Hệ thống pháp luật

BỘ QUỐC PHÒNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 98/CT-BQP

Hà Nội, ngày 26 tháng 10 năm 2019

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG BIỆN PHÁP NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG CÔNG TÁC TUYỂN CHỌN, GỌI CÔNG DÂN NHẬP NGŨ TRONG TÌNH HÌNH MỚI

Thực hiện Luật Nghĩa vụ quân sự năm 2015 và các quy định, hướng dẫn thi hành Luật; những năm qua, cấp ủy, chính quyền địa phương và cấp ủy, chỉ huy các cấp trong Bộ Quốc phòng đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện tốt công tác tuyển chọn, gọi công dân nhập ngũ (sau đây gọi tắt là công tác tuyển quân), góp phần quan trọng nâng cao sức mạnh tổng hợp của Quân đội, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam Xã hội chủ nghĩa trong mọi tình huống; đồng thời, tạo nguồn lực lượng dự bị động viên hùng hậu, chất lượng ngày càng cao và tạo nguồn cán bộ cơ sở đối với các địa phương vùng sâu, vùng xa.

Hằng năm, đã tuyển chọn, gọi nhập ngũ đủ chỉ tiêu, bảo đảm chất lượng, đáp ứng nhu cầu tổ chức biên chế của các đơn vị và quân số thực hiện nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ và Bộ trưởng Bộ Quốc phòng. Tuy nhiên, công tác lãnh đạo, chỉ đạo của một số cấp ủy, chính quyền địa phương cơ sở chưa sâu sát; việc tuyên truyền, giáo dục pháp luật về nghĩa vụ quân sự (NVQS) chưa thường xuyên, sâu rộng; sự phối hợp, hiệp đồng của các ban, ngành, đoàn thể chưa đồng bộ. Một số, cơ quan quân sự thực hiện quy trình tuyển quân cứng nhắc, hiệu quả thấp, thời gian kéo dài, cán bộ làm công tác tuyển quân thực hiện chưa đúng quy trình, quy định, có biểu hiện tiêu cực. Chất lượng công dân nhập ngũ của một số địa phương hạn chế, tỷ lệ bù đổi nhiều. Công tác đăng ký, quản lý công dân trong độ tuổi sẵn sàng nhập ngũ tại các địa phương nơi có nhiều khu công nghiệp, cơ sở đào tạo cao đẳng, đại học chưa chặt chẽ, dẫn đến nhiều trường hợp lợi dụng, trốn tránh thực hiện NVQS, gây bức xúc trong dư luận. Một số đơn vị nhận quân hiệp đồng với địa phương, thâm nhập hồ sơ chưa chặt chẽ; chất lượng đội ngũ cán bộ khung huấn luyện chiến sĩ mới ở một số đơn vị còn hạn chế; nắm, quản lý tình hình tư tưởng, tâm tư nguyện vọng của chiến sĩ mới chưa tốt, còn để xảy ra vụ việc nghiêm trọng.

Để nâng cao chất lượng công tác tuyển quân trong thời gian tới; Bộ trưởng Bộ Quốc phòng chỉ thị:

1. Cấp ủy, chỉ huy các cơ quan, đơn vị trong Bộ Quốc phòng tiếp tục quán triệt sâu sắc, chỉ đạo quyết liệt và triển khai đồng bộ các biện pháp trong thực hiện quy trình tuyển quân; nêu cao trách nhiệm của người đứng đầu, phát huy vai trò nòng cốt của cơ quan quân sự địa phương trong tham mưu cho cấp ủy, chính quyền cùng cấp và trực tiếp tổ chức thực hiện, hiệu quả; đồng thời, đề cao dân chủ, vai trò giám sát và sự đồng thuận của Nhân dân, bảo đảm đúng quy định của pháp luật, công khai, công bằng xã hội, góp phần không ngừng nâng cao chất lượng tuyển chọn công dân nhập ngũ hằng năm vào Quân đội.

2. Bộ Tổng Tham mưu chủ trì, phối hợp với các cơ quan chức năng hướng dẫn, kiểm tra các địa phương, đơn vị, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cơ sở đào tạo về thực hiện Luật NVQS năm 2015, Nghị định số 13/2016/NĐ-CP ngày 19/02/2016 của Chính phủ và các văn bản hướng dẫn thi hành. Nắm chắc số lượng, chất lượng nguồn công dân sẵn sàng nhập ngũ, làm cơ sở đề nghị Thủ tướng Chính phủ giao chỉ tiêu tuyển quân hằng năm, gắn với địa bàn dự bị động viên và tạo nguồn cán bộ cơ sở cho địa phương, nhất là vùng sâu, vùng xa, khó khăn; chú trọng tuyển chọn, gọi nhập ngũ những công dân tốt nghiệp cao đẳng, đại học và con em đồng bào dân tộc ít người, không để “xã trắng” trong tuyển quân. Thường xuyên nắm chắc tình hình, dự báo, tham mưu, đề xuất với Thủ trưởng Bộ Quốc phòng xem xét, quyết định chủ trương, biện pháp về công tác tuyển quân; đồng thời, hướng dẫn chỉ đạo các đơn vị phối hợp hiệp đồng chặt chẽ với địa phương, có kế hoạch cụ thể, thực hiện tốt việc đưa, đón bộ đội hoàn thành NVQS, xuất ngũ về địa phương tận tình, chu đáo.

3. Tổng cục Chính trị chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra các đơn vị thực hiện công tác đảng, công tác chính trị trước, trong và sau tuyển quân. Chủ trì, phối hợp đề xuất biện pháp nâng cao chất lượng chính trị, đạo đức công dân nhập ngũ. Chủ động phối hợp các cấp, các ngành chăm lo, làm tốt công tác hậu phương quân đội. Phối hợp với cơ quan chức năng trong và ngoài Quân đội, bằng nhiều hình thức, đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật về NVQS; khơi dậy tinh thần yêu nước, niềm vinh dự tự hào là người chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng; động viên công dân trong độ tuổi tự giác sẵn sàng lên đường nhập ngũ.

4. Tổng cục Hậu cần, Tổng cục Kỹ thuật và các cơ quan liên quan của Bộ Quốc phòng theo chức năng nhiệm vụ, chỉ đạo, hướng dẫn đơn vị chuẩn bị tốt các mặt đảm bảo: Nuôi dưỡng, chăm sóc sức khỏe bộ đội; cơ sở, vật chất; vũ khí trang bị cho công tác tuyển quân, huấn luyện chiến sĩ mới hằng năm. Riêng khám phúc tra sức khỏe chiến sĩ mới, Tổng cục Hậu cần chỉ đạo, hướng dẫn cụ thể, tổ chức theo cụm đơn vị trong cùng địa bàn đóng quân.

5. Các quân khu, Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội chỉ đạo cơ quan quân sự các cấp làm tốt chức năng tham mưu cho cấp ủy đảng, chính quyền địa phương trong nhiệm vụ tuyển quân hằng năm; thường xuyên nắm chắc số lượng, chất lượng công dân trong độ tuổi nhập ngũ; đối tượng được tạm hoãn, miễn gọi nhập ngũ; công dân đủ điều kiện nhập ngũ đang tạm vắng...; đề xuất giao chỉ tiêu nhập ngũ phù hợp từng địa phương cơ sở, nhiệm vụ đơn vị nhận quân. Kiện toàn Hội đồng khám sức khỏe đủ thành phần; có trình độ chuyên môn tốt; huy động đầy đủ trang thiết bị, vật tư y tế phục vụ cho công tác khám tuyển. Hội đồng NVQS chịu trách nhiệm trước cấp ủy cùng cấp và cấp trên về chất lượng tuyển quân. Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính; ứng dụng công nghệ thông tin; thực hiện quy trình các bước tuyển quân nhanh gọn, khoa học, giảm phiền hà đối với công dân; phối hợp, hiệp đồng, tạo điều kiện thuận lợi cho đơn vị nhận quân trên địa bàn. Kiên quyết xử lý những tổ chức, cá nhân lợi dụng chức trách, quyền hạn được giao gây nhũng nhiễu, tiêu cực trong tuyển quân và những công dân vi phạm pháp luật về NVQS. Giải quyết kịp thời những kiến nghị, phản ánh, khiếu nại ngay tại cơ sở, không để tình trạng đơn thư vượt cấp. Thực hiện tốt chủ trương tuyển quân “tròn khâu” tại địa phương với phương châm “tuyển người nào chắc người đó”; hạn chế thấp nhất loại trả, bù đổi; quá trình thực hiện, lấy cấp huyện, cấp trung đoàn làm trung tâm.

6. Các đơn vị nhận quân phối hợp, hiệp đồng chặt chẽ với địa phương giao quân; cử cán bộ có kinh nghiệm đi hiệp đồng, thâm nhập đúng, đủ thành phần, nắm chắc tiêu chuẩn, chất lượng công dân nhập ngũ; kịp thời xử lý các vướng mắc ngay tại địa phương trước khi giao, nhận quân; chấp hành nghiêm kỷ luật dân vận. Chủ động làm tốt công tác chuẩn bị cho huấn luyện chiến sĩ mới. Tổ chức khung huấn luyện đúng quy định, biên chế đủ cán bộ các cấp và phải được tập huấn, bồi dưỡng kỹ về nội dung; phương pháp huấn luyện, quản lý, giáo dục chiến sĩ mới. Bảo đảm đầy đủ cơ sở vật chất, doanh trại; thao trường, bãi tập; chăm lo tốt đời sống vật chất, tinh thần cho bộ đội.

7. Hằng năm, các cấp tiến hành sơ, tổng kết công tác tuyển quân theo quy định, cùng với việc đánh giá thực hiện Chỉ thị này; đồng thời, làm tốt công tác thi đua khen thưởng; gắn chất lượng công tác tuyển quân với kết quả hoàn thành nhiệm vụ đối với tập thể, cá nhân liên quan.

8. Bộ Quốc phòng đề nghị các Bộ, ngành Trung ương: Bộ Công an, Bộ Y tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, Bộ Thông tin và Truyền thông; Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận; các đoàn thể; Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương theo chức năng, nhiệm vụ và thẩm quyền được giao, tăng cường tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về NVQS; chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra, giám sát quá trình tổ chức thực hiện công tác tuyển quân; đồng thời, tiếp tục quan tâm, chăm lo, tạo điều kiện công tác hậu phương quân đội; chế độ chính sách trong hướng nghiệp, dạy nghề tạo việc làm cho bộ đội xuất ngũ ngày càng tốt hơn.

Nhận được Chỉ thị này, yêu cầu cấp ủy, chỉ huy các cấp trong Quân đội và cấp ủy, chính quyền các địa phương quán triệt, lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện nghiêm túc, chặt chẽ, hiệu quả.

 


Nơi nhận:
- Thủ tướng Chính phủ (để b/c);
- Các đ/c Lãnh đạo Bộ Quốc phòng;
- Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam;
- Các Bộ: Công an, Y tế, Giáo dục và Đào tạo, LĐ-TB&XH, Thông tin và Truyền thông;
- UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc TW;
- Các đầu mối trực thuộc Bộ Quốc phòng;
- BTL Thành phố Hồ Chí Minh;
- Bộ CHQS các tỉnh, thành phố (61);
- C55, C56, C12, C13, C37;
- Cổng TTĐT Bộ Quốc phòng;
- Lưu: VT, NCTH. Toan 222.

BỘ TRƯỞNG




Đại tướng Ngô Xuân Lịch

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Chỉ thị 98/CT-BQP năm 2019 về tăng cường biện pháp nâng cao chất lượng công tác tuyển chọn, gọi công dân nhập ngũ trong tình hình mới do Bộ Quốc phòng ban hành

  • Số hiệu: 98/CT-BQP
  • Loại văn bản: Chỉ thị
  • Ngày ban hành: 26/10/2019
  • Nơi ban hành: Bộ Quốc phòng
  • Người ký: Ngô Xuân Lịch
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản