Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
-------

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------

Số: 50/CT-UB-NCVX

TP. Hồ Chí Minh, ngày 29 tháng 9 năm 1995

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC GIẢI QUYẾT MỘT SỐ VẤN ĐỀ CỤ THỂ TRONG QUẢN LÝ TRẬT TỰ AN TOÀN GIAO THÔNG ĐƯỜNG BỘ VÀ TRẬT TỰ AN TOÀN GIAO THÔNG ĐÔ THỊ.

Qua gần 2 tháng thực hiện Nghị định số 36 của Chính phủ, tình hình trật tự an toàn giao thông đường bộ và trật tự an toàn giao thông đô thị ở thành phố bước đầu đã có những chuyển biến tiến bộ rõ rệt : lưu thông được an toàn hơn, tai nạn giao thông giảm được trên 1/4 số vụ, lề đường được thông thoáng và sạch hơn trước.

Tuy vậy, vấn đề này còn nhiều phức tạp, chính quyền các cấp, các ngành, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể cần thường xuyên quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo để tổ chức thực hiện kiên trì, không để tình hình lưu thông lộn xộn, lòng lề đường bị lấn chiếm trở lại, bảo đảm thực hiện nghiêm chỉnh Nghị định của Chính phủ, vừa bảo đảm giải quyết sát với tình hình thực tế của thành phố.

Trên cơ sở đó, Ủy ban nhân dân thành phố chỉ thị giải quyết một số vấn đề cụ thể trong quản lý trật tự an toàn giao thông đường bộ và trật tự an toàn giao thông đô thị ở thành phố như sau :

1/ Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động quần chúng. Ngành Văn hóa thông tin, Tư pháp và các cơ quan thông tin đại chúng cần tiếp tục tuyên truyền giáo dục, xây dựng ý thứ tự giác của mọi người để chấp hành nghiêm chỉnh luật lệ giao thông, trật tự lề đường, giữ gìn vệ sinh mỹ quan thành phố. Phải kịp thời biểu dương những nơi làm tích cực, đạt kết quả tốt và phê bình những nơi trì trệ, thực hiện chưa tốt. Phải làm thật sâu rộng, phong phú cả về nội dung lẫn hình thức và phải liên tục.

Chính quyền các cấp phải phối hợp chặt chẽ với Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể tiếp tục tuyên truyền, vận động tất cả các hội viên và gia đình hội viên tự giác thực hiện. Trong khi chờ Bộ Giáo dục và Đào tạo biên soạn giáo trình chính qui về luật lệ giao thông đưa vào giảng dạy trong tất cả các trường từ mẫu giáo đến Đại học, Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố chủ động phối hợp với Công an thành phố và Sở Giao thông công chánh biên soạn tạm thời giáo trình để sớm giảng dạy việc này trong các trường ở thành phố với nội dung ngắn gọn, dễ hiểu.

Trong chỉ đạo sinh hoạt tổ dân phố hàng tháng, Ủy ban nhân dân các phường cần thông báo tình hình, kết quả thực hiện trật tự an toàn giao thông, trật tự lề đường ở địa phương. Trên cơ sở đó, từng tổ bàn các biện pháp để tổ và từng hộ thực hiện đạt kết quả ngày càng tốt hơn.

2/ Chính phủ cấm sử dụng mặt đường, lề đường làm sân phơi, để vật liệu xây dựng, vật cản khác, họp chợ, sửa xe, để xe, sản xuất, kinh doanh, xây dựng lấn chiếm hành lang giao thông, hành lang bảo vệ cây xanh và công trình kỹ thuật. Lòng đường để lưu thông phương tiện cơ giới và thô sơ, lề đường dành cho người đi bộ.

Việc này phải tích cực tổ chức thực hiện, nhưng phải có kế hoạch thiết thực, từng bước vững chắc. Thành phố và các quận đã xác định 48 tuyến đường trọng điểm, từ nay đến cuối năm phải tập trung giải tỏa thông thoáng lòng lề đường của các tuyến đường này. Ủy ban nhân dân các huyện, thị trấn phải xác định tuyến đường trọng điểm ở địa phương để tập trung giải tỏa. Những lề đường rộng từ 1,5m trở xuống cũng phải tập trung giải tỏa cho người đi bộ. Năm 1996 sẽ mở rộng diện giải tỏa nhiều hơn nữa.

3/ Thực hiện giải tỏa lề đường, chọn những việc bức xúc làm trước. Chưa giải tỏa hàng loạt các mái che chiếm không gian phía trên và chỗ xây đặt điện thoại gọi bằng card trên lề đường. Tạm thời cho sử dụng các kiosque dịch vụ bưu điện và sách báo xây dựng trên lề đường trước 30/4/1975 không chiếm hết vỉa hè dành cho người đi bộ. Những kiosque xây dựng sau 30/4/1975, những mái che có cột chống trên lề đường và những mái che quá bệ rạc làm xấu mặt tiền đường phố phải ưu tiên giải tỏa trước.

Giao cho Ủy ban nhân dân phường, xã kiểm tra tất cả các trường hợp quảng cáo thuộc địa phương mình. Những trường hợp quảng cáo không có giấy phép, trái quy định phải ra quyết định xử phạt nghiêm minh, kịp thời và bắt buộc tổ chức hoặc các nhân vi phạm phải tháo gỡ trong thời hạn quy định. Trường hợp quá hạn mà chưa tháo gỡ thì phường, xã xử phạt nghiêm khắc và tổ chức tháo gỡ bán phế liệu lấy tiền chi cho việc tháo gỡ.

Các tổ chức quảng cáo, trước khi đặt quảng cáo ở địa phương nào phải trình giấy phép quảng cáo và giấy phép xây dựng cho Ủy ban nhân dân phường, xã nơi đó biết để kiểm tra.

4/ Chính phủ cho sử dụng một phần bên trong vỉa hè của một số đường phố để tạm thời sắp xếp cho những người quá nghèo đang buôn bán trên vỉa hè, để xe lâm thời hoặc bơm vá xe… Việc này được thực hiện như sau :

- Đối với những vỉa hè rộng từ 2,5m trở lên, giao cho Ủy ban nhân dân quận, huyện tổ chức kiểm tra, sơn vạch phân biệt phần phía ngoài dành riêng cho người đi bộ, phía trong dành xếp chỗ cho người buôn bán nhỏ, chỗ giữ xe 2 bánh, sửa xe 2 bánh và chỗ được tạm để xe của khách vào các cửa hàng, nhưng không được chiếm hết vỉa hè dành cho người đi bộ.

Tất cả những người ở nhà mặt tiền không được chiếm vỉa hè làm nơi để xe của nhà mình. Tất cả các cơ quan, xí nghiệp, bệnh viện, trrường học… phải tổ chức để xe trong khuôn viên đơn vị mình ; nơi nào thiếu mặt bằng thì Ủy ban nhân dân quận, huyện kiểm tra tại chỗ để tạm thời bố trí sử dụng một phần lề đường làm bãi giữ xe.

Sở Giao thông công chánh chủ trì phối hợp với Sở Tài chánh, Cục Thuế, Công an thành phố và Ban Vật giá soạn thảo quy định trình Ủy ban nhân dân thành phố ban hành trong tháng 10/95 về tổ chức quản lý sử dụng một phần vỉa hè nói trên có thu lệ phí. Trong khi chờ đợi quy định chung, Ủy ban nhân dân các quận, huyện chủ động sắp xếp tạm thời việc sử dụng vỉa hè.

5/ Giao Ủy ban nhân dân quận, huyện chỉ đạo các phường, xã phối hợp với Hội Liên hiệp phụ nữ và Đoàn thanh niên tổ chức kiểm tra, xác minh phân loại cụ thể và thống kê những người đang buôn bán trên vỉa hè để tạm thời giải quyết như sau :

- Người không có hộ khẩu thường trú ở nội thành, giải thích và buộc họ trở về địa phương nơi họ thường trú để làm ăn sinh sống, dứt khoát không cho buôn bán trên vỉa hè.

- Đối với những trường hợp thường trú ở nội thành, có nguồn thu nhập khác tạm đủ sống, việc buôn bán trên vỉa hè chỉ nhằm tăng thêm thu nhập thì giải thích và yêu cầu họ không được tiếp tục buôn bán trên lề đường. Từ nay trở đi không xếp chỗ bán trên lề đường cho những người mới ra buôn bán.

- Đối với những người thường trú nội thành, gia đình quá nghèo, không có nguồn thu nhập nào khác hoặc có nguồn thu nhập khác nhưng bị thiếu hụt nặng không đủ sống, thì tạm thời xếp chỗ cho họ buôn bán ở chỗ thích hợp trên vỉa hè có vạch sơn xác định chỗ và do phường trực tiếp quản lý. Hướng dẫn họ làm cam kết giữ gìn vệ sinh và trật tự vỉa hè, không lấn chiếm phần vỉa hè dành cho người đi bộ, nơi buôn bán tạm thời ở vỉa hè phải có đồ đựng rác, vi phạm sẽ bị xử phạt theo quy định, tái phạm lần thứ ba không được tiếp tục buôn bán trên vỉa hè.

- Cấm kinh doanh ăn uống mang tính chất nhậu nhẹt trên vỉa hè. Giao Ủy ban nhân dân quận, huyện kiểm tra tại chỗ những nơi đang dùng vỉa hè và lòng đường buôn bán đã nhiều năm, nay chưa có nơi bố trí lại buôn bán thì tạm thời cho tổ chức lại và quy định một số giờ nhứt định được buôn bán trong ngày và đêm, sau đó họ phải thu xếp bàn ghế, quét dọn đảm bảo vệ sinh và trật tự công cộng.

Trong tháng 11/1995, Ủy ban nhân dân quận, huyện phải báo cáo danh sách thống kê cho Ủy ban nhân dân thành phố về số lượng người nghèo có hộ khẩu ở nội thành còn tạm thời bố trí buôn bán trên vỉa hè ở địa bàn từng phường, thị trấn và những điểm buôn bán theo giờ để Ủy ban nhân dân thành phố có kế hoạch giải quyết sau này.

6/ Các quận, huyện đã tạm giữ đồ vật của người vi phạm chờ xử lý hành chánh, nếu sau 3 lần đã thông báo mà người vi phạm không đến đóng phạt, không đóng lệ phí giữ đồ, vật, chi phí vận chuyển (nếu có) thì Ủy ban nhân dân quận, huyện ra quyết định tịch thu sung công quỹ. Chi phí giữ đồ vật được tính 10.000 đồng/m2/ngày do người vi phạm nộp.

Đồ vật bị cảnh sát thành phố và Thanh tra giao thông thành phố tạm giữ cũng giải quyết như trên, đơn vị tạm giữ báo cáo Ủy ban nhân dân thành phố ra quyết định tịch thu.

7/ Các tổ chức và cá nhân có xe ô tô phải bố trí chỗ đậu xe trong khuôn viên cơ quan hoặc gara nhà mình khi không sử dụng. Khuyến khích các tổ chức và cá nhân đầu tư kinh doanh chỗ để xe trên phần đất có quyền sử dụng hợp pháp.

8/ Những đường nào xe ô tô được đậu, hoặc chỉ được đậu có hạn chế thời gian để bốc dỡ hàng, hoặc chỉ được tạm dừng để đưa đón khách rồi đi ngay, do Công an thành phố xác định và trao đổi thống nhứt với Sở Giao thông công chánh đặt biển báo.

9/ Việc cấp phép cho các xe tải được chạy ngoài giờ cao điểm vào đường cấm để phục vụ thi công các công trình tại đây, do Công an thành phố cấp giấy phép lưu hành theo các tuyến đường thích hợp và xác định thời gian cụ thể được phép lưu hành.

10/ Giao Sở Giao thông công chánh lập kế hoạch làm các bệ dốc giữa lề đường với đường để người dẫn xe 2 bánh lên vỉa hè được thuận tiện và bảo đảm mỹ quan lề đường.

Căn cứ vào chỉ thị này, các đơn vị được giao nhiệm vụ trên tổ chức thực hiện.-

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ
K/T CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Võ Viết Thanh

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Chỉ thị 50/CT-UB-NCVX năm 1995 về giải quyết một số vấn đề cụ thể trong quản lý trật tự an toàn giao thông đường bộ và trật tự an toàn giao thông đô thị do Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh ban hành

  • Số hiệu: 50/CT-UB-NCVX
  • Loại văn bản: Chỉ thị
  • Ngày ban hành: 29/09/1995
  • Nơi ban hành: Thành phố Hồ Chí Minh
  • Người ký: Võ Viết Thanh
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 29/09/1995
  • Ngày hết hiệu lực: 07/07/2009
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản