ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 53/CT-UB | TP. Hồ Chí Minh, ngày 13 tháng 12 năm 1990 |
CHỈ THỊ
VỀ VIỆC TỔ CHỨC TẾT NGUYÊN ĐÁN TÂN MÙI 1991.
Năm 1990, thành phố đã nỗ lực phấn đấu giải quyết nhiều khó khăn rất gay gắt về kinh tế - xã hội, sản xuất công nghiệp và kim ngạch xuất nhập khẩu có mức phát triển so với năm trước; bảo đảm giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội.
Bước vào năm 1991, thành phố cũng như cả nước còn phải đương đầu với nhiều khó khăn mới. Toàn thành phố đang nỗ lực đẩy mạnh bốn cuộc vận động lớn : chống tham nhũng; chống quan liêu cửa quyền, gây phiền hà cho dân, cải tiến thủ tục hành chánh; chống buôn lậu, quản lý chặt chẽ hàng nhập khẩu; thực hành tiết kiệm về mọi mặt, vận động nhân dân tiêu dùng hàng sản xuất trong nước, nhằm bảo đảm đẩy mạnh sản xuất, giữ vững đời sống của nhân dân.
Trong tình hình đó, Ủy ban nhân dân thành phố chỉ thị các cấp, các ngành tổ chức Tết Nguyên đán theo những yêu cầu và nội dung như sau :
1/ Yêu cầu chung là : bảo đảm cho nhân dân và cán bộ công nhân viên chức vui Tết với nhiều hình thức sinh hoạt văn hóa phong phú, mọi giá đình đều có điều kiện vật chất đón Xuân vui vẻ, lành mạnh, đoàn kết và triệt để tiết kiệm, chống xa hoa phung phí tiền của, chống nhậu nhẹt say sưa, cờ bạc, bài trừ mê tín, dị đoan và các tệ nạn xã hội khác; giữ vững an ninh và trật tự an toàn xã hội; chuẩn bị vui Tết đi đôi với đẩy mạnh sản xuất và chuẩn bị điều kiện để sau Tết bắt tay ngay vào hoạt động sản xuất - kinh doanh, công tác và lao động với tinh thần phấn khởi, tin tưởng, nhằm hoàn thành được kế hoạch quý 1/1991 và tiếp tục thực hiện thắng lợi 4 cuộc vận động lớn của thành phố.
2/ Các ngành và các cấp từ thành phố đến quận, huyện, phường, xã theo chức trách của từng đơn vị, có kế hoạch giải quyết tốt những vấn đề sau đây :
a) Về kinh doanh thương nghiệp và quản lý thị trường giá cả :
- Ngành thương nghiệp cần có kế hoạch bảo đảm đưa ra thị trường thành phố các mặt hàng chủ yếu phục vụ nhu cầu Tết.
- Ngành thương nghiệp và dịch vụ cần xuất phát từ nhu cầu chính đáng phù hợp với phong tục tập quán của nhân dân để mở rộng kinh doanh, phục vụ trong dịp Tết, vừa đáp ứng nhu cầu của các tầng lớp nhân dân thành phố vừa chú ý nhu cầu của khách vảng lai và nhu cầu của các tỉnh bạn. Bảo đảm có lượng hàng dồi dào và cân đối theo yêu cầu thị trường là điều kiện quyết định để giữ vững giá cả thị trường, nhất là trong những ngày cận Tết và sau Tết, không để giá cả tăng đột biến.
- Ngoài việc tận dụng mặt bằng của các cửa hàng hiện có, cho phép các tổ chức kinh tế, kể cả các cơ sở sản xuất tổ chức thêm gian hàng Tết để bày bán hàng hóa và sản phẩm của các xí nghiệp, cơ sở sản xuất tiểu thủ công nghiệp theo quy hoạch và quản lý của ngành thương nghiệp.
- Cùng với việc mở rộng hoạt động mua bán, lực lượng quản lý thị trường phải kết hợp với lực lượng công an và cùng với Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể quần chúng tổ chức kiểm tra kiểm soát chống nạn đầu cơ, gom hàng để nâng giá, chống buôn lậu và các hoạt động vi phạm quy định về kinh doanh như bán hàng giả, hàng kém phẩm chất, chống nâng giá các loại công dịch vụ đã có quy định.
- Về quản lý sản xuất, lưu thông, tiêu dùng pháo ở thành phố, thực hiện đúng chỉ thị số 48/CT-UB ngày 21/11/1990 của Ủy ban nhân dân thành phố :
Được đốt pháo trong 3 ngày tết (30, mùng 1, mùng 2).
Cấm các cơ quan Nhà nước, các đơn vị kinh tế quốc doanh, lực lượng võ trang, các đoàn thể đốt pháo trong mọi trường hợp.
Nghiêm trị các hành động đốt pháo gây nguy hiểm, tai nạn (đốt pháo ngay chỗ đông người, đốt pháo ném vào người khác).
Chỉ có pháo hiệu Chiến Thắng do Công ty Bách hóa thành phố gia công sản xuất mới được tiêu thụ trên địa bàn thành phố. Chỉ có các đơn vị thương nghiệp xã hội chủ nghĩa (quốc doanh và hợp tác xã mua bán) được bán pháo, tư nhân không được bán pháo. Nghiêm trị các hoạt động sản xuất pháo lậu, mua bán pháo lậu.
b) Giải quyết tốt yêu cầu vốn, tiền mặt cho sản xuất kinh doanh, lương cho cán bộ công nhân viên chức; vận động đoàn kết hỗ trợ nhau vui Tết :
- Theo sự chỉ đạo của thành phố, tích cực giải quyết các khó khăn cho sản xuất, kinh doanh nhất là về vốn, thanh toán công nợ, để đẩy mạnh phát triển sản xuất, bảo đảm quay nhanh đồng vốn. 10 ngày trước Tết, phát đủ lương và bù giá cả tháng 2/1991, phát một phần tiền thưởng cuối năm theo quy định Nhà nước.
- Tất cả các ngành, các cấp theo sự phân cấp quản lý hiện nay, đều có trách nhiệm chăm lo đời sống của các gia đình thương binh, liệt sĩ, các gia đình có công với cách mạng, các lực lượng võ trang đồng thời với việc chăm lo cho các gia đình cán bộ công nhân viên chức và người về hưu thuộc đơn vị mình. Các cơ quan đơn vị không tổ chức ăn uống liên hoan linh đình; trong buổi gặp mặt cuối năm chỉ tổ chức nhẹ nhàng, hàng thực phẩm ở cơ quan nếu có thì chia cho cán bộ nhân viên mang về lo Tết ở gia đình là chủ yếu.
- Các cấp chánh quyền phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và đoàn thể tổ chức vận động nhân dân hỗ trợ nhau về vật chất trong dịp Tết, chú ý hỗ trợ tốt cho các gia đình chính sách gia đình liệt sĩ, thương binh, các gia đình nghèo, không có sức lao động, neo đơn già yếu, bịnh tật. Các đơn vị sản xuất, kinh doanh có quỹ phúc lợi khá cần hỗ trợ cho các khu vực khác, tích cực góp phần xây dựng quỹ bảo trợ người về hưu.
c) Về văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao, vui chơi giải trí :
- Sở Văn hóa thông tin, Sở Thể dục thể thao, Sở Công trình đô thị (Công ty công viên cây xanh) thành phố có kế hoạch chỉ đạo, huy động sức mạnh của các ngành các cấp thành phố, quận huyện và phường xã, hướng dẫn phối hợp đồng bộ để tổ chức mạng lưới các tụ điểm vui chơi giải trí lành mạnh với nhiều hình thức phong phú, sáng tạo, tăng cường hoạt động ở các vùng ngoại thành, ở những công trường, lâm trường, ở các vùng ít được thưởng thức văn nghệ và thiếu thông tin.
- Bài trừ nạn cờ bạc, mê tín dị đoan, chống nạn say sưa và các tệ nạn xã hội khác. Nghiêm trị các vụ chiếu phim cấm.
d) Về giao thông vận tải, công trình đô thị, trật tự xã hội :
- Các ngành chức năng cùng các quận, phường nội thành phối hợp giải quyết tốt tình trạng mất trật tự trong lưu thông đường phố, mở những đợt chỉ đạo tập trung lập lại trật tự giao thông, giải quyết việc cư trú bất hợp pháp, buôn bán, chiếm lề đường, vỉa hè, bảo đảm phục vụ vận chuyển hàng hóa và hành khách trong dịp Tết và sau Tết, thiết lập trật tự ở các bến bãi đỗ xe.
- Ngành Công an (dưới sự chỉ đạo của Ban Chỉ huy Thống Nhất) phát động phong trào quần chúng, cùng các ngành các cấp, nhất là phối hợp với lực lượng cảnh sát quân sự bảo đảm an ninh và trật tự an toàn xã hội ở các quận huyện, phường xã, chống phạm pháp hình sự. Trước Tết mở đợt kiểm tra công tác phòng cháy chữa cháy, thông qua báo đài tăng cường giáo dục các đơn vị xí nghiệp, cơ quan, các tổ chức kinh tế và các hộ dân phòng chống cháy, nổ. Hướng dẫn nhân dân đề phòng cháy do chập điện, chứa xăng trong nhà, đốt pháo và do các nguyên nhân khác thường xảy ra trong mùa khô. Tất cả các cơ quan Nhà nước, các xí nghiệp, công ty, lực lượng phòng cháy chữa cháy phải tổ chức trực ban tại đơn vị để giải quyết mọi việc gấp xảy ra cũng như bảo vệ cơ quan, đơn vị trong các ngày nghỉ Tết.
- Các ngành điện, nước, công trình công cộng phải bảo đảm nhu cầu nước, điện, đèn đường và vệ sinh trên toàn thành phố. Sở Công trình đô thị chủ trì cùng quận huyện, phường xã có kế hoạch cho toàn thành phố làm tổng vệ sinh trước Tết.
e) Đẩy mạnh 4 cuộc vận động; kết hợp vui Tết với nỗ lực thực hiện kế hoạch quý I/1991 :
- Các ngành các cấp, theo kế hoạch đã có, cần đẩy mạnh việc thực hiện 4 cuộc vận động, đặc biệt chú ý việc giải quyết các đơn khiếu tố, cải tiến lề lối làm việc, bỏ các thủ tục không cần thiết gây phiền hà cho dân. Trong tình hình hiện nay, mỗi cán bộ nhân viên Nhà nước, nhất là cán bộ lãnh đạo càng cần chú ý thực hiện khẩu hiệu : Việc gì có lợi cho dân, dù khó cũng nỗ lực làm, việc gì không lợi cho dân, dù nhỏ, kiên quyết không làm.
- Tất cả các đơn vị cần chuẩn bị để sau Tết, mọi hoạt động sản xuất kinh doanh và các mặt công tác đều trở lại bình thường, trước mắt bảo đảm hoàn thành kế hoạch quý I/1991.
3/ Về tổ chức thực hiện :
- Thành lập Ban chỉ đạo Tết ở các cấp :
Từ thành phố đến quận huyện, phường xã đều thành lập Ban chỉ đạo Tết để tổ chức thực hiện chỉ thị này, bảo đảm đạt các yêu cầu đề ra. Sau Tết, Ban chỉ đạo các cấp tổng kết, rút kinh nghiệm và báo cáo kết quả cho Cấp ủy Đảng và Ủy ban nhân dân cùng cấp và cấp trên.
- Thành lập Ban chỉ đạo Tết cấp thành phố với thành phần như sau :
1- Đ/c Vương Hữu Nhơn, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố làm Trưởng Ban chỉ đạo.
2- Đ/c Lãnh đạo Sở Thương nghiệp, Phó Trưởng Ban thường trực
3- Đ/c Lãnh đạo Công an thành phố, Phó Trưởng Ban
4- Đ/c Lãnh đạo Sở Văn hóa Thông tin thành phố, Phó Trưởng Ban
5- Đ/c Lãnh đạo Sở Lao động-Thương binh xã hội, Ủy viên
6- Đ/c Lãnh đạo Sở Công trình đô thị, Ủy viên
7- Đ/c Lãnh đạo Sở Giao thông vận tải, Ủy viên
8- Đ/c Lãnh đạo Ban Quản lý thị trường thành phố, Ủy viên
9- Đ/c đại diện Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và Ban Chấp hành Liên đoàn Lao động thành phố, Đoàn Thanh niên Cộng sản, Thành Hội Liên hiệp Phụ nữ, Thành Hội Nông dân làm Ủy viên.
Các đồng chí trong Ban chỉ đạo sử dụng bộ máy của cơ quan mình để phục vụ công tác. Các ngành cử nhân sự cụ thể tham gia Ban chỉ đạo và chuẩn bị dự họp do Trưởng Ban chỉ đạo triệu tập để triển khai kế hoạch công tác.
Ủy ban nhân dân thành phố yêu cầu các cấp, các ngành phối hợp các lực lượng, có kế hoạch cụ thể, khắc phục khó khăn, tổ chức tốt Tết Nguyên đán theo các yêu cầu của chỉ thị này.-
| TM. ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ |
Chỉ thị 53/CT-UB năm 1990 về việc tổ chức Tết nguyên đán Tân Mùi 1991 do Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh ban hành
- Số hiệu: 53/CT-UB
- Loại văn bản: Chỉ thị
- Ngày ban hành: 13/12/1990
- Nơi ban hành: Thành phố Hồ Chí Minh
- Người ký: Nguyễn Văn Huấn
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: 13/12/1990
- Ngày hết hiệu lực: 07/07/2009
- Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực