Hệ thống pháp luật

BỘ THÔNG TIN VÀ
TRUYỀN THÔNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 67/CT-BTTTT

Hà Nội, ngày 27 tháng 12 năm 2019

 

CHỈ THỊ

VỀ CÔNG TÁC THI ĐUA, KHEN THƯỞNG NĂM 2020

Năm 2019, với mục tiêu “Nâng cao thứ hạng Việt Nam” cùng với phương châm hành động “Làm gương, Kỷ cương, Trọng tâm, Bứt phá” toàn thể cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong toàn ngành Thông tin và Truyền thông đã nêu cao tinh thần quyết tâm phấn đấu thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao và đạt được nhiều kết quả quan trọng, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Phát huy những kết quả đạt được trong năm 2019 và để thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị được Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông phát động phong trào thi đua năm 2020 với chủ đề: “Toàn ngành Thông tin và Truyền thông tiếp tục đoàn kết, đổi mới, sáng tạo, thi đua phấn đấu thực hiện thắng lợi nhiệm vụ công tác năm 2020, lập thành tích thiết thực chào mừng kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (03/02/1930 - 03/02/2020), 130 năm Ngày sinh Chủ tch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2020) và Đại hội Đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng”.

Yêu cầu các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trong toàn Ngành thực hiện tốt các nhiệm vụ trọng tâm sau:

I. ĐỔI MỚI NỘI DUNG, HÌNH THỨC, NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG CÔNG TÁC THI ĐUA, KHEN THƯỞNG:

1. Tiếp tục đề cao vai trò trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể, đặc biệt là trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị phải trực tiếp chỉ đạo, tổ chức phong trào thi đua, bảo đảm thiết thực, hướng công tác thi đua vào thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm, các khâu đột phá, tập trung giải quyết những nhiệm vụ khó, những vấn đề bức xúc, nổi cộm, trọng tâm là phát triển ngành Thông tin và Truyền thông bền vững, từng bước góp phần nâng cao thứ hạng Việt Nam gắn với việc thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị khóa XII về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”.

2. Đẩy mạnh việc nâng cao ý thức, đạo đức công vụ, đạo đức nghề nghiệp của cán bộ, công chức, viên chức; tăng cường kỷ cương, kỷ luật hành chính; phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, qua đó tiếp tục xây dựng hình ảnh đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức gương mẫu, tận tụy, chuẩn mực, chuyên nghiệp, trách nhiệm, kỷ cương, tận tình, thân thiện; Cấp trên phải công tâm, khách quan, lắng nghe và tôn trọng cấp dưới, cấp dưới phải phục tùng sự chỉ đạo, điều hành, phân công của cấp trên theo đúng quy định.

3. Tiếp tục tham gia hưởng ứng tích cực, có hiệu quả các phong trào thi đua do Thủ tướng Chính phủ phát động. Tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức tổ chức các phong trào thi đua với các hình thức phong phú, đa dạng, nội dung cụ thể, thiết thực bám sát nhiệm vụ chính trị, nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách của Ngành, của từng đơn vị; trong đó tập trung hoàn thiện thể chế, cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin để góp phần xây dựng nền hành chính hiện đại, chuyên nghiệp, năng động, hiệu lực, hiệu quả.

4. Tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phát hiện, bồi dưỡng và nhân rộng các điển hình tiên tiến, các mô hình mới, đảm bảo thực hiện đồng bộ tốt cả 4 phương diện: Phát hiện, bồi dưỡng, tổng kết, nhân rộng điển hình tiên tiến. Chú trọng khen thưởng đột xuất nhất là khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích mang tính đột phá, tích cực ứng dụng công nghệ 4.0 để phát triển các sản phẩm, mô hình dịch vụ kinh doanh mới, đưa công nghệ thông tin vào các ngành, lĩnh vực của đời sống xã hội và phục vụ chuyển đổi số Quốc gia.

5. Xây dựng kế hoạch và có biện pháp cụ thể để tạo bước chuyển biến mạnh mẽ về chất trong công tác thi đua, khen thưởng. Phong trào thi đua phải thực sự thiết thực, hiệu quả, đem lại lợi ích, tạo động lực phát triển và lan tỏa trong từng cơ quan, đơn vị. Thường xuyên phát động các phong trào thi đua theo đợt, phong trào thi đua theo chuyên đề để lập thành tích thiết thực kỷ niệm các ngày lễ lớn của đất nước; tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao nhằm tạo không khí phấn khởi, vui tươi, đoàn kết trong tập thể lãnh đạo, cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong từng cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp.

6. Thi đua hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu, nhiệm vụ, các chương trình, đề án được giao, đồng thời tập trung đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cán bộ, công chức về văn hóa công sở, đạo đức công vụ và không ngừng thi đua học tập, nghiên cứu khoa học, nâng cao năng lực, đảm bảo tính chuyên nghiệp, hiện đại đáp ứng yêu cầu thực thi công vụ trong tình hình mới. Các cơ quan báo chí tăng thời lượng, chuyên trang, chuyên mục để đẩy mạnh tuyên truyền về các phong trào thi đua yêu nước, gương người tốt, việc tốt, các điển hình tiên tiến để biểu dương, tôn vinh, nhân rộng, tạo sức lan tỏa trong từng cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và trong toàn Ngành.

7. Tiếp tục quán triệt, đẩy mạnh tuyên truyền tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về thi đua yêu nước; chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về thi đua, khen thưởng. Thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về đối tượng, hình thức, điều kiện, tiêu chuẩn khen thưởng; đảm bảo kịp thời, chính xác, khách quan đồng thời đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về thi đua, khen thưởng.

8. Củng cố tổ chức, bộ máy và cán bộ làm công tác thi đua, khen thưởng theo hướng gọn nhẹ, hoạt động hiệu lực, hiệu quả nhằm đáp ứng yêu cầu đổi mới, nâng cao chất lượng công tác thi đua, khen thưởng. Chú trọng đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ để xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác thi đua, khen thưởng có phẩm chất đạo đức tốt, có năng lực thực tiễn và tinh thông nghiệp vụ. Tăng cường trách nhiệm của Hội đồng thi đua khen thưởng các cấp và cán bộ trực tiếp làm công tác thi đua khen thưởng trong việc tham mưu, đề xuất tổ chức, triển khai các phong trào thi đua và thực hiện công tác khen thưởng.

9. Đổi mới, tạo sự chuyển biến tích cực và nâng cao chất lượng công tác khen thưởng phải trên cơ sở đánh giá đúng thành tích, đúng tiêu chuẩn, bảo đảm dân chủ, công khai, minh bạch. Thường xuyên đôn đốc, kiểm tra, sơ kết, tổng kết, đánh giá hiệu quả các phong trào thi đua yêu nước trên cơ sở đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ chính trị của từng cơ quan, đơn vị. Đề cao tinh thần trách nhiệm trong thực thi pháp luật về thi đua, khen thưởng làm cho phong trào thi đua thực sự trở thành ý thức tự giác, trách nhiệm và thường xuyên của mỗi cấp, mỗi cơ quan, đơn vị và từng cá nhân, đảm bảo cho hoạt động thi đua, khen thưởng thực sự là động lực phát triển và là biện pháp quan trọng góp phần tích cực vào việc thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội lần thứ XII của Đảng.

II. MỤC TIÊU THI ĐUA TRỌNG TÂM NĂM 2020:

Để hoàn thành nhiệm vụ năm 2020, năm cuối cùng thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2016 - 2020) theo Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng, các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trong toàn Ngành căn cứ nhiệm vụ chính trị được giao tổ chức các phong trào thi đua sôi nổi, thiết thực, hiệu quả và phù hợp, phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, triển khai tổ chức thành công Đại hội thi đua yêu nước các cấp và phát động phong trào thi đua thực hiện văn hóa công sở. Đặc biệt, trong năm 2020, tập trung phấn đấu thực hiện các mục tiêu thuộc 6 lĩnh vực trọng tâm sau:

1. Lĩnh vực Bưu chính:

Phát triển hạ tầng bưu chính theo hướng đẩy mạnh chuyển đổi số trong bưu chính. Chuyển dịch từ dịch vụ bưu chính truyền thống sang dịch vụ bưu chính số, trong đó chú trọng các dịch vụ liên quan đến Chính phủ điện tử và các dịch vụ mang tính hỗ trợ/logistics cho thương mại điện tử.

Hoàn thành việc xây dựng hệ thống mã bưu chính đến địa chỉ (gắn với bản đồ số V-Map). Xây dựng cơ sở dữ liệu về doanh nghiệp bưu chính và định hướng chuyển đổi số cho các doanh nghiệp bưu chính. Tăng cường quản lý nhà nước đối với hoạt động bưu chính, tạo lập môi trường cạnh tranh lành mạnh. Đến hết năm 2020, Việt Nam vào nhóm 40 - 45 quốc gia dẫn đầu về Bưu chính của Liên minh Bưu chính Thế giới UPU.

2. Lĩnh vực Viễn thông:

Mục tiêu là chuyển dịch hạ tầng viễn thông sang hạ tầng ICT để thúc đẩy chuyển đổi số.

Chủ động đi đầu cùng với thế giới về mặt công nghệ bằng việc triển khai thương mại mạng thông tin di động 5G vào năm 2020, chủ động xây dựng lộ trình và phương án loại bỏ công nghệ di động 2G từ năm 2022. Đấu giá, cấp giấy phép băng tần thông tin di động 2.6 GHz để nâng cao chất lượng mạng lưới, tốc độ dịch vụ thông tin di động.

Các nhà doanh nghiệp viễn thông phải đảm nhiệm thêm vai trò và trách nhiệm là nền tảng của hạ tầng số, thanh toán số, mobile money, hạ tầng cho chuyển đổi số, phải làm chủ các công nghệ nền tảng cho chuyển đổi số như: công nghệ 5G, IoT, Big Data, AI...

Xử lý căn bản các loại rác viễn thông như SIM rác, tin nhắn rác, thoại rác, thư rác... là trách nhiệm của người đứng đầu các tập đoàn, doanh nghiệp viễn thông để phát triển thị trường bền vững và lành mạnh.

Xây dựng Chương trình cung cấp dịch vụ viễn thông công ích giai đoạn 2021 - 2025 bảo đảm phổ cập phủ sóng 4G, 5G, phổ cập điện thoại thông minh và phổ cập dịch vụ công trực tuyến. Nâng tỷ lệ chuyển mạng giữ nguyên số thành công đạt 90%. Hoàn thành Đề án số hóa truyền hình mặt đất theo đúng lộ trình.

Phát triển đạt 100 thành viên kết nối trạm trung chuyển Internet quốc gia VNIX. Cải thiện tỷ lệ thị phần đăng ký sử dụng tên miền .vn đạt trên 50% so với tổng số tên miền Internet tại Việt Nam. Nâng bậc và cải thiện thứ hạng, đối với viễn thông, chỉ số phát triển CNTT-TT (IDI) theo đánh giá của ITU lên thứ hạng từ 80 đến 85.

3. Lĩnh vực Ứng dụng công nghệ thông tin:

Mục tiêu là chuyển dịch từ Chính phủ điện tử (CPĐT) tiến tới Chính phủ số và thực hiện tốt Nghị quyết số 17/NQ-CP ngày 07/3/2019 của Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển CPĐT giai đoạn 2019 - 2020, định hướng đến 2025. Xây dựng Chiến lược phát triển CPĐT giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến 2030.

Thực hiện tốt vai trò điều phối thống nhất về phát triển CPĐT trong khi vẫn phát huy sự chủ động của các bộ, ngành và địa phương. Xây dựng Chiến lược phát triển CPĐT giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến 2030.

Hoàn thành các mục tiêu đề ra tại Nghị quyết 17/NQ-CP của Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển CPĐT, đặc biệt đối với các mục tiêu bảo đảm an toàn, an ninh mạng, kết nối, chia sẻ dữ liệu và dịch vụ công cấp độ 4. Phấn đấu đạt tỷ lệ 100% các Bộ, ngành, địa phương có nền tảng tích hợp chia sẻ dữ liệu cấp bộ, cấp tỉnh LGSP; 100% cơ quan nhà nước công khai mức độ hài lòng của người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến; Đạt tỷ lệ 30% dịch vụ hành chính công trực tuyến cấp độ 4.

Sơ kết chương trình thí điểm đô thị thông minh (ĐTTM), cấu phần CNTT nhất là việc thí điểm triển khai trung tâm giám sát điều hành ĐTTM, ban hành các hướng dẫn triển khai, tránh làm theo phong trào, không hiệu quả và lãng phí.

Năm 2020 là năm chuyển đổi số quốc gia, sâu rộng và toàn diện, các bộ, ngành, địa phương cần ban hành chương trình chuyển đổi số cho ngành, lĩnh vực và địa phương của mình trên cơ sở Quyết định của Thủ tướng Chính phủ ban hành Chương trình chuyển đổi số quốc gia sẽ được ban hành trong năm 2020. Bộ TTTT đi đầu về chuyển đổi số trong các lĩnh vực bưu chính, viễn thông, báo chí truyền thông.

Tiếp tục xây dựng một số mô hình bộ điểm, tỉnh điểm, xã điểm; Đào tạo 100 chuyên gia cho CPĐT ở các Bộ, ngành, địa phương là lực lượng nòng cốt để dẫn dắt quá trình phát triển CPĐT; Sử dụng nguồn kinh phí tiết kiệm từ sử dụng các ứng dụng của CPĐT để phát triển CPĐT và dành tối thiểu 1% tỷ lệ chi ngân sách các cấp (ngân sách Trung ương và ngân sách địa phương) cho xây dựng và phát triển CPĐT.

Đến hết năm 2020, Việt Nam vào nhóm 75 quốc gia về Chỉ số phát triển CPĐT theo đánh giá của Liên Hợp Quốc.

4. Lĩnh vực An toàn, an ninh mạng:

An toàn, an ninh mạng là điều kiện tiên quyết của Chính phủ điện tử và của chuyển đổi số, phải đi trước một bước. Bảo đảm an toàn, an ninh mạng đặc biệt trong năm diễn ra Đại hội đảng các cấp và các sự kiện quan trọng của đất nước. Giám sát, bảo đảm an toàn, an ninh mạng cho các hệ thống thông tin quốc gia phục vụ CPĐT thông qua Hệ thống chia sẻ và giám sát an toàn thông tin phục vụ CPĐT.

Hệ sinh thái các sản phẩm an toàn, an ninh mạng phải do chính doanh nghiệp Việt Nam xây dựng và làm chủ để phục vụ CPĐT, TMĐT và các hệ thống thông tin quan trọng quốc gia. Lực lượng an toàn, an ninh mạng có trách nhiệm bảo vệ sự thịnh vượng của quốc gia trên không gian mạng.

Trung tâm giám sát an toàn không gian mạng quốc gia cần được tiếp tục đầu tư để có đủ năng lực giám sát, phân tích, dự báo tình hình trên không gian mạng, kịp thời ngăn chặn các thông tin xấu độc, đảm bảo một không gian mạng lành mạnh và tích cực.

Xây dựng Kế hoạch bảo đảm an toàn thông tin giai đoạn 2021 - 2025, tầm nhìn đến 2030; Đề án Đưa Việt Nam trở thành trung tâm chia sẻ và phân tích an toàn thông tin ASEAN; Thiết lập và vận hành Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển quốc gia về an toàn không gian mạng; Thành lập Liên minh sản xuất sản phẩm an toàn thông tin mạng nhằm nâng cao vai trò và vị thế quốc tế của Việt Nam, đưa các sản phẩm an toàn, an ninh mạng của Việt Nam làm chủ thị trường trong nước và vươn ra quốc tế.

Đến hết năm 2020, Việt Nam vào nhóm 45 - 50 quốc gia dẫn đầu về Chỉ số an toàn, an ninh mạng toàn cầu GCI của Liên minh Viễn thông Quốc tế ITU.

5. Lĩnh vực Công nghiệp ICT:

Mục tiêu phát triển doanh nghiệp công nghệ Việt Nam nói chung và doanh nghiệp công nghệ số Việt nam nói riêng là định hướng quan trọng để xây dựng Việt Nam thành nước công nghiệp phát triển.

Tập trung phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam và xây dựng Chiến lược phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam với định hướng thúc đẩy phát triển 4 loại hình doanh nghiệp công nghệ, hướng tới mục tiêu đến năm 2030 Việt Nam có một lực lượng hùng hậu với tỷ lệ 1 doanh nghiệp công nghệ số/1.000 người dân tương đương với các nước công nghiệp phát triển.

Các doanh nghiệp trong lĩnh vực CNTT-TT phải đi đầu trong chiến lược Make in Viet Nam, tập trung đầu tư vào nghiên cứu sản xuất các thiết bị 5G hướng tới mục tiêu thương mại hóa sản phẩm 5G vào năm 2020.

Hệ sinh thái số Việt do doanh nghiệp Việt Nam làm chủ với các nền tảng công nghệ dùng chung, các dịch vụ, mô hình kinh doanh mới để thúc đẩy ứng dụng công nghệ, phát triển CPĐT, TMĐT và chuyển đổi số quốc gia.

6. Lĩnh vực Báo chí truyền thông:

Báo chí phải thể hiện trung thực dòng chảy chính của xã hội Việt Nam, tạo đồng thuận và niềm tin xã hội, tạo lên khát vọng Việt Nam hùng cường, trở thành nước công nghiệp phát triển vào năm 2045, khi tròn 100 năm nước Việt Nam mới. Báo chí đóng góp vai trò quan trọng trong đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng; tập trung tuyên truyền đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020 - 2025, tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, nhiệm kỳ 2021 - 2026, với phương châm “Lấy tích cực đẩy lùi tiêu cực”; tuyên truyền, quảng bá ASEAN năm 2020, với vai trò Nam Chủ tịch ASEAN 2020, Chủ tịch AIPA 41, Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.

Thực hiện nghiêm Quy hoạch Phát triển và Quản lý Báo chí Toàn quốc đến năm 2025 theo đúng nội dung Quy hoạch và Kế hoạch số 1738/KH-BTTTT ngày 04/6/2019 của Bộ Thông tin và Truyền thông. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số trong báo chí và thực hiện nghiêm các quy định của Luật Báo chí.

Thực hiện chuyển đổi số, đổi mới công nghệ toàn diện Hệ thống thông tin cơ sở đặc biệt là hệ thống loa phường, xã, đây là kênh tuyên truyền lớn nhất, hiệu quả nhất, là kênh có từ 70 - 80 triệu người nghe hàng ngày vượt trội tất cả các kênh tuyên truyền, phát thanh, truyền hình quảng bá hiện nay.

Xây dựng Chiến lược truyền thông quảng bá hình ảnh Việt Nam ra nước ngoài hướng tới chuyển đổi số cho hoạt động thông tin đối ngoại, sử dụng các công nghệ truyền thông tiên tiến như công nghệ trí tuệ nhân tạo AI, mạng xã hội... đáp ứng nhu cầu nội dung thông tin của mọi cá nhân có quan tâm đến Việt Nam về đất nước, con người, ẩm thực, du lịch, thể thao...

Mục tiêu của lĩnh vực xuất bản đáp ứng nhu cầu đọc sách, hiếu học của người Việt Nam phải ở mức cao của thế giới. Đẩy mạnh xã hội hóa, xây dựng Chiến lược và chương trình sách quốc gia nhằm phát triển một số nhà xuất bản trọng điểm, tăng số bản sách/người dân để ít nhất đạt mức cao của khu vực; Đưa tủ sách về đến các trường, các thôn xã và các hộ gia đình; Xây dựng Quỹ hỗ trợ Xuất bản Việt Nam từ nguồn lực xã hội hóa.

III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN:

1. Giao Vụ Thi đua - Khen thưởng theo dõi, kiểm tra và đôn đốc các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trong việc triển khai các phong trào thi đua. Đồng thời tham mưu, đề xuất xây dựng văn bản hướng dẫn sơ kết, tổng kết và bình xét các danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng; chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan đánh giá việc thực hiện phong trào thi đua; lựa chọn các gương điển hình tiên tiến để tôn vinh, tuyên truyền, nhân rộng.

2. Các cơ quan, đơn vị được giao làm đầu mối chủ trì đã tổ chức triển khai phong trào thi đua và xét khen thưởng cho các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong 06 lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ trong năm 2019 sẽ tiếp tục chủ trì, phối hợp với Vụ Thi đua - Khen thưởng và các đơn vị có liên quan xây dựng văn bản hướng dẫn riêng phong trào thi đua; lựa chọn các gương điển hình tiên tiến để khen thưởng, tôn vinh, tuyên truyền, nhân rộng năm 2020.

Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trong toàn Ngành kịp thời phổ biến, quán triệt và tổ chức triển khai thực hiện Chỉ thị này đến toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động. Định kỳ hàng quý, đánh giá kết quả thực hiện phong trào thi đua và gửi báo cáo kết quả thực hiện về Bộ Thông tin và Truyền thông (qua Vụ Thi đua - Khen thưởng) trước ngày 15 của tháng cuối quý để tổng hợp, báo cáo Bộ trưởng./.

 


Nơi nhận:
- Hội đồng TĐKT TW;
- Ban TĐKT TW;
- Bộ trưởng và các Thứ trưởng;
- Các thành viên Hội đồng TĐKT Bộ;
- Các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ;
- Sở Thông tin và Truyền thông các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;
- Các Hội, Hiệp hội, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực TTTT;
- Cổng thông tin điện tử Bộ;
- Lưu: VT, TĐKT, NAH(150).

BỘ TRƯỞNG




Nguyễn Mạnh Hùng

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Chỉ thị 67/CT-BTTTT năm 2019 về công tác thi đua, khen thưởng năm 2020 do Bộ Thông tin và Truyền Thông ban hành

  • Số hiệu: 67/CT-BTTTT
  • Loại văn bản: Chỉ thị
  • Ngày ban hành: 27/12/2019
  • Nơi ban hành: Bộ Thông tin và Truyền thông
  • Người ký: Nguyễn Mạnh Hùng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 27/12/2019
  • Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực
Tải văn bản