Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
PHỦ THỦ TƯỚNG | VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HOÀ |
Số: 79-TTg | Hà Nội, ngày 28 tháng 02 năm 1961 |
VỀ VIỆC TIẾN HÀNH ĐIỀU TRA TỒN KHO VẬT TƯ CHỦ YẾU NĂM 1961
Kính gửi: | - Các Bộ |
Căn cứ vào Nghị quyết của Hội đồng Chính phủ ngày 09-3-1960 và Thông tư số 089-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 04-4-1960;
Xét đề nghị của ông Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê về việc tiến hành điều tra tồn kho vật tư chủ yếu trong năm 1961;
Thủ tướng Chính phủ ban hành bản phương án điều tra tồn kho vật tư chủ yếu vào quý I năm 1961 kèm theo chỉ thị này và quyết định:
- Giao cho các Bộ, các cơ quan ngang Bộ và cơ quan trực thuộc Hội đồng Chính phủ có dùng đến các loại vật tư ghi trong bản phương án này, căn cứ vào phương án đã ban hành, tổ chức và lãnh đạo cuộc điều tra thuộc phạm vi Bộ, ngành mình.
- Giao cho Tổng cục Thống kê lập bản kế hoạch điều tra, ban hành các biểu mẫu, mục lục vật tư điều tra, quy định các phương pháp tính toán, giải thích cách thức ghi biểu.
- Giao cho Tổng cục vật tư phối hợp và giúp đỡ các ngành tiến hành cuộc điều tra.
- Các Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước, Uỷ ban Thanh tra cũng cần phối hợp và tham gia cuộc điều tra.
- Giao cho Uỷ ban hành chính các khu, thành phố, tỉnh chỉ đạo các ngành có liên quan trong địa phương phối hợp tiến hành cuộc điều tra theo phương án và tổng hợp tình hình địa phương mình báo cáo lên trên.
Để chỉ đạo cuộc điều tra được tốt, thành lập ở trung ương một Ban Chỉ đạo điều tra do ông Chủ nhiệm Văn phòng Công nghiệp làm Trưởng ban.
Về tổ chức chỉ đạo cuộc điều tra ở các Bộ, các ngành và các địa phương thì căn cứ theo quy định trong bản phương án. Tinh thần chung về tổ chức và phương pháp tiến hành điều tra là làm có trọng điểm, rất thiết thực, rất chắc và rất gọn.
Cuộc điều tra tồn kho vật tư chủ yếu lần này có một ý nghĩa rất lớn về mặt kinh tế quốc dân. Cần thông qua cuộc điều tra này mà nắm cho được nguồn vật tư trong nước nhằm cung cấp tài liệu chính xác cho việc lập kế hoạch và phân phối, điều chỉnh vật tư.
Đi đôi với cuộc điều tra phải xây dựng tổ chức, xây dựng chế độ quản lý thống nhất vật tư của Nhà nước. Đây là một yêu cầu của cuộc điều tra mà các cơ quan có trách nhiệm cần nhận rõ và có kế hoạch đảm bảo thực hiện.
Các cấp, các ngành có nhiệm vụ chấp hành nghiêm chỉnh phương án để cuộc điều tra đem lại kết quả tốt.
| K.T THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ |
PHƯƠNG ÁN ĐIỀU TRA TỒN KHO VẬT TƯ CHỦ YẾU
Cuộc Điều tra vật tư lần này nhằm mục đích:
1. Nắm được số lượng tồn kho vật tư chủ yếu ở các đơn vị xí nghiệp, công trường, kho, cửa hàng, bến giao gỗ, trạm….của các Bộ, các ngành, các địa phương và nắm được số lượng vật tư trên đường đi nhằm cung cấp tài liệu chính xác cho việc lập kế hoạch phân phối điều chỉnh vật tư.
2. Qua cuộc điều tra nâng cao thêm một bước chế độ hạch toán vật liệu, chế độ thống kê cung cấp vật tư, tiến tới xây dựng các chế độ quản lý, cung cấp, sử dụng vật tư của Nhà nước và của các ngành để nâng cao thêm trình độ hạch toán kinh tế.
II. CÁC LOẠI VẬT TƯ CHỦ YẾU ĐIỀU TRA
1. Kim khí gồm:
- Kim loại đen,
- Kim loại màu,
- Nguyên liệu pha chế,
2. Gỗ
3. Than đá.
4. Xi măng
5. Kim khí bỏ đi.
6. Các loại phụ tùng.
Những loại vật tư Điều tra phải được kiểm tra và thống kê theo đúng đơn vị tính, đúng tên gọi và trật tự trên dưới đã ghi trong bản mục lục vật tư kèm theo phương án này.
Những loại vật tư trong tổng số phải phân ra “dùng thích hợp hay không thích hợp cho đơn vị (tại cơ sở tiêu dùng).
Cuộc Điều tra lần này sẽ tiến hành ở tất cả các cơ sở sản xuất, xây dựng và cơ sở kinh tế khác thuộc tất cả các ngành, các cấp có các loại vật tư ghi trong phương án này, không kể là đơn vị cung cấp hoặc tiêu dùng.
Cụ thể là:
- Các tổng kho, kho bảo quản cung cấp của các Bộ, các ngành, các cấp.
- Các xí nghiệp quốc doanh và công tư hợp doanh, công trường, các nông trường, lâm trường trực thuộc trung ương cũng như trực thuộc địa phương.
- Các trạm cấp I và cấp II của ngành Thương nghiệp.
- Cảng Hải phòng và trạm Bình tường (ở trạm Bình tường chỉ tính những loại hàng mà bạn đã bàn giao cho Ban tiếp nhận của Công ty vận tải Bộ Ngoại thương).
- Các bến giao gỗ của Tổng cục Lâm nghiệp.
Các hợp tác xã thủ công nghiệp không thuộc phạm vi điều tra lần này.
Bộ Quốc phòng và Cục Quản lý dự trữ vật tư Chính phủ cũng thi hành phương án này nhưng việc tổ chức tiến hành sẽ theo quy định riêng.
0 giờ ngày 1 tháng 4 năm 1961.
BIỂU ĐIỀU TRA | NỘI DUNG | LOẠI VẬT TƯ | PHẠM VI ĐIỀU TRA |
1. Biểu 01/ĐTVT | Tồn kho sản phẩm | Gang, thép Gỗ Than đá Xi măng | Các xí nghiệp trung ương, địa phương và công tư hợp doanh sản xuất ra các loại vật tư này. |
Biểu phụ 01/ĐTVT | Tỉ mỉ về sản phẩm khách hàng gửi | - nt - | - nt - |
2. Biểu 02/ĐTVT | Tồn kho: nguyên, nhiên, vật liệu | Gang, thép Gỗ Xi măng Kim khí bỏ Phụ tùng | Các xí nghiệp trung ương, địa phương, công tư hợp doanh, các công trường, các kho, tổng kho cung cấp của các Bộ, các địa phương. |
Biểu phụ 02/ĐTVT | Tỉ mỉ về nguyên vật liệu không phải của bản thân đơn vị đó. | Gang, thép Gỗ Than đá Xi măng | - nt - |
3. Biểu 03/ĐVTV | Vật tư trên đường đi | - nt- | - nt - |
Phương pháp thống nhất để xác định tồn kho lần này là kiểm kê thực tế nghĩa là trực tiếp cân, đo, đếm.
Trừ các trường hợp dưới đây thì quy định như sau:
1. Đối với các loại vật tư còn đóng gói nguyên, có phiếu hàng rõ ràng thì căn cứ vào phiếu hàng làm chuẩn để xác định tồn kho thực tế.
2. Đối với những loại kim khí quá lớn, cồng kềnh có thể chỉ cần đo một khối lượng nhất định rồi tính ra số lượng tồn kho toàn bộ hoặc có thể theo ba-rem để tính ra số lượng tồn kho thực tế, nếu được Bộ cho phép.
3. Đối với than đá nếu số lượng quá lớn thì có thể căn cứ vào khối lượng mà đo theo hình học để tính, hoặc có thể đối chiếu với sổ sách rồi ước tính để xác định khối lượng tồn kho thực tế.
4. Đối với xi măng thì có thể căn cứ vào số bao thực có để tính quy ra trọng lượng xi măng tồn kho thực tế.
5. Đối với các đơn vị đã thực tế cần đo đếm trong dịp kiểm kê hàng tồn kho cuối năm 1960, nếu bộ phận nào Bộ xét đã đáp ứng được yêu cầu của cuộc Điều tra lần này như cân đo thực tế đã chính xác, ghi chép theo mục lục kim khí thống nhất do Tổng cục Thống kê ban hành thì không phải làm nữa. Nếu chưa đáp ứng được yêu cầu lần này thì vẫn phải làm.
6. Đối với các loại phụ tùng thì làm bản danh sách riêng để báo cáo lên trên theo mẫu biểu 02/ĐTVT và 03/ĐTVT, và không tổng hợp.
7. Đối với kim khí bỏ đi cũng cân, đo, đếm để xác định khối lượng thực tế nhưng không phân loại tỉ mỉ theo mục lục kim khí mà chỉ cần chia ra 7 loại:
- Gang,
- Thép,
- Đồng,
- Chì,
- Nhôm,
- Kẽm,
- Thiếc.
Ngoài ra kết hợp lần điều tra này các xí nghiệp, công trường, cơ quan, địa phương cần phát hiện những kho hàng, vật tư vô chủ để giải quyết.
VII. TỔ CHỨC VÀ LÃNH ĐẠO CUỘC ĐIỀU TRA
a) Ở trung ương:
Thành lập một Ban Chỉ đạo Điều tra tồn khi vật tư, gồm có:
- Ông Chủ nhiệm Văn phòng Công nghiệp Phủ Thủ tướng làm Trưởng ban.
- Ông Tổng cục trưởng Tổng cục Vật tư làm Phó ban.
- Ông Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê làm Phó ban.
- Ông Phó chủ nhiệm Văn phòng Thương nghiệp – Tài chính.
- Đại diện Bộ Tài chính.
Ban Chỉ đạo điều tra có nhiệm vụ tổ chức chỉ đạo cuộc điều tra và tổng kết toàn bộ công tác điều tra rồi báo cáo kết quả và nhận xét tình hình chung lên Hội đồng Chính phủ. Những vấn đề cần giải quyết về sau sẽ chuyển cho Tổng cục Vật tư phụ trách. Trong các cuộc họp nếu cần thiết Ban Chỉ đạo điều tra triệu tập các Bộ có tiến hành điều tra đến cùng họp.
Ở mỗi Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan trực thuộc Hội đồng Chính phủ có các loại vật tư này đều phải tiến hành điều tra do Bộ trưởng hoặc thủ trưởng cơ quan phụ trách. Ở các Bộ, cơ quan mà khối lượng vật tư nhiều thì nên thành lập một Ban Điều tra để giúp Bộ trưởng và thủ trưởng cơ quan.
Thành phần của Ban gồm có đại diện của các vụ Kế hoạch thống kê, Tài vụ, Cục Cung tiêu, Kiến thiết cơ bản, kỹ thuật. Ban này có nhiệm vụ giúp Bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan tổ chức chỉ đạo cuộc điều tra trong toàn ngành, tổng hợp kết quả điều tra và làm báo cáo tổng kết. Ban Điều tra trung ương và các Bộ cần có một số cán bộ chuyên trách để đảm bảo hoàn thành tốt công tác.
Ở các Bộ không có Ban Chỉ đạo thì thủ trưởng sẽ giao cho Cục, Vụ hoặc Phòng cung cấp hoặc vật liệu đảm nhiệm tổ chức cuộc điều tra.
b) Tại các khu, thành phố, tỉnh:
Tại các khu, thành phố, tỉnh sử dụng nhiều vật tư như: Hà nội, Hải phòng, Nam định, Nghệ an, Thanh hóa, Phú thọ, Hải dương, Hà đông cần thành lập Ban Chỉ đạo điều tra tồn kho vật tư gồm có: Đại diện của Uỷ ban hành chính khu, thành phố, tỉnh làm Trưởng ban và đại diện các cơ quan: Chi cục Thống kê, Uỷ ban Kế hoạch, Ty Tài chính. Ngoài ra, địa phương nào có nhiều loại vật tư liên quan tới ngành nào thì Uỷ ban hành chính khu, thành, tỉnh sẽ quy định thêm đại diện cơ quan ấy vào Ban Chỉ đạo điều tra.
Đối với Việt bắc thì Uỷ ban hành chính khu sẽ giao cho cơ quan Thống kê và Kế hoạch có nhiệm vụ đôn đốc, giúp đỡ các tỉnh làm điều tra và sau đó báo cáo kết quả cho Uỷ ban hành chính khu biết.
Đối với các tỉnh ít sử dụng vật tư thì do Uỷ ban hành chính tỉnh trực tiếp chỉ đạo có kết hợp các ngành có liên quan và có sử dụng vật tư để làm điều tra và tổng kết làm báo cáo gửi lên Ban Chỉ đạo điều tra trung ương.
Uỷ ban hành chính các tỉnh, thành còn có nhiệm vụ phát hiện tình hình giúp đỡ ý kiến các xí nghiệp, công trường …. của trung ương đóng tại địa phương.
c) Tại các xí nghiệp, công trường kiến thiết cơ bản, tổng kho, kho và các đơn vị kinh tế khác có bảo quản hoặc sử dụng vật tư (thuộc trung ương và thuộc địa phương quản lý).
Việc tổ chức và tiến hành điều tra đều do thủ trưởng đơn vị trực tiếp phụ trách, và sẽ thành lập một Ban giúp việc, thành phần gồm có:
- Giám đốc (Quản đốc, Chủ nhiệm) là Trưởng ban.
- Đại diện Thống kê.
- Đại diện Kế hoạch.
- Đại diện Cung tiêu.
- Đại diện Tài vụ.
- Đại diện Kỹ thuật.
- Đại diện Công đoàn và Thanh niên lao động.
Ban này có nhiệm vụ thực hiện mọi việc chuẩn bị, tiến hành tổng kết, đảm bảo hoàn thành tốt công tác điều tra và báo cáo số liệu tồn kho thực tế một cách chính xác đúng thời hạn đã quy định lên trên.
Đối với các cơ sở thuộc khu, thành phố, tỉnh thì gửi 2 bản lên trên:
1 bản cho Ban Chỉ đạo điều tra khu, thành phố, tỉnh.
1 bản cho cơ quan chủ quản.
Đối với các cơ sở trực thuộc trung ương thì cũng gửi 2 bản lên trên:
1 cho Ban Chỉ đạo trung ương
1 cho Bộ chủ quản.
Dưới sự lãnh đạo của Đảng uỷ Ban Điều tra cần dựa vào tổ chức Công đoàn, Thanh niên lao động và toàn thể cán bộ, công nhân viên để đảm bảo hoàn thành tốt cuộc điều tra. Trong thời gian điều tra phải bảo đảm công tác thường xuyên của đơn vị mình được tiến hành tốt.
Các xí nghiệp, công trường, kho… đóng tại đâu thì cần phải kết hợp với địa phương để tiến hành điều tra được kết quả.
Công tác kiểm tra việc tiến hành điều tra tồn kho vật tư và mức độ chính xác của số liệu điều tra phải làm qua hai giai đoạn:
a) Kiểm tra việc chuẩn bị điều tra tại các cơ sở.
b) Kiểm tra lại mức độ chính xác của các số liệu do các cơ sở báo cáo lên.
Khi tài liệu điều tra đã báo cáo lên trên, cấp trên sẽ kiểm tra lại một số cơ sở để đánh giá mức độ chính xác của các số liệu điều tra.
Các đơn vị được kiểm tra lại có trách nhiệm cung cấp mọi sổ sách, giấy tờ có liên quan đến công tác điều tra như các chứng từ ban đầu về biểu báo cáo điều tra đã gửi đi, sổ kiểm tra tồn kho, sổ vật liệu, phiếu vật liệu, sổ đăng ký vật tư trên đường đi, phiếu giao hàng, giấy kiểm nhận nhập kho, giấy lĩnh nguyên vật liệu… theo đúng chế độ hạch toán vật liệu của Bộ Tài chính ban hành theo quyết định số 217-TC/CĐKT ngày 28 tháng 11 năm 1960.
Để công tác kiểm tra lại được thuận lợi, thủ trưởng đơn vị được kiểm tra lại có nhiệm vụ tham gia công tác trong tổ kiểm tra trong suốt thời gian kiểm tra lại.
Bản phương án này quy định những điểm chính. Tổng cục Thống kê sẽ căn cứ vào phương án này lập ra kế hoạch tiến hành điều tra, lập các biểu mẫu và mục lục vật tư điều tra, quy định các phương pháp tính toán, giải thích cách thức ghi biểu và thời gian báo cáo để ban hành và hướng dẫn cho các Bộ, các ngành, các địa phương, các cơ sở thi hành.
|
| K.T THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ PHÓ THỦ TƯỚNG
Lê Thanh Nghị |
Chỉ thị 79-TTg về việc tiến hành điều tra tồn kho vật tư chủ yếu năm 1961 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- Số hiệu: 79-TTg
- Loại văn bản: Chỉ thị
- Ngày ban hành: 28/02/1961
- Nơi ban hành: Phủ Thủ tướng
- Người ký: Lê Thanh Nghị
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Số 11
- Ngày hiệu lực: Kiểm tra
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra