Hệ thống pháp luật

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
******

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 661-TTg

Hà Nội, ngày 17 tháng 10 năm 1995 

 

 CHỈ THỊ

VỀ KHÁM CHỮA BỆNH NGAY CHO NHỮNG NGƯỜI BỆNH BỊ CẤP CỨU HOẶC CHẤN THƯƠNG NGOẠI

Sau khi có Nghị định số 95-CP ngày 27-8-1994 của Chính phủ về việc thu một phần viện phí, việc khám, chữa bệnh của hầu hết các bệnh viện đã có thêm một phần kinh phí phục vụ người bệnh. Nhờ vậy một số bệnh viện đã có điều kiện nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh được nhân dân hoan nghênh. Song bên cạnh những gương tốt của một số bệnh viện và thầy thuốc về tinh thần yêu thương, hết lòng cứu chữa, chăm sóc người bệnh, vẫn còn không ít hiện tượng gây phiền hà cho người đến khám, chữa bệnh, thậm chí có nơi do thiếu trách nhiệm đã để xảy ra một số trường hợp đáng tiếc, bị xã hội lên án.

Trong khi các Bộ, ngành và các cấp chính quyền phải triển khai nhanh, đầy đủ Nghị định số 95-CP và chờ bổ sung những biện pháp cần thiết, trước mắt vẫn phải thực hiện ngay việc khám, chữa bệnh đối với những trường hợp không thể trì hoãn. Để thực hiện yêu cầu này, Thủ tướng Chính phủ chỉ thị:

1. Tất cả các cơ sở y tế trong cả nước khi nhận được người bệnh cấp cứu hoặc chấn thương ngoại phải tiến hành ngay việc khám, chữa bệnh dù người bệnh thuộc đối tượng nào trong việc nộp viện phí. Sau khi người bệnh qua khỏi cơn nguy hiểm, cơ sở y tế mới xem xét tới việc thu viện phí của người bệnh theo các điều khoản của Nghị định số 95-CP ngày 27-8-1994.

2. Cơ sở y tế nào để xảy ra trường hợp người bệnh cấp cứu hoặc chấn thương ngoại do không được cứu chữa kịp thời gây hậu quả trầm trọng cho bệnh nhân hoặc dẫn đến tử vong, thì lãnh đạo cơ sở y tế đó và các cán bộ y tế trực tiếp khám, chữa bệnh phải bị xử lý hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự như quy định tại Điều 7 Nghị định số 95-CP ngày 27-8-1994.

3. Để thực hiện các yêu cầu trên, các Bộ, ngành có liên quanh cần thực hiện ngay các công việc sau đây:

Bộ y tế có trách nhiệm:

- Lập kế hoạch hoàn thiện công tác cấp cứu phù hợp với tình hình phát triển xã hội; củng cố và tổ chức tốt hơn nữa hệ thống cấp cứu trong các bệnh viện và phối hợp với các ngành, các đoàn thể, đặc biệt là Hội Chữ thập đỏ để mở rộng hơn nữa mạng lưới sơ cứu, cấp cứu tại chỗ trong nhân dân. Bộ Y tế chịu trách nhiệm kiểm tra thường xuyên để kịp thời uốn nắn những thiếu sót và xử lý những vi phạm, biểu dương khen thưởng kịp thời những gương người tốt, việc tốt.

Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội có trách nhiệm:

Triển khai việc cấp giấy chứng nhận cho người bệnh trong diện quá nghèo được miễn nộp một phần viện phí, mua thẻ Bảo hiểm Y tế cho các đối tượng thuộc chính sách quy định tại Nghị định số 95-CP ngày 27-8-1994.

Bộ Tài chính có trách nhiệm: Cấp kinh phí để Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội mua thẻ Bảo hiểm Y tế cho các đối tượng thuộc diện chính sách.

Ủy ban Nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm: Chỉ đạo công tác tổ chức, bảo đảm cấp cứu người bệnh trong địa phương theo tinh thần Chỉ thị này. Trong trường hợp ngân sách Trung ương không cấp đủ thì ngân sách địa phương phải hỗ trợ trong việc bảo đảm đủ thuốc, trang thiết bị dụng cụ y tế và phương tiện vận chuyển trong cấp cứu người bệnh.

4. Giao cho Bộ trưởng Bộ Y tế phối hợp với các Bộ có liên quan hướng dẫn thực hiện Chỉ thị này, tổng hợp và báo cáo kết quả thực hiện lên Thủ tướng Chính phủ.

Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và Chủ tịch Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phải tổ chức triển khai thực hiện ngay.

 

 

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
 


 
Võ Văn Kiệt

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Chỉ thị 661-TTg năm 1995 về khám chữa bệnh ngay cho những người bệnh bị cấp cứu hoặc chấn thương ngoại do Thủ tướng Chính phủ ban hành

  • Số hiệu: 661-TTg
  • Loại văn bản: Chỉ thị
  • Ngày ban hành: 17/10/1995
  • Nơi ban hành: Thủ tướng Chính phủ
  • Người ký: Võ Văn Kiệt
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 2
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản