Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
UỶ BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 22/CT-UBND | Hà Nội, ngày 12 tháng 11 năm 2010 |
CHỈ THỊ
VỀ MỘT SỐ BIỆN PHÁP TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC PHÒNG CHÁY, CHỮA CHÁY TẠI CÁC NHÀ CHUNG CƯ CAO TẦNG TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ
Cùng với quá trình mở rộng địa giới hành chính Thủ đô Hà Nội, quá trình đô thị hoá và sự phát triển về kinh tế, trên địa bàn Thành phố ngày càng xuất hiện nhiều nhà chung cư cao tầng. Theo kết quả kiểm tra của Sở Xây dựng và Công an Thành phố, tình hình quản lý, sử dụng nhà chung cư, đặc biệt là công tác phòng cháy chữa cháy tại các nhà chung cư cao tầng, còn nhiều bất cập.
Nhiều nhà chung cư cao tầng đã được đưa vào sử dụng khi chưa được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện về phòng cháy chữa cháy; tình trạng chiếm dụng lòng đường, vỉa hè làm mặt bằng kinh doanh, đỗ xe, trông giữ xe, sử dụng sai mục đích cầu thang thoát hiểm, dựng lồng sắt ở ban công... làm ảnh hưởng đến hoạt động phòng cháy chữa cháy còn diễn ra phổ biến và có chiều hướng gia tăng; việc sản xuất, lắp đặt vật liệu, thiết bị thu gom rác, phòng cháy chữa cháy không đảm bảo chất lượng, an toàn diễn ra khá phổ biến tại nhiều nhà chung cư; công tác bảo dưỡng, bảo trì, thay thế thiết bị, hệ thống vận hành, hệ thống phòng cháy chữa cháy của toà nhà còn chưa được thực hiện thường xuyên, kịp thời; công tác phổ biến kiến thức, huấn luyện kỹ năng, xây dựng phương án, bố trí lực lượng thường xuyên theo dõi, ứng trực phòng cháy chữa cháy còn chưa được quan tâm; ý thức sinh hoạt cộng đồng, ý thức phòng cháy chữa cháy của nhân dân trong khu nhà chung cư, nói chung, còn thấp...
Thực trạng trên có nhiều nguyên nhân nhưng chủ yếu là nguyên nhân chủ quan thuộc về các chủ đầu tư, đơn vị quản lý nhà chung cư, đơn vị sản xuất vật liệu, thiết bị xây dựng và chính bản thân người dân sống trong khu vực; công tác kiểm tra, xử lý theo thẩm quyền và theo quy định của các cơ quan quản lý nhà nước đối với các hành vi vi phạm còn thiếu triệt để, thường xuyên và nghiêm minh...
Nhằm mục đích bảo đảm an toàn cho tính mạng và tài sản của nhân dân sinh sống tạo khu vực nhà chung cư cao tầng, nâng cao ý thức trách nhiệm của các chủ đầu tư, đơn vị quản lý nhà chung cư, đơn vị sản xuất vật liệu, thiết bị xây dựng, của nhân dân và của cán bộ, công chức các cơ quan nhà nước trong các hoạt động liên quan đến quản lý, sử dụng, vận hành nhà chung cư, đặc biệt là trong công tác phòng cháy, chữa cháy, UBND Thành phố chỉ thị:
1. Chủ đầu tư, chủ sở hữu, người sử dụng nhà chung cư, Chủ tịch UBND phường, xã, thị trấn và Chủ tịch UBND quận, huyện, thị xã có quyền và nghĩa vụ tham gia các hoạt động phòng cháy và chữa cháy theo đúng quy định của pháp luật; có trách nhiệm tìm hiểu, học tập pháp luật và kiến thức về phòng cháy, chữa cháy, giám sát, tham gia và thực hiện đúng các quy định về điều kiện an toàn phòng cháy, chữa cháy tại mỗi hộ gia đình, nhà chung cư, địa bàn khu dân cư.
2. Nhà chung cư phải đảm bảo các điều kiện an toàn về phòng cháy, chữa cháy theo quy định của pháp luật như: có thiết kế về phòng cháy, chữa cháy được thẩm duyệt; có phương án chữa cháy được phê duyệt; có quy định, nội quy về phòng cháy, chữa cháy, về sử dụng điện, sử dụng lửa và các chất dễ cháy, nổ; có biển cấm, biển báo, sơ đồ hoặc biển chỉ dẫn về phòng cháy, chữa cháy, thoát nạn phù hợp với đặc điểm của khu dân cư; có hệ thống vận hành, hệ thống điện, thu gom rác thải đảm bảo tiêu chuẩn an toàn về phòng cháy, chữa cháy; có phương tiện phòng cháy, chữa cháy đảm bảo số lượng và chất lượng; có lực lượng phòng cháy, chữa cháy được huấn luyện và tổ chức ứng trực tại chỗ; có hồ sơ quản lý, theo dõi hoạt động phòng cháy, chữa cháy... An toàn về phòng cháy, chữa cháy tại nhà chung cư phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền kiểm tra thường xuyên, định kỳ, và đột xuất; hành vi vi phạm pháp luật về phòng cháy, chữa cháy phải được phát hiện và xử lý kịp thời, nghiêm minh.
3. Chủ đầu tư, các đơn vị tham gia hoạt động xây dựng trên địa bàn chịu trách nhiệm thực hiện đúng các yêu cầu của pháp luật về phòng cháy, chữa cháy khi lập dự án, thiết kế, thẩm tra thiết kế, thẩm định thiết kế, giám sát thi công, thi công xây dựng, lắp đặt thiết bị công trình, kiểm định chất lượng, chứng nhận sự phù hợp về chất lượng công trình.
Chủ đầu tư, chủ sở hữu nhà chung cư có trách nhiệm xây dựng Bản nội quy quản lý sử dụng nhà chung cư theo đúng quy định của pháp luật, trong đó, phải có quy định, nội quy về phòng cháy, chữa cháy, về sử dụng điện, sử dụng lửa và các chất dễ cháy, nổ. Chủ sở hữu, người sử dụng nhà chung cư, đơn vị quản lý nhà chung cư có trách nhiệm thực hiện nghiêm túc Bản nội quy quản lý sử dụng nhà chung cư đã được thông qua; tổ chức kiểm tra định kỳ, sửa chữa, bổ sung thiết bị vận hành, thiết bị phòng cháy, chữa cháy, cầu thang thoát hiểm…, đảm bảo số lượng, chất lượng, công năng sử dụng; tham gia học tập, huấn luyện kỹ năng về phòng cháy, chữa cháy; tham gia chữa cháy và khắc phục hậu quả vụ cháy; lưu trữ hồ sơ quản lý, theo dõi hoạt động phòng cháy, chữa cháy theo quy định.
Chủ sở hữu, người sử dụng nhà chung cư có trách nhiệm: xây dựng phương án chữa cháy trình Chủ tịch UBND phường, xã, thị trấn phê duyệt theo quy định của pháp luật; tổ chức lực lượng phòng cháy và chữa cháy; tổ chức thực tập phương án chữa cháy; thực hiện bảo trì đối với phần sở hữu riêng; đóng góp đầy đủ, đúng thời hạn các khoản kinh phí cho việc quản lý, vận hành nhà chung cư, thực tập phòng cháy, chữa cháy, bảo trì phần sở hữu chung... vì lợi ích và sự an toàn của bản thân và cộng đồng.
4. Chủ tịch UBND phường, xã, thị trấn có trách nhiệm thực hiện đúng quy định của pháp luật và theo thẩm quyền trong việc: tổ chức tuyên truyền, giáo dục pháp luật, kiến thức về phòng cháy và chữa cháy cho nhân dân; thành lập tổ dân phòng, ban hành quy chế hoạt động, tổ chức huấn luyện, bồi dưỡng nghiệp vụ về phòng cháy và chữa cháy, bảo đảm kinh phí, trang bị phương tiện và bảo đảm các điều kiện duy trì hoạt động của lực lượng dân phòng trong việc tham gia công tác phòng cháy và chữa cháy; tổ chức kiểm tra thường xuyên, định kỳ và đột xuất an toàn về phòng cháy và chữa cháy; tổ chức chữa cháy và khắc phục hậu quả vụ cháy; xử lý hành chính đối với các hành vi vi phạm quy định về phòng cháy và chữa cháy (bao gồm cả hành vi vi phạm trật tự xây dựng, lấn chiếm không gian, gây cản trở cho hoạt động chữa cháy).
5. Chủ tịch UBND quận, huyện, thị xã có trách nhiệm thực hiện đúng quy định của pháp luật và theo thẩm quyền trong việc: chỉ đạo và tổ chức tuyên truyền, giáo dục pháp luật, kiến thức về phòng cháy và chữa cháy cho nhân dân trên địa bàn, đặc biệt là nhân dân sống tại các nhà chung cư cao tầng; tổ chức kiểm tra an toàn về phòng cháy và chữa cháy theo chế độ kiểm tra định kỳ và đột xuất; chỉ đạo việc xây dựng và thực tập phương án chữa cháy trên địa bàn cần huy động nhiều lực lượng, phương tiện tham gia; chỉ đạo tổ chức chữa cháy và khắc phục hậu quả vụ cháy; xử lý hành chính đối với các hành vi vi phạm quy định về phòng cháy và chữa cháy (bao gồm cả hành vi vi phạm trật tự xây dựng, lấn chiếm không gian, gây cản trở cho hoạt động chữa cháy).
6. Cơ quan cảnh sát phòng cháy và chữa cháy có trách nhiệm thẩm duyệt về thiết kế phòng cháy và chữa cháy; chỉ đạo, kiểm tra về chuyên môn, nghiệp vụ phòng cháy chữa cháy đối với lực lượng dân phòng, lực lượng phòng cháy và chữa cháy tại các nhà chung cư cao tầng; hướng dẫn, kiểm tra việc xây dựng, thực tập, quản lý và sử dụng phương án chữa cháy theo đúng quy định của pháp luật.
7. Sở Xây dựng có trách nhiệm: chủ trì, phối hợp với các sở, ngành có liên quan, UBND các quận, huyện, thị xã tổ chức kiểm tra thường xuyên, định kỳ và đột xuất các chủ đầu tư, đơn vị quản lý nhà chung cư trong việc tuân thủ các quy định của pháp luật về quản lý chất lượng sau khi đưa công trình vào sử dụng; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động xây dựng; tham gia ý kiến về thiết kế cơ sở theo quy định, trong đó, cần đặc biệt lưu ý các vấn đề liên quan đến an toàn chịu lực (đối với công trình có tầng hầm mà mặt bằng tầng hầm không trùng với mặt bằng tầng 1, phải yêu cầu thiết kế hệ thống kết cấu dầm sàn chịu được tải trọng của xe chữa cháy), an toàn trong sử dụng và an toàn phòng cháy, chữa cháy; kiểm tra kỹ nội dung về phòng cháy, chữa cháy theo đúng quy định của pháp luật khi xem xét, cấp giấy phép xây dựng.
8. Sở Giao thông vận tải có trách nhiệm: chủ trì, phối hợp với Công an Thành phố, UBND các quận, huyện, thị xã rà soát, kiểm tra việc bố trí và việc thực hiện quy định về các điểm đỗ xe, trông giữ xe trên vỉa hè, lòng đường, đặc biệt là tại các khu nhà chung cư, theo thẩm quyền và theo quy định của pháp luật, đảm bảo trật tự an toàn giao thông, vệ sinh môi trường, mỹ quan đô thị; chỉ đạo Thanh tra giao thông kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy định về đỗ xe, trông giữ xe, lập lại trật tự tại khu vực các nhà chung cư.
9. Các sở Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với Công an Thành phố, các sở, ngành liên quan, UBND các quận, huyện, thị xã nghiên cứu, đề xuất bố trí ngân sách đảm bảo cho các hoạt động phòng cháy, chữa cháy theo quy định của pháp luật, báo cáo UBND Thành phố trình HĐND Thành phố thông qua.
10. Công ty TNHH1TV Quản lý và phát triển nhà Hà Nội có trách nhiệm: thực hiện nghĩa vụ của chủ sở hữu theo quy định của pháp luật đối với các nhà chung cư cao tầng hiện do Công ty đang quản lý; tổ chức triển khai thực hiện trong quý IV năm 2010 việc rà soát, kiểm tra, cải tạo, sửa chữa, bổ sung thiết bị phòng cháy, chữa cháy, cầu thang thoát hiểm…, đảm bảo số lượng, chất lượng, công năng sử dụng tại các nhà chung cư cao tầng để được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện về phòng cháy, chữa cháy; chấn chỉnh lại bộ máy quản lý các nhà chung cư cao tầng hiện do Công ty đang quản lý; chỉ nhận bàn giao nhà chung cư sau khi công trình đã được tổ chức nghiệm thu theo quy định của pháp luật.
11. Chủ sở hữu, người sử dụng, đơn vị quản lý các nhà chung cư có sử dụng ống đổ rác do Công ty cổ phần nhựa cốt sợi thuỷ tinh Mai Động sản xuất có trách nhiệm phối hợp với cơ quan quản lý nhà nước về phòng cháy, chữa cháy và đơn vị tư vấn thiết kế khẩn trương nghiên cứu và triển khai các giải pháp nâng cao tính an toàn như: lắp đặt hệ thống chữa cháy tự động và quạt thông hơi trong ống thu rác; thường xuyên kiểm tra hệ thống thu gom rác từ tầng cao nhất trở xuống; tuyên truyền và thực hiện đúng việc phân loại rác, đổ rác…; đồng thời có phương án thay thế hệ thống đổ rác trên để đảm bảo an toàn phòng cháy, chữa cháy.
Các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân phải chủ động thực hiện phần trách nhiệm đã được pháp luật quy định và được nêu trong Chỉ thị này. Trường hợp có khó khăn, vướng mắc vượt quá thẩm quyền giải quyết, các cơ quan, đơn vị có trách nhiệm đề xuất, gửi Sở Xây dựng tổng hợp, báo cáo UBND Thành phố xem xét, giải quyết./.
Nơi nhận: | TM. UỶ BAN NHÂN DÂN |
- 1Chỉ thị 33/CT-UBND năm 2009 tăng cường công tác phòng cháy, chữa cháy rừng mùa khô năm 2009 - 2010 trên địa bàn thành phố Hà Nội do Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội ban hành
- 2Chỉ thị 04/CT-CTUBND năm 2010 về tăng cường các biện pháp cấp bách trong công tác bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng và chống người thi hành công vụ trong công tác quản lý, bảo vệ rừng do Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Định ban hành
- 3Chỉ thị 20/CT-UBND năm 2010 về tăng cường công tác phòng cháy, chữa cháy rừng mùa khô năm 2010 – 2011 trên địa bàn thành phố Hà Nội do Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội ban hành
- 4Chỉ thị 02/2012/CT-UBND về tăng cường công tác phòng cháy, chữa cháy chợ, trung tâm thương mại và các cơ sở sản xuất tư nhân trên địa bàn tỉnh Nghệ An
- 5Chỉ thị 10/CT-UBND năm 2012 về tăng cường chỉ đạo thực hiện biện pháp công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ do tỉnh Hà Tĩnh ban hành
- 6Kế hoạch 2646/KH-UBND năm 2015 về ứng phó với sự cố cháy lớn nhà cao tầng, khu đô thị, khu công nghiệp, khu dân cư tỉnh Gia Lai đến năm 2020
- 7Công văn 1267/UBND-ĐT năm 2018 về tăng cường hiệu lực công tác quản lý, sử dụng nhà chung cư cao tầng trên địa bàn thành phố Hà Nội
- 8Nghị quyết 26/NQ-HĐND năm 2023 về biện pháp tăng cường công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ trên địa bàn thành phố Hà Nội
- 1Chỉ thị 33/CT-UBND năm 2009 tăng cường công tác phòng cháy, chữa cháy rừng mùa khô năm 2009 - 2010 trên địa bàn thành phố Hà Nội do Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội ban hành
- 2Chỉ thị 04/CT-CTUBND năm 2010 về tăng cường các biện pháp cấp bách trong công tác bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng và chống người thi hành công vụ trong công tác quản lý, bảo vệ rừng do Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Định ban hành
- 3Chỉ thị 20/CT-UBND năm 2010 về tăng cường công tác phòng cháy, chữa cháy rừng mùa khô năm 2010 – 2011 trên địa bàn thành phố Hà Nội do Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội ban hành
- 4Chỉ thị 02/2012/CT-UBND về tăng cường công tác phòng cháy, chữa cháy chợ, trung tâm thương mại và các cơ sở sản xuất tư nhân trên địa bàn tỉnh Nghệ An
- 5Chỉ thị 10/CT-UBND năm 2012 về tăng cường chỉ đạo thực hiện biện pháp công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ do tỉnh Hà Tĩnh ban hành
- 6Kế hoạch 2646/KH-UBND năm 2015 về ứng phó với sự cố cháy lớn nhà cao tầng, khu đô thị, khu công nghiệp, khu dân cư tỉnh Gia Lai đến năm 2020
- 7Công văn 1267/UBND-ĐT năm 2018 về tăng cường hiệu lực công tác quản lý, sử dụng nhà chung cư cao tầng trên địa bàn thành phố Hà Nội
- 8Nghị quyết 26/NQ-HĐND năm 2023 về biện pháp tăng cường công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ trên địa bàn thành phố Hà Nội
Chỉ thị số 22/CT-UBND về một số biện pháp tăng cường công tác phòng cháy, chữa cháy tại các nhà chung cư cao tầng trên địa bàn Thành phố Hà Nội
- Số hiệu: 22/CT-UBND
- Loại văn bản: Chỉ thị
- Ngày ban hành: 12/11/2010
- Nơi ban hành: Thành phố Hà Nội
- Người ký: Phí Thái Bình
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: Kiểm tra
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra