THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 683-TTg | Hà Nội, ngày 16 tháng 11 năm 1994 |
CHỈ THỊ
VỀ VIỆC SẮP XẾP LẠI QUỸ NHÀ DO CÁC BỘ, CƠ QUAN NGANG BỘ,CƠ QUAN THUỘC CHÍNH PHỦ ĐANG QUẢN LÝ SỬ DỤNG
Hiện nay, quỹ nhà do các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ đang quản lý sử dụng để làm trụ sở, cơ quan, hội trường, nhà khách, nhà nghỉ, v.v... là rất lớn, song việc sử dụng còn nhiều bất hợp lý, gây ra lãng phí kém hiệu quả.
Để khắc phục tình trạng trên, đưa quỹ nhà thuộc sở hữu Nhà nước đó vào sử dụng đúng mục đích, có hiệu quả; được sự nhất trí của các thành viên Chính phủ tại phiên họp ngày 10 tháng 11 năm 1994, Thủ tướng Chính phủ chỉ thị tiến hành ngay các việc sau đây:
1- Đối với các nhà khách, nhà nghỉ, khách sạn.
Đối với các nhà khách, nhà nghỉ, khách sản của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ (dưới đây gọi tắt là các Bộ) hiện đang quản lý đã được xây dựng bằng nhiều nguồn khác nhau, nay các Bộ nếu thấy cần thì vẫn tiếp tục quản lý, sử dụng, nhưng phải thực hiện ngay các biện pháp nâng cấp cơ sở vật chất, chấn chỉnh công tác quản lý, để nhà cửa được tu bổ, không xuống cấp và cơ sở thực sự chuyển hẳn sang kinh doanh, đạt hiệu quả cao hơn và phục vụ cho cán bộ nghỉ tốt hơn.
Các Bộ phải có kế hoạch cụ thể để nâng cấp mỗi cơ sở do mình phụ trách: đầu tư cải tạo, mở rộng cơ sở vật chất (bằng nhiều nguồn vốn, kể cả vay ngân hàng, cổ phần hoá, liên doanh v.v...) bảo đảm các tiêu chuẩn kinh doanh, đáp ứng yêu cầu của khách. Từ nay, các nhà khách, nhà nghỉ, khách sạn thuộc tài sản Nhà nước không được sang nhượng cho bất cứ tổ chức nào khác nếu không được phép của Thủ tướng Chính phủ. Những trường hợp tự ý sang nhượng trước ngày ra Chỉ thị này là không có giá trị và phải được thu hồi vào tài sản Nhà nước.
Mỗi nhà khách, nhà nghỉ, khách sạn phải chấn chỉnh quản lý nội bộ, thật sự đi vào kinh doanh hạch toán theo đúng các chế độ kế toán, thống kê, kiểm toán hiện hành, chấp hành đầy đủ các quy định về quản lý kinh doanh theo luật pháp và theo sự quản lý Nhà nước của Uỷ ban nhân dân địa phương như đối với các khách sạn khác trên địa bàn.
Tổng cục Du lịch có trách nhiệm hướng dẫn hoạt động của các cơ sở này để thực hiện các yêu cầu về kinh doanh khách sạn, như thực hiện các quy chế kinh doanh, tiêu chuẩn hoá cán bộ quản lý, nhân viên, giúp đỡ bồi dưỡng, đào tạo cán bộ nghiệp vụ khách sạn v.v...
Các Bộ quản lý cấp trên của nhà khách, nhà nghỉ, khách sạn nếu có yêu cầu, vẫn sử dụng cơ sở bình thường như đưa cán bộ ngành mình đến nghỉ ngơi, an dưỡng, v.v... Các Bộ không có cơ sở riêng vẫn được sử dụng như Bộ trực tiếp quản lý. Các khách sạn, nhà khách, nhà nghỉ này vẫn có trách nhiệm ưu tiên bảo đảm phục vụ với chất lượng tốt cán bộ do các Bộ đưa xuống. Để bảo đảm hạch toán đúng đắn, việc thanh toán với cán bộ đến ăn nghỉ cần thực hiện theo bảng giá chung.
2- Đối với các trụ sở cơ quan
- Tại Thủ đô Hà Nội, những Bộ do 2 - 3 Bộ trước đây sáp nhập làm một thì Bộ mới được tự chọn giữ lại trụ sở của một Bộ cũ. Những nhà và đất dôi ra phải giao lại Chính phủ, vì đây là tài sản Nhà nước. Các Bộ không được tuỳ tiện cho thuê, chuyển cho đơn vị khác trong ngành làm trụ sở, kinh doanh dịch vụ hoặc phân cho cán bộ ở, làm nhà, v.v...
- Ở thành phố Hồ Chí Minh, do tình hình khi tiếp quản, có nhiều nhà được giao cho các Bộ làm trụ sở cơ quan (cơ sở 2), nhưng việc sử dụng có nhiều lãng phí, có nhà dùng không đúng chức năng, lâu nay đã đặt vấn đề sắp xếp lại, nhưng chưa thực hiện nghiêm túc, nay đến lúc phải thực hiện triệt để. Các cuộc họp của các Bộ và nơi ăn, ở của cán bộ các Bộ vào công tác tại thành phố Hồ Chí Minh được sử dụng chung tại các cơ sở thuộc Chính phủ theo như điểm 3 dưới đây.
3- Đối với hệ thống các cơ sở thuộc Chính phủ
Xác định rõ các hội trường, nhà khách hiện do Văn phòng Chính phủ quản lý như phòng họp Chính phủ, nhà khách 37 Hùng Vương, nhà khách 12 Ngô Quyền và 2 Lê Thạch (hiện do Bộ Ngoại giao quản lý) ở Hà Nội, hội trường 7 Lê Duẩn, hội trường Thống Nhất, nhà khách Tao Đàn ở thành phố Hồ Chí Minh, biệt thự Lý Thái Tổ (hiện do Sở Ngoại vụ thành phố Hồ Chí Minh quản lý) và một nhà khách lớn ở khuôn viên số 7 Lê Duẩn đang được Chính phủ chuẩn bị xây dựng là các cơ sở thuộc Chính phủ, dùng chung cho các Bộ. Hệ thống các cơ sở này cần được thường xuyên củng cố, nâng cấp và tổ chức quản lý thống nhất để bảo đảm các nhu cầu của các Bộ về chỗ hội họp, kể cả chỗ ăn nghỉ của cán bộ các Bộ, ngành vào công tác phía Nam.
Các Bộ, khi có yêu cầu, được đăng ký để hội họp ở các cơ sở nói trên, không phải trả tiền thuê địa điểm họp. Khi có nhu cầu ăn, nghỉ ở các nhà khách của Chính phủ, cán bộ các Bộ không phải trả tiền thuê phòng, chỉ phải trả tiền ăn.
Các cơ sở nói trên có nhiệm vụ phục vụ chu đáo các cuộc họp của Chính phủ, của các Bộ, phải bảo vệ mỹ quan của cơ sở, không được kinh doanh dịch vụ ăn uống. Hội trường Thống Nhất vẫn có thể tiếp tục cho dân vào tham quan bình thường như hiện nay, nhưng khi có yêu cầu của Chính phủ hoặc của Bộ, ngành thuộc Chính phủ, thì phải bảo đảm trước hết các yêu cầu đó.
Bộ Ngoại giao làm các thủ tục giao lại Văn phòng Chính phủ các cơ sở nhà khách 12 Ngô Quyền, số 2 Lê Thạch và biệt thự Lý Thái Tổ trong tháng 12 năm 1994.
Văn phòng Chính phủ chịu trách nhiệm soạn thảo quy chế quản lý và sử dụng các cơ sở thuộc Chính phủ để sử dụng chung cho các Bộ theo hướng nói trên, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định, chậm nhất là trong tháng 12 năm 1994 để có thể thực hiện từ tháng 1 năm 1995.
4- Về việc tổ chức thực hiện Chỉ thị này.
a) Mỗi Bộ cần có một bộ phận cán bộ phụ trách các việc nói trong Chỉ thị này do một đồng chí Thủ trưởng cơ quan chủ trì, để cùng các tổ công tác của Chính phủ và Cục Quản lý công sản (Bộ Tài chính) giải quyết nhanh, gọn các vấn đề đặt ra trong phạm vi cơ quan mình; trước hết là đối chiếu với các chủ trương, chính sách hiện hành của Nhà nước, chủ động sắp xếp lại để sử dụng thật sự có hiệu quả quỹ nhà do Bộ quản lý; Chính phủ sẽ quyết định thu hồi những nhà, cơ sở mà Bộ, ngành không được quản lý nữa.
Những cơ sở do các Bộ giao lại cho Chính phủ phải bảo đảm theo đúng nguyên trạng kể cả diện tích mặt bằng đất đai và các trang bị, thiết bị hiện đang được sử dụng tại cơ sở đó. Các đồng chí Bộ trưởng phải chịu trách nhiệm nếu để xảy ra các vụ mất mát đất đai, tài sản Nhà nước ở các cơ sở này trước khi bàn giao.
b) Chính phủ sẽ tổ chức 2 Tổ công tác đặc trách để chỉ đạo thực hiện những việc có tính chất liên ngành; mỗi Tổ do một đồng chí phái viên của Thủ tướng trực tiếp chỉ đạo:
- Một Tổ để xử lý các trụ sở cơ quan (kể cả nhà đất) dôi ra do việc sắp xếp lại các Bộ;
- Một Tổ để xử lý các trụ sở cơ quan (cơ sở 2) của các Bộ tại thành phố Hồ Chí Minh nay giao lại cho Chính phủ.
Bộ Tài chính cùng Bộ Xây dựng chịu trách nhiệm hướng dẫn các Bộ và cơ sở về việc đánh giá lại giá trị tài sản các cơ sở này (kể cả nhà cửa, đất đai, trang thiết bị v.v...).
Bộ Tài chính cùng Tổ công tác và các cơ quan liên quan đề xuất phương án sử dụng có hiệu quả các cơ sở này để trình Thủ tướng Chính phủ quyết định, chậm nhất là cuối tháng 3 năm 1995.
Việc sắp xếp lại quỹ nhà theo các nội dung trên là một việc làm cấp bách để sử dụng thật sự có hiệu quả tài sản Nhà nước, chống lãng phí, đồng thời bảo đảm các điều kiện thuận lợi cho công tác của các Bộ, các ngành. Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Thủ trưởng các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố có liên quan thực hiện đầy đủ, khẩn trương và nghiêm túc Chỉ thị này.
| Võ Văn Kiệt (Đã ký) |
Chỉ thị 683-TTg năm 1994 sắp xếp lại quỹ nhà do các Bộ, cơ quan ngang Bộ,cơ quan thuộc Chính Phủ đang quản lý sử dụng do Thủ tướng Chính Phủ ban hành
- Số hiệu: 683-TTg
- Loại văn bản: Chỉ thị
- Ngày ban hành: 16/11/1994
- Nơi ban hành: Thủ tướng Chính phủ
- Người ký: Võ Văn Kiệt
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Số 5
- Ngày hiệu lực: 01/12/1994
- Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định