Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
Nếu bạn là thành viên. Vui lòng ĐĂNG NHẬP để tiếp tục.
BỘ NỘI THƯƠNG ****** | VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA ******** |
Số: 993-NT/TNTD | Hà Nội, ngày 12 tháng 12 năm 1959 |
VỀ VIỆC QUẢN LÝ VÀ TIẾN HÀNH TỚI THỐNG NHẤT ĐO LƯỜNG TRONG NGÀNH THƯƠNG NGHIỆP
Ở nước ta, từ lâu, hệ thống đo đường theo mét thập phân quốc tế đã được áp dụng song song với hệ thống đo lường cổ truyền.
Từ tháng 01 năm 1950 Chính phủ đã ban hành sắc lệnh số 8-SL chính thức công bố thống nhất chế độ đo lường theo hệ thống mét quốc tế.
Mặc dù dụng cụ đo lường làm theo quy cách quốc tế đã được sử dụng một cách phổ biến trong giao dịch của thương nghiệp tư doanh cũng như của quốc doanh, hiện nay tình hình đo lường vẫn phức tạp, dụng cụ khá sai lệch:
Trong tư doanh, hầu hết dụng cụ đều non, có nơi dùng thanh sắt, hòn đá để làm quả cân. Trong quốc doanh, dụng cụ cái thì già, cái thì non và không biết thế nào là sai là đúng. Mức độ nhậy của cân quá thấp.
Nguyên nhân là tư thương lợi dụng việc không có cơ quan quản lý đo lường dùng mọi thủ đoạn để gian lậu về đo lường. Dụng cụ của quốc doanh thì do bảo quản kém; riêng đối với cân nội thì còn do kỹ thuật sản xuất và phẩm chất nguyên liệu kém. Ta cũng chưa có cơ quan phụ trách quản lý đo lường đồng thời chưa có dụng cụ mẫu thống nhất pháp định.
Tình trạng trên gây nhiều tác hại: người sản xuất lẫn người tiêu thụ bị thương nhân bóc lột bằng đo lường gian dối, giá cả thị trường không ổn định. Tư thương còn thu nhiều lợi nhuận ảnh hưởng không tốt đến việc cải tạo theo đường lối xã hội chủ nghĩa. Đối với thương nghiệp quốc doanh thì tài sản Nhà nước bị thiệt hại, nhân dân kêu ca, giao dịch bị trở ngại.
Do đó, việc thống nhất đo lường toàn diện trong toàn dân là cần thiết, có liên quan đến nhiều ngành phải do Thủ tướng phủ phụ trách và phải thực hiện dần dần, không thể làm hết cả ngay một lúc.
Hiện nay về thương nghiệp do yêu cầu phát triển thương nghiệp quốc doanh, quản lý thị trường và nhiệm vụ cải tạo công thương nghiệp tư bản chủ nghĩa, Bộ chủ trương:
1. Thương nghiệp quốc doanh phải điều chỉnh, hạn chế bớt mức sai lệch và dần dần thống nhất dụng cụ đo lường trong ngành mình và gương mẫu trong vấn đề đo lường đúng.
2. Quản lý việc đo lường và dụng cụ đo lường của thương nghiệp tư doanh.
3. Xây dựng cơ sở quốc doanh sản xuất và sửa chữa dụng cụ đo lường và quản lý các cơ sở sản xuất và sửa chữa dụng cụ đo lường của tư doanh.
Việc thực hiện chủ trương này phải làm từng bước vững chắc từ trong thương nghiệp quốc doanh ra ngoài thương nghiệp tư doanh, từ thành thị đến nông thôn, từ dụng cụ thông thường đến dụng cụ phức tạp.
1. Tổ chức:
Để thực hiện chủ trương trên cần xây dựng một tổ chức từ Bộ đến Sở, Ty và trang bị cho tổ chức này những dụng cụ mẫu thống nhất pháp định và những dụng cụ cần thiết cho công tác kiểm nghiệm.
a) Ở Bộ tổ chức một phòng phụ trách công tác đo lường gồm 7 cán bộ và trang bị dụng cụ mẫu thống nhất pháp định và dụng cụ cần thiết cho công tác điều chỉnh mẫu cho các địa phương (nằm trong Vụ Quản lý thương nghiệp).
Phòng này có nhiệm vụ giúp Bộ:
- Nghiên cứu các biện pháp và quản lý đo lường;
- Nghiên cứu và hướng dẫn kỹ thuật sản xuất,
- Hướng dẫn bảo quản tốt và kiểm nghiệm dụng cụ đo lường,
- Đào tạo cán bộ làm công tác đo lường cho địa phương,
- Bảo quản dụng cụ mẫu thống nhất pháp định của Bộ,
- Thường xuyên kiểm tra công tác đo lường của địa phương.
- Điều chỉnh dụng cụ mẫu cho địa phương.
b) Ở địa phương mỗi Sở, Ty tùy theo khối lượng công tác nhiều hay ít, cần tổ chức một phòng hoặc một tổ nằm trong Phòng quản lý công thương, phụ trách công tác đo lường có từ 2 đến 5 cán bộ, (Riêng Hà Nội có 9 cán bộ) và trang bị đủ dụng cụ mẫu thống nhất pháp định và dụng cụ cần thiết cho công tác kiểm nghiệm.
Phòng hoặc tổ phụ trách công tác đo lường có nhiệm vụ giúp Sở, Ty:
- Bảo quản dụng cụ mẫu pháp định,
- Hướng dẫn bảo quản tốt dụng cụ đo lường của thương nghiệp quốc doanh; công tư hợp doanh đồng thời giáo dục ý thức tư tưởng đúng đắn về đo lường cho cán bộ mậu dịch.
- Hướng dẫn về kỹ thuật sản xuất dụng cụ đo lường và thường xuyên quản lý các nhà sản xuất sửa chữa dụng cụ đo lường.
- Quản lý đo lường của ngành thương nghiệp về mặt hành chính, tổ chức kiểm nghiệm thường kỳ và bất thường và lúc xuất xưởng, xuất kho.
- Thủ lệ phí kiểm nghiệm nộp cho quỹ khi nào có nghị định.
c) Ở mỗi Tổng công ty, Công ty có nhiều dụng cụ đo lường cần cử một cán bộ phụ trách vấn đề bảo quản và thường xuyên kiểm tra dụng cụ đo lường, đề nghị sửa chữa dụng cụ sai lệch.
2. Công tác trước mắt:
a) Tổng Công ty Ngũ kim phối hợp với Cục Công nghệ phẩm, Cục Quản lý sản xuất, Vụ Quản lý Thương nghiệp (Phòng Pháp chế đo lường) và Hà Nội, nghiên cứu đề án xây dựng cơ sở quốc doanh sản xuất và sửa chữa dụng cụ đo lường ở Hà Nội. Các Công ty ngũ kim phối hợp với Sở, Ty Thương nghiệp và Sở, Ty sản xuất nghiên cứu tổ chức những cơ sở quốc doanh sửa chữa hoặc sản xuất và sửa chữa dụng cụ đo lường để giải quyết nhu cầu cho địa phương mình. Nơi nào có cơ sở của tư nhân thì tổ chức họ lại và sử dụng.
b) Các Sở, Ty nghiên cứu:
- Tổ chức một phòng hoặc một tổ phụ trách đo lường,
- Đề nghị Ủy ban Hành chính bổ sung biên chế (điều chỉnh cán bộ nơi khác về hoặc tuyển dụng người mới. Cán bộ phải có trình độ văn hóa lớp 7 trở lên).
- Đề nghị Ủy ban Hành chính dự trù ngân sách 1960, một số kinh phí từ 2 đến 3.000đ để mua dụng cụ mẫu thống nhất và dụng cụ cần thiết trong công tác kiểm nghiệm đo lường.
Đây là một công tác mới và phức tạp, các địa phương căn cứ chỉ thị này chuẩn bị ngay từ bây giờ. Đầu năm 1960, Bộ sẽ mở lớp đào tạo đo lường, các địa phương có cán bộ gửi về học. Sau khi có cán bộ và dụng cụ Bộ sẽ hướng dẫn kế hoạch tiến hành công tác.
| K.T. BỘ TRƯỞNG BỘ NỘI THƯƠNG THỨ TRƯỞNG
Lê Trung Toản |
Chỉ thị 993-NT/TNTD năm 1959 về quản lý và tiến hành tới thống nhất đo lường trong ngành thương nghiệp do Bộ Nội Thương ban hành
- Số hiệu: 993-NT/TNTD
- Loại văn bản: Chỉ thị
- Ngày ban hành: 12/12/1959
- Nơi ban hành: Bộ Nội thương
- Người ký: Lê Trung Toản
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Số 50
- Ngày hiệu lực: Kiểm tra
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra