Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 03/2024/TT-NHNN | Hà Nội, ngày 16 tháng 5 năm 2024 |
Căn cứ Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ngày 16 tháng 6 năm 2010;
Căn cứ Luật Các tổ chức tín dụng ngày 18 tháng 01 năm 2024;
Căn cứ Luật Doanh nghiệp ngày 26 tháng 11 năm 2020;
Căn cứ Nghị định số 102/2022/NĐ-CP ngày 12 tháng 12 năm 2022 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam;
Căn cứ Nghị định số 53/2013/NĐ-CP ngày 18 tháng 5 năm 2013 của Chính phủ về thành lập, tổ chức và hoạt động của Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam; Nghị định số 34/2015/NĐ-CP ngày 31 tháng 3 năm 2015 sửa đổi Nghị định 53/2013/NĐ-CP về thành lập, tổ chức và hoạt động của Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam; Nghị định số 18/2016/NĐ-CP ngày 18 tháng 3 năm 2016 sửa đổi Nghị định số 53/2013/NĐ-CP về thành lập, tổ chức và hoạt động của Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam;
Theo đề nghị của Chánh Thanh tra, giám sát ngân hàng;
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành Thông tư sửa đổi, bổ sung một số Điều của Thông tư số 19/2013/TT-NHNN ngày 06 tháng 9 năm 2013 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định về việc mua, bán và xử lý nợ xấu của Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam.
1. Sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 2 như sau:
“2. Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.”.
2. Bổ sung khoản 1a và sửa đổi, bổ sung khoản 6, khoản 7a Điều 3 như sau:
a) Bổ sung khoản 1a vào sau khoản 1 như sau:
“1a. Tổ chức tín dụng Việt Nam là tổ chức tín dụng được thành lập và hoạt động theo quy định của Luật Các tổ chức tín dụng, trừ tổ chức tín dụng 100% vốn nước ngoài, tổ chức tín dụng liên doanh.”
b) Sửa đổi, bổ sung khoản 6 như sau:
“6. Giá trị ghi sổ số dư nợ gốc của khoản nợ xấu tại tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài là số dư nợ gốc của khoản nợ xấu đang hạch toán trong bảng cân đối kế toán của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài; Giá trị ghi sổ số dư nợ gốc của khoản nợ xấu tại Công ty Quản lý tài sản là giá mua hoặc số dư nợ gốc của khoản nợ xấu đang hạch toán trong bảng cân đối kế toán của Công ty Quản lý tài sản.”.
c) Sửa đổi, bổ sung khoản 7a (đã được bổ sung theo quy định tại khoản 2 Điều 1 của Thông tư số 09/2017/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 19/2013/TT-NHNN) như sau:
“7a. Khoản nợ xấu là khoản nợ được xác định như sau:
a) Nợ xấu của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài bao gồm khoản nợ xấu đang hạch toán trong bảng cân đối kế toán theo quy định của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước về phân loại tài sản có, khoản nợ xấu đã sử dụng dự phòng rủi ro để xử lý nhưng chưa thu hồi được nợ và đang theo dõi ngoài bảng cân đối kế toán;
b) Nợ xấu mà Công ty Quản lý tài sản đã mua của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài nhưng chưa thu hồi được nợ.”.
3. Bổ sung khoản 5 vào Điều 8 như sau:
“5. Việc Công ty Quản lý tài sản mua nợ xấu của tổ chức tín dụng liên doanh, tổ chức tín dụng 100% vốn nước ngoài, chi nhánh ngân hàng nước ngoài chỉ được thực hiện theo giá trị thị trường.”.
4. Sửa đổi, bổ sung Điều 9 như sau:
“Khách hàng vay có khoản nợ xấu bán cho Công ty Quản lý tài sản và có phương án sản xuất, kinh doanh, dự án đầu tư có hiệu quả được tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tiếp tục xem xét, cấp tín dụng theo thỏa thuận và quy định của pháp luật.”.
5. Sửa đổi, bổ sung Điều 23 như sau:
“Điều 23. Điều kiện các khoản nợ xấu được Công ty Quản lý tài sản mua theo giá trị thị trường
1. Các điều kiện quy định tại khoản 1 Điều 16 Thông tư này.
2. Được Công ty Quản lý tài sản đánh giá có khả năng thu hồi đầy đủ số tiền mua nợ.
3. Tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu có khả năng phát mại hoặc khách hàng vay có triển vọng phục hồi khả năng trả nợ.
4. Trường hợp chuyển khoản nợ xấu đã mua bằng trái phiếu đặc biệt thành khoản nợ xấu mua theo giá trị thị trường thì trái phiếu đặc biệt tương ứng với khoản nợ xấu đó còn phải đáp ứng điều kiện chưa đến hạn thanh toán và đang không bị phong tỏa tại Ngân hàng Nhà nước.”.
6. Sửa đổi, bổ sung Điều 26 như sau:
“Điều 26. Thực hiện mua nợ xấu theo giá trị thị trường
1. Căn cứ Phương án mua nợ theo giá trị thị trường đã được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận, năng lực tài chính, hiệu quả kinh tế và điều kiện thị trường, Công ty Quản lý tài sản quyết định và chịu trách nhiệm về việc mua khoản nợ xấu theo giá trị thị trường.
2. Công ty Quản lý tài sản chỉ được mua khoản nợ xấu quy định tại điểm a khoản 7a Điều 3 Thông tư này theo giá trị thị trường sau khi đã thực hiện các công việc sau đây:
a) Đánh giá khoản nợ xấu đáp ứng các điều kiện được quy định tại khoản 1, khoản 2, khoản 3 Điều 23 Thông tư này;
b) Xác định giá trị thị trường của khoản nợ xấu, kể cả tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu đó. Công ty Quản lý tài sản phải định giá hoặc thuê doanh nghiệp thẩm định giá xác định giá trị khoản nợ xấu và tài sản bảo đảm;
c) Đánh giá hiệu quả kinh tế, rủi ro và khả năng thu hồi vốn mua khoản nợ xấu;
d) Phân tích, đánh giá thực trạng và triển vọng khoản nợ xấu, khách hàng vay, bên bảo đảm, bên có nghĩa vụ trả nợ và các điều kiện thỏa thuận mua nợ với tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài bán nợ;
đ) Dự kiến các biện pháp khả thi xử lý nợ, tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu.
3. Khi thực hiện chuyển khoản nợ xấu đã mua bằng trái phiếu đặc biệt thành khoản nợ xấu mua theo giá trị thị trường, Công ty Quản lý tài sản thực hiện các công việc quy định tại khoản 2, khoản 3 Điều 23 Thông tư này, thỏa thuận giá mua bán khoản nợ xấu theo giá trị thị trường với tổ chức tín dụng Việt Nam, ký kết hợp đồng mua bán nợ theo giá trị thị trường và thực hiện như sau:
a) Công ty Quản lý tài sản nhận lại trái phiếu đặc biệt từ tổ chức tín dụng Việt Nam và thực hiện tất toán trái phiếu đặc biệt, số dư nợ gốc của khoản nợ xấu đang hạch toán trong bảng cân đối kế toán; chuyển trả cho tổ chức tín dụng Việt Nam số tiền thu hồi nợ mà tổ chức tín dụng Việt Nam được hưởng theo quy định, khoản vốn góp, vốn cổ phần tại khách hàng vay theo giá trị ghi sổ đang hạch toán trong bảng cân đối kế toán đối với trường hợp một phần khoản nợ xấu đã được chuyển thành vốn điều lệ, vốn cổ phần của khách hàng vay (nếu có). Công ty Quản lý tài sản chuyển giao toàn bộ quyền, nghĩa vụ của khoản vốn góp, vốn cổ phần tại khách hàng vay cho tổ chức tín dụng Việt Nam;
b) Công ty Quản lý tài sản thanh toán cho tổ chức tín dụng Việt Nam giá mua bán khoản nợ theo thỏa thuận tại hợp đồng mua bán nợ theo giá trị thị trường;
c) Tổ chức tín dụng Việt Nam chuyển trả trái phiếu đặc biệt cho Công ty Quản lý tài sản và nhận thanh toán giá mua bán khoản nợ theo giá trị thị trường, khoản vốn góp, vốn cổ phần tại khách hàng vay, số tiền thu hồi nợ theo quy định tại điểm a, b khoản này và xử lý như sau:
(i) Trường hợp giá mua bán khoản nợ, số tiền thu hồi nợ và giá trị của khoản vốn góp, vốn cổ phần nhận được từ Công ty Quản lý tài sản cao hơn mệnh giá trái phiếu đặc biệt, tổ chức tín dụng Việt Nam hạch toán phần chênh lệch vào thu nhập trong năm tài chính;
(ii) Trường hợp giá mua bán khoản nợ, số tiền thu hồi nợ và giá trị của khoản vốn góp, vốn cổ phần nhận được từ Công ty Quản lý tài sản thấp hơn mệnh giá trái phiếu đặc biệt, tổ chức tín dụng Việt Nam sử dụng dự phòng rủi ro đã trích lập cho trái phiếu đặc biệt để bù đắp phần chênh lệch. Trường hợp vẫn còn thiếu, tổ chức tín dụng Việt Nam hạch toán vào chi phí kinh doanh trong kỳ theo quy định của pháp luật.
d) Tổ chức tín dụng Việt Nam hoàn nhập số tiền dự phòng đã trích lập cho trái phiếu đặc biệt còn lại sau khi thực hiện quy định tại điểm c(i), c(ii) khoản này.
4. Việc mua bán khoản nợ xấu theo giá trị thị trường phải được lập thành hợp đồng bằng văn bản phù hợp với quy định tại Thông tư này, các quy định khác có liên quan. Trường hợp chuyển khoản nợ xấu đã mua bằng trái phiếu đặc biệt thành khoản nợ xấu mua theo giá trị thị trường quy định tại khoản 3 Điều này, hợp đồng mua bán nợ bằng trái phiếu đặc biệt chấm dứt kể từ thời điểm hợp đồng mua bán nợ theo giá trị thị trường có hiệu lực. Công ty Quản lý tài sản được thỏa thuận với tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phân chia phần giá trị còn lại của số tiền thu hồi được từ khoản nợ xấu sau khi trừ giá mua và chi phí xử lý.
5. Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài thực hiện chuyển toàn bộ hồ sơ, tài liệu gốc liên quan đến khoản nợ xấu cho Công ty Quản lý tài sản. Trường hợp chuyển khoản nợ xấu đã mua bằng trái phiếu đặc biệt thành khoản nợ xấu mua theo giá trị thị trường quy định tại khoản 3 Điều này, Công ty Quản lý tài sản thực hiện chuyển toàn bộ hồ sơ, tài liệu gốc liên quan đến số tiền thu hồi nợ, khoản vốn góp, vốn cổ phần tại khách hàng vay cho tổ chức tín dụng Việt Nam.”.
7. Bổ sung khoản 6 vào Điều 34 (đã được sửa đổi theo quy định tại khoản 6 Điều 1 của Thông tư số 09/2017/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 19/2013/TT-NHNN) như sau:
“6. Công ty quản lý tài sản được bán nợ xấu cho pháp nhân, cá nhân với giá bán có thể cao hơn hoặc thấp hơn dư nợ gốc của khoản nợ xấu.”.
8. Sửa đổi điểm c khoản 2 Điều 36 (đã được sửa đổi theo quy định tại khoản 10 Điều 1 của Thông tư số 32/2019/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 19/2013/TT-NHNN) như sau:
“c) Tổ chức tín dụng bán khoản nợ xấu đó là ngân hàng thương mại đáp ứng các yêu cầu sau đây:
(i) Được góp vốn, mua cổ phần theo Giấy phép thành lập và hoạt động;
(ii) Đảm bảo tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 138 Luật các tổ chức tín dụng, giới hạn góp vốn, mua cổ phần theo quy định tại Điều 137 Luật các tổ chức tín dụng, có giá trị thực của vốn điều lệ không thấp hơn mức vốn pháp định (khi tính toán các tỷ lệ, giá trị thực của vốn điều lệ nêu trên, phải bao gồm cả giá trị khoản vốn góp, vốn cổ phần được chuyển từ khoản nợ xấu mua bằng trái phiếu đặc biệt) tại thời điểm có văn bản theo quy định tại điểm b khoản này;
(iii) Đạt kết quả hoạt động kinh doanh có lãi theo báo cáo tài chính đã được kiểm toán bởi tổ chức kiểm toán độc lập của năm liền kề trước năm có văn bản theo quy định tại điểm b khoản này;
(iv) Không bị xử phạt vi phạm hành chính về phân loại nợ, trích lập và sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro, góp vốn, mua cổ phần trong 12 tháng liền kề trước tháng có văn bản theo quy định tại điểm b khoản này;
(v) Có cơ cấu tổ chức, Hội đồng quản trị, Hội đồng thành viên, Ban kiểm soát, Tổng Giám đốc (Giám đốc) theo quy định của Luật Các tổ chức tín dụng và quy định của Ngân hàng Nhà nước.”.
9. Bổ sung khoản 5 vào Điều 38 như sau:
“5. Công ty quản lý tài sản bán tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu với giá bán có thể cao hơn hoặc thấp hơn dư nợ gốc của khoản nợ xấu.”.
10. Bổ sung điểm g vào khoản 1 Điều 41 như sau:
“g. Đăng và niêm yết thông tin khoản nợ xấu, tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu đã mua trên Sàn giao dịch nợ và website của Công ty Quản lý tài sản. Việc đăng và niêm yết thông tin phải phù hợp với quy định của pháp luật về bảo vệ dữ liệu cá nhân.”.
11. Sửa đổi, bổ sung khoản 7 Điều 46 như sau:
“7. Việc xuất toán nợ đã xử lý rủi ro theo quy định tại khoản 6 Điều này ra khỏi ngoại bảng thực hiện theo quy định về phân loại tài sản có của Ngân hàng Nhà nước và quy định về mức trích, phương pháp trích lập dự phòng rủi ro và việc sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro trong hoạt động của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài của Chính phủ.”.
12. Sửa đổi, bổ sung khoản 1, khoản 2 Điều 47a (đã được bổ sung theo quy định tại khoản 33 Điều 1 của Thông tư số 14/2015/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 19/2013/TT-NHNN) như sau:
“1. Công ty Quản lý tài sản thực hiện trích lập số tiền dự phòng đối với từng khoản nợ xấu được mua theo giá thị trường (R) theo công thức sau:
R = (A-C) x r
Trong đó:
a) A là giá trị ghi sổ số dư nợ gốc của khoản nợ xấu tại Công ty Quản lý tài sản tại thời điểm ngày 31 tháng 12 hằng năm; C là giá trị khấu trừ tài sản bảo đảm của khoản nợ; r là tỷ lệ trích lập dự phòng do Hội đồng thành viên quyết định nhưng không thấp hơn 5%.
b) Trường hợp C > A thì R được tính bằng 0.
c) Trường hợp một tài sản được bảo đảm cho nhiều khoản nợ xấu, Công ty Quản lý tài sản xác định tỷ lệ giá trị tài sản bảo đảm cho từng khoản nợ xấu, C được tính là giá trị khấu trừ của tài sản bảo đảm nhân với tỷ lệ giá trị tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu đó.
2. Hằng năm, trước ngày 31 tháng 12 Công ty Quản lý tài sản tiến hành định giá lại tài sản bảo đảm của từng khoản nợ, xác định số tiền phải trích lập dự phòng của năm đối với từng khoản nợ theo quy định tại khoản 1 Điều này và thực hiện:
a) Trường hợp số tiền dự phòng phải trích của năm trích lập nhỏ hơn số dư dự phòng đã trích lập, Công ty Quản lý tài sản được hoàn nhập phần chênh lệch thừa.
b) Trường hợp số tiền dự phòng phải trích của năm trích lập lớn hơn số dư dự phòng đã trích lập, Công ty Quản lý tài sản phải trích bổ sung phần chênh lệch thiếu.”.
13. Bổ sung điểm g vào khoản 4 Điều 50 (đã được sửa đổi, bổ sung theo quy định tại khoản 37 Điều 1 của Thông tư số 14/2015/TT-NHNN và khoản 19 Điều 1 của Thông tư số 32/2019/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 19/2013/TT-NHNN) như sau:
“g. Phối hợp với Công ty Quản lý tài sản thực hiện điểm g khoản 1 Điều 41 của Thông tư này.”.
14. Sửa đổi, bổ sung Điều 54 như sau:
“Điều 54. Tổ chức thực hiện
Văn phòng, Chánh Thanh tra, giám sát ngân hàng, Thủ trưởng các đơn vị thuộc Ngân hàng Nhà nước, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố, Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài; Công ty Quản lý tài sản và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Thông tư này./.”.
1. Thay thế cụm từ “tổ chức tín dụng” bằng cụm từ “tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài” tại tên Chương II; Điều 1; khoản 5 Điều 2; các khoản 1, 7, 8a Điều 3; các khoản 1, 4 Điều 4a; Điều 5; các khoản 1, 2 Điều 6; Điều 7; khoản 4 Điều 8; các khoản 2, 3, 4 Điều 10; điểm b khoản 1, khoản 2, điểm a khoản 5, khoản 8 Điều 11; điểm e khoản 1, khoản 2 Điều 15; Điều 19; Điều 21; Điều 31; khoản 1 Điều 32; khoản 5 Điều 34; Điều 39; Điều 40; Điều 41; Điều 43a; Điều 44a; các khoản 5, 6 Điều 47a; các khoản 2, 6a, 7 Điều 48; các khoản 1, 7 Điều 49; các khoản 3, 4a, 4b, 7 và tên Điều 50.
2. Thay thế cụm từ “tổ chức tín dụng” bằng cụm từ “tổ chức tín dụng Việt Nam” tại các khoản 5, 8, 11 Điều 3; khoản 2 Điều 12; các khoản 5, 6 Điều 13; điểm g khoản 1 Điều 15; Điều 15a; Điều 16; Điều 17; Điều 17a; Điều 17b; Điều 18; Điều 20; Điều 22; khoản 4 Điều 28; Điều 29; Điều 30; Điều 35; các khoản 2, 3 Điều 36; khoản 3 Điều 38; Điều 43; Điều 44; Điều 45; các khoản 1, 2, 2a, 2b, 2c, 3, 4, 5, 6, 8 Điều 46; các khoản 3, 5 Điều 49; khoản 4 Điều 50.
3. Thay thế cụm từ “tái cơ cấu” bằng cụm từ “cơ cấu lại” tại điểm b khoản 5 Điều 11; khoản 2b Điều 46.
4. Thay thế cụm từ “tổ chức có chức năng định giá độc lập”, “tổ chức định giá độc lập” bằng cụm từ “doanh nghiệp thẩm định giá” tại điểm đ khoản 1 Điều 20; khoản 2 Điều 34; điểm a khoản 4 Điều 35; khoản 4 Điều 38.
5. Thay thế cụm từ “tổ chức có chức năng thẩm định giá” bằng cụm từ “doanh nghiệp thẩm định giá” tại Điều 47a.
6. Bỏ cụm từ “sử dụng trái phiếu đặc biệt” tại khoản 2, khoản 3 Điều 6.
7. Bãi bỏ điểm d khoản 3 Điều 47b.
8. Bãi bỏ điểm c khoản 4a Điều 50.
Điều 3. Trách nhiệm tổ chức thực hiện
Chánh Văn phòng, Chánh Thanh tra, giám sát ngân hàng, Thủ trưởng các đơn vị thuộc Ngân hàng Nhà nước, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố, Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài; Công ty Quản lý tài sản và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Thông tư này.
1. Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2024.
2. Thông tư này bãi bỏ khoản 3, 4 Điều 1 Thông tư số 09/2017/TT-NHNN ngày 14 tháng 8 năm 2017 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 19/2013/TT-NHNN./.
| KT. THỐNG ĐỐC |
Circular No. 03/2024/TT-NHNN dated May 16, 2024 on amendments to Circular No. 19/2013/TT-NHNN on purchase, sale and settlement of bad debts of Vietnam Asset Management Company
- Số hiệu: 03/2024/TT-NHNN
- Loại văn bản: Thông tư
- Ngày ban hành: 16/05/2024
- Nơi ban hành: Ngân hàng Nhà nước Việt Nam
- Người ký: Đoàn Thái Sơn
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: 01/07/2024
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra