Hệ thống pháp luật

TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

190/CTr-TLĐ

      Hà Nội, ngày 30 tháng 01 năm 2008

 

CHƯƠNG TRÌNH HÀNH ĐỘNG

CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT 11-NQ/TW CỦA BỘ CHÍNH TRỊ VỀ CÔNG TÁC PHỤ NỮ THỜI KỲ ĐẨY MẠNH CÔNG NGHIỆP HOÁ, HIỆN ĐẠI HOÁ ĐẤT NƯỚC

Ngày 27 tháng 4 năm 2007, Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khoá X) đã ban hành Nghị quyết số 11-NQ/TW về công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. Nghị quyết đã đánh giá tổng quát tình hình phụ nữ và công tác phụ nữ thời gian qua, xác định mục tiêu: Phấn đấu đến năm 2020, phụ nữ được nâng cao trình độ về mọi mặt, có trình độ học vấn, chuyên môn, nghiệp vụ đáp ứng yêu cầu công nghiệp hoá, hiện đại hoá và hội nhập kinh tế quốc tế; có việc làm, được cải thiện rõ nét về đời sống vật chất, văn hoá, tinh thần; tham gia ngày càng nhiều hơn công việc xã hội, bình đẳng trên mọi lĩnh vực; đóng góp ngày càng lớn cho xã hội và gia đình; phấn đấu để nước ta là một trong các quốc gia có thành tựu bình đẳng giới tiến bộ nhất của khu vực”.

Để thực hiện Nghị quyết 11- NQTW của Bộ Chính trị và sự chỉ đạo của Đảng đoàn Tổng Liên đoàn, Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam xây dựng Chương trình hành động của tổ chức công đoàn thực hiện Nghị quyết 11 – NQ/TW của Bộ Chính trị về công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước như sau:

I MỤC TIÊU

1 - Nâng cao trình độ về mọi mặt cho đội ngũ nữ công nhân, viên chức, lao động (sau đây gọi chung là lao động nữ); xây dựng, phát triển đội ngũ cán bộ nữ của tổ chức Công đoàn; tạo sự chuyển biến mới trong công tác nữ công của các cấp Công đoàn.

2 - Phát huy tinh thần làm chủ, khơi dậy tiềm năng và sức sáng tạo của lao động nữ trong sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, nâng cao địa vị lao động nữ trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế văn hoá, xã hội trong thời kỳ mới.

3 - Thực hiện tốt chức năng đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng, góp phần nâng can đời sống vật chất. tinh thần của lao động nữ. Tập hợp đông đảo lao động nữ vào tổ chức Công đoàn..

I- NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP

l- Nâng cao nhận thức vì sự tiến bộ của lao động nữ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. Tổ chức tuyên truyền, học tập, quán triệt Nghị quyết 11- NQ/TW của Bộ Chính trị và triển khai sâu rộng Chương trình hành động của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam thực hiện Nghị quyết này, làm cho các cấp Công đoàn nhận thức đầy đủ các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ về công tác phụ nữ trong thời kỳ mới.

- Tổng Liên đoàn nghiên cứu, biên soạn bộ tài liệu tuyên truyền về quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật, chính sách của Nhà nước, nghị quyết, chương trình công tác của Công đoàn vì sự tiến bộ của lao động nữ. Chỉ đạo việc tuyên truyền, phổ biến, học tập trong hệt hống tổ chức Công đoàn; đưa nội dung này vào chương trình đào tạo,bồi dưỡng cán bộ Công đoàn.

-Triển khai thực hiện tốt Luật Bình đẳng giới Luật Phòng chống bạo lực gia đình bằng nhiều hình thức phù hợp với ngành, địa phương, cơ sờ và trình độ, điều kiện sống, làm việc của người lao động, góp phần nâng cao nhận thức về giới và ý thức, trách nhiệm thực hiện bình đẳng giới trong đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, công nhân lao động; lên án, đấu tranh chống tư tưởng coi thường phụ nữ, các hành vi phân biệt đối xử, xâm hại, xúc phạm thân thể, nhân phẩm đối với lao động nữ.

- Tăng cường công tác tuyên truyền giáo dục trong lao động nữ về chuẩn mực người phụ nữ Việt Nanh, về xây dựng lối sống văn minh, trách nhiệm đối với gia đình và xã hội, xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc; thực hiện tốt chính sách Dân số - Kế hoạch hoá gia đình, phòng chống HIV/AIDS và các tệ nạn xã hội.

- Các báo, tạp chí, bản tin, chương trình truyền thanh, truyền hình của các cấp Công đoàn thường xuyên phản ánh về tình hình lao động nữ ở ngành, địa phương, cơ sở; tuyên truyền những gương điển hình nữ trong học tập, lao động, công tác, xây dựng gia đình hạnh phúc.

2 - Tham gia xây dựng, hoàn thiện, triển khai thực hiện và kiểm tra, giám sát việc chấp hành luật pháp chính sách nhằm đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng của lao động nữ.

- Chủ động tham gia có hiệu quả trong việc xây dựng, sửa đổi bổ sung, hoàn thiện và tổ chức thực hiện pháp luật, chế độ, chính sách có liên quan trực tiếp đến lao động nữ.

- Tham gia với các cấp, các ngành và cơ sở tạo điều kiện tốt hơn cho lao động nữ trong học tập, lao động, công tác, nghiên cứu khoa học và chăm sóc gia đình.

- Tăng cường các hoạt động phổ biến, hướng dẫn thực hiện pháp luật liên quan trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của lao động nữ, trọng tâm là pháp luật về lao động, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bình đẳng giới. Chú trọng ở các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế ngoài nhà nước có đông lao động nữ.

- Công đoàn các cấp, nhất là Công đoàn cơ sở cần tập trung hướng dẫn lao động nữ ký hợp đồng lao động theo đúng quy định của pháp luật lao động; thương lượng, xây dựng, ký kết thoả ước lao động tập thể có nội dung lao động nữ được hưởng quyền lợi cao hơn quy định của pháp luật, coi đây là một trong những biện pháp quan trọng để thực hiện vai trò đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của lao động nữ tại doanh nghiệp.

- Phát huy vai trò, chức năng của Công đoàn trong việc kiểm tra, giám sát việc thực hiện pháp luật, chế độ, chính sách đối với lao động nữ trong các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế và các cơ quan, đơn vị hành chính, sự nghiệp.Tập hợp tâm tư, nguyện vọng của lao động nữ, tổ chức đối thoại với người sử dụng lao động, thủ trưởng đơn vị để bảo đảm thực hiện pháp luật, chính sách đối với lao động nữ kiến nghị với Nhà nước sửa đổi bổ sung, hoàn thiện pháp luật, chính sách, chế độ liên quan đến lao động nữ và bình đẳng giới.

- Đẩy mạnh các hoạt động xã hội trong lao động nữ. Xây dựng, phát triển qũy “Vì nữ công nhân, lao động nghèo”của các cấp công đoàn; nâng cao hiệu quả hoạt động Qũy Quốc gia giải quyết việc làm, nhân rộng mô hình Qũy trợ vốn cho người lao động nghèo (CEP) đến nhiều địa phương và phát triển các loại qũy khác để tạo thêm việc làm, tăng thu nhập,góp phần giảm bớt khó khăn trong đời sống của lao động nữ và gia đình.

- Tham gia tích cực, có hiệu quả vai trò thành viên Ủy ban quốc gia Vì sự tiến bộ phụ nữ ở cấp trung ương và Ban Vì sự tiến bộ phụ nữ các ngành, địa phương nhằm thực hiện tốt vai trò đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của lao động nữ.

- Kiện toàn và nâng cao hiệu quả hoạt động 2 Quỹ: Quỹ ''Tài nàng sáng tạo nữ'' và quỹ ''Bảo trợ trẻ em Công đoàn Việt nam''.

3- Xây dựng đội ngũ lao dộng nữ có sức khoẻ, tri thức, kỹ năng nghề nghiệp, năng động sáng tạo, có lối sống văn hoá, có lòng nhân hậu, xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc.

- Quán triệt và tổ chức thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Hội nghị Ban Chấp

hành Trung ương Đảng lần thứ 6 (khoá X) về tiếp tục xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, trong đó có việc xây dựng đội ngũ lao động nữ.

- Phát động và tổ chức sâu rộng trong lao động nữ trong phong trào học tập nâng cao trình độ học vấn, chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng nghề nghiệp, đáp ứng yêu cầu đổi mới và hội nhập kinh tế quốc tế. Động viên, khuyến khích, tạo điều kiện cho lao động nữ tự học tập, tham gia các loại hình đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ.

- Tiếp tục đẩy mạnh phong trào thi đua ''Giỏi việc nước, đảm việc nhà”, gắn với phong trào phụ nữ tích cực học tập, lao động, sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc'', cùng cuộc vận động ''Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh'' và các phong trào thi đua khác trong lao động nữ. Tôn vinh, biểu dương kịp thời các tài năng sáng tạo nữ, các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua và cuộc vận động do Công đoàn tổ chức.

Vận động, tập hợp đông đảo lao động nữ tham gia vào tổ chức và hoạt động công đoàn.

- Thường xuyên bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng, nghiệp vụ nhằm nâng cao chất lượng hoạt động của đội ngũ báo cán viên, tuyên truyền viên về công tác nữ ở các cấp Công đoàn.

4- Chăm lo đào tạo, bồi dưỡng cán bộ nữ của Công đoàn và nâng cao chất lượng hoạt động của Ban Nữ công Công đoàn các cấp.

- Công đoàn cần nắm vững tình hình cán bộ nữ của cấp mình để tham mưu cho cấp uỷ cùng cấp trong công tác qui hoạch, đào tạo, bồi dưỡng và bố trí cán bộ nữ, khắc phục tư tưởng an phận.tình trạng níu kéo, không ủng hộ nhau ngay trong nội bộ cán bộ nữ.

- Quan tâm công tác tạo nguồn, bồi dưỡng để phát triển Đảng trong lao động nữ. Tuyển chọn, cử nữ cán bộ Công đoàn tham gia các khoá đào tạo tại các trường Công đoàn, trường lý luận chính trị, nhất là cán bộ trưởng thành từ hoạt động Công đoàn ở cơ sở, cấp trên trực tiếp cơ sở. Phấn đấu đến năm 2020, có 80% nữ cán bộ Công đoàn chuyên trách tại cơ quan Công đoàn cấp trên cơ sở trở lên có trình độ cao đẳng, đại học, trên đại học.

Trong các nhiệm kỳ Đại hội Công đoàn các cấp, cần quan tâm lựa chọn cán bộ nữ có đủ tiêu chuẩn để giới thiệu ứng cử vào Ban Chấp hành. Trước mắt, trong nhiệm kỳ Đại hội X Công đoàn Việt Nanh (2008- 2013), phấn đấu tỷ lệ cán bộ nữ tham gia Ban Chấp hành Công đoàn các cấp đạt 30% trở lên. Các Công đoàn cơ sở và cấp trên trực tiếp cơ sở có 50% lao động nữ trở lên nhất thiết phải có cán bộ lãnh đạo chủ chốt làm nữ.

- Tăng cường công tác tập huấn, bồi dưỡng về giới cho cán bộ công đoàn và thường xuyên tổ chức tập huấn, bồi dưỡng nhằm nâng cao năng lực, trình độ, phẩm chất chính trị, kỹ năng và phương pháp vận động lao động nữ cho đội ngũ cán bộ nữ công.

- Củng cố, kiện toàn Ban Nữ công, Ban Vì sự tiến bộ phụ nữ công đoàn các cấp, tiếp tục đổi mới nội dung và phương pháp hoạt động nữ công. Tăng cường sự chỉ đạo của tập thể Ban Chấp hành công đoàn các cấp đối với công tác nữ. Phân công nữ ủy viên Ban Chấp hành, Ban Thường vụ có năng lực, phẩm chất tốt, có uy tín trực tiếp phụ trách công tác nữ công của Công đoàn.

 III- CÔNG TÁC CHỈ ĐẠO, TỔ CHỨC THỰC HIỆN

l- Liên đoàn Lao động tỉnh, thành phố, Công đoàn ngành Trung ương, Công đoàn Tổng Công ty trực thuộc Tổng Liên đoàn có trách nhiệm tổ chức quán triệt, phổ biến Nghị quyết 11-NQ/TW của Bộ Chính trị và Chương trình hành động của Tổng Liên đoàn đến công nhân, viên chức, lao động, đoàn viên công đoàn thuộc ngành, địa phương, đơn vị mình.

2- Các cấp công đoàn cần cụ thể hoá Chương trình hành động này vào chương trình công tác hàng năm của cấp mình với nội dung, nhiệm vụ, chỉ tiêu, giải pháp và nguồn kinh phí thực hiện cụt hể. Bố trí cán bộ theo dõi việc thực hiện nhiệm vụ vì sự tiến bộ phụ nữ ở cấp mình phù hợp với điều kiện của ngành, địa phương, cơ sở.

3- Tổng Liên đoàn, Liên đoàn Lao động tỉnh, thành phố, Công đoàn ngành trung ương, Công đoàn Tổng Công ty trực thuộc Tổng Liên đoàn hằng năm tổ chức đánh giá kết quả thực hiện Chương trình. Tổng Liên đoàn chỉ đạo sơ kết toàn quốc vào các năm 2010, 2015 và tổng kết việc thực hiện Chương trình hành động vào năm 2020.

4- Ban Nữ công Tổng Liên đoàn chủ trì, phối hợp với Ban Vi sự tiến bộ phụ nữ có trách nhiệm tham mưu cho Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn chỉ đạo, hướng dẫn, theo dõi, kiểm tra việc tổ chức thực hiện Chương trình hành động ở các cấp Công đoàn.

5- Các cấp công đoàn tăng cường sự phối hợp với các cơ quan hữu quan nhằm triển khai có hiệu quả Chương trình hành động này.

Liên đoàn lao động các tỉnh, thành phố, CĐ ngành TW, CĐ Tổng Công ty trực thuộc TLĐ định kỳ hàng năm báo cáo kết quả triển khai chương trình hành động này về Tổng Liên đoàn (qua Ban Nữ công TLĐ).

 

 

 

TM.ĐOÀN CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH THƯỜNG TRỰC




Nguyễn Hoà Bình

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Chương trình hành động 190/CTr-TLĐ năm 2008 thực hiện Nghị quyết 11-NQ/TW về Công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam ban hành

  • Số hiệu: 190/CTr-TLĐ
  • Loại văn bản: Văn bản khác
  • Ngày ban hành: 30/01/2008
  • Nơi ban hành: Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam
  • Người ký: Nguyễn Hòa Bình
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 30/01/2008
  • Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định
Tải văn bản