Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH CÀ MAU

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 04/CTr-UBND

Cà Mau, ngày 18 tháng 4 năm 2022

 

CHƯƠNG TRÌNH HÀNH ĐỘNG

THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT SỐ 30/NQ-CP NGÀY 11/3/2022 CỦA CHÍNH PHỦ

Thực hiện Nghị quyết số 30/NQ-CP ngày 11/3/2022 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Kết luận Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành chương trình hành động với những nội dung như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Tổ chức thực hiện có hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đặt ra tại Kết luận số 21-KL/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII và Kế hoạch số 03-KH/TW của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 30/NQ-CP ngày 11/3/2022 của Chính phủ.

2. Tổ chức thực hiện các nội dung Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng và Kết luận số 21-KL/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, nhất là những vấn đề về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, từ đó nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước các cấp, góp phần xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh.

3. Bảo đảm đồng bộ, gắn kết chặt chẽ việc thực hiện Chương trình hành động này với thực hiện các chương trình, kế hoạch hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về xây dựng, chỉnh đốn Đảng và thực hiện các nghị quyết, kết luận, chỉ thị của Trung ương về xây dựng đội ngũ cán bộ và xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; đồng thời gắn với đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh theo Kết luận số 01-KL/TW ngày 18/5/2021 của Bộ Chính trị.

4. Trong quá trình tổ chức thực hiện, các cơ quan, đơn vị cần tiến hành quyết liệt, toàn diện, đồng bộ, thường xuyên cả về chính trị, tư tưởng, tổ chức, cán bộ bảo đảm thực chất, hiệu quả; kết hợp chặt chẽ, hài hòa các nhiệm vụ, giải pháp “xây” và “chống” theo chủ trương của Đảng; đề cao vai trò, trách nhiệm tiên phong, gương mẫu, nêu gương của người đứng đầu cơ quan, đơn vị gắn với phát huy sức mạnh của hệ thống chính trị.

II. NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP

Các sở, ban, ngành tỉnh, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố Cà Mau tập trung thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp sau đây:

1. Tổ chức quán triệt, triển khai thực hiện

Phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, tổ chức đảng cùng cấp tổ chức quán triệt, triển khai thực hiện Kết luận số 21-KL/TW ngày 25/10/2021 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII và Kế hoạch số 03-KH/TW ngày 01/12/2021 của Bộ Chính trị, Nghị quyết số 30/NQ-CP ngày 11/3/2022 của Chính phủ và Chương trình hành động này trong toàn thể đội ngũ đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thuộc quyền quản lý; đồng thời đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

2. Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng công tác chính trị, tư tưởng, tự phê bình và phê bình

a) Tăng cường đổi mới nội dung, phương thức và nâng cao chất lượng công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, tạo sự chuyển biến tích cực trong nhận thức và hành động của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức về tầm quan trọng của nghiên cứu, học tập lý luận chính trị, đề cao trách nhiệm tự học, tự nghiên cứu của cá nhân.

b) Tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và xây dựng hệ thống chính trị; quán triệt, tập trung làm tốt, đầy đủ nội dung học tập, làm theo và nêu gương của cán bộ, công chức, viên chức, nhất là người đứng đầu và cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp.

c) Tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch.

d) Tăng cường công tác thông tin định hướng tư tưởng, nhất là thông tin về những vấn đề được dư luận xã hội quan tâm; kịp thời xử lý thông tin, định hướng dư luận xã hội, tạo sự thống nhất về nhận thức và hành động trong cán bộ, công chức, viên chức và Nhân dân. Nâng cao chất lượng đo lường, đánh giá sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước các cấp.

đ) Nâng cao chất lượng hoạt động của báo chí, quản lý chặt chẽ các trang tin điện tử, nhất là mạng xã hội; phát huy vai trò của cơ quan báo chí, của công luận trong đấu tranh phòng, chống suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”; tăng cường định hướng thông tin, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân lợi dụng Internet, mạng xã hội để xuyên tạc sự thật, kích động, gây rối, chia rẽ đoàn kết nội bộ.

e) Về thực hiện tự phê bình và phê bình trong nội bộ, mỗi cán bộ, công chức, viên chức, nhất là người đứng đầu cơ quan, đơn vị phải nêu cao tinh thần, trách nhiệm; thực hiện bảo đảm nghiêm túc, thẳng thắn, “tự soi”, “tự sửa”; gắn kiểm điểm tự phê bình cá nhân với kiểm điểm tập thể, làm rõ trách nhiệm người đứng đầu và trách nhiệm cá nhân đối với khuyết điểm của tập thể; có biện pháp để phòng ngừa và tự giác khắc phục khuyết điểm, hạn chế; kiên quyết khắc phục tình trạng nể nang, né tránh, ngại va chạm, chạy theo thành tích.

3. Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp và người đứng đầu gắn với đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả

a) Đề cao trách nhiệm nêu gương, ý thức tự giác tu dưỡng, rèn luyện bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức của cán bộ, công chức, viên chức, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý và người đứng đầu các cấp.

b) Thực hiện tốt chủ trương khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, luôn nỗ lực hành động vì lợi ích chung theo Kết luận số 14-KL/TW ngày 22/9/2021 của Bộ Chính trị. Quan tâm xây dựng đội ngũ cán bộ khoa học, cán bộ nữ, cán bộ trẻ, cán bộ dân tộc thiểu số, cán bộ quản lý doanh nghiệp nhà nước.

c) Thực hiện nghiêm nguyên tắc tập trung dân chủ, phát huy dân chủ gắn với nâng cao trách nhiệm người đứng đầu trong công tác cán bộ. Tăng cường kiểm soát quyền lực, bảo đảm đúng quy định, quy trình, công tâm, khách quan, chặt chẽ, thận trọng trong từng khâu của công tác cán bộ.

d) Tiếp tục nâng cao chất lượng công tác đánh giá cán bộ, công chức, viên chức theo hướng xuyên suốt, liên tục, đa chiều, có tiêu chí và thông qua sản phẩm cụ thể; gắn đánh giá cá nhân với tập thể, với kết quả thực hiện nhiệm vụ của địa phương, cơ quan, đơn vị. Kịp thời miễn nhiệm, cho từ chức, thay thế cán bộ năng lực hạn chế, uy tín thấp, mắc sai phạm mà không chờ hết nhiệm kỳ, hết thời hạn bổ nhiệm.

đ) Nâng cao hiệu quả công tác quy hoạch và luân chuyển cán bộ. Chủ động phát hiện nguồn cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, bảo đảm tính kế thừa, ổn định, đổi mới, phát triển theo hướng nâng cao chất lượng, bảo đảm số lượng và cơ cấu hợp lý. Công tác luân chuyển phải phù hợp với chức vụ, chức danh quy hoạch; bảo đảm cân đối, hài hòa giữa luân chuyển cán bộ với phát triển nguồn cán bộ tại chỗ; khắc phục tình trạng khép kín trong công tác cán bộ.

e) Các cơ quan, đơn vị tiếp tục rà soát, kiện toàn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy bên trong, đảm bảo tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 6 khóa XII. Các cơ quan, đơn vị thực hiện nghiêm các quy định về nền hành chính công vụ minh bạch, liêm chính; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý điều hành gắn với cải cách thủ tục hành chính.

g) Đổi mới nội dung, phương thức lãnh đạo, chỉ đạo và lề lối làm việc của các cơ quan, đơn vị, nhất là người đứng đầu theo đúng quy định pháp luật; phát huy dân chủ, nâng cao ý thức, trách nhiệm nêu gương, tinh thần phục vụ Nhân dân của cán bộ, công chức, viên chức; xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm đạo đức công vụ, kỷ luật, kỷ cương hành chính, vi phạm pháp luật. Tăng cường công tác bảo vệ chính trị nội bộ và quản lý cán bộ, công chức, viên chức làm việc trong lĩnh vực đặc thù, trọng yếu, nghiên cứu, học tập, lao động, công tác ở nước ngoài hoặc có quan hệ tiếp xúc với cá nhân, tổ chức nước ngoài.

4. Tập trung hoàn thiện cơ chế, chính sách

a) Thường xuyên rà soát và cập nhật kịp thời các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành để chủ động tham mưu, đề xuất xây dựng văn bản đảm bảo đúng quy định, phù hợp tình hình thực tiễn địa phương, tạo sự đồng bộ, thống nhất trong triển khai thực hiện pháp luật, tạo cơ sở pháp lý cho quản lý, điều hành kinh tế, xã hội của địa phương.

b) Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, ủy quyền; phát huy tính chủ động, sáng tạo, đề cao tinh thần trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị, đồng thời tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện.

c) Siết chặt kỷ luật, kỷ cương, đề cao trách nhiệm người đứng đầu trong công tác xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật.

d) Tiếp tục rà soát, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật về tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức, viên chức đảm bảo đúng quy định, đồng bộ với các quy định của Đảng và Nhà nước.

5. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; xử lý nghiêm cán bộ, công chức, viên chức vi phạm

a) Tập trung thanh tra, kiểm tra cơ quan, tổ chức, người đứng đầu, cán bộ chủ chốt ở những lĩnh vực, địa bàn, vị trí công tác dễ xảy ra tham nhũng, tiêu cực và có nhiều khiếu nại, khiếu kiện; quan tâm giải quyết dứt điểm những vụ việc gây bức xúc trong cán bộ, công chức, viên chức và Nhân dân. Tăng cường thanh tra, kiểm tra trách nhiệm của người đứng đầu trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

b) Thực hiện thường xuyên, nghiêm túc công tác thanh tra, kiểm tra việc thực thi nhiệm vụ, công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, nhất là những lĩnh vực liên quan đến quyền lợi hợp pháp, chính đáng của Nhân dân và lĩnh vực nhạy cảm dễ xảy ra sai phạm để chủ động phòng ngừa, kiên quyết đấu tranh, xử lý nghiêm sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và những hành vi tham nhũng, tiêu cực trong cơ quan hành chính nhà nước các cấp.

c) Tăng cường kiểm soát tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức theo quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước; thực hiện nghiêm quy định về chuyển đổi vị trí công tác theo quy định tại Nghị định số 59/2019/NĐ-CP ngày 01/7/2019 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Phòng, chống tham nhũng.

d) Xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức các cơ quan bảo vệ pháp luật, thanh tra, kiểm tra có bản lĩnh vững vàng, liêm chính, trung thực, có kiến thức, kỹ năng chuyên môn sâu, nắm vững chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

đ) Triển khai thực hiện quyết liệt, toàn diện công tác thanh tra, kiểm tra, điều tra, thi hành án; bảo đảm phối hợp chặt chẽ, đồng bộ cùng với hoạt động truy tố, xét xử của cơ quan có thẩm quyền. Chủ động phát hiện sớm, xử lý nghiêm các vụ việc, vụ án tham nhũng, tiêu cực; kiên quyết thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế.

e) Xử lý kiên quyết, kịp thời, đúng pháp luật những hành vi tham nhũng, gây thất thoát, lãng phí, nhất là trong quản lý, sử dụng ngân sách, tài sản nhà nước, tài nguyên quốc gia và những người bao che cho tham nhũng, ngăn cản việc chống tham nhũng. Thực hiện nghiêm quy định bảo vệ người tố cáo về tham nhũng, tiêu cực. Khen thưởng, biểu dương, động viên kịp thời những tổ chức, cá nhân có mô hình hay, hiệu quả; các điển hình tiên tiến, tấm gương tiêu biểu, có sức lan tỏa lớn trong xã hội về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

6. Phát huy vai trò, trách nhiệm của các tổ chức chính trị - xã hội để xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh

a) Tăng cường giám sát việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống và nêu gương của người đứng đầu, cán bộ lãnh đạo, quản lý, cán bộ, đảng viên và công chức, viên chức trong hệ thống chính trị; phát huy vai trò và nâng cao chất lượng phản biện xã hội của nhân dân, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên trong công tác xây dựng pháp luật và giám sát việc thực hiện pháp luật.

b) Nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật về dân chủ ở cơ sở, thực hiện có hiệu quả phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”; mở rộng dân chủ đi đôi với tăng cường kỷ luật, kỷ cương.

c) Đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác dân vận trong các cơ quan hành chính nhà nước và chính quyền các cấp theo Quyết định số 23-QĐ/TW ngày 30/7/2021 của Bộ Chính trị về việc ban hành Quy chế công tác dân vận của hệ thống chính trị gắn với chức năng, nhiệm vụ của từng cơ quan, tổ chức; thực hiện nghiêm quy định về tiếp, đối thoại với công dân; tiếp nhận và kịp thời chỉ đạo giải quyết các vấn đề nhân dân phản ánh, khiếu kiện, nhất là những vấn đề liên quan đến đạo đức, lối sống của cán bộ, công chức, viên chức; phát huy đầy đủ, hiệu quả vai trò của nhân dân trong việc giám sát, phản biện, góp ý.

d) Chỉ đạo giải quyết dứt điểm những vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp, kéo dài, tập trung đông người; xử lý có hiệu quả những vụ việc tồn đọng, phức tạp, gây bức xúc trong dư luận, các dự án chậm tiến độ, đầu tư kém hiệu quả, gây thua lỗ kéo dài, thất thoát vốn, tài sản của Nhà nước.

đ) Phối hợp chặt chẽ với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội để tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước kết hợp với phương thức vận động, tập hợp nhân dân, tạo thành sức mạnh tổng hợp để phát triển kinh tế - xã hội.

e) Đẩy mạnh và đa dạng hóa hình thức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng, chống tham nhũng, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của tổ chức, cá nhân và toàn xã hội trong phòng, chống tham nhũng.

III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Thủ trưởng các sở, ban, ngành tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố Cà Mau tổ chức quán triệt, triển khai, thực hiện Chương trình hành động này. Định kỳ báo cáo kết quả về Ủy ban nhân dân tỉnh (qua Sở Nội vụ) để nắm, chỉ đạo.

2. Sở Tư pháp

a) Chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành tỉnh thường xuyên rà soát, theo dõi các văn bản quy phạm pháp luật; tăng cường thẩm định văn bản quy phạm pháp luật, phát hiện những mâu thuẫn, chồng chéo, thiếu thống nhất, lợi ích cục bộ, lợi ích nhóm trong các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật để kịp thời đề xuất xử lý nhằm bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, thống nhất, khả thi của hệ thống pháp luật.

b) Tham mưu đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật; gắn kết chặt chẽ công tác xây dựng pháp luật với công tác tổ chức thi hành pháp luật.

3. Công an tỉnh

a) Đẩy nhanh tiến độ, sớm kết thúc điều tra, đề nghị truy tố đối với các vụ án, vụ việc do Ban Thường vụ Tỉnh ủy chỉ đạo, các vụ án, vụ việc phức tạp, dư luận xã hội quan tâm, bảo đảm xử lý kịp thời, khách quan, toàn diện, đúng pháp luật.

b) Phối hợp với các cơ quan chức năng tăng cường công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch; tăng cường công tác bảo vệ chính trị nội bộ; chủ động ngăn ngừa, làm thất bại mọi âm mưu, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, phần tử phản động, cơ hội chính trị.

4. Thanh tra tỉnh

a) Tăng cường thanh tra, kiểm tra các lĩnh vực nhạy cảm, dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực; kịp thời chuyển cơ quan điều tra xử lý các hành vi có dấu hiệu tội phạm.

b) Tham mưu thực hiện có hiệu quả việc kiểm soát tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức theo quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước.

c) Phối hợp với các sở, ban, ngành tỉnh, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố Cà Mau tham mưu thực hiện tốt công tác tiếp dân định kỳ, giải quyết kịp thời, đúng quy định các vụ việc khiếu nại, tố cáo, nhất là các vụ việc khiếu nại, tố cáo đông người, phức tạp kéo dài.

5. Sở Nội vụ

a) Tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành quy định về phân cấp quản lý cán bộ, tiêu chuẩn, quy trình, thủ tục quy hoạch, bổ nhiệm theo hướng dẫn chủ, công khai, minh bạch.

b) Triển khai, hướng dẫn thực hiện có hiệu quả công tác quy hoạch, đào tạo, chuyển đổi vị trí công tác đối với cán bộ, công chức, viên chức.

c) Phối hợp với các sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố Cà Mau rà soát, kiện toàn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy bên trong của các cơ quan, đơn vị.

d) Thường xuyên kiểm tra việc thực thi đạo đức, văn hóa công vụ của đội ngũ công chức, viên chức, nhất là những lĩnh vực liên quan đến quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân.

đ) Theo dõi, kiểm tra việc thực hiện Chương trình này; tổng hợp kết quả thực hiện, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh theo quy định.

6. Sở Thông tin và Truyền thông

a) Tăng cường quản lý và nâng cao chất lượng hoạt động báo chí, xuất bản.

b) Phối hợp với các cơ quan có liên quan quản lý chặt chẽ các trang tin điện tử, nhất là mạng xã hội; tăng cường chỉ đạo ngăn chặn hiệu quả thông tin xấu, độc; sớm phát hiện để đề xuất cấp có thẩm quyền xử lý nghiêm các trường hợp lợi dụng quyền tự do ngôn luận, vi phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân.

7. Đài Phát thanh - Truyền hình Cà Mau, Báo Cà Mau và các cơ quan báo chí phát huy vai trò, trách nhiệm trong việc tuyên truyền, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, chủ động cung cấp thông tin chính thống; kịp thời phản bác các quan điểm sai trái, thù địch; đồng thời phát huy vai trò giám sát của báo chí, của công luận; tăng cường đăng tải những tấm gương tiêu biểu, nêu gương những người tốt, việc tốt; phản ảnh ngăn ngừa, cảnh báo, phê phán những việc làm sai trái, hành vi tham nhũng, tiêu cực.

Yêu cầu Thủ trưởng các sở, ban, ngành tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố Cà Mau nghiêm túc tổ chức triển khai thực hiện Chương trình hành động này./.

 


Nơi nhận:
- CT, các PCT UBND tỉnh;
- Các sở, ban, ngành tỉnh;
- LĐVP UBND tỉnh;
- UBND các huyện, thành phố Cà Mau;
- Lưu: VT, NC (N10), VL01/4.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Huỳnh Quốc Việt

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Chương trình hành động 04/CTr-UBND năm 2022 thực hiện Nghị quyết 30/NQ-CP do tỉnh Cà Mau ban hành

  • Số hiệu: 04/CTr-UBND
  • Loại văn bản: Văn bản khác
  • Ngày ban hành: 18/04/2022
  • Nơi ban hành: Tỉnh Cà Mau
  • Người ký: Huỳnh Quốc Việt
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 18/04/2022
  • Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định
Tải văn bản