Hệ thống pháp luật

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
******

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
 Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 84-TTg

Hà Nội, ngày 23 tháng 04 năm 1973 

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC ĐẨY MẠNH CÔNG TÁC ĐÀO TẠO, BỔ TÚC CÔNG NHÂN KỸ THUẬT TRONG TÌNH HÌNH MỚI

Miền Bắc đã bước vào thời kỳ hòa bình xây dựng chủ nghĩa xã hội. Công tác đào tạo công nhân kỹ thuật đang đặt ra một cách cấp bách. Thủ tướng chính phủ nhắc nhở các Bộ, Tổng cục và Ủy ban hành chính các tỉnh, thành phố quán triệt hơn nữa nghị quyết số 42-CP ngày 10-03-1970 của hội đồng Chính phủ về tăng cường đào tạo và bồi dưỡng công nhân kỹ thuật; Đồng thời căn cứ phương hướng phát triển của ngành và địa phương trong thời gian tới mà xây dựng kế hoạch đào tạo đội ngũ công nhân kỹ thuật cho ngành và địa phương. Trước mắt các Bộ, Tổng cục và Ủy  ban hành chính các tỉnh, thành phố phải khắc phục khó khăn, hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch đào tạo và bổ túc công nhân kỹ thuật năm 1973. Sau đây là những công tác cụ thể cần được thực hiện tốt:

1. Gấp rút củng cố các trường dạy nghề hiện có, sớm đưa các trường đã sơ tán về địa điểm thích hợp, bổ sung giáo viên, thiết bị, đồ nghề học tập, nguyên liệu, vật liệu thực tập…khôi phục và tăng cường các chế độ quản lý, ổn định việc giảng dạy, học tập, từng bước đưa hoạt động của trường vào nền nếp, bảo đảm chất lượng đào tạo.

Các Bộ, Tổng cục tranh thủ xây dựng gấp những trường đã được Nhà nước duyệt và cấp vốn, đồng thời phải sớm lập nhiệm vụ thiết kế, xác định địa điểm các trường sẽ xây dựng năm 1974 – 1975 để trình Chính phủ duyệt.

Đi đôi với việc củng cố và xây dựng mới trường lớp, cần mở các lớp đào tạo, kèm cặp ở các cơ sở sản xuất, có kế hoạch, chương trình cụ thể để đào tạo gấp công nhân thuộc những nghề kỹ thuật đơn giản, phục vụ cho các yêu cầu đẩy mạnh xây dựng, giao thông vận tải, sản xuất công nghiệp, phát triển nông nghiệp và thủ công nghiệp.

Các Bộ, Tổng cục cần bàn bạc với Ủy ban Kế hoạch nhà nước và Bộ Tài chính để giải quyết kinh phí làm nhà ở, lớp học, mua sắm thiết bị và đồ nghề học tập, đồng thời cần liên hệ với các ngành và cơ sở có thiết bị, vật tư ứ đọng để xin chuyển cho các trường, lớp đào tạo những những thứ thiết bị, vật tư thích hợp. (Những thiết bị, vật tư ứ đọng giao chó các trường dạy nghề sử dụng đều làm theo nguyên tắc chuyển khoản, không cần theo nguyên tắc mua bán).

- Các Bộ, Tổng cục và các địa phương phải quản lý chặt chẽ về số vốn và kinh phí đã cấp cho việc đào tạo công nhân các ngành, các địa phương, bảo đảm sử dụng đúng vào các công tác đào tạo công nhân các ngành, các địa phương, chấm dứt tình trạng đưa số vốn hoặc thiết bị mà Nhà nước cung cấp cho công tác đào tạo công nhân kỹ thuật vào việc sản xuất hoặc công việc khác. Ủy ban kế hoạch, Nhà nước cùng với Bộ Lao động, Bộ Tài chính và Ngân hàng nhà nước phải có quy định cụ thể về việc dùng vốn và kinh phí đào tạo, đồng thời phải kiểm tra về việc thực hiện.

2. Các ngành, các địa phương cần khôi phục và phát triển công tác bổ túc các ngành, các địa phương cho công nhân, đưa việc học tập luyện tay nghề, thi thợ giỏi thành một phong trào quần chúng mạnh mẽ, vững chắc và thiết thực trong khu vực quốc doanh tập thể, ở trung ương và địa phương.

Trong vài ba năm tới phải cố gắng giúp cho tất cả những công nhân nào chưa qua đào tạo đều được bổ túc tốt nghiệp.

Để có cơ sở lập kế hoạch bổ túc và sử dụng hợp lý công nhân các ngành, các địa phương, cần kiểm tra trình độ nghề nghiệp công nhân các ngành, các địa phương theo chỉ thị số 38-TTg ngày 04-02-1974 của Thủ tướng Chính phủ. Những công nhân nào đạt loại giỏi ở bậc dưới cần được kiểm tra ở bậc trên để bố trí sử dụng hợp lý.

3. Các Bộ, Tổng cục và thành phố phải kiên quyết rút một số cán bộ kỹ thuật trung cấp có kinh nghiệm công tác để bồi dưỡng thành giáo viên dạy nghề. Năm 1973 và các năm tới, các ngành quản lý sản xuất phải đặc biệt coi trọng việc đào tạo giáo viên dạy nghề trong ngành mình để dần dần đáp ứng đủ yêu cầu đào tạo công nhân kỹ thuật cho ngành và cung cấp cho các trường địa phương theo ngành dọc.

4.  Việc tuyển sinh vào các trường dạy nghề phải được đặc biệt coi trọng, tuyển lựa đúng tiêu chuẩn cho từng ngành nghề theo quy chế tuyển sinh đã được Bộ Lao động ban hành. Năm 1973, các trường dạy nghề phải chuyển sang tuyển sinh theo năm học. Bộ Lao động phải cùng các Bộ Giáo dục, Bộ Đại học và trung học chuyên nghiệp bàn bạc thống nhất kế hoạch hướng dẫn các ngành, các địa phương thực hiện tốt việc tuyển sinh.

Đối với yêu cầu tuyển sinh cho các lớp kèm cặp trong sản xuất hoặc cho các yêu cầu đột xuất, trước mắt chưa thể tuyển theo năm học nên vẫn tiến hành như lâu nay.

Ủy ban hành chính các tỉnh, thành phố cần củng cố và tăng cường cơ quan tuyển sinh ở địa phương để đủ sức làm tốt nhiệm vụ tuyển sinh vào các trường dạy nghề.

5. Bộ Lao động (Tổng cục Đào tạo công nhân kỹ thuật) phải phối hợp với Bộ Tài chính và các Bộ có liên quan nghiên cứu trình Chính phủ ban hành bổ sung một số chế độ đãi ngộ cần thiết cho giáo viên và các loại học sinh học nghề. Trước mắt Thủ tướng Chính phủ quyết định:

- Nâng mức sinh hoạt phí của học sinh học một số loại nghề xây dựng như: mộc, nề, bê tông, lắp đường ống nước, sản xuất gạch, ngói, khoan đá, bắn mìn, phá đá hộc từ 21đ lên 27đ cho mỗi người trong một tháng đối với các trường của xí nghiệp và các lớp đào tạo kèm cặp trong sản xuất. Những nghề tương tự trong ngành xây dựng nếu cần áp dụng chế độ sinh hoạt phí mới trên đây phải do ngành chủ quản đề nghị và được Bộ Lao động thoả thuận mới được thi hành.

-  Các cơ quan lương thực, thực phẩm và thương nghiệp phải thực hiện nghiêm chỉnh, đầy đủ các chế độ Nhà nước đã ban hành về cung cấp lương thực, thực phẩm, hàng công nghệ và trang bị phòng hộ lao động cho giáo viên và học sinh học nghề. Các ngành và địa phương cần tăng cường chỉ đạo, tổ chức kiểm tra và quan tâm săn sóc đến việc ăn, ở và tổ chức đời sống tập thể ở các trường dạy nghề.

6. Bộ Lao động (Tổng cục đào tạo công nhân kỹ thuật) có trách nhiệm hướng dẫn các Bộ, các ngành biên soạn chương trình, giáo trình, tổ chức sự phân công hợp tác giữa các Bộ, Tổng cục trong việc biên soạn, thẩm duyệt các chương trình, thống nhất việc ban hành, xuất bản các tài liệu cho học nghề. Năm 1973 phải biên soạn và ban hành trước chương trình và tài liệu giảng dạy các nghề trong ngành xây dựng.

7.  Đi đôi với công việc trước mắt trên đây, Ủy ban Kế hoạch Nhà nước và Bộ Lao động (Tổng cục đào tạo công nhân kỹ thuật) cần hướng dẫn các ngành, các địa phương xúc tiến việc xây dựng kế hoạch đào tạo, bổ túc công nhân các ngành, các địa phương dài hạn, nghiên cứu sắp xếp quy hoạch mạng lưới các trường dạy nghề, tích cực chuẩn bị điều kiện để phát triển sự nghiệp đào tạo công nhân theo quy mô lớn, tốc độ nhanh trong những năm tới.

Các Bộ, Tổng cục và Ủy ban Hành chính các tỉnh, thành phố cần có kế hoạch cụ thể thực hiện nghiêm chỉnh chỉ thị này; sau mỗi quý phải báo cáo tình hình thực hiện lên Chính phủ, đồng thời gửi cho Bộ Lao động  (Tổng cục đào tạo công nhân kỹ thuật) để theo dõi.

Bộ Lao động (Tổng cục đào tạo công nhân kỹ thuật) có trách nhiệm đôn đốc và kiểm tra các Bộ, các ngành, các tỉnh, thành phố trong việc thực hiện chỉ thị này.

 

 

K.T. THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
PHÓ THỦ TƯỚNG


 


Lê Thanh Nghị

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Chỉ thị 84-TTg năm 1973 về việc đẩy mạnh công tác đào tạo, bổ túc công nhân kỹ thuật trong tình hình mới do Thủ tướng Chính phủ ban hành

  • Số hiệu: 84-TTg
  • Loại văn bản: Chỉ thị
  • Ngày ban hành: 23/04/1973
  • Nơi ban hành: Thủ tướng Chính phủ
  • Người ký: Lê Thanh Nghị
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 6
  • Ngày hiệu lực: 08/05/1973
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản