Hệ thống pháp luật

BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 53/2000/CT-BNN-PCLB

Hà Nội, ngày 11 tháng 5 năm 2000

 

CHỈ THỊ

 VỀ VIỆC HOÀN THÀNH KẾ HOẠCH TU BỔ ĐÊ, KÈ, CỐNG VÀ CHUẨN BỊ SẴN SÀNG HỘ ĐÊ, PHÒNG LỤT NĂM 2000

Những năm qua thiên tai xẩy ra ở hầu hết các tỉnh, thành phố trong cả nước và đã gây nên những tổn thất lớn về nhiều mặt, trong đó đê, kè ở nhiều nơi bị hư hỏng. Năm 2000 thời tiết có thể diễn biến phức tạp hơn. Để hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do mưa, lũ, bão gây ra đối với những vùng được đê bảo vệ, Bộ Nông nghiệp và PTNT yêu cầu Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố có đê tập trung làm tốt một số việc trọng tâm dưới đây:

I- HOÀN THÀNH KẾ HOẠCH TƯ BỔ ĐÊ ĐIỀU.

1. UBND các tỉnh, thành phố cần tăng cường kiểm tra, đôn đốc, phát hiện và giải quyết kịp thời các khó khăn vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ tu bổ đê điều; Nâng cao chất lượng thi công, hoàn thành toàn bộ kế hoạch năm 2000 trước thời hạn; thực hiện đúng chế độ, chính sách hiện hành, triệt để tiết kiệm, chống thất thoát, tham ô lãng phí.

2. Ngoài nguồn vốn do Trung ương đầu tư, UBND các tỉnh, thành phố phải huy động nguồn lực của địa phương để tu bổ thêm đối với các hạng mục cần thiết khác mà Trung ương chưa cân đối được nhằm hạn chế đến mức thấp nhất các sự cố lớn khi có lũ, bão.

3. Đối với việc duy tu, bảo dưỡng, chống xuống cấp hệ thống đê điều, UBND tỉnh, thành phố chỉ đạo thật chặt chẽ, thực hiện đúng các danh mục đã được Bộ duyệt và các nội dung hướng dẫn tại Thông tư liên tịch giữa Bộ Tài chính và Bộ Nông nghiệp và PTNT.

4. Những địa phương chưa phân cấp và quy định cụ thể trách nhiệm, quyền hạn của UBND quận, huyện, phường, xã trong việc quản lý, bảo vệ các tuyến đê hiện có trên địa bàn thì tiến hành ngay và ra văn bản trước ngày 15/5/2000. Địa phương nào đã có quy định rồi phải tiến hành kiểm tra, đôn đốc các cấp, các ngành thực hiện các quy định của Trung ương và địa phương đối với việc quản lý, bảo vệ đê điều, nhất là đối với cấp phường, xã.

5. Kiểm tra và có biện pháp ngăn chặn ngay các hành vi đào đất, cát gần chân đê, chân kè hoặc xa chân đê nhưng gây sạt lở bờ, yêu cầu UBND tỉnh, thành phố ra lệnh đình chỉ ngay và kiên quyết buộc người vi phạm phải khôi phục như nguyên trạng.

6. Mọi hành vi lấn chiếm đê làm lều quán, chứa vật liệu, hàng hoá hoặc xây dựng công trình trái phép phải giải toả xong trước ngày 15/5/2000 để không ảnh hưởng việc kiểm tra đê và hộ đê.

II- ĐẢM BẢO AN TOÀN CÁC CỐNG DƯỚI ĐÊ TRONG MÙA MƯA, LŨ, BÃO

1. Tổ chức thực hiện ngay việc kiểm tra, đánh giá chất lượng toàn bộ các cống dưới đê, nhằm phát hiện các cống đã hết thời gian được sử dụng, các cống bị hư hỏng với mức độ khác nhau để lập kế hoạch sửa chữa hoặc lấp bỏ vĩnh viễn.

2. Những cống xét thấy không an toàn trong mùa lũ, bão năm 2000 nhất thiết phải có phương án bảo vệ do UBND tỉnh duyệt (bao gồm phướng án kỹ thật, vật tư, kinh phí và giao trách nhiệm cụ thể cho đơn vị để thực hiện dự án).

3. Những cống xung yếu buộc phải hoành triệt trước mùa lũ, bão 2000 thì ngoài phương án bảo đảm chống lũ, phải chủ động lập phương án tưới (hoặc tiêu) hỗ trợ để giảm bớt mức độ ảnh hưởng do việc phải hoành triệt cống.

4. Việc sử dụng cống dưới đê trong mùa lũ phải chấp hành nghiêm ngặt qui trình đóng, mở hiện hành. Những cống chưa có quy trình, Sở Nông nghiệp và PTNT phải xây dựng và báo cáo tỉnh, thành phố duyệt trước mùa lũ, bão để áp dụng ngay trong năm 2000.

Những cống dưới đê không thuộc hệ thống thủy nông, UBND tỉnh, thành phố giao cho UBND huyện, quận chỉ định ngay người trực tiếp quản lý, vận hành và giao cho Sở NN & PTNT lập qui trình vận hành, tổ chức tập huấn cho người quản lý cống nắm vững và thực hiện.

Những cống là công trình đầu mối liên tỉnh, huyện thì Hội đồng quản lý phải có qui chế cụ thể, phân công trách nhiệm rõ ràng, phối hợp chặt chẽ giữa các đơn vị, địa phương trong việc thực hiện phương án bảo vệ, xử lý các tình huống đột xuất, không được để sơ xuất.

III- CHỦ ĐỘNG CHUẨN BỊ BẴN SÀNG HỘ ĐÊ TRONG MÙA LŨ, BÃO NĂM 2000

1. UBND các tỉnh, thành phố giao cho Sở NN&PTNT phối hợp với các huyện tiến hành tổng kiểm tra đánh giá chất lượng đê điều. Chú ý phát hiện những hư hỏng, các yếu tố bất lợi có nguy cơ đê doạ an toàn đê điều và đề ra phương án hộ đê phù hợp với điều kiện thực tê của địa phương.

2. Sau khi tổng kiểm tra đánh giá hiện trạng công trình phải xây dựng, duyệt và sẵn sàng triển khai phương án hộ đê tương ứng với từng tuyến, từng khu vực trọng điểm theo phương châm: Vật tư, hậu cần, lực lượng và chỉ huy tại chỗ. Phối hợp chặt chẽ với quân khu để bố trí lực lương quân đội đóng trên địa bàn được chuẩn bị theo phương án và kế hoạch hộ đê được duyệt.

3. Chuẩn bị sẵn sàng phương án hộ đê trong điều kiện có lũ lớn, lũ cực lớn, đặc biệt là phương án chống tràn. Các tỉnh, thành phố phải có kế hoạch chi tiết giao cho mỗi hộ dân chuẩn bị sẵn ít nhất hai bao tải đất (gồm vỏ bao và đất) để khi cần huy động là đáp ứng ngay cho việc cứu hộ đê.

4. Chuẩn bị các điều kiện sẵn sàng phân lũ, chậm lũ. Đối với các tỉnh nằm trong vùng phân lũ, chậm lũ phải chuẩn bị đầy đủ các điều kiện đảm bảo an toàn cho nhân dân vùng phân lũ, chậm lũ, lập kế hoạch chi tiết cho việc di chuyển người và tài sản ra khỏi vùng ảnh hưởng của phân lũ, chậm lũ. Kiểm tra, rà soát và tổ chức diễn tập phương án để bổ khuyết kịp thời tránh bị động. Chuẩn bị sẵng sàng các phương án hộ đê đối với tuyến đê phân lũ vì đây là tuyến đê khô gần 30 năm không chịu lũ.

5. Căn cứ phương án hộ đê năm 2000 chuẩn bị đủ số lượng, chủng loại vật tư dự trữ hộ đê cho từng tuyến. Ngoài số vật tư dự trữ của Nhà nước hiện có trên địa bàn, cần có kế hoạch huy động vật tư trong nhân dân (kể cả vật tư, thiết bị của các doanh nghiệp, cơ quan và lực lượng vũ trang đóng trên địa bàn). Đối với những đoạn đê xung yếu phải chuẩn bị đủ đất dự trữ cùng với số lượng bao tải tương ứng và phương tiện vận tải thích hợp, không được để xảy ra tình trạng bị động trong mùa lũ. Những đoạn đê đang bị dòng chảy tác động gây xói lở bờ, những nơi xa dân cư, giao thông khó khăn đều phải có phương án xử lý kịp thời.

6. Đối với các tuyến đê bối chỉ giữ với mức nhỏ hơn hoặc bằng báo động II theo quy định, nếu lũ trên mức báo động II các địa phương phải có kế hoạch sơ tán dân sống trong vùng bối và chủ động cho nước vào bối để không xảy ra vỡ bối đột ngột và tránh tình trạng vì lợi ích cục bộ của vùng bối làm ảnh hưởng tới thoát lũ của sông và đe dọa an toàn của đê chính.

7. Trước ngày lũ tiểu mãn năm 2000, phải chỉ đạo, tổ chức diễn tập phương án hộ đê để kiểm tra việc chuẩn bị vật tư, lực lượng, phương tiện, kỹ thuật, chỉ huy và thông tin hai chiều; bổ khuyết kịp thời những thiếu sót, tồn tại. Tập huấn nghiệp vụ cho các lực lượng tham gia hộ đê đặc biệt lực lượng quân đội được bố trí trên địa bàn xong trước ngày 30/5/2000. Giao Sở NN&PTNT phối hợp với các lực lượng vũ trang đóng trên địa bàn tổ chức tập huấn kỹ thuật hộ đê cho lực lượng vũ trang như nội dung của Thông báo số 164 TB/TW ngày 3/9/1998 thông báo ý kiến của Thường vụ Bộ Chính trị.

UBND các tỉnh, thành phố tổ chức thực hiện những nội dung nêu trên và báo các kết quả về Bộ Nông nghiệp và PTNT.

 

 

Lê Huy Ngọ

(Đã ký)

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Chỉ thị 53/2000/CT-BNN-PCLB về việc hoàn thành kế hoạch tu bổ, đê, kè, cống và chuẩn bị sẵn sàng hộ đê, phòng lụt năm 2000 do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành

  • Số hiệu: 53/2000/CT-BNN-PCLB
  • Loại văn bản: Chỉ thị
  • Ngày ban hành: 11/05/2000
  • Nơi ban hành: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
  • Người ký: Lê Huy Ngọ
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 11/05/2000
  • Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định
Tải văn bản