Hệ thống pháp luật

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
******

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 61-TTg

Hà Nội, ngày 19 tháng 06 năm 1964 

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC MỞ RỘNG CÔNG TÁC DU LỊCH VÀ CUNG ỨNG TÀU BIỂN

Từ khi thành lập đến nay và hoạt động trong những điều kiện còn nhiều khó khăn (thiếu cán bộ, thiếu cơ sở vật chất, thiếu kinh nghiệm), ngành du lịch và cung ứng tàu biển đã thu được kết quả tốt về mặt chính trị và kinh tế. Khách du lịch quốc tế, khách du lịch trong nước được đưa đi tham quan, các tàu biển đến Việt Nam được ta bán cho những thứ cần thiết, các thuyền trưởng và thủy thủ đến Việt Nam đã vào thành phố tham quan giải trí, mua sắm những thứ cần thiết và chữa bệnh khi đau ốm, vv… Do đó ta có thêm một nguồn thu ngoại tệ, có triển vọng ngày càng tăng thêm nếu ta biết làm và làm tốt, đồng thời cũng gây được ảnh hưởng chính trị tốt trong và ngoài nước.

Tuy nhiên, đó chỉ là những kết quả bước đầu, so với yêu cầu và khả năng của nước ta những kết quả đó còn rất thấp. Đối với nước Việt Nam anh dũng và mỹ lệ của ta, du lịch và cung ứng tàu biển có nhiều điều kiện thuận lợi hấp dẫn khách nước ngoài, tuyên truyền rộng rãi về đất nước ta, dân tộc ta và thu nhiều ngoại tệ hơn nữa. Sở dĩ hiện nay kết quả còn rất bị hạn chế, nguyên nhân là do nhận thức đối với công tác du lịch và cung ứng tàu biển chưa được quán triệt trong các ngành, các cấp có liên quan; bản thân các bộ làm những công tác đó còn thiếu kinh nghiệm và ngành du lịch mới xây dựng bước đầu nên cơ sở vật chất chưa đáp ứng được với nhiệm vụ.

Vì vậy trên nguyên tắc vừa đảm bảo nhiệm vụ kinh doanh, vừa đảm bảo nguyên tắc đối ngoại và bảo vệ bí mật Nhà nước, trong thời gian tới, cần phải:

1. Mở rộng du lịch quốc tế và du lịch trong nước:

Trên cơ sở củng cố và mở rộng tổ chức, cần phải tăng thêm một số cơ sở vật chất để đảm bảo tốt nhiệm vụ đón tiếp khách du lịch quốc tế. Ngoài số khách du lịch các nước xã hội chủ nghĩa, cần chú ý mở dần việc tiếp khách từ các nước ngoài khối xã hội chủ nghĩa muốn vào du lịch nước ta. Lúc đầu nên tiếp một số để lấy kinh nghiệm và các cơ quan có trách nhiệm phải quy định những điều cần thiết để việc tiếp khách được thuận lợi, đồng thời tránh mọi sơ xuất có thể xảy ra.

Đối với khách du lịch trong nước, phải hết sức cố gắng phục vụ tốt hơn nữa nhất là để cho cán bộ và đồng bào miền núi có thể tham quan các cơ sở kinh tế và văn hóa ở thủ đô, ở miền biển, vv… để hiểu biết thêm về cảnh đẹp của Tổ quốc, tăng thêm lòng tin tưởng và ý chí phấn đấu xây dựng miền Bắc và đấu tranh thống nhất nước nhà. Phải cố gắng nâng cao khả năng tổ chức và tiếp đón của các cơ sở du lịch nhằm đáp ứng được yêu cầu du lịch, tham quan, nghỉ mát của đông đảo cán bộ, bộ đội và nhân dân ta với giá cả phải chăng. Cần bắt đầu tổ chức cho công nhân đi tham quan những nơi có di tích lịch sử nhân dịp ngày chủ nhật hay ngày nghỉ. Nếu có điều kiện, tổ chức cho khách du lịch Việt Nam đi tham quan ở nước ngoài mà không tốn ngoại tệ, theo hình thức trao đổi tương đương; tăng cường tình hữu nghị giữa nước ta với các nước anh em.

Ngoài ra, ngành du lịch phải tận dụng các phương tiện sẵn có để đóng góp vào việc tiếp đón các khách của Nhà nước, của các cơ quan và các đoàn thể nhân dân, các khách quốc tế quá cảnh, các chuyên gia và ngoại giao đoàn đi tham quan, nghỉ mát trong nước ta.

2. Ra sức đẩy mạnh công tác cung ứng tàu biển:

Để tăng cường ngoại tệ, đồng thời tranh thủ có lợi về mặt chính trị, chúng ta phải cố gắng cung cấp đầy đủ và kịp thời hơn nữa những nhu cầu của các tàu biển đến các cảng của nước ta như lương thực, thực phẩm, nhiên liệu, dầu mỡ, vv…

Cần phải tạo điều kiện thuận lợi cho các thủy thủ nước ngoài có thể nghỉ ngơi, mua sắm, ăn uống hoặc đi tham quan một số nơi trong nước ta theo sự tổ chức hướng dẫn của công ty Du lịch Việt Nam.

Để đảm bảo hoàn thành tốt các nhiệm vụ trên đây, căn cứ theo quyết nghị của Hội đồng Chính phủ trong phiên họp thường vụ Hội đồng chính phủ ngày 05 tháng 02 năm 1964, Thủ tướng Chính phủ quyết định một số biện pháp chủ yếu như sau:

1. Trước hết cần nhận rõ ý nghĩa to lớn của nhiệm vụ mở rộng công tác du lịch và đẩy mạnh công tác cung ứng tàu biển. Phải thấy rõ đó là yêu cầu về cả hai mặt chính trị và kinh tế. Các ngành và các địa phương có liên quan cần quan tâm giúp đỡ, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho hoạt động của di lịch và cung ứng tàu biển. Phải chú ý tăng cường lãnh đạo tư tưởng cho cán bộ và nhân dân, có ý thức giúp đỡ cho ngành du lịch và cung ứng tàu biển đảm bảo kế hoạch cung cấp lương thực, thực phẩm, hàng hóa và giúp các phương tiện cần thiết để cho ngành du lịch và cung ứng tàu biển có thể thu được nhiều ngoại tệ và gây được ảnh hưởng chính trị tốt với khách du lịch và thủy thủ. Các hàng hóa, lương thực, thực phẩm cung cấp cho cơ quan du lịch và cung ứng tàu biển phải là loại tốt nhất và do địa phương đảm bảo cung cấp tại chổ, kể cả những hãng cao cấp, theo đúng giá cung cấp cho các cơ quan Nhà nước.

Các tổng công ty của ngành ngoại thương phải ưu tiên dành đầy đủ các loại hàng tốt và cần thiết cho các cơ sở du lịch và cung ứng tàu biển.

Các cơ quan cung cấp của ngành nội thương cần có ý thức đầy đủ và phục vụ kịp thời cho ngành du lịch và cung ứng tàu biển.

2. Ở những địa phương có danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử, di tích cách mạng, cần có kế hoạch bảo vệ, tu bổ một cách thích đáng những cơ sở ấy. Đối với những nơi có danh tiếng như Vịnh Hạ long, bãi bể Đồ sơn, Sầm sơn, các nơi nghỉ mát trên núi như Tam đảo, Sa pa, các thắng cảnh như hồ Ba bể (Bắc cạn) chùa Hương (Hà đông), chùa Thày, chùa Tây phương, chùa Mía (Sơn tây), Địch lộng, Bích đông, rừng Cúc phương (ninh bình), Tam thanh, Nhị thanh (Lạng sơn), vv… cần phải có quy hoạch toàn diện về nhà cửa, đường sá, công viên, điện, nước, vv… và có kế hoạch cụ thể thực hiện dần từng bước. Hàng năm Ủy ban Kế hoạch Nhà nước cần dành một số tiền cần thiết về xây dựng cơ bản cho ngành du lịch và cung ứng tàu biển.

Riêng đối với quê hương Hồ Chủ Tịch, đối với di tích của Xô viết Nghệ Tĩnh và đối với di tích chiến trường Điện Biên Phủ là hai nơi có ý nghĩa lịch sử và chính trị rất to lớn, cần phải có kế hoạch tu bổ lại và tổ chức sự đi lại cho nhanh chóng để khách trong và ngoài nước đến tham quan ngày càng đông.

Trong năm nay, cần sửa sang gấp khu vực các nhà nghỉ mát ở Đồ sơn để tránh tình trạng đổ nát gây lãng phí, và tu bổ một số khách sạn cũ ở Hà nội, xây dựng một khách sạn cho khách du lịch trong nước ở Bãi cháy (Hạ long).

Cần phải tổ chức một cửa hàng ở Hà nội cho khách du lịch ngoại quốc như ở Hải phòng.

3. Số lượng khách quốc tế đến nước ta ngày càng nhiều, các khách sạn của ta đủ tiện nghi để đón khách còn ít, lại bị phân tán dưới sự quản lý của nhiều ngành, sử dụng chưa hợp lý, nên ở những nơi thường hay có khách quốc tế qua lại như Hà nội, Hải phòng, Đồ sơn, Hạ long cần thống nhất một số khách sạn lớn và cơ sở giao tế và một số phương tiện giao cho Công ty Du lịch thống nhất quản lý để vừa phục vụ khách của Nhà nước, của các cơ quan, các đoàn thể nhân dân trong nước, vừa phục vụ khách du lịch quốc tế tham quan vào các mùa thu, đông, xuân và cán bộ, nhân dân ta đi tham quan hoặc đi nghỉ trong mùa hè.

4. Để đáp ứng nhu cầu công tác, ngành du lịch và cung ứng tàu biển phải rất coi trọng và có kế hoạch tích cực đào tạo cán bộ và nhân viên phục vụ của ngành (cán bộ quản lý, phiên dịch, đầu bếp Âu và Á, các loại cán bộ và nhân viên phục vụ khác) có phẩm chất chính trị tốt, có nghiệp vụ thông thạo. Cần phải mở lớp đào tạo ngay trong nước, cho đi tham quan bên ngoài, mở những hội nghị thường kỳ tổng kết công tác và rút kinh nghiệm, xây dựng cho ngành du lịch và cung ứng tàu biển có nhiều cán bộ tốt, đảm bảo hoàn thành các nhiệm vụ đã đề ra.

5. Để tiện lợi cho khách quốc tế, cần có sự kết hợp chặt chẽ giữa du lịch và các ngành trong việc bán vé xe lửa liên vận, vé máy bay, vé thể thao, văn nghệ v.v.. Có  thể áp dụng hình thức du lịch làm đại lý cho các ngành để bán vé cho khách quốc tế nhằm đáp ứng yêu cầu của khách được đầy đủ và nhanh chóng.

6. Công ty Du lịch Việt Nam phải có kế hoạch phối hợp chặt chẽ với các cơ quan có trách nhiệm về quản lý, tổ chức và hướng dẫn tham quan cho khách du lịch quốc tế. Để đáp ứng nhu cầu của khách du lịch từ nơi này qua nơi khác trong một hành trình một cách hợp lý, để tiện việc bố trí kế hoạch du lịch, ấn định giá cả, các chế độ và sử dụng các cán bộ, khách sạn, phương tiện vận chuyển cho được  hợp lý, các cơ sở du lịch và cung ứng tàu biển ở địa phương sẽ do Công ty Du lịch Việt Nam chỉ đạo và quản lý về các mặt tổ chức, cán bộ, kế hoạch và tài vụ, lãi sẽ điều tiết cho địa phương theo đúng quy định của Bộ Tài chính.

Các Ủy ban hành chính địa phương có cơ sở du lịch và cung ứng tàu biển lãnh đạo tư tưởng và giáo dục chính trị, kiểm tra đôn đốc việc thực hiện các chủ trương và chính sách của Chính phủ đề ra cho ngành du lịch và cung ứng tàu biển ở địa phương mình.

7. Các Bộ như Ngoại giao, Quốc phòng, Công an, Văn hóa và Ngoại thương có trách nhiệm cùng bàn bạc để quy định các chế độ về thủ tục xuất, nhập, quá cảnh, quay phim, chụp ảnh, quy định các vùng được đến tham quan du lịch, các tuyến đường được đi lại cho khách du lịch quốc tế. Cần có những quy định chặt chẽ, nhưng cũng cần hết sức tránh những quy định phức tạp, phiền phức không cần thiết.

8. Bộ Ngoại thương là Bộ chủ quản có trách nhiệm tăng cường lãnh đạo Công ty Du lịch Việt Nam và cung ứng tàu biển để nâng cao hơn nữa chất lượng kinh doanh và phục vụ của ngành này. Phải đặc biệt coi trọng công tác lãnh đạo chính trị và tư tưởng, phải hết sức chăm lo chọn lọc và đào tạo cán bộ để có trình độ chính trị, nghiệp vụ và ngoại ngữ cần thiết cho nhiệm vụ công tác. Về mặt đãi ngộ đối với cán bộ, công nhân viên phục vụ trong các cơ sở du lịch và cung ứng tàu biển, vì cần có trình độ văn hóa, kỹ thuật và nghiệp vụ nhất định, Bộ Ngoại thương cần phối hợp với các ngành liên quan nghiên cứu các chế độ thích đáng để sớm trình lên Chính phủ xét.

Bộ Ngoại thương cùng với các Bộ, các Ủy ban hành chính các địa phương có liên quan cần phối hợp chặt chẽ thực hiện có kết quả tốt chỉ thị này.

 

 

KT. THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
PHÓ THỦ TƯỚNG
 
 


Phạm Hùng

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Chỉ thị 61-TTg năm 1964 về mở rộng công tác du lịch và cung ứng tàu biển do Thủ tướng chính phủ ban hành

  • Số hiệu: 61-TTg
  • Loại văn bản: Chỉ thị
  • Ngày ban hành: 19/06/1964
  • Nơi ban hành: Thủ tướng Chính phủ
  • Người ký: Phạm Hùng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 24
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản