Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH THỪA THIÊN HUẾ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 306/CTr-UBND

Thừa Thiên Huế, ngày 07 tháng 10 năm 2021

 

CHƯƠNG TRÌNH HÀNH ĐỘNG

XÂY DỰNG THỪA THIÊN HUẾ XỨNG TẦM LÀ MỘT TRONG NHỮNG TRUNG TÂM LỚN, ĐẶC SẮC CỦA CẢ NƯỚC, KHU VỰC ĐÔNG NAM Á VỀ DU LỊCH GIAI ĐOẠN 2021 - 2025 VÀ TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2030

Thực hiện Nghị quyết số 04-NQ/TU, ngày 24 tháng 5 năm 2021 của Hội nghị lần thứ ba Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Khóa XVI về xây dựng Thừa Thiên Huế xứng tầm là một trong những trung tâm lớn, đặc sắc của cả nước, khu vực Đông Nam Á về văn hóa, du lịch giai đoạn 2021 - 2025 và tầm nhìn đến năm 2030; Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Chương trình hành động về xây dựng Thừa Thiên Huế xứng tầm là một trong những trung tâm lớn, đặc sắc của cả nước, khu vực Đông Nam Á về du lịch giai đoạn 2021 - 2025 và tầm nhìn đến năm 2030 với những nội dung chủ yếu sau:

I. MỤC TIÊU, YÊU CẦU

1. Mục tiêu

Đến năm 2025, Thừa Thiên Huế trở thành trung tâm du lịch đặc sắc của cả nước, thành phố Festival đặc trưng của Việt Nam và thành phố Du lịch sạch ASEAN.

2. Chỉ tiêu

Đến năm 2025 có 10 cơ sở khách sạn, khu nghỉ dưỡng du lịch đạt chuẩn 5 sao, kêu gọi đầu tư từ 3-5 dự án xây dựng cơ sở khách sạn, khu nghỉ dưỡng du lịch đạt chuẩn 5 sao. Ngành du lịch thu hút khoảng 6 triệu lượt khách đến Thừa Thiên Huế, trong đó khách quốc tế khoảng 45-50%. Tổng thu từ du lịch đạt khoảng 13 nghìn tỷ đồng; thời gian lưu trú bình quân đạt trên 2 ngày; suất chi tiêu bình quân đạt 2,2 triệu đồng/lượt khách.

3. Yêu cầu

Các cấp, các ngành quán triệt mục tiêu và nội dung của Chương trình hành động, xây dựng kế hoạch hàng năm để triển khai các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể đảm bảo phát triển du lịch hiệu quả, đồng bộ từ cấp tỉnh đến cơ sở. Tập trung chỉ đạo, tổ chức thực hiện tốt những nhiệm vụ, đề án, dự án trọng tâm được phân công, đồng thời tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, đôn đốc, đánh giá và định kỳ báo cáo kết quả với UBND tỉnh.

II. NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP CHỦ YẾU

1. Tiếp tục thể chế hóa quan điểm, chủ trương về phát triển du lịch thông qua các cơ chế, chính sách, quy hoạch, kế hoạch cụ thể

- Sơ kết, đánh giá tình hình thực hiện Nghị quyết 03-NQ/TU, ngày 08/11/2016 của Tỉnh ủy về phát triển du lịch, dịch vụ giai đoạn 2016-2020, tầm nhìn 2030 để có những điều chỉnh về chủ trương, chính sách của tỉnh để phát triển du lịch, đảm bảo có trọng tâm, trọng điểm trong định hướng, đầu tư, phát triển.

- Đẩy mạnh tổ chức thực hiện Nghị quyết số 54-NQ/TW, ngày 10/12/2019 của Bộ Chính trị thông qua việc tập trung xây dựng và thực hiện Đề án phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.

- Tiến hành lập và triển khai phương án phát triển ngành du lịch, đặc biệt chú trọng phát triển sản phẩm du lịch, thị trường du lịch; kết cấu hạ tầng phục vụ phát triển du lịch, các khu, điểm du lịch tỉnh Thừa Thiên Huế thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được đề xuất đưa vào quy hoạch tỉnh Thừa Thiên Huế thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; quy hoạch phân khu; xây dựng các đề án phát triển du lịch các khu, điểm du lịch để đề xuất phương án đầu tư hợp lý, hiệu quả tại các khu vực biển và đầm phá, sông, hồ, suối thác, các nghề, làng nghề truyền thống...

- Xây dựng và ban hành các cơ chế, chính sách quy định, hướng dẫn để thực hiện chủ trương phát triển kinh tế đêm trong lĩnh vực du lịch; các quy định, tiêu chuẩn và chính sách để hỗ trợ phát triển và quản lý các loại hình du lịch bền vững: sinh thái, nông nghiệp, trang trại, cộng đồng, chăm sóc sức khỏe... để đa dạng hóa các loại hình sản phẩm, dịch vụ.

- Nghiên cứu đề xuất các đề án, chính sách, cơ chế, nguồn lực để phục hồi và phát triển du lịch trong trạng thái bình thường mới. Chú trọng các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động trong ngành Du lịch do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Hỗ trợ doanh nghiệp và người dân đổi mới mô hình kinh doanh, phát triển các sản phẩm mới phù hợp với nhu cầu của khách du lịch trong trạng thái bình thường mới.

2. Tập trung chuyển đổi số trong ngành du lịch, ưu tiên phát triển theo hướng quản lý, trải nghiệm và quảng bá thông minh

- Tập trung nguồn lực để chuyển đổi số trong ngành du lịch với quan điểm xuyên suốt là xây dựng chính quyền số, xã hội số và kinh tế số. Xây dựng chính quyền điện tử, hoàn thành các phần mềm, giải pháp số để quản lý chuyên ngành du lịch theo hướng điện tử, liên thông, dùng chung dữ liệu, nhất là trong các lĩnh vực lưu trú, lữ hành, hướng dẫn viên... Hoàn thiện Trung tâm Giám sát điều hành Du lịch thông minh.

- Hoàn thành số hóa dữ liệu di sản, tài nguyên du lịch. Xây dựng, triển khai nền tảng tích hợp dữ liệu du lịch. Liên thông, tích hợp, kết nối các hệ thống dữ liệu như dữ liệu không gian đô thị, đất đai, môi trường, tài nguyên nước... với hệ thống dữ liệu văn hóa, du lịch đáp ứng yêu cầu phát triển đô thị thông minh.

- Đầu tư và triển khai các gói hạ tầng phục vụ cho du lịch thông minh. Xây dựng các sản phẩm du lịch thông minh: phát triển nhiều hơn các sản phẩm trải nghiệm thực tế ảo VR360, nhạc nước, 3D mapping, ánh sáng điện tử; hoàn thiện bộ audio guide nhiều ngôn ngữ trên cơ sở chuẩn hóa bộ thuyết minh các điểm di tích và di sản... Xây dựng các công cụ trực tuyến phục vụ tìm kiếm, chia sẻ thông tin, đặt dịch vụ, thanh toán điện tử.

- Đẩy nhanh tiến độ dự án thành phố du lịch thông minh và văn hóa do KOICA tài trợ. Hoàn thiện hệ thống ki ốt thông tin tự động ở các tuyến đường, khu phố đông khách du lịch. Xây dựng bảo tàng số và các không gian trải nghiệm sản phẩm số trong du lịch.

- Tiếp tục tạo điều kiện để các doanh nghiệp, nhà đầu tư chiến lược triển khai các dự án chuyển đổi số như: nền tảng du lịch thông minh, thanh toán không dùng tiền mặt trong lĩnh vực dịch vụ du lịch; phát hành và triển khai thẻ mềm du lịch thông minh, triển khai hệ thống vé điện tử cho các loại hình tham quan, du lịch, chương trình văn hóa, bảo tàng, sự kiện, phương tiện giao thông vận tải.

3. Tập trung đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật phục vụ phát triển du lịch

- Huy động các nguồn lực và tập trung đầu tư, hoàn thành xây dựng các dự án trọng điểm của tỉnh gắn với phát triển du lịch như dự án nâng cấp Cảng hàng không quốc tế Phú Bài; cao tốc Cam Lộ - La Sơn - Túy Loan, dự án đường Tố Hữu - sân bay Phú Bài, đường và cầu ven biển,...Kêu gọi, tạo điều kiện, hỗ trợ các doanh nghiệp duy trì, nâng cao tần suất và mở thêm các đường bay mới cả trong nước và quốc tế. Xây dựng Cảng Chân Mây là cảng biển du lịch quốc tế, cảng du lịch chuyên dụng.

- Ưu tiên đầu tư hạ tầng kết nối đồng bộ, bảo đảm giao thông thuận lợi từ thành phố Huế đến các khu vực trọng điểm du lịch quốc gia (Lăng Cô- Cảnh Dương), điểm du lịch quốc gia (Bạch Mã), các di tích, đến vùng biển, đầm phá và vùng phía Tây Thừa Thiên Huế. Nâng cao chất lượng, tăng cường tần suất tuyến xe buýt liên tỉnh, trong tỉnh, phụ cận và các huyện với sự đa dạng các loại hình phương tiện như xe citytour, Hop-on, Hop-off, xe điện.

- Đốc thúc tiến độ thực hiện của các dự án chiến lược về du lịch trên địa bàn tỉnh để hình thành các sản phẩm và dịch vụ khác biệt, có điểm nhấn và mang tính dẫn dắt, kết nối cho sự phát triển du lịch tỉnh Thừa Thiên Huế. Tiếp tục thu hút các nhà đầu tư quy mô lớn vào lĩnh vực dịch vụ, khách sạn, giải trí, đặc biệt các nhà đầu tư hợp tác với các tập đoàn cung cấp dịch vụ du lịch có thương hiệu quốc tế như Accor, Marriott, Hilton, Hyatt, Sheraton, InterContinental,...

4. Xây dựng các sản phẩm du lịch chủ đạo có thương hiệu trên cơ sở lấy văn hóa Huế làm nền tảng

- Phát triển các điểm đến, sản phẩm, dịch vụ du lịch đẳng cấp, chuyên nghiệp, khác biệt gắn với văn hóa - di sản; vùng biển, đầm phá và con người Huế, trọng tâm là xây dựng các sản phẩm du lịch mang thương hiệu Huế, nâng cao chất lượng loại hình du lịch di sản gắn với Quần thể di tích cố đô Huế và Nhã nhạc cung đình Huế. Đẩy mạnh xã hội hóa các sản phẩm, dịch vụ tại Đại Nội và các điểm di tích trên địa bàn.

- Tập trung xây dựng và khai thác có hiệu quả các sản phẩm và dịch vụ xoay quanh các thương hiệu đặc trưng như “Huế - Kinh đô ẩm thực”, “Huế - Kinh đô áo dài Việt Nam”, “Huế - Thành phố Lễ hội”. Có cơ chế cụ thể để kêu gọi đầu tư vào các dịch vụ và sản phẩm liên quan đến các thương hiệu này.

- Nâng cao chất lượng dịch vụ, sản phẩm vui chơi giải trí, mua sắm ở thành phố Huế và phụ cận. Phát triển các loại hình sản phẩm của du lịch đêm gắn với hoàn thiện hạ tầng, dịch vụ tại tuyến phố đi bộ Phạm Ngũ Lão - Võ Thị Sáu - Chu Văn An, không gian văn hóa trục đường Lê Lợi. Xây dựng phố đêm tại các đường quanh Đại Nội, trước chợ Đông Ba. Phát huy trục không gian hai bên bờ sông Hương, khai thác có hiệu quả hoạt động Ca Huế; tuyến du lịch đường thủy dọc sông Ngự Hà, An Cựu, Đông Ba, phố cổ Bao Vinh.

- Hoàn thiện và triển khai Đề án Festival 4 mùa. Phát huy lợi thế của thành phố Festival, các loại hình hoạt động Festival, xem các kỳ Festival là sản phẩm du lịch chủ lực của Thừa Thiên Huế. Tăng cường tổ chức các sự kiện văn hóa nghệ thuật, thể thao, lễ hội truyền thống... Phát huy giá trị di sản văn hóa dân gian thành sản phẩm du lịch. Tuyên truyền, vận động, thu hút các tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài nước tổ chức hội nghị, hội thảo, sự kiện trên địa bàn tỉnh.

- Xúc tiến kêu gọi, từng bước khai thác các sản phẩm du lịch mang dấu ấn riêng biệt của Kinh thành Huế ở khu vực Thượng Thành, Eo Bầu sau khi thực hiện di dời dân cư, giải phóng mặt bằng tại di tích Kinh Thành Huế theo Quyết định số 370/QĐ-UBND ngày 13/02/2019 của UBND tỉnh về việc phê duyệt Đề án Di dời dân cư, giải phóng mặt bằng khu vực 1 hệ thống di tích Kinh Thành Huế thuộc quần thể di tích cố đô Huế, tạo cơ sở phát huy giá trị di sản cố đô Huế.

- Phát triển mạnh các sản phẩm du lịch văn hóa tâm linh tại các điểm Đền Huyền Trân, Thiền viện Trúc Lâm Bạch Mã, Tượng Quán Thế Âm, chùa và các cổ tự... Đẩy mạnh phát triển loại hình du lịch nghỉ dưỡng kết hợp khám, chữa bệnh. Xây dựng các chính sách để kích cầu và phát triển loại hình du lịch hội nghị, hội thảo (MICE) dựa trên thế mạnh của địa phương về nền tảng văn hóa, giáo dục,, y tế. Phát triển du lịch gắn với phát triển hệ thống nhà vườn Huế, chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, các làng nghề và nghề truyền thống.

- Kêu gọi đầu tư hình thành các điểm du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái theo mô hình tăng trưởng xanh, có tính chuyên nghiệp, đặc trưng tại các khu vực sông suối, ao hồ, đầm phá. Đặc biệt, ưu tiên kêu gọi đầu tư phát triển các loại hình du lịch bền vững, sinh thái, du lịch biển xứng tầm ở Vườn quốc gia Bạch Mã, dải ven biển và đầm phá Tam Giang - Cầu Hai.

5. Đổi mới và tăng cường công tác xúc tiến, quảng bá du lịch theo hướng chuyên nghiệp để mở rộng thị trường

- Xây dựng chiến lược quảng bá điểm đến du lịch Thừa Thiên Huế 2021- 2025 với nguồn lực đủ mạnh để đạt hiệu quả cao trong việc xây dựng thương hiệu du lịch, hình ảnh và hình thức quảng bá và thu hút du khách hiệu quả phù hợp với bối cảnh, xu hướng mới của ngành du lịch, làm cơ sở cho việc triển khai các hoạt động truyền thông, quảng bá hàng năm. Đổi mới cách thức tổ chức, nội dung theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại và ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin trong quảng bá.

- Triển khai các chiến dịch quảng bá du lịch mang tầm quy mô, chiến lược, có sự lan tỏa lớn thông qua một số kênh truyền hình nổi tiếng của thế giới như CNN, BBC,...; đẩy mạnh truyền thông, quảng bá dựa trên hệ thống du lịch thông minh, các kênh quảng bá có lượng truy cập lớn, tương tác cao. Nâng tần suất quảng bá, tập trung quảng bá các sản phẩm đặc trưng, sản phẩm mới.

- Phát triển mạnh hệ thống quảng bá trực tuyến, chú trọng quảng bá qua mạng xã hội. Tập trung tối ưu hóa quảng bá/ quảng cáo qua các kênh của hệ thống Visit Hue như: cổng thông tin du lịch Huế visithue.vn, trên các nền tảng mạng xã hội lớn Fanpage, Tiktok, Zalo OA, Youtube, Instagram, Twister.. .;Ứng dụng các công nghệ AI để phân tích số liệu về hoạt động du lịch kịp thời, chính xác, giúp dự báo về thị trường khách, từ đó có các chính sách quản lý, xúc tiến, quảng bá du lịch phù hợp. Hoàn thiện gian hàng quảng bá ảo của tỉnh Thừa Thiên Huế, chia sẻ không gian với Hiệp hội Du lịch, các doanh nghiệp dịch vụ du lịch... Kết nối gian hàng với các hội chợ triển lãm, quảng bá thực tế ảo của thế giới.

- Đẩy mạnh hợp tác, kết nối các hãng lữ hành lớn ở các thị trường truyền thống, thị trường lớn, thị trường mới, khách du lịch tàu biển, khách du lịch thuê nguyên chuyến (charter) tàu bay và tàu hỏa... để thu hút khách du lịch đến Thừa Thiên Huế. Liên kết, hợp tác với các đối tác truyền thông, doanh nghiệp du lịch, các đơn vị vận chuyển... về quảng bá thương hiệu và xúc tiến quảng bá du lịch Huế đến với khách du lịch trong và ngoài nước.

- Tiếp tục tổ chức các đoàn doanh nghiệp lữ hành, đoàn báo chí trong và ngoài nước đến khảo sát sản phẩm du lịch, quảng bá điểm đến. Tăng cường chương trình kích cầu du lịch để thu hút khách du lịch và giới thiệu quảng bá điểm đến cho du lịch Thừa Thiên Huế. Nâng cao năng lực hoạt động của cơ quan xúc tiến, quảng bá du lịch của Nhà nước; đẩy mạnh hơn nữa vai trò tham gia, phối hợp trong các hoạt động liên quan về xúc tiến, quảng bá du lịch của Hiệp hội Du lịch tỉnh, các hội nghề nghiệp du lịch và các doanh nghiệp.

6. Tăng cường công tác quản lý Nhà nước đối với hoạt động du lịch, dịch vụ; hoàn thiện môi trường du lịch và liên kết, hợp tác phát triển du lịch

- Xây dựng các quy chế, quy định, cơ chế phối hợp để nâng cao vai trò quản lý nhà nước của ngành du lịch tỉnh đối với các ngành, lĩnh vực liên quan và địa phương trên địa bàn tỉnh.

- Tiếp tục quán triệt và tổ chức thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về tăng cường hiệu lực quản lý Nhà nước, tập trung khắc phục yếu kém thúc đẩy phát triển du lịch; về tăng cường công tác quản lý môi trường du lịch, bảo đảm an ninh, an toàn cho khách du lịch…; xây dựng môi trường du lịch văn minh, thân thiện; thực hiện tốt Quy chế phối hợp quản lý hoạt động du lịch trên địa bàn.

- Tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy, sự chỉ đạo, điều hành của các cấp chính quyền, sự tham gia tích cực của đoàn thể và các tầng lớp nhân dân trong hoạt động du lịch; kiện toàn bộ máy tổ chức, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về du lịch cấp tỉnh, huyện; phát huy vai trò của Ban Chỉ đạo phát triển du lịch tỉnh và Hiệp hội Du lịch tỉnh trong phát triển du lịch.

- Phối, kết hợp đồng bộ các ngành, các cấp trong quản lý, khai thác giá trị tài nguyên phát triển du lịch. Thay đổi nhận thức về phát triển du lịch, các hội nghề nghiệp, doanh nghiệp du lịch phải sẵn sàng, cùng tham gia vào các hoạt động, nhiệm vụ chung của ngành về thúc đẩy, phát triển du lịch, tạo sự lan tỏa, đồng bộ, đồng lòng để thực hiện các nhiệm vụ.

- Hoàn thiện và triển khai đồng bộ công tác khai báo khách lưu trú qua phần mềm quản lý lưu trú, công tác thống kê du lịch... Chú trọng công tác thúc đẩy việc công nhận các khu, điểm du lịch trên địa bàn tỉnh và cơ sở cho việc nâng cao chất lượng điểm đến, đặc biệt phát triển khu du lịch Lăng Cô - Cảnh Dương sớm được công nhận là Khu du lịch quốc gia và trở thành điểm đến mang tầm cỡ quốc tế...

- Tiếp tục đẩy mạnh công tác phối hợp, liên kết giữa các ngành, các cấp, các địa phương, vùng miền, các tổ chức trong và ngoài nước, nhất là liên kết với các trung tâm du lịch lớn của cả nước và các trung tâm du lịch khu vực miền Trung, liên kết “Ba địa phương một điểm đến (Thừa Thiên Huế - Đà Nẵng - Quảng Nam)”; Tiếp tục liên kết sâu hơn và mở rộng hợp tác với các nước trong khối ASEAN, Trung Quốc, Pháp, Nhật Bản, Hàn Quốc...

6. Phát triển nguồn nhân lực du lịch

- Rà soát, cơ cấu lại nguồn nhân lực du lịch đảm bảo số lượng, chất lượng phục vụ tại các doanh nghiệp du lịch trong bối cảnh tác động của dịch bệnh Covid-19. Xây dựng chính sách, giải pháp cụ thể nhằm thu hút nguồn lao động, hỗ trợ các doanh nghiệp du lịch về công tác đào tạo mới, đào tạo lại các kỹ năng, nghiệp vụ chuyên môn để các doanh nghiệp sớm vận hành trở lại bình thường, có cơ chế thu hút nguồn nhân lực du lịch chất lượng cao.

- Chú trọng hình thành đội ngũ lực lượng thuyết minh viên, hướng dẫn viên du lịch người địa phương; đào tạo các kỹ năng cần thiết cho người dân tham gia hoạt động du lịch cộng đồng, cho hội viên của nghiệp đoàn xích lô, hiệp hội taxi, các tiểu thương,...

- Chuẩn hóa bộ thuyết minh các điểm di tích, di sản, điểm đến tại Huế để tạo thành bộ tài liệu thống nhất phục vụ cho công tác chuyên môn.

- Bổ sung biên chế để hoàn chỉnh bộ máy quản lý cho Sở Du lịch và tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ quản lý Nhà nước về du lịch cấp tỉnh, huyện.

III. KINH PHÍ THỰC HIỆN

1. Nguồn ngân sách nhà nước (cả Trung ương và địa phương): khoảng 21.721 tỷ đồng, trong đó:

- Nguồn vốn đầu tư phát triển du lịch: khoảng 21.646 tỷ đồng, trong đó:

Hạ tầng giao thông du lịch: khoảng 9.332 tỷ đồng

Trùng tu di tích phát triển du lịch: khoảng 8.679 tỷ đồng

Vốn vay ADB phát triển hạ tầng du lịch: khoảng 101,827 tỷ đồng

Vốn để thực hiện công tác lập đề cương nhiệm vụ quy hoạch, quy hoạch phân khu và quy hoạch chi tiết: 3,771 tỷ đồng.

Hạ tầng du lịch cộng đồng: khoảng 45,453 tỷ đồng (bố trí từ ngân sách cấp huyện theo Nghị quyết 05/2021/NQ-HĐND ngày 26/4/2021 của Hội đồng nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế về việc ban hành quy định các nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ vốn đầu tư công nguồn ngân sách địa phương giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế).

Chương trình đầu tư phát triển du lịch khác: 3.483,949 tỷ đồng.

- Nguồn vốn sự nghiệp phát triển du lịch: khoảng 75 tỷ đồng.

2. Nguồn vốn ngoài ngân sách: khoảng 60-70 nghìn tỷ đồng (tổng hợp vốn đăng ký đầu tư từ các dự án đầu tư du lịch đã cấp chủ trương đầu tư giai đoạn 2016-2020 và một số dự án kêu gọi đầu tư mới giai đoạn 2021-2025).

IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Ban Chỉ đạo Phát triển Du lịch tỉnh: chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc các Sở, ngành và địa phương trong việc xây dựng Kế hoạch, tổ chức triển khai thực hiện nội dung Chương trình Hành động phát triển du lịch - dịch vụ tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2021-2025.

2. Sở Du lịch: chủ trì theo dõi, đôn đốc, giám sát việc thực hiện Chương trình hành động triển khai thực hiện các nội dung, nhiệm vụ. Định kỳ hàng năm báo cáo cấp có thẩm quyền về việc triển khai, thực hiện.

3. Sở Kế hoạch và Đầu tư: cân đối phân bổ vốn đầu tư công đảm bảo thực hiện cơ cấu lại nguồn vốn và đầu tư cho các lĩnh vực ưu tiên, tập trung đầu tư phát triển du lịch; Ưu tiên bố trí vốn ngân sách nhà nước hỗ trợ phát triển hạ tầng du lịch.

4. Sở Tài chính: cân đối phân bổ nguồn kinh phí chi đầu tư phát triển đủ mạnh, phù hợp với yêu cầu thực tế phát triển du lịch tỉnh nhà. Ưu tiên, tham mưu bố trí kinh phí phù hợp cho sự nghiệp phát triển du lịch.

5. Công an tỉnh: chủ trì, phối hợp với các ngành, địa phương đề xuất giải pháp đảm bảo an toàn, trật tự, tạo môi trường du lịch an toàn, thân thiện.

6. Sở Văn hóa và Thể thao: phối hợp các địa phương đầu tư nâng cao chất lượng các lễ hội truyền thống đặc trưng của địa phương, triển khai các hoạt động lễ hội, các giải thể thao mang tầm quốc gia và quốc tế. Phối hợp chỉnh trang, nâng cao chất lượng không gian văn hóa nghệ thuật tại một số khu vực trung tâm để phục vụ hoạt động du lịch và cộng đồng.

7. Sở Tài nguyên và Môi trường: chủ trì, phối hợp các ngành tham mưu UBND tỉnh ban hành quy chế bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh; Kịp thời giải quyết và đề xuất UBND tỉnh giải quyết các khó khăn vướng mắc trong đền bù, giải phóng mặt bằng, giao đất cho nhà đầu tư để xây dựng các dự án du lịch trên địa bàn tỉnh.

8. Sở Công Thương, Cục Quản lý thị trường tỉnh: chủ trì, phối hợp với các Ngành liên quan và chính quyền địa phương tham mưu xây dựng và tổ chức thực hiện các chương trình, đề án khuyến khích và tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân đầu tư sản xuất, kinh doanh các sản phẩm hàng lưu niệm, hàng hóa đặc trưng của tỉnh phục vụ du lịch; phối hợp với các Sở, Ban, Ngành có liên quan tăng cường công tác quản lý thị trường, xử lý nghiêm, kịp thời các hành vi gian lận, không niêm yết giá và bán cao hơn giá đã niêm yết, nâng giá bất hợp lý, ép giá; kiểm tra các cơ sở bán hàng lưu niệm, quà tặng bán hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không bảo đảm an toàn thực phẩm.

9. Sở Thông tin và Truyền thông: đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức và kiến thức về du lịch trong xã hội. Hướng dẫn và tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp quan tâm đến các dự án du lịch thông minh.

10. Sở Ngoại vụ: tham mưu UBND tỉnh thiết lập và mở rộng mối quan hệ hợp tác giữa tỉnh với các địa phương (cộng đồng lãnh thổ) nước ngoài, các tổ chức quốc tế, chính phủ và phi Chính phủ nước ngoài, kêu gọi các đối tác quốc tế đầu tư, hỗ trợ dự án trong lĩnh vực phát triển và xúc tiến du lịch ở địa phương.

11. Sở Xây dựng: tham mưu UBND tỉnh nhằm nâng cao hiệu quả quản lý kiến trúc cảnh quan, hướng dẫn địa phương trong công tác lập, thẩm định và quản lý quy hoạch có liên quan đến du lịch theo đúng quy định của pháp luật.

12. Sở Giao thông vận tải: lồng ghép các nhiệm vụ, kế hoạch phát triển các lĩnh vực hạ tầng nhằm hoàn thiện kết cấu hạ tầng và chất lượng dịch vụ đường bộ, đường không, đường sắt, đường thủy nội địa, đường biển phục vụ khách du lịch; Tăng cường kết nối hàng không, phát triển các đường bay thẳng tới các thị trường mục tiêu của du lịch tỉnh nhà.

13. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: phối kết hợp trong việc tham mưu, xây dựng các nhiệm vụ, hoạt động phát triển du lịch gắn với làng nghề, nghề truyền thống và chuỗi giá trị nông nghiệp, đặc biệt là sản phẩm, điểm đến du lịch trong chương trình OCOP.

14. Trung tâm Bảo tồn Di tích cố đô Huế: tham mưu UBND tỉnh quy hoạch phát triển các loại hình dịch vụ tại khu di sản; kế hoạch triển khai nâng cao chất lượng, đa dạng hóa, xã hội hóa các sản phẩm, dịch vụ; phối hợp xúc tiến quảng bá hình ảnh điểm đến thuộc Quần thể di tích cố đô Huế.

15. Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố Huế: tăng cường quản lý điểm đến, tăng cường công tác quản lý môi trường du lịch, đảm bảo an ninh an toàn cho khách du lịch; tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp và cộng đồng phát triển du lịch; đẩy mạnh kết nối, phát triển các chuỗi giá trị sản phẩm du lịch.

16. Các tổ chức đoàn thể, Hiệp hội du lịch, các cơ sở đào tạo du lịch dịch vụ: tạo môi trường và cơ chế để liên kết một cách chặt chẽ, đồng thuận giữa các doanh nghiệp du lịch đảm bảo tính chuyên nghiệp trong kinh doanh du lịch, hiệu quả lợi nhuận của doanh nghiệp và lợi ích chung của ngành. Chú trọng các nội dung đào tạo để nâng cao kỹ năng về ngành nghề cho người học. Tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường, cách quảng bá hình ảnh đất nước và cách làm du lịch của cộng đồng dân cư theo phương châm mỗi công dân là một đại sứ du lịch./.

 

 

Nơi nhận:
- Thường trực Tỉnh ủy;
- Thường trực HĐND tỉnh;
- CT và các PCT UBND tỉnh;
- Các sở, ban, ngành cấp tỉnh;
- UBND các huyện, thị xã, TP Huế;
- CVP, PCVP UBND tỉnh;
- Lưu: VT, VH.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Thanh Bình

 

DANH MỤC

CÁC NHIỆM VỤ, ĐỀ ÁN, DỰ ÁN TRỌNG ĐIỂM ƯU TIÊN THỰC HIỆN GIAI ĐOẠN 2021-2025
(Ban hành kèm theo Chương trình hành động số 306/CTr-UBND ngày 07 tháng 10 năm 2021 của UBND tỉnh)

TT

NỘI DUNG, NHIỆM VỤ

CƠ QUAN CHỦ TRÌ

CƠ QUAN PHỐI HỢP

DỰ KIẾN KINH PHÍ (triệu đồng)

THỜI GIAN THỰC HIỆN

I

Nguồn vốn nhà nước đầu tư

1

Quy hoạch, kế hoạch, cơ chế chính sách

1.1

Tiến hành lập và triển khai phương án phát triển ngành du lịch, đặc biệt chú trọng phát triển sản phẩm du lịch, thị trường du lịch; kết cấu hạ tầng phục vụ phát triển du lịch, các khu, điểm du lịch tỉnh Thừa Thiên Huế thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được đề xuất đưa vào quy hoạch tỉnh Thừa Thiên Huế thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050

Sở Du lịch

Sở Kế hoạch và Đầu tư

Nguồn được lồng ghép từ hoạch tỉnh

2021-2022

1.2

Quy hoạch phát triển khu du lịch quốc gia Thanh Tân

Sở Du lịch

Sở Xây dựng, UBND huyện Phòng Điền và các sở, ngành liên quan

2.000

2022-2023

1.3

Triển khai Đề án ngành du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn

Sở Du lịch

Các sở, ban, ngành, địa phương

 

2021-2025

1.4

Đề án về đánh giá chỉ tiêu tăng trưởng ngành du lịch tỉnh

Sở Du lịch

Sở Kế hoạch và Đầu tư

1.000

2022

1.5

Xây dựng và triển khai chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động trong ngành du lịch do ảnh hưởng của thiên tai, dịch bệnh có ảnh hưởng lớn đến hoạt động du lịch

Sở Lao động, Thương binh và Xã hội

Sở Du lịch, Sở Tài chính

 

2022-2023

1.6

Đề án chuyển đổi mô hình hoạt động của Trung tâm dịch vụ tại Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế

Trung tâm Bảo tồn Di tích cố đô Huế

Sở KH&ĐT; Sở Tài chính và các đơn vị có liên quan

350

2021-2022

2

Chuyển đổi số trong ngành du lịch

 

 

 

 

2.1

Hoàn thiện các phần mềm quản lý chuyên ngành

Sở Du lịch

Sở Thông tin Truyền thông; Hiệp hội Du lịch

1.000

2021-2022

2.2

Xây dựng và số hóa cơ sở dữ liệu, di sản, tài nguyên du lịch

Sở Du lịch, Sở Văn hóa và Thể thao, Trung tâm BTDTCĐ Huế

Các doanh nghiệp, đối tác chiến lược

20.000

2021-2025

2.3

Xây dựng phần mềm bản đồ số 3D Du lịch tỉnh Thừa Thiên Huế

Sở Du lịch

Các đơn vị liên quan

6.000

2021-2025

2.5

Triển khai vé điện tử

Trung tâm BTDTCĐ Huế

Sở Du lịch

Doanh nghiệp triển khai

XHH

2021-2022

2.6

Triển khai thanh toán không dùng tiền mặt trong lĩnh vực Du lịch, dịch vụ

Sở Du lịch, Sở Công Thương

Hiệp hội Du lịch

XHH

2021-2025

3

Phát triển sản phẩm du lịch

3.1

Đề án “Huế - Kinh đô ẩm thực”

Sở Du lịch

Sở Văn hóa và Thể thao

1.000

2021-2022

3.2

Đề án về định hướng phát triển du lịch gắn suối thác

Sở Du lịch

UBND các huyện, thị; các Sở, ngành liên quan

850

2021-2022

3.3

Đề án Phát triển du lịch gắn với làng nghề, nghề truyền thống và chuỗi giá trị nông nghiệp

Sở Du lịch

UBND các huyện, thị; Sở NN&PTNT và các Sở, ngành liên quan

800

2022

3.4

Đề án phát triển du lịch gắn với vùng đầm phá Tam Giang - Cầu Hai

Sở Du lịch

UBND các huyện, thị; Sở TN&MT và các Sở, ngành liên quan

1.500

2023

3.6

Đề án phát triển du lịch gắn với nhà vườn Huế

Sở Du lịch

UBND các huyện, thị; các Sở, ngành liên quan

800

2022

3.7

Đề án phát triển du lịch gắn với khám chữa bệnh

Sở Du lịch

UBND các huyện, thị; các Sở, ngành liên quan

800

2022

3.8

Đề án phát triển du lịch tâm linh

Sở Du lịch

UBND các huyện, thị; các Sở, ngành liên quan

800

2023

3.9

Đề án phát triển sản phẩm du lịch đêm

Sở Du lịch

UBND các huyện, thị; các Sở, ngành liên quan

800

2023

4

Xúc tiến, quảng bá du lịch

4.1

Quảng bá du lịch Thừa Thiên Huế trên kênh CNN

Sở Du lịch

Sở Tài chính

2.300

2021-2022

4.2

Chương trình xúc tiến, quảng bá du lịch tỉnh giai đoạn 2021-2025.

Sở Du lịch

Hiệp hội Du lịch

700

2021

4.3

Quảng bá các sự kiện, chương trình, sản phẩm dịch vụ và du lịch trên các kênh truyền thông số

Sở Du lịch

Sở Tài chính

Hiệp hội Du lịch

4.000

2022-2025

5

Đầu tư hạ tầng du lịch

5.1

- Các dự án trùng tu di tích thuộc Quần thể di tích cố đô Huế

- Các dự án trùng tu các công trình văn hóa, trùng tu di tích cấp quốc gia đặc biệt, cấp quốc gia..

- TTBTDTCĐ Huế

- Sở Văn hóa và Thể thao

Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính và UBND các địa phương

11.000.000

2021-2025

5.2

Hạ tầng thuộc Quy hoạch khu du lịch quốc gia Lăng Cô - Cảnh Dương

BQL Khu kinh tế công nghiệp tỉnh

Sở Kế hoạch và Đầu tư

 

2021-2025

5.3

Hạ tầng phố cố Bao Vinh

UBND thị xã Hương Trà

Sở Kế hoạch và Đầu tư

 

2021-2025

5.4

Hạ tầng phát triển các điểm du lịch cộng đồng

UBND các huyện, thị xã và thành phố Huế

Sở Kế hoạch và Đầu tư;

Sở Du lịch và các cơ quan liên quan

45.000

2021-2025

6

Quản lý nhà nước về du lịch

6.1

Xây dựng quy định, vai trò quản lý nhà nước về du lịch đối với các ngành, lĩnh vực liên quan và địa phương

Sở Du lịch

Các sở, ngành, địa phương liên quan

 

2022

6.2

Công nhận Khu du lịch quốc gia Lăng Cô - Cảnh Dương

Sở Du lịch

BQL Khu KT, CN tỉnh, UBND huyện Phú Lộc

 

2023

6.3

Đánh giá tác động của dịch bệnh Covid-19 đối với ngành du lịch

Sở Du lịch

HHDL, Sở, ngành liên quan

 

2022

6.4

Kế hoạch đào tạo phát triển nguồn nhân lực du lịch tỉnh (tích hợp vào Kế hoạch đào tạo phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao của tỉnh)

Sở Du lịch

Sở Lao động, Thương binh và Xã hội; các cơ sở đào tạo du lịch

 

2022

6.5

Kế hoạch phối hợp giữa các ngành, địa phương về xử lý các vấn đề phát sinh, ảnh hưởng đến môi trường du lịch.

Sở Du lịch

Các sở ngành và UBND các địa phương liên quan

 

2022

II

Nguồn vốn kêu gọi các dự án đầu tư du lịch (Nguồn xã hội hóa)

 

 

 

 

 

Triển khai các dự án đang đầu tư và kêu gọi các dự án đầu tư mới phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh

Sở Kế hoạch và Đầu tư

Sở Du lịch

BQL khu kinh tế, công nghiệp tỉnh

60.000.000

2021-2025

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Chương trình 306/CTr-UBND năm 2021 về xây dựng Thừa Thiên Huế xứng tầm là một trong những trung tâm lớn, đặc sắc của cả nước, khu vực Đông Nam Á về du lịch giai đoạn 2021-2025 và tầm nhìn đến năm 2030 do tỉnh Thừa Thiên Huế ban hành

  • Số hiệu: 306/CTr-UBND
  • Loại văn bản: Văn bản khác
  • Ngày ban hành: 07/10/2021
  • Nơi ban hành: Tỉnh Thừa Thiên Huế
  • Người ký: Nguyễn Thanh Bình
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 07/10/2021
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản