Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HÀ NỘI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 252/CTr-UBND

Hà Nội, ngày 05 tháng 11 năm 2021

 

CHƯƠNG TRÌNH

PHỤC HỒI CHỨC NĂNG DỰA VÀO CỘNG ĐỒNG CHO TRẺ EM KHUYẾT TẬT TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HÀ NỘI GIAI ĐOẠN 2021 - 2025

Thực hiện Luật Người khuyết tật; Chương trình số 08-Ctr/TU ngày 17/3/2021 của Thành ủy Hà Nội về Phát triển hệ thống an sinh xã hội, nâng cao phúc lợi xã hội, chất lượng xã hội, chất lượng cuộc sống của Nhân dân Thủ đô giai đoạn 2021 - 2025; Kế hoạch số 207/KH-UBND ngày 08/9/2021 của UBND Thành phố về thực hiện Chương trình 08-Ctr/TU ngày 17/3/2021 của Thành ủy; Kế hoạch số 239/KH-UBND ngày 08/12/2020 của UBND Thành phố về thực hiện Chương trình trợ giúp người khuyết tật thành phố Hà Nội giai đoạn 2021 - 2030; Kế hoạch số 154/KH-UBND ngày 24/6/2021 thực hiện Chương trình trợ giúp xã hội và phục hồi chức năng cho người tâm thần, trẻ em tự kỷ và người rối nhiễu tâm trí dựa vào cộng đồng trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2021 - 2030.

Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội ban hành Chương trình Phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng cho trẻ em khuyết tật trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2021 - 2025 (sau đây viết tắt là Chương trình), cụ thể như sau:

I. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu chung

Thúc đẩy thực hiện Luật Người khuyết tật nhằm cải thiện chất lượng cuộc sống của trẻ em khuyết tật, tạo điều kiện để trẻ khuyết tật tham gia vào các hoạt động xã hội; bảo đảm quyền lợi hợp pháp của trẻ khuyết tật và hỗ trợ trẻ khuyết tật góp phần hoàn thành chỉ tiêu của Chương trình 08-Ctr/TU “100% trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, hoàn cảnh đặc biệt được trợ giúp”, tăng cơ hội để trẻ khuyết tật sớm được phục hồi chức năng tại địa phương và hòa nhập cộng đồng.

2. Mục tiêu cụ thể

- Nâng cao nhận thức cho 90% người dân, cán bộ địa phương, cộng tác viên về vai trò của phát hiện sớm và can thiệp sớm đối với trẻ khuyết tật. Ít nhất 80% trẻ khuyết tật và gia đình có trẻ khuyết tật được cung cấp tài liệu, tham gia tập huấn nâng cao nhận thức, kỹ năng về chăm sóc, trợ giúp và phục hồi chức năng tại cộng đồng.

- Phấn đấu 95% trẻ từ 0 đến 16 tuổi được khảo sát, sàng lọc, phát hiện sớm dạng tật. Ít nhất, 80% trẻ khuyết tật được hỗ trợ can thiệp về chăm sóc, giáo dục, phục hồi chức năng tại cộng đồng và tạo điều kiện thuận lợi để trẻ khuyết tật được tiếp cận với các dịch vụ y tế, giáo dục, vui chơi và các dịch vụ trợ giúp khác.

- Có ít nhất 60% trẻ khuyết tật được hỗ trợ thực hiện phục hồi chức năng tại nhà, xây dựng chương trình phù hợp với khả năng và nhu cầu của từng trẻ, theo dõi định kỳ, đánh giá sự tiến bộ và tư vấn chương trình chuyển tiếp.

- Có ít nhất 40% trẻ khuyết tật và gia đình trẻ khuyết tật có nhu cầu được hỗ trợ phẫu thuật chỉnh hình, hỗ trợ về tài liệu, dụng cụ học tập, dụng cụ phục hồi chức năng tại gia đình và cộng đồng.

- Đề xuất sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện hệ thống chính sách pháp luật đối với trẻ em khuyết tật và việc hỗ trợ trẻ em khuyết tật được tiếp cận với các dịch vụ bảo vệ, chăm sóc, giáo dục tại cộng đồng.

II. ĐỐI TƯỢNG, PHẠM VI

1. Đối tượng

- Trẻ em khuyết tật từ 0 - 16 tuổi bao gồm các dạng tật: trẻ khuyết tật vận động, khuyết tật nghe nói, khuyết tật thần kinh tâm thần, khuyết tật trí tuệ, trẻ khó khăn về ngôn ngữ và giao tiếp, khó khăn về nhận thức, trẻ rối loạn phổ tự kỷ.

- Cán bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, trạm y tế, cộng tác viên dân số, giáo viên mầm non, tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông các xã, phường, thị trấn và các gia đình có trẻ khuyết tật.

2. Phạm vi: Trên địa bàn thành phố Hà Nội.

III. NỘI DUNG HOẠT ĐỘNG

1. Tuyên truyền nâng cao nhận thức

Tổ chức các hoạt động truyền thông, vận động với nhiều hình thức phong phú để phổ biến, tuyên truyền quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đối với người khuyết tật, trẻ em khuyết tật nhằm nâng cao nhận thức, cam kết trách nhiệm và hành động của các cấp, các ngành, gia đình và toàn xã hội trong việc hỗ trợ và đảm bảo trẻ em khuyết tật được tiếp cận các dịch vụ bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em tại cộng đồng, nhất là các chế độ chính sách trợ giúp trẻ khuyết tật của Thành phố hiện nay, nhằm thu hút sự tham gia của cộng đồng vào việc chăm sóc, giáo dục, phục hồi chức năng cho trẻ khuyết tật.

2. Khảo sát sàng lọc, phát hiện sớm trẻ khuyết tật

- Tổ chức tập huấn cho đội ngũ cộng tác viên của Chương trình (bao gồm cán bộ phụ trách Lao động - Thương binh và Xã hội, nhân viên trạm y tế, cộng tác viên y tế, cộng tác viên dân số, giáo viên mầm non... trên địa bàn) về các kiến thức, kỹ năng, phương pháp phát hiện sớm, can thiệp sớm đối với trẻ khuyết tật; cách nhận biết các dạng khuyết tật thường gặp và cách sử dụng các biếu mẫu của Bộ Y tế để khảo sát, sàng lọc, phát hiện khuyết tật ở trẻ.

- Điều tra, sàng lọc toàn bộ các trẻ trong độ tuổi 0 - 16 tuổi trên địa bàn; thu thập, xử lý, lập danh sách trẻ có nghi ngờ khuyết tật và rối loạn phát triển.

3. Khám, đánh giá và phân loại trẻ khuyết tật

- Tổ chức khám, đánh giá, phân loại, thu thập thông tin và tư vấn chuyên sâu đối với những trường hợp trẻ khuyết tật được phát hiện.

- Kết luận tình trạng, mức độ khuyết tật của trẻ và dự báo khả năng tiến triển của trẻ để trao đổi với gia đình.

4. Tập huấn, tư vấn, hỗ trợ, hướng dẫn kỹ năng, phương pháp và xây dựng chương trình can thiệp cho gia đình có trẻ khuyết tật

- Tập huấn, tư vấn, hỗ trợ, hướng dẫn trực tiếp về kỹ năng, phương pháp cho gia đình có trẻ khuyết tật.

- Phối hợp với gia đình xây dựng chương trình can thiệp cá nhân phù hợp với mức độ, khả năng và nhu cầu của trẻ.

- Kết nối, hỗ trợ gia đình tiếp cận các dịch vụ y tế, giáo dục, tiếp cận giáo dục nghề nghiệp, hướng nghiệp nghề đối với trẻ em khuyết tật có khả năng lao động.

- Tư vấn tâm lý, trợ giúp pháp lý cho trẻ khuyết tật và gia đình.

- Hỗ trợ trẻ khuyết tật tham gia các hoạt động văn hóa, văn nghệ, luyện tập thể dục thể thao, vui chơi giải trí để hòa nhập cộng đồng.

- Hỗ trợ trẻ khuyết tật và gia đình có trẻ khuyết tật có những kiến thức, kỹ năng trong phòng chống dịch bệnh và giảm nhẹ thiên tai.

- Thư viện công cộng Thành phố tổ chức được không gian đọc thân thiện, phù hợp với trẻ khuyết tật.

5. Cấp phát dụng cụ hỗ trợ

Đánh giá, xác định mức độ khuyết tật, điều kiện, nhu cầu của trẻ và gia đình để hỗ trợ phẫu thuật hoặc cấp phát các dụng cụ phục hồi chức năng (xe lăn, ghế bại não, khung tập đi và dụng cụ hỗ trợ học tập...) cho trẻ và gia đình.

6. Rà soát, nghiên cứu, kiến nghị, đề xuất sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện hệ thống chính sách pháp luật đối với trẻ em khuyết tật và việc hỗ trợ trẻ em khuyết tật được tiếp cận với các dịch vụ bảo vệ, chăm sóc, giáo dục tại cộng đồng

- Thu thập, quản lý chặt chẽ, hiệu quả số liệu về trẻ em khuyết tật; nhu cầu cần được bảo vệ, chăm sóc, giáo dục của trẻ em khuyết tật để làm cơ sở cho công tác tham mưu, xây dựng kế hoạch, nhiệm vụ, giải pháp thực hiện chính sách, hỗ trợ trẻ em khuyết tật được tiếp cận với các dịch vụ bảo vệ chăm sóc và giáo dục cho trẻ em khuyết tật.

- Phối hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa các cấp, các ngành, đoàn thể, tổ chức xã hội trong việc cung cấp các dịch vụ toàn diện về bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em khuyết tật tại cộng đồng.

- Xây dựng, phát triển và nâng cao hiệu quả hoạt động của các loại hình cơ sở cung cấp dịch vụ bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em khuyết tật tại cộng đồng.

- Xây dựng và vận hành hệ thống thu thập, theo dõi, giám sát, đánh giá việc hỗ trợ trẻ em khuyết tật được tiếp cận các dịch vụ bảo vệ, chăm sóc, y tế và giáo dục tại cộng đồng.

- Kiểm tra, giám sát về tình hình triển khai thực hiện Chương trình trên địa bàn Thành phố; chất lượng các dịch vụ bảo vệ, chăm sóc, y tế, giáo dục trẻ em khuyết tật và việc hỗ trợ, đảm bảo để trẻ em khuyết tật được tiếp cận với các dịch vụ đầy đủ, hiệu quả nhất.

IV. KINH PHÍ THỰC HIỆN

1. Nguồn kinh phí

Kinh phí thực hiện Chương trình phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng cho trẻ em khuyết tật trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2021 - 2025 được đảm bảo từ nguồn ngân sách Nhà nước theo phân cấp hiện hành và các nguồn hợp pháp khác theo quy định của pháp luật.

2. Lập và sử dụng kinh phí

- Việc lập, phê duyệt, sử dụng và quyết toán kinh phí ngân sách nhà nước thực hiện Chương trình theo Luật Ngân sách nhà nước và các quy định có liên quan tại các văn bản pháp luật hiện hành và hướng dẫn của các Bộ, ngành.

- Kinh phí Chương trình đã được phê duyệt hàng năm phải được sử dụng đúng mục đích, có hiệu quả, theo đúng quy định về tiêu chuẩn, chế độ chi tiêu hiện hành và mức chi cho nội dung Chương trình.

- Căn cứ vào mục tiêu, nhiệm vụ của Chương trình đơn vị được giao thực hiện lập dự toán ngân sách chi hằng năm để đảm bảo triển khai thực hiện Chương trình hiệu quả.

V. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội

- Là đầu mối giúp UBND Thành phố quản lý Chương trình; tham mưu cho UBND Thành phố triển khai các nội dung của Chương trình đến các quận, huyện, thị xã và các sở, ngành Thành phố.

- Chịu trách nhiệm toàn diện trước pháp luật và UBND Thành phố về tính chính xác, hợp pháp trong quá trình thực hiện Chương trình. Kiểm tra, giám sát về tiến độ, kinh phí và nội dung thực hiện Chương trình.

- Chỉ đạo tổ chức, quản lý đảm bảo hiệu quả đúng đối tượng, mục tiêu và nhiệm vụ của Chương trình.

- Chỉ đạo đơn vị liên quan triển khai, quản lý, xây dựng kế hoạch cụ thể cho từng nội dung, giai đoạn thực hiện đảm bảo hiệu quả, an toàn, đúng đối tượng, mục tiêu và nhiệm vụ đề ra thực hiện Chương trình.

- Chủ động cung cấp thông tin về các hoạt động triển khai và kết quả thực hiện cho các Sở, ban, ngành, các cơ quan báo chí để thực hiện công tác thông tin, tuyên truyền đạt hiệu quả.

- Chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính báo cáo UBND Thành phố trình HĐND Thành phố bố trí kinh phí ngân sách hàng năm để triển khai Chương trình theo quy định.

2. Sở Y tế

- Chỉ đạo Trung tâm Y tế các quận, huyện, thị xã phối hợp đơn vị liên quan của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội trong việc phối hợp triển khai thực hiện Chương trình phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng cho trẻ em khuyết tật trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2021 - 2025 theo quy định.

- Chỉ đạo thực hiện có hiệu quả công tác sàng lọc trước sinh 4 loại bệnh tật bẩm sinh cho phụ nữ mang thai và sàng lọc 5 bệnh bẩm sinh phổ biến nhất cho trẻ sơ sinh góp phần hoàn thành chỉ tiêu của Chương trình 08-Ctr/TU.

3. Sở Giáo dục và Đào tạo

Chỉ đạo Phòng Giáo dục và Đào tạo các địa phương phối hợp với đơn vị triển khai Chương trình, tham gia tổ chức thực hiện các hoạt động trợ giúp giáo dục, phát hiện, phòng ngừa và thực hiện các biện pháp can thiệp sớm, chăm sóc các trẻ khuyết tật phù hợp với môi trường giáo dục; cử cán bộ, giáo viên tham dự các lớp tập huấn nâng cao năng lực về lĩnh vực giáo dục phục hồi chức năng cho trẻ khuyết tật.

4. Sở Thông tin và Truyền thông

Phối hợp Sở Lao động - Thương binh và Xã hội và các Sở, ngành, đơn vị liên quan hướng dẫn các cơ quan báo chí Thành phố, cơ quan báo chí Trung ương ký chương trình phối hợp công tác với Thành phố và chỉ đạo hệ thống thông tin cơ sở thông tin, tuyên truyền về nội dung, các hoạt động triển khai và kết quả thực hiện Chương trình góp phần nâng cao nhận thức của cộng đồng và xã hội về trẻ khuyết tật và các hoạt động trợ giúp trẻ khuyết tật trên địa bàn Thành phố.

5. Sở Tài chính

Hàng năm, trên cơ sở đề xuất của các đơn vị và khả năng cân đối ngân sách, báo cáo UBND Thành phố trình HĐND Thành phố bố trí kinh phí triển khai Chương trình theo quy định.

6. Ủy ban nhân dân các quận, huyện, thị xã

- Phối hợp, triển khai Kế hoạch thực hiện Chương trình phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng cho trẻ em khuyết tật trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2021 - 2025 tại địa phương.

- Chủ động bố trí ngân sách, nguồn nhân lực, lồng ghép các chương trình, các đề án có liên quan trên địa bàn để đảm bảo thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ được giao của Chương trình.

- Chỉ đạo các phòng chức năng liên quan của địa phương, phối hợp với đơn vị triển khai Chương trình, thực hiện các nội dung sau:

Chọn địa bàn tổ chức, triển khai thực hiện Chương trình, địa điểm tổ chức hội nghị tập huấn, phân loại khuyết tật.

Khảo sát, sàng lọc phát hiện sớm khuyết tật bẩm sinh và trẻ có rối loạn phát triển; khám phân loại trẻ khuyết tật tại địa phương.

Trên đây là Chương trình Phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng cho trẻ em khuyết tật trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2021 - 2025, Ủy ban nhân dân Thành phố yêu cầu các sở, ban ngành, Ủy ban nhân các quận, huyện, thị xã nghiêm túc triển khai thực hiện./.

 


Nơi nhận:
- Bí thư Thành ủy;
- Bộ LĐTB&XH;
- T.Trực: Thành ủy, HĐND Thành phố;
- Chủ tịch UBND Thành phố;
- Các Sở: LĐTB&XH, Y tế, GD&ĐT, Tài chính, TT&TT;
- UBND các quận, huyện, thị xã;
- Đài PT&TH Hà Nội, Báo HN mới, Báo KT&ĐT,
Cổng GTĐT Thành phố;
- VPUB: CVP, PCVP P.T.T.Huyền;
- Phòng KGVX, TH, TKBT;
- Lưu: VT, KGVX Dg.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Chử Xuân Dũng

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Chương trình 252/CTr-UBND năm 2021 về phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng cho trẻ em khuyết tật trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2025

  • Số hiệu: 252/CTr-UBND
  • Loại văn bản: Văn bản khác
  • Ngày ban hành: 05/11/2021
  • Nơi ban hành: Thành phố Hà Nội
  • Người ký: Chử Xuân Dũng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 05/11/2021
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản