Hệ thống pháp luật

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
--------------

Số: 902/CT-TTg

Hà Nội, ngày 25 tháng 06 năm 2009

 

CHỈ THỊ

VỀ TĂNG CƯỜNG QUẢN LÝ VŨ KHÍ, VẬT LIỆU NỔ, CÔNG CỤ HỖ TRỢ, ĐẢM BẢO AN NINH TRẬT TỰ TRONG TÌNH HÌNH MỚI

Thực hiện Nghị định số 47/CP ngày 12 tháng 8 năm 1996 của Chính phủ về quản lý vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ, những năm qua các Bộ, ngành và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã chỉ đạo triển khai thực hiện và đạt được kết quả tốt, nhất là công tác vận động nhân dân tự giác giao nộp vũ khí quân dụng, súng săn, súng tự chế, vũ khí thô sơ, vật liệu nổ từ nhiều nguồn gốc khác nhau. Qua đó đã hạn chế được tình trạng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ lọt vào tay bọn tội phạm và phần tử xấu sử dụng gây án; góp phần quan trọng trong công cuộc giữ vững an ninh chính trị và đảm bảo trật tự, an toàn xã hội.

Tuy nhiên, thời gian gần đây, tình trạng vận chuyển, buôn bán, tàng trữ, sản xuất, sử dụng trái phép các loại vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ và cả đồ chơi nguy hiểm có tính bạo lực gây án diễn ra khá phức tạp, nhất là các băng nhóm tội phạm sử dụng vũ khí quân dụng, súng săn, súng tự chế, mã tấu, dao găm, kiếm mác, mìn tự chế gây ra các vụ cướp tài sản, giết người, trả thù cá nhân, nghiêm trọng hơn là có trường hợp đối tượng sử dụng vũ khí để chống lại người thi hành công vụ. Tình trạng đó đã ảnh hưởng xấu đến trật tự xã hội và gây lo lắng trong dư luận và nhân dân. Theo báo cáo của Bộ Công an, chỉ tính riêng năm 2008 và 3 tháng đầu năm 2009, cả nước đã xảy ra 345 vụ liên quan đến vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ như gây án, tàng trữ, sử dụng, buôn bán, sản xuất trái phép, tai nạn nổ do tự rà phá bom mìn lấy phế liệu; hậu quả làm chết 105 người; bị thương 128 người (cơ quan Công an đã bắt giữ 449 đối tượng, thu được khá nhiều súng quân dụng, súng săn, súng tự chế, súng thể thao, dao găm, kiếm mác, công cụ hỗ trợ, thuốc nổ và mìn tự tạo).

Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng trên là:

Việc triển khai thực hiện Nghị định số 47/CP nêu trên của một số Bộ, ngành và địa phương chưa thật nghiêm túc, tích cực, thường xuyên; việc kiểm tra công tác quản lý, bảo quản, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ còn bị xem nhẹ, buông lỏng; công tác phối hợp giữa các cơ quan chức năng còn hạn chế; từ đó đã dẫn đến một số cơ quan, đơn vị để mất, thất thoát vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ. Nước ta trải qua nhiều cuộc chiến tranh, vì vậy vũ khí, vật liệu nổ, bom mìn bị vùi lấp trong lòng đất chưa thu hồi hết, một số người dân đi đào, bới tìm bán lấy tiền; mặt khác, đối tượng ở một số nước có biên giới liền kề nước ta đã sản xuất các loại vũ khí quân dụng, súng săn, dao lê, kiếm mác, công cụ hỗ trợ, đồ chơi nguy hiểm, có tính bạo lực để bán vào Việt Nam. Nghị định số 47/CP của Chính phủ sau gần 13 năm thực hiện, đến nay đã bộc lộ một số bất cập, như là chế tài xử lý một số hành vi vi phạm chưa có hoặc có nhưng chưa đủ mạnh để xử lý và răn đe tội phạm.

Để khắc phục tình trạng trên, phòng ngừa và ngăn chặn tình trạng tội phạm sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ gây án, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu:

1. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ và Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phải tiếp tục thực hiện nghiêm Nghị định số 47/CP và các văn bản hướng dẫn về việc tăng cường quản lý các loại vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ; đồng thời có trách nhiệm kiểm tra, đôn đốc việc tự bảo quản vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ của đơn vị mình không để thất thoát. Căn cứ chức năng, quyền hạn, nhiệm vụ, tổ chức kiểm tra việc quản lý, bảo quản, sử dụng các vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ của cơ quan, tổ chức, cá nhân.

Tăng cường chỉ đạo các cấp, các ngành, nhất là các lực lượng Công an, Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát biển, Hải quan, Quản lý thị trường tăng cường kiểm tra, tuần tra kiểm soát khu vực biên giới, cửa khẩu, nhà ga, bến xe, cảng hàng không, sân bay, hải cảng, kho tàng, bến bãi, các chợ và phương tiện giao thông để kịp thời phát hiện, ngăn chặn các hành vi sản xuất, buôn bán, vận chuyển, tàng trữ, sử dụng trái phép các loại vũ khí quân dụng, súng săn, vũ khí thô sơ, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, đồ chơi nguy hiểm có tính bạo lực, nhất là nhập lậu từ nước ngoài vào.

Tổ chức các hình thức tuyên truyền, vận động quần chúng nhân dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số miền núi giao nộp súng săn tự chế. Nghiêm cấm việc sản xuất, mua bán, tàng trữ, sử dụng trái phép các loại vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, đồ chơi nguy hiểm có tính bạo lực. Mọi trường hợp phát hiện, thu nhặt được vũ khí, bom mìn, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, đồ chơi nguy hiểm có tính bạo lực bất kỳ từ nguồn gốc nào đều phải thông báo hoặc giao nộp cho các cơ quan có trách nhiệm để thu hồi và xử lý theo quy định.

2. Bộ Công an có trách nhiệm:

a) Phối hợp với Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao và Bộ Tư pháp ban hành Thông tư liên tịch hướng dẫn xử lý hình sự đối với các hành vi vi phạm về sản xuất, buôn bán, vận chuyển, tàng trữ, sử dụng trái phép các loại vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ. Trong đó, chủ yếu tập trung các loại súng săn, súng tự chế, thuốc nổ tự chế, vũ khí thô sơ như kiếm, mác, dao lê, mã tấu, đồ chơi nguy hiểm có tính bạo lực mà trong Bộ luật Hình sự chưa quy định cụ thể; trường hợp cần thiết thì nghiên cứu, đề xuất Quốc hội bổ sung chế tài xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về quản lý vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, đồ chơi nguy hiểm có tính bạo lực trong Bộ luật Hình sự.

Hoàn thành việc soạn thảo Pháp lệnh về quản lý vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ, trình Chính phủ chậm nhất là vào tháng 11 năm 2009.

b) Các vụ án do đối tượng sử dụng các loại vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ gây ra phải khẩn trương điều tra làm rõ động cơ, mục đích, nguồn gốc để thực hiện tốt công tác phòng ngừa, bịt kín sơ hở thiếu sót; kiên quyết xử lý nghiêm minh, kịp thời, công khai theo quy định của pháp luật.

c) Có kế hoạch tổng kiểm tra, rà soát toàn diện công tác quản lý vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ được sản xuất, trang bị, sử dụng hợp pháp. Thông qua đó đảm bảo vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ được trang bị, sử dụng đúng mục đích, giữ vững chủ quyền an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội và phát triển kinh tế đất nước.

 

 

Nơi nhận:
- Ban Bí thư Trung ương Đảng;
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc CP;
- VP BCĐ TW về phòng, chống tham nhũng;
- HĐND, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc TW;
- Văn phòng TW và các Ban của Đảng;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Hội đồng Dân tộc và các UB của Quốc hội;
- Văn phòng Quốc hội;
- Tòa án nhân dân tối cao;
- Viện Kiểm sát nhân dân tối cao;
- Kiểm toán Nhà nước;
- Ủy ban Giám sát tài chính QG;
- Ngân hàng Chính sách Xã hội;
- Ngân hàng Phát triển Việt Nam;
- Ủy ban TW Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
- Cơ quan Trung ương của các đoàn thể;
- VPCP: BTCN, các PCN, Cổng TTĐT, các Vụ, Cục, đơn vị trực thuộc, Công báo;
- Lưu Văn thư, NC (5b).

THỦ TƯỚNG




Nguyễn Tấn Dũng

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Chỉ thị 902/CT-TTg năm 2009 về tăng cường quản lý vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, đảm bảo an ninh trật tự trong tình hình mới do Thủ tướng Chính phủ ban hành

  • Số hiệu: 902/CT-TTg
  • Loại văn bản: Chỉ thị
  • Ngày ban hành: 25/06/2009
  • Nơi ban hành: Thủ tướng Chính phủ
  • Người ký: Nguyễn Tấn Dũng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Từ số 325 đến số 326
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản