Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
-------------

Số: 63/CT-UB

TP. Hồ Chí Minh, ngày 17 tháng 11 năm 1978

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC ĐẨY MẠNH CUỘC VẬN ĐỘNG TIẾT KIỆM VÀ CHỐNG HAO HỤT MẤT MÁT ĐIỆN, THỰC HIỆN ĐIỀU HÒA CÔNG SUẤT SỬ DỤNG ĐIỆN, ĐẢM BẢO CUNG CẤP ĐIỆN AN TOÀN LIÊN TỤC.

Thực hiện chánh sách chung của Chánh phủ về tiết kiệm năng lượng điện, mấy năm qua Ủy ban nhân dân thành phố đã có các chỉ thị 885/CT ngày 29-5-1976 và số 56/CT-UB ngày 19-10-1977 về tiết kiệm điện, dành điện cho sản xuất và thanh toán tiền điện. Các nhà máy, công trường, cơ quan, đơn vị bộ đội và nhân dân ở thành phố trong sử dụng điện đã bước đầu chấp hành có kết quả các quy định của Bộ Điện Than về tiết kiệm điện và luân phiên nghỉ ngày chủ nhật để tránh giờ cao điểm sử dụng điện trong ngày. Tuy nhiên việc sử dụng điện chưa hợp lý, lãng phí trong sản xuất và tiêu dùng vẫn còn nhiều. Tình hình thất thu trong việc bán điện còn lớn, nhất là trong các cơ quan, tập thể, đơn vị quân đội. Sản lượng điện mất mát còn cao, tệ ăn cắp điện còn nhiều, ngành điện chưa có biện pháp hữu hiệu để kiểm tra và hạn chế. Lưới điện và nguồn cung cấp điện ở thành phố chưa được bảo đảm an toàn liên tục.

Để tiếp tục khắc phục tình trạng đó, thi hành các chỉ thị 241-TTg ngày 26-4-1978 của Phủ Thủ tướng về thực hiện triệt để tiết kiệm điện trong sản xuất và tiêu dùng, nghị quyết của Hội đồng nhân dân thành phố ngày 3/11/1978 về vấn đề tiết kiệm; Ủy ban nhân dân thành phố chỉ thị các ngành, các cấp, các xí nghiệp, cơ quan, đơn vị Trung ương, địa phương và nhân dân trong thành phố hưởng ứng đợt vận động đẩy mạnh tiết kiệm điện, thực hiện triệt để việc điều hòa công suất sử dụng điện trong sản xuất và tiêu dùng một cách hợp lý, bảo đảm cung cấp điện an toàn liên tục trong thành phố trở thành thường xuyên.

I. YÊU CẦU CỦA CÔNG VIỆC VẬN ĐỘNG NÀY:

1. Giảm mức tiêu dùng điện trong tất cả các đơn vị sản xuất xây dựng và hộ tiêu dùng mà vẫn đảm bảo hoàn thành kế hoạch Nhà nước và bảo đảm nhu cầu thiết yếu của đời sống nhân dân thành phố. Nơi nào chưa có định mức sử dụng điện cần phải khẩn trương xây dựng mức;

2. Trên cơ sở tiết kiệm điện trong sản xuất và tiêu dùng, điều hòa sử dụng công suất điện hợp lý và chống hao hụt mất mát điện, bảo đảm kịp thời mọi nhu cầu phát triển kinh tế, văn hóa chính trị của thành phố;

3. Đưa công tác quản lý, phân phối và sử dụng điện đi vào nề nếp ở tất cả các đơn vị xí nghiệp, công trường, cơ quan, quân đội, các ngành, các quận, huyện và khu dân cư.

II. NỘI DUNG CỤ THỂ PHẢI THỰC HIỆN:

A. Tiết kiệm điện trong tiêu dùng sinh hoạt và sản xuất hàng ngày.

1. Những gia đình tiêu thụ điện trên 100 KWg/1 tháng không có sản xuất hoặc không phải là nhiều hộ dùng chung thì phải dùng dưới mức 100 KWg/1 tháng, nếu dùng trên 100 KWg thì Sở Quản lý phân phối điện sẽ cắt điện một số ngày tương ứng với số KWg đã dùng quá đó;

2. Các cơ quan, các cơ sở quốc phòng, cụ thể là các nơi làm việc của bộ phận văn phòng, các nhà ở do cơ quan trực tiếp thanh toán tiền điện hàng tháng, yêu cầu giảm 20% số điện năng tiêu thụ so với bình quân 3 tháng của quý 3/78, nếu không thực hiện đúng thì Sở Quản lý phân phối điện sẽ cắt điện một số ngày tương ứng với số KWg dùng quá đó;

3. Mỗi xí nghiệp đều phải xây dựng định mức dùng điện cho 1 đơn vị sản phẩm chánh, được cấp trên duyệt, để làm cơ sở phấn đấu tiết kiệm điện trong sản xuất; Những cơ sở tiêu hao điện lớn như đúc thép bằng lò điện, hóa chất, đất đèn, xi măng v.v… phải đưa chỉ tiêu tiêu hao điện vào chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật để quản lý;

4. Các xí nghiệp cần giảm 20% điện năng tiêu thụ hàng tháng ở các bộ phận văn phòng, các bộ phận gián tiếp nằm trong khu vực sản xuất, để tiết kiệm điện tiêu dùng;

5. Hạn chế việc dùng các máy điều hòa nhiệt độ, các bếp điện ở cơ quan, đơn vị quân đội và nghiêm cấm dùng vào giờ cao điểm tối từ 18 giờ đến 21 giờ (trừ một số cơ quan có quy định riêng);

6. Ban đêm các cửa hàng ăn uống giải khát, buôn bán phải giảm bớt số bóng chiếu sáng quá lãng phí mà chỉ dùng một số lượng vừa đủ tiết kiệm, bảo đảm hoạt động bình thường;

7. Tạm ngưng phát triển điện cho chiếu sáng gia đình ở nông thôn;

8. Từng xí nghiệp phải tổ chức soát xét lại trong dây chuyền công nghệ, thay thế các động cơ quá thừa với công suất phụ tải, có biện pháp quản lý tiết giảm các trường hợp máy chạy vô công.

B. Chống hao hụt mất mát điện.

1. Nghiêm cấm mọi trường hợp sử dụng điện bất hợp pháp như không ký hợp đồng tiêu thụ điện với Sở Quản lý và phân phối điện, móc ngoặc điện dùng không qua điện kế, phá chì niêm điện kế v.v… Sở Quản lý phân phối điện cần phối hợp chặt chẽ với Sở Công an để xử lý kịp thời các trường hợp ăn cắp điện, hành động vi phạm, bất kỳ ai, đều là ăn cắp tài sản xã hội chủ nghĩa;

2. Sở Quản lý phân phối điện phải tăng cường kiểm tra:

a) Kịp thời phát hiện điều chỉnh nâng công suất sử dụng các máy biến thế non tài …, cắt cành cây gần chạm vào các tuyến đường dây v.v…

b) Ghi điện kế không bỏ sót và chính xác;

c) Cung cấp điện cho sản xuất tiểu thủ công nghiệp tư nhân, tổ hợp, hợp tác xã phải theo yêu cầu kế hoạch của thành phố có sự chấp thuận của các Phòng công nghiệp quận, huyện hoặc các Sở của thành phố;

3. Các cơ quan, tập thể, đơn vị bộ đội và nhân dân phải chấp hành nghiêm chỉnh việc thanh toán tiền điện kịp thời để chống thất thu ngân sách của Nhà nước và cũng là biện pháp thiết thực quản lý sử dụng điện tiết kiệm, chống mất mát hao hụt điện;

C. Điều chỉnh giờ sử dụng điện hợp lý để điều hòa giảm công suất cao điểm tối:

1. Các xí nghiệp công nghiệp, Trung ương và địa phương, các cơ sở tiểu công nghiệp làm việc 2 ca, các máy móc nào không làm việc liên tục 16 giờ và các xí nghiệp làm 3 ca, các máy móc không làm việc liên tục 24 giờ trong ngày nếu không ảnh hưởng sản xuất thì ngừng chạy các máy móc đó từ 18 giờ đến 21 giờ;

2. Các cơ sở luyện kim phải bố trí mẻ nấu, không nạp nguyên liệu và các giờ cao điểm tối từ 18 giờ đến 21 giờ, mà các giờ đó chỉ là giai đoạn hoàn nguyên và ra lò tức là chỉ được sử dụng điện ở mức thấp nhất trong các giờ cao điểm tối;

3. Các cơ sở tiểu công nghiệp phải nghỉ luân phiên hàng tuần theo khu vực quy định như các xí nghiệp đã thực hiện, không được nghỉ vào chủ nhật;

4. Đài vô tuyến truyền hình thành phố dịch giờ phát hình chậm lại 30 phút, tức là buổi phát sóng tiếng Hoa từ 19 giờ, buổi phát sóng chính từ 19g30 và chương trình hàng ngày sẽ giảm bớt 30 phút (nghĩa là không quá 21 giờ, trừ thứ 7 và chủ nhật);

5. Trong sinh hoạt ở cơ quan, đơn vị, tập thể, nhà hàng… hết sức hạn chế và tránh dùng các dụng cụ tiêu hao điện nhiều từ 18 giờ đến 21 giờ hàng ngày như bàn là, cầu thang máy, nấu nước tắm v.v…

D. Đảm bảo cung cấp điện an toàn và liên tục.

Sở Quản lý phân phối điện cần khẩn trương và tích cực cùng các ngành có liên quan thực hiện tốt thông báo số 33 ngày 1 tháng 8 năm 1978 của Hội nghị Thường trực Ủy ban nhân dân thành phố về vấn đề cung cấp điện trong tình hình hiện nay:

1. Nắm chắc, phân loại khách hàng và các yêu cầu để có phương án bảo đảm ưu tiên và cắt điện khi cần thiết không để thiệt hại sản xuất, an ninh và chính trị của thành phố;

2. Quản lý kỹ thuật phát điện và cung cấp điện tốt;

3. Hướng dẫn đôn đốc bố trí dự phòng thiết bị, nhiên liệu cho kịp thời ở các cơ sở cần thiết.

III. BIỆN PHÁP THỰC HIỆN .

1. Kiện toàn Ban chỉ đạo vận động tiết kiệm điện của thành phố có trách nhiệm động viên hướng dẫn, kiểm tra đôn đốc thực hiện cuộc vận động;

2. Tuyên truyền giải thích rộng rãi trong cán bộ, chiến sĩ, công nhân viên chức, xã viên, nhân dân, làm cho mọi người, mọi đơn vị thấu suốt ý nghĩa quan trọng và cấp thiết của cuộc vận động này, đưa công tác quản lý sử dụng hợp lý và tiết kiệm điện thành thường xuyên với tinh thần trách nhiệm của người làm chủ tập thể trong sự nghiệp xây dựng thành phố lao động và sản xuất.

Cần phổ biến rộng rãi những kinh nghiệm tiết kiệm điện, biểu dương người tốt, việc tốt, phê phán những hiện tượng sử dụng quá lãng phí, vi phạm chế độ thể lệ sử dụng điện, lên án hành động lấy cắp điện…

Sở Quản lý phân phối điện có trách nhiệm hướng dẫn và phối hợp với các cơ quan báo chí, thông tin phát thanh và vô tuyến truyền hình để thực hiện tốt chỉ thị này.

Các đoàn thể thanh nien, công đoàn cần có nội dung hình thức thường xuyên giáo dục và vận động thực hiện;

3. Sở Tài chánh có trách nhiệm tích cực hướng dẫn thực hiện chế độ trả tiền điện trong khu vực Nhà nước ở thành phố;

4. Ngân hàng thành phố thực hiện nhờ thu tiền điện kịp thời;

5. Đối với các đơn vị thực hiện tốt việc định mức sử dụng điện cho một đơn vị sản phẩm và giảm mức tiêu hao điện hoặc các cá nhân có thành tích, có sáng kiến trong việc tiết kiệm dùng điện thì Sở Quản lý phân phối điện và các cơ quan đơn vị chủ quản cần biểu dương khen thưởng kịp thời.

Các đơn vị hoặc cá nhân nào sử dụng điện trái với các điều quy định trên đây tùy theo mức độ vi phạm mà bị phê bình, cảnh cáo ngừng cung cấp điện hoặc truy tố trước tòa án xử phạt theo pháp luật hiện hành.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ
CHỦ TỊCH




Vũ Đình Liệu

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Chỉ thị 63/CT-UB năm 1978 về việc đẩy mạnh cuộc vận động tiết kiệm và chống hao hụt mất mát điện, thực hiện điều hòa công suất sử dụng điện, đảm bảo cung cấp điện an toàn liên tục do Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh ban hành

  • Số hiệu: 63/CT-UB
  • Loại văn bản: Chỉ thị
  • Ngày ban hành: 17/11/1978
  • Nơi ban hành: Thành phố Hồ Chí Minh
  • Người ký: Vũ Đình Liệu
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 17/11/1978
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản