Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 540-TTg | Hà Nội, ngày 05 tháng 9 năm 1995 |
CHỈ THỊ
VỀ CÔNG TÁC QUẢN LÝ ĐO LƯỜNG VÀ CHẤT LƯỢNG HÀNG HÓA LƯU THÔNG TRÊN THỊ TRƯỜNG
Thời gian gần đây, thị trường và hoạt động thương mại ở nước ta đã có những bước phát triển tích cực, hàng hoá ngày càng đa dạng, phong phú, chất lượng ngày càng được nâng cao, đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng của nhân dân. Tuy nhiên, công tác quản lý đo lường và chất lượng hàng hoá, việc kiểm tra, kiểm soát, chấp hành các quy định về bảo đảm chất lượng hàng hoá lưu thông trên thị trường chưa được quan tâm đúng mức. Hiện tượng buôn bán hàng giả, gian lận trong đo lường và chất lượng hàng hoá, tuỳ tiện, không trung thực trong hoạt động quảng cáo ngày càng có chiều hướng gia tăng, thậm chí có lúc, có nơi tình hình trở nên nghiêm trọng không những gây thiệt hại về quyền lợi, thậm chí làm ảnh hưởng tới sức khoẻ của người tiêu dùng, mà còn làm suy giảm uy tín và lợi ích kinh tế của những người kinh doanh chân chính, trung thực, đồng thời gây hậu quả xấu tới sản xuất, đời sống và sự phát triển lành mạnh của nền kinh tế, xã hội ở nước ta.
Nguyên nhân của tình trạng trên trước hết là do các Bộ, các ngành và địa phương được giao trách nhiệm quản lý đo lường và chất lượng hàng hoá chưa nhận thức một cách đầy đủ vai trò và trách nhiệm của mình trong việc tổ chức và phối hợp hành động nhằm thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả việc quản lý chất lượng và đo lường đối với hàng hóa lưu thông trên thị trường.
Những nội dung quy định hiện hành về quản lý đo lường và chất lượng hàng hoá của Nhà nước không phù hợp hoặc không đáp ứng yêu cầu và đòi hỏi của quá trình phát triển kinh tế, lưu thông hàng hoá chậm được điều chỉnh, bổ sung hoặc thay thế cho phù hợp với đặc điểm, yêu cầu của cơ chế mới.
Bộ máy tổ chức và lực lượng làm công tác kiểm tra, kiểm soát về đo lường và chất lượng hàng hoá trong khâu lưu thông trên thị trường còn thiếu và yếu, hoạt động kém hiệu quả, chưa đáp ứng được yêu cầu và đòi hỏi của quá trình phát triển hàng hoá và thị trường trong quá trình chuyển sang nền kinh tế thị trường.
Nhằm nhanh chóng khắc phục tình trạng yếu kém về quản lý, đo lường và chất lượng hàng hoá trong lưu thông, nhất là những hàng hoá có ảnh hưởng trực tiếp đến sinh hoạt và sức khoẻ người tiêu dùng như lương thực, thực phẩm, đồ uống, nước giải khát..., sớm đưa vào hoạt động thương mại nói chung, công tác quản lý chất lượng và đo lường hàng hoá trong lưu thông nói riêng vào nền nếp, đúng kỷ cương pháp luật, góp phần thúc đẩy, mở rộng hoạt động thương mại của nước ta theo hướng văn minh, lành mạnh, Thủ tướng Chính phủ chỉ thị:
1. Bộ Thương mại:
- Chủ trì, phối hợp với Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường, rà soát lại các quy định hiện hành về quản lý đo lường và chất lượng hàng hoá lưu thông trên thị trường, để sửa đổi, bổ sung hoặc trình Chính phủ ban hành những quy định mới phù hợp với đặc điểm tình hình và xu hướng phát triển của thị trường ở nước ta, nhằm nâng cao hiệu quả quản lý và đo lường và chất lượng hàng hoá lưu thông trên thị trường.
- Nghiên cứu để xây dựng, ban hành quy chế về nhãn sản phẩm (ê-ti-két và thương hiệu (tên thương mại) để mọi doanh nghiệp khi tiến hành kinh doanh thương mại đều có thương hiệu riêng; mọi hàng hoá (sản phẩm) lưu thông trên thị trường đều phải có nhãn sản phẩm ghi những chỉ tiêu chất lượng cơ bản của sản phẩm, làm cơ sở cho việc lựa chọn của người tiêu dùng, cũng như việc kiểm tra, kiểm soát của các cơ quan chức năng về việc chấp hành các quy định về đo lường và chất lượng hàng hoá.
- Phối hợp với Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường rà soát, chấn chỉnh hoạt động của các tổ chức, cơ quan thực hiện công việc giám định, công nhận chất lượng hàng hoá hiện nay theo hướng tinh gọn về bộ máy và thủ tục hành chính, hoạt động có hiệu quả, đáp ứng kịp thời yêu cầu của cơ chế quản lý mới. Phân định rõ chức năng nghiên cứu, xây dựng tiêu chuẩn chất lượng hàng hoá với việc thực hiện giám định chất lượng hàng hoá theo tiêu chuẩn để có chính sách và biện pháp quản lý thích hợp nhằm loại bỏ tình trạng một cơ quan, đơn vị vừa xây dựng (quy định) tiêu chuẩn chất lượng hàng hoá, vừa làm công việc giám định công nhận chất lượng như hiện nay, bảo đảm tính độc lập, khách quan, trung thực trong công tác giám định, kiểm tra đo lường và chất lượng. Công tác giám định chất lượng hàng hoá là một trong các hoạt động dịch vụ thương mại, do vậy những đơn vị làm công việc giám định chất lượng hàng hoá phải thực hiện đăng ký kinh doanh và chịu sự điều chỉnh của luật pháp như mọi hoạt động dịch vụ thương mại khác.
- Có kế hoạch và biện pháp tăng cường cơ sở vật chất kỹ thuật, bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên môn cho các đơn vị và cá nhân làm công tác quản lý thị trường để có đủ điều kiện và năng lực thực hiện chức năng kiểm tra, kiểm soát công tác đo lường và chất lượng hàng hoá. Phối hợp với các ngành, các địa phương để thực hiện nghiêm túc, triệt để công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, bảo đảm trật tự, kỷ cương về hoạt động thương mại trong cả nước.
2. Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường.
- Soát xét hệ thống Tiêu chuẩn Việt Nam để điều chỉnh, sửa đổi hoặc bổ sung đối với những tiêu chuẩn đã ban hành nhưng không còn phù hợp, không đáp ứng yêu cầu của tình hình mới. Nghiên cứu, xây dựng và ban hành các tiêu chuẩn về mức chất lượng tối thiểu bắt buộc (ngoài các tiêu chuẩn về vệ sinh, an toàn) áp dụng đối với một số sản phẩm quan trọng, những sản phẩm khi tiêu dùng có ảnh hưởng trực tiếp đến sức khoẻ và môi trường như lương thực, thực phẩm, đồ uống, nước giải khát... làm căn cứ cho việc kiểm tra về chất lượng hàng hoá sản xuất, ở trong nước, cũng như hàng hoá nhập khẩu vào nước ta.
- Phối hợp với Bộ Tài chính và các ngành có liên quan nghiên cứu trình Chính phủ ban hành biện pháp chế tài để nâng cao hiệu lực bảo hộ của Nhà nước đối với các loại hình sở hữu công nghiệp đã đăng ký, làm cho hoạt động sở hữu công nghiệp thực sự phát huy vai trò tích cực trong việc chống sản xuất, buôn bán hàng giả.
- Tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động của các tổ chức, đơn vị làm nhiệm vụ kiểm định sản xuất phương tiện đo lường chất lượng để bảo đảm mọi hoạt động và sản phẩm về đo lường chất lượng được sản xuất ra theo đúng tiêu chuẩn và các quy định quản lý thống nhất của Nhà nước. Phối hợp với lực lượng quản lý thị trường phát hiện, kiểm tra và xử lý các vi phạm về sản xuất, lưu thông và sử dụng phương tiện đo lường, đồng thời thường xuyên tăng cường năng lực và trang thiết bị kỹ thuật cho hệ thống các cơ quan kiểm định đo lường để có đủ khả năng phục vụ yêu cầu quản lý đo lường chất lượng hàng hoá của Nhà nước.
3. Bộ Văn hoá - Thông tin
Phối hợp với Bộ Thương mại để hướng dẫn việc thực hiện Nghị định 194/CP ngày 31 tháng 12 năm 1994 đối với hoạt động quảng cáo thương mại, đặc biệt là các nội dung quảng cáo có liên quan tới đo lường và chất lượng hàng hoá, bảo đảm cho các hoạt động quảng cáo thương mại tuân thủ đúng pháp luật, trung thực và chính xác.
4. Các Bộ quản lý chuyên ngành, Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
- Căn cứ lĩnh vực và phạm vi quản lý, các Bộ quản lý chuyên ngành, thống nhất với Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường quy định tiêu chuẩn chất lượng hàng hoá thuộc lĩnh vực Bộ quản lý và chịu trách nhiệm trước Chính phủ về công tác đo lường và chất lượng đối với những hàng hoá đưa ra lưu thông trên thị trường do Bộ chịu trách nhiệm quản lý.
- Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm trước Chính phủ về việc tổ chức thực hiện các quy định của Nhà nước trên địa phương mình về công tác kiểm tra, kiểm soát, chống sản xuất, buôn bán hàng giả, chống gian lận về đo lường và chất lượng hàng hoá lưu thông trên thị trường. Phải đặt công tác này ngang với việc chống đầu cơ, buôn lậu, buôn bán hàng cấm và các hành vi kinh doanh trái phép khác để có kế hoạch, biện pháp tích cực, thực hiện thường xuyên, liên tục ngay tại địa phương mình, đồng thời phối hợp với các ngành, các địa phương khác thực hiện tốt quy định về quản lý đo lường và chất lượng hàng hoá trên phạm vi cả nước.
| Phan Văn Khải (Đã ký) |
Chỉ thị 540-TTg năm 1995 công tác quản lý đo lường và chất lượng hàng hóa lưu thông trên thị trường do Thủ tướng Chính Phủ ban hành
- Số hiệu: 540-TTg
- Loại văn bản: Chỉ thị
- Ngày ban hành: 05/09/1995
- Nơi ban hành: Thủ tướng Chính phủ
- Người ký: Phan Văn Khải
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Số 23
- Ngày hiệu lực: Kiểm tra
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra