiệp và giống cây lâm nghiệp mới trong Nghị định được hiểu là các giống cây trồng mới thuộc các chi và loài được Nhà nước bảo hộ.
2. Giống cây trồng mới do tổ chức, cá nhân trong nước chọn tạo có liên quan đến lợi ích quốc gia cần được bảo mật khi cấp Văn bằng bảo hộ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn xem xét, quyết định đưa vào Danh mục các giống cây trồng được bảo mật và thông báo cho chủ sở hữu Văn bằng bảo hộ thực hiện theo quy định riêng của Nhà nước.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn quy định Danh mục giống cây trồng được bảo hộ trong từng thời kỳ.
II. QUY ĐỊNH VỀ HỒ SƠ, TRÌNH TỰ VÀ THỦ TỤC CẤP VĂN BẰNG BẢO HỘ
1. Quy định xác nhận hồ sơ
a) Xác nhận chữ kí
- Đối với chủ thể có con dấu hợp pháp, việc xác nhận chữ kí được thực hiện bằng cách đóng dấu của chủ thể lên chữ kí;
- Đối với chủ thể Việt nam không có con dấu, việc xác nhận chữ kí phải được thực hiện tại cơ quan công chứng, tại chính quyền địa phương hoặc cơ quan quản lý trực tiếp nơi chủ thể đang công tác;
- Đối với chủ thể nước ngoài không có con dấu hợp pháp, việc xác nhận chữ kí phải được thực hiện tại cơ quan Công chứng hoặc cơ quan có thẩm quyền tương đương.
b) Xác nhận bản sao
Tất cả tài liệu là bản sao dùng làm tài liệu chính thức để tiến hành các thủ tục bảo hộ giống cây trồng mới đều phải được xác nhận sao y từ bản gốc của một trong các cơ quan sau đây:
- Công chứng;
- Uỷ ban nhân dân hoặc cơ quan có thẩm quyền;
- Cơ quan Nhà nước hoặc tổ chức xã hội đã làm ra tài liệu gốc;
Nếu tài liệu gồm nhiều trang thì phải đóng dấu từng trang hoặc đóng dấu giáp lai bằng dấu của cơ quan xác nhận bản sao;
c) Xác nhận bản dịch
Mọi bản dịch ra tiếng Việt của các tài liệu đều phải được xác nhận là được dịch nguyên văn từ bản gốc thì mới được sử dụng làm tài liệu chính thức trong quá trình tiến hành các thủ tục liên quan.
Việc xác nhận bản dịch có thể được tiến hành theo một trong các cách sau đây:
- Công chứng;
- Xác nhận của chính chủ thể đứng tên tài liệu gốc;
- Xác nhận của tất cả các bên tham gia hợp đồng hoặc thoả thuận (nếu tài liệu gốc là hợp đồng hoặc thoả thuận);
- Thừa nhận của chính cơ quan có thẩm quyền sử dụng bản dịch đó trong quá trình tiến hành thủ tục liên quan.
2. Yêu cầu về hồ sơ
a) Hồ sơ phải bao gồm các tài liệu sau đây:
- Đơn yêu cầu bảo hộ, 3 bản;
- Bản mô tả giống và ảnh chụp mẫu giống (kích thước 12 x18cm) mô tả được các đặc điểm tiêu biểu của giống, mỗi loại 3 bản;
- Tài liệu xác nhận quyền nộp hồ sơ hợp pháp nếu người nộp hồ sơ được hưởng quyền nộp hồ sơ của người khác (Chứng nhận thừa kế, Chứng nhận hoặc thoả thuận chuyển giao quyền nộp hồ sơ), 1 bản;
- Giấy uỷ quyền (nếu cần), 1 bản;
- Bản sao hồ sơ đầu tiên nếu trong hồ sơ có yêu cầu hưởng quyền ưu tiên theo quy định tại khoản 2 Điều 10 của Nghị định, 1 bản;
- Chứng từ nộp lệ phí thẩm định bước 1 (hình thức hồ sơ), 1 bản;
b) Bảng kê các tài liệu hồ sơ, 3 bản.
- Yêu cầu về hồ sơ:
- Mỗi hồ sơ chỉ được yêu cầu cấp một Văn bằng bảo hộ cho một giống cây trồng mới;
- Mọi tài liệu trong hồ sơ đều phải được làm bằng tiếng Việt, trừ các tài liệu gốc hoặc sao từ bản gốc mà người nộp hồ sơ đưa vào để bổ trợ cho hồ sơ;
Các tài liệu đều phải được trình bày theo chiều dọc trên một mặt giấy trắng khổ A4, trừ các tài liệu bổ trợ hoặc minh hoạ thêm.
3. Quy định về chủ thể tiến hành các thủ tục về bảo hộ giống cây trồng mới
Văn phòng bảo hộ giống cây trồng mới (từ đây gọi tắt là Văn phòng bảo hộ) chỉ giao dịch trực tiếp với các chủ thể tiến hành các thủ tục về bảo hộ giống cây trồng mới theo quy định sau:
a) Đối tượng trực tiếp là chính các đối tượng như quy định tại Điều 5 của Nghị định;
b) Người đại diện hợp pháp của chủ thể được chủ thể uỷ quyền;
c) Người đứng đầu văn phòng đại diện hoặc chi nhánh của chủ thể được chủ thể uỷ quyền đại diện;
d) Các Tổ chức dịch vụ đại diện sở hữu công nghiệp.
4. Quy định về uỷ quyền
Việc uỷ quyền tiến hành các thủ tục về bảo hộ giống cây trồng mới phải được lập thành văn bản bao gồm các nội dung: Họ tên, địa chỉ đầy đủ, số điện thoại, số fax (nếu có) của Bên uỷ quyền; Họ tên, địa chỉ đầy đủ của Bên được uỷ quyền; phạm vi uỷ quyền (những công việc mà bên được uỷ quyền thực hiện nhân danh Bên uỷ quyền); thời hạn uỷ quyền, nơi lập và ngày lập Giấy uỷ quyền; chữ kí của người lập Giấy uỷ quyền được xác nhận theo quy định về xác nhận chữ ký.
Mọi sự thay đổi về phạm vi uỷ quyền và chấm dứt uỷ quyền trước thời hạn đều phải được thông báo bằng văn bản cho Văn phòng bảo hộ.
5. Tổ chức dịch vụ đại diện về bảo hộ giống cây trồng mới
Các tổ chức được cấp giấy chứng nhận Tổ chức dịch vụ đại diện sở hữu công nghiệp được phép thực hiện dịch vụ về bảo hộ giống cây trồng mới và chỉ những người có Thẻ người đại diện về sở hữu công nghiệp mới được phép tiến hành các công việc liên quan đến bảo hộ giống cây trồng mới.
6. Nộp hồ sơ và xử lý hồ sơ
a) Nộp hồ sơ: Hồ sơ nộp trực tiếp tại Văn phòng bảo hộ hoặc có thể được gửi bằng hình thức bảo đảm qua Bưu điện.
b) Tiếp nhận hồ sơ:
- Khi nhận được hồ sơ, Văn phòng bảo hộ phải thực hiện những công việc sau đây:
- Kiểm tra danh mục các tài liệu trong hồ sơ;
- Đóng dấu xác nhận ngày hồ sơ đến Văn phòng bảo hộ;
- Ghi nhận những sai khác giữa danh mục tài liệu ghi trong Tờ khai và số tài liệu thực có trong hồ sơ;
- Sơ bộ kiểm tra hồ sơ xem có đủ các tài liệu yêu cầu như quy định tại điểm a mục 2 nêu trên để kết luận có tiếp nhận hồ sơ hay không;
Gửi cho người nộp hồ sơ một Tờ khai đã đóng dấu xác nhận ngày hồ sơ đến, số hồ sơ và kết qủa kiểm tra danh mục tài liệu, có họ tên, chữ kí của cán bộ nhận hồ sơ; (Tờ khai này thay cho giấy biên nhận hồ sơ).
c) Xử lý hồ sơ
- Hồ sơ tiếp nhận được chia thành 2 phần:
- Một bộ được tách ra để lưu giữ làm hồ sơ gốc;
Tài liệu còn lại được sử dụng cho công tác thẩm định theo các quy định của Thông tư này.
7. Quyền ưu tiên
Tổ chức, cá nhân đã nộp hồ sơ được xác định là hồ sơ hợp lệ tại nước ngoài, trong thời hạn 12 tháng nếu nộp hồ sơ thứ 2 xin bảo hộ cùng giống cây trồng mới đó tại Việt nam được hưởng quyền ưu tiên. Trong thời hạn 90 ngày kể từ ngày nộp hồ sơ xin hưởng quyền ưu tiên, tổ chức, cá nhân đó phải nộp đủ hồ sơ theo quy định cho Văn phòng bảo hộ. Nếu giống cây trồng đó được cấp Văn bằng bảo hộ thì ngày nộp hồ sơ hợp lệ được tính là ngày nộp hồ sơ hợp lệ tại nước ngoài đó.
8. Thủ tục thẩm định bước 1 (hình thức) hồ sơ
a) Xác nhận ngày nộp hồ sơ:
- Tổ chức, cá nhân trực tiếp nộp hồ sơ tại Văn phòng bảo hộ thì ngày Văn phòng bảo hộ nhận hồ sơ là ngày nộp hồ sơ;
- Tổ chức, cá nhân nộp hồ sơ bằng hình thức bảo đảm qua bưu điện thì ngày Văn phòng bảo hộ nhận hồ sơ từ bưu điện gửi đến là ngày nộp hồ sơ.
b) Xác định ngày nộp hồ sơ hợp lệ:
- Ngày nộp hồ sơ hợp lệ là ngày Văn phòng bảo hộ nhận hồ sơ khi hồ sơ không còn thiếu sót;
- Trường hợp hồ sơ cần sửa đổi bổ sung thì ngày nộp hồ sơ hợp lệ là ngày tổ chức, cá nhân hoàn thành thủ tục theo yêu cầu của Văn phòng bảo hộ.
c) Trong thời gian 90 ngày kể từ ngày nhận hồ sơ, Văn phòng bảo hộ phải làm các thủ tục xác định:
- Người nộp hồ sơ có đúng đối tượng được quyền nộp hồ sơ hay không;
- Giống cây trồng mới có thuộc chi và loài trong danh mục được bảo hộ hay không;
- Giống cây trồng mới có thuộc các nước cùng Việt nam ký kết hoặc tham gia Điều ước quốc tế về bảo hộ giống cây trồng mới hay không;
- Giống cây trồng mới có đáp ứng tính mới về mặt thương mại không;
- Tên gọi của giống cây trồng mới có phù hợp không.
d) Trong thời gian thẩm định bước 1, người nộp hồ sơ có thể đề nghị đổi tên khác cho tên giống đã được đệ trình và phải nộp lệ phí.
e) Các thông báo cho người nộp hồ sơ về kết quả thủ tục thẩm định bước 1
Hồ sơ hợp lệ hay không hợp lệ;
Hồ sơ cần sửa chữa, bổ sung;
Hồ sơ hợp lệ được công bố trên tạp chí Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn
9. Thủ tục thẩm định bước 2 (nội dung) hồ sơ
- Căn cứ vào chủng loại giống cây trồng mới do chủ thể đề nghị, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn chỉ định đơn vị có chức năng khảo nghiệm tiến hành khảo nghiệm tính khác biệt, tính đồng nhất và tính ổn định của giống cây trồng đó.
- Sau khi được chỉ định cơ quan khảo nghiệm, người nộp hồ sơ nộp cho cơ quan khảo nghiệm vật liệu nhân của giống xin bảo hộ đủ số lượng và chất lượng theo quy định trong quy phạm khảo nghiệm.
- Người nộp hồ sơ nộp cho cơ quan khảo nghiệm lệ phí khảo nghiệm DUS theo quy định.
- Việc khảo nghiệm DUS được tiến hành theo quy phạm khảo nghiệm đối với từng loài cây trồng.
- Đơn vị khảo nghiệm báo cáo kết quả khảo nghiệm (Xác định rõ giống có đáp ứng các điều kiện về tính khác biệt, tính đồng nhất và tính ổn định như quy định tại khoản 2,3,4 Điều 4 của Nghị định không) cho Văn phòng bảo hộ.
10. Cấp Văn bằng bảo hộ
Giống cây trồng mới đáp ứng đầy đủ các điều kiện nêu trong Nghị định, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn ra quyết định cấp Văn bằng bảo hộ.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn chỉ cấp bản chính Văn bằng bảo hộ cho chủ sở hữu Văn bằng bảo hộ 1 lần, khi bị thất lạc không cấp lại bản chính.
Trường hợp Văn bằng bảo hộ bị thất lạc có lý do chính đáng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn sẽ cấp phó bản cho chủ sở hữu Văn bằng bảo hộ theo khoản 5 Điều 8 của Nghị định.
11. Hiệu lực của Văn bằng bảo hộ
Thời hạn bảo hộ đối với đối với giống cây trồng mới là 20 năm, riêng đối với cây thân gỗ là 25 năm kể từ ngày cấp Văn bằng bảo hộ.
Khi Văn bằng bảo hộ bị đình chỉ hoặc bị huỷ bỏ thì thời hạn hiệu lực của việc bảo hộ được tính từ ngày cấp đến ngày Văn bằng bảo hộ bị đình chỉ hoặc bị huỷ bỏ.
12. Sửa đổi Văn bằng bảo hộ
- Để sửa đổi Văn bằng bảo hộ, Chủ sở hữu Văn bằng bảo hộ phải nộp đơn đề nghị sửa đổi cho Văn phòng bảo hộ. Đơn đề nghị sửa đổi làm theo mẫu quy định và kèm theo các tài liệu liên quan: Bản gốc Văn bằng bảo hộ; Chứng từ lệ phí sửa đổi Văn bằng bảo hộ; Giấy uỷ quyền (nếu cần);
Văn phòng bảo hộ xem xét đơn đề nghị sửa đổi và tiến hành việc sửa đổi Văn bằng bảo hộ, đăng bạ và công bố sự thay đổi đó trên Tạp chí Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn. Trong trường hợp không đủ điều kiện sửa đổi, Văn phòng bảo hộ thông báo cho người nộp đơn việc từ chối sửa đổi, có nêu rõ lý do.
13. Lưu giữ giống cây trồng
Cơ quan khảo nghiệm được chỉ định có trách nhiệm tổ chức lưu giữ mẫu của các giống cây trồng mới được bảo hộ.
Cơ quan khảo nghiệm được chỉ định có thể yêu cầu Chủ Văn bằng bảo hộ phải nộp tiếp vật liệu nhân của giống được bảo hộ để làm mẫu chuẩn.
III. CHUYỂN GIAO QUYỀN SỞ HỮU, QUYỀN SỬ DỤNG GIỐNG CÂY TRỒNG MỚI
1. Hợp đồng chuyển giao quyền sở hữu, quyền sử dụng giống cây trồng mới
a) Chủ sở hữu Văn bằng bảo hộ giống cây trồng mới có nhu cầu chuyển giao quyền sở hữu, quyền sử dụng giống cây trồng phải có hợp đồng theo mẫu của Văn phòng bảo hộ.
b) Nếu việc chuyển giao quyền sở hữu, quyền sử dụng giống cây trồng là một phần của hợp đồng khác thì nội dung về chuyển giao quyền sở hữu giống cây trồng phải được lập thành một bộ phận riêng và phải tuân theo các quy định tại mục a,c,d điểm này.
c) Mọi hợp đồng chuyển giao quyền sở hữu, quyền sử dụng giống cây trồng phải được Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn phê duyệt trước khi tiến hành thủ tục tiếp theo như quy định tại khoản 4 Điều 12 Nghị định.
d) Văn phòng bảo hộ có trách nhiệm tiếp nhận xem xét hồ sơ trình lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn phê duyệt trong thời hạn 02 tháng kể từ ngày nhận được hồ sơ.
2. Cấp li-xăng không tự nguyện
Đơn đề nghị cấp li-xăng không tự nguyện làm theo mẫu quy định của Văn phòng bảo hộ. Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn xem xét, phê duyệt đơn đề nghị cấp li-xăng không tự nguyện dựa trên các tài liệu chứng minh ý nghĩa đặc biệt đối với an ninh, quốc phòng, bảo vệ sức khoẻ nhân dân, bảo vệ môi trường của giống cây trồng đó để cấp li xăng không tự nguyện.
3. Trách nhiệm của chủ sở hữu Văn bằng bảo hộ
a) Chủ sở hữu Văn bằng bảo hộ có nhiệm vụ duy trì vật liệu nhân của giống được bảo hộ và cung cấp vật liệu nhân đó cho tổ chức, cá nhân có hợp đồng chuyển giao quyền sử dụng giống cây trồng đó cũng như cơ quan khảo nghiệm khi có yêu cầu theo thoả thuận giữa các bên.
b) Chủ Văn bằng bảo hộ phải nộp lệ phí cấp Văn bằng bảo hộ, phí duy trì hiệu lực năm đầu tiên trước khi Văn bằng bảo hộ được cấp, phí duy trì hiệu lực Văn bằng bảo hộ của các năm tiếp theo, phí kiểm tra lại tính khác biệt, tính đồng nhất, tính ổn định của giống được bảo hộ và các loại phí khác theo quy định. Lệ phí duy trì hiệu lực của Văn bằng bảo hộ có thể được nộp muộn hơn thời hạn quy định nhưng không được qúa 6 tháng tính từ ngày kết thúc kỳ hạn trước và Chủ Văn bằng bảo hộ phải nộp thêm 10% lệ phí nộp muộn cho mỗi tháng nộp muộn. Mức phí, lệ phí do Bộ Tài chính quy định.
IV. QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ BẢO HỘ GIỐNG CÂY TRỒNG MỚI
1. Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn thành lập Văn phòng Bảo hộ giống cây trồng mới thuộc Vụ Khoa học Công nghệ và Chất lượng sản phẩm.
Văn phòng bảo hộ giống cây trồng mới có trách nhiệm ban hành các mẫu tài liệu cần thiết liên quan đến hồ sơ xét duyệt đơn yêu cầu cấp Văn bằng bảo hộ; phê duyệt, đăng ký các hợp đồng chuyển giao quyền sở hữu, quyền sử dụng giống cây trồng mới, hợp đồng lixăng không tự nguyện và ban hành quy chế xét nghiệm hồ sơ.
2. Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm về các hoạt động liên quan đến bảo hộ giống cây trồng mới tại địa phương, tiến hành phổ biến và hướng dẫn các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh giống cây trồng mới được bảo hộ, kiểm tra và xử lý theo thẩm quyền các hành vi vi phạm bản quyền giống cây trồng tại địa phương.
3. Thông tư này có hiệu lực sau 15 ngày kể từ ngày ký.
Nơi nhận: | KT. BỘ TRƯỞNG BỘ NÔNG NGHIỆP |
Circular No. 119/2001/TT-BNN of December, 21, 2001, on the implementation of Decree No. 13/2001/ND-CP of 20 April 2001 of the Government on the Protection of New Plant Varieties
- Số hiệu: 119/2001/TT-BNN
- Loại văn bản: Thông tư
- Ngày ban hành: 21/12/2001
- Nơi ban hành: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
- Người ký: Bùi Bá Bổng
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: 05/01/2002
- Ngày hết hiệu lực: 01/07/2016
- Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực