Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
-------------

Số: 50/CT-UB

Tp. Hồ Chí Minh, ngày 12 tháng 12 năm 1989

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC QUẢN LÝ TRẬT TỰ ĐÔ THỊ TRÊN LĨNH VỰC XÂY DỰNG, BẢO VỆ CÔNG TRÌNH ĐÔ THỊ, GIỮ GÌN MÔI TRƯỜNG SỐNG VÀ CẢNH QUANG, MỸ QUAN ĐÔ THỊ .

Trong những năm qua, thành phố Hồ Chí Minh đã không ngừng nỗ lực đẩy mạnh công tác quản lý đô thị. Tuy nhiên trong một số lĩnh vực như quản lý xây dựng, quản lý các công trình cơ sở hạ tầng, quản lý vệ sinh môi trường, vệ sinh công cộng, mỹ quan đường phố và cảnh quang đô thị chưa được quan tâm đúng mức và còn nhiều thiếu sót. Tình trạng xây dựng trái phép, sử dụng không đúng quy định lòng lề đường, chân cầu, bờ kinh rạch, đất đai dảnh cho các công trình đã quy hoạch liên tiếp xảy ra việc vi phạm. Các hành lang kỹ thuật cấp điện, cấp nước, thoát nước, thông tin liên lạc cũng bị lấn chiếm rất tùy tiện. Hệ thống cây xanh bị chặt phá, đất công viên bị lấn chiếm để xây hàng quán kinh doanh; bảng biểu quảng cáo trưng bày thiếu tổ chức, vệ sinh đường phố, rác, kinh rạch gây ô nhiễm, ảnh hưởng đến môi trường sống.

Những nguyên nhân trên đã tác động đến toàn bộ trật tự và mỹ quan đô thị, ảnh hưởng xấu đến nếp sống văn hóa, đến điều kiện sống và làm việc của mọi người dân thành phố, và nghiêm trọng hơn là làm cho hệ thống công trình đô thị bị xuống cấp nhanh chóng, phá vỡ những dự kiến quy hoạch đã được xác định, gây tổn thất to lớn về lâu dài.

Để lập lại trật tự kinh tế - xã hội trên địa bàn thành phố theo chỉ thị 35/CT-TU của Thành ủy và chỉ thị 01/CT-UB của Ủy ban nhân dân thành phố , đồng thời với việc tăng cường quản lý trật tự an ninh xã hội trên toàn thành phố, Ủy ban nhân dân thành phố chỉ thị cho các sở, ban, ngành thành phố, Ủy ban nhân dân quận, huyện, phường, xã, các cơ quan Trung ương, đơn vị quân đội, công an đóng trên địa bàn thành phố thực hiện nghiêm túc các điều quy định sau đây:

1/ Các cơ quan chức năng của thành phố, nhất là các cấp chánh quyền địa phương phải phát huy cao độ trách nhiệm quản lý Nhà nước về quản lý đô thị thường xuyên tăng cường công tác kiểm tra, xử lý vi phạm nghiêm minh theo những quy định của Ủy ban nhân dân thành phố đã ban hành.

2/ Các cơ quan chức năng của thành phố có liên quan, phối hợp với Sở Tư pháp thành phố biên soạn bổ sung thêm các quy định, quy chế và hướng dẫn cụ thể cho các ngành, các cấp thực hiện các quy định của Nhà nước và thành phố đã ban hành.

3/ Các cơ quan tuyên truyền báo chí, phát thanh, truyền hình tổ chức nhiều đợt tuyên truyền giáo dục sâu rộng, và thường xuyên trong quần chúng về việc giữ tìn trật tự kỷ cương, tuân thủ pháp luật trong lĩnh vực bảo vệ công trình đô thị, bảo vệ môi trường sống, cảnh quang đô thị và thực hiện các công trình xây dựng theo đúng quy định.

4/ Kể từ ngày ban hành chỉ thị này, trên toàn thành phố nơi nào có xây dựng trái phép nhà ở, cửa hàng, sạp hàng, ki-ốt trên các công trình hành lang kỹ thuật, trên công viên, vỉa hè, lòng đường, trên các trục đường đô thị… dù kiến trúc lớn hay nhỏ, kiên cố, bán kiên cố… đều phải nhanh chóng tự tháo gỡ, giải tỏa trả lại mặt bằng nguyên trạng như ban đầu.

5/ Ủy ban nhân dân các quận, huyện cần tổ chức ngay một lực lượng gồm Công an, Xây dựng – Nhà đất, Giao thông, Y tế và một số ngành có liên quan, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Thường trực Ủy ban nhân dân quận, huyện để kiểm tra, xử lý mọi trường hợp vi phạm về xây dựng, công trình đô thị, môi trường, môi sinh theo những quy định hiện hành.

6/ Ở cấp thành phố , thành lập “Ban Kiểm tra liên ngành về xây dựng và bảo vệ công trình đô thị” hoạt động dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Ban Chỉ huy thống nhất của thành phố, gồm các thành phần:

- Sở Xây dựng thành phố (Trưởng ban kiêm Thường trực).

- Công an thành phố (Phó ban).

- Sở Công trình đô thị thành phố .

- Sở Nhà đất TP

- Sở Văn hóa thông tin TP.

- Thường trực Hội đồng bảo vệ môi sinh thành phố.

- UBND các Quận 1, 3, Phú Nhuận.

“ Ban kiểm tra liên ngành” có nhiệm vụ và quyền hạn kiểm tra, ra quyết định xử lý các trường hợp vi phạm:

- Xây dựng trái phép.

- Chiếm dụng lòng lề đường, chân cầu, bờ kinh rạch công viên.

- Hành lang kỹ thuật điện nước, thoát nước, thông tin liên lạc, lấn chiếm đất đai công cộng.

- Vệ sinh công cộng, môi trường, môi sinh.

- Mỹ quan đường phố và cảnh quang đô thị.

- Thu hồi và hủy bỏ giấy phép xây dựng của các cơ quan không có chức năng quản lý xây dựng, quản lý đô thị.

- “Ban kiểm tra liên ngành thành phố” có nhiệm vụ kiểm tra, xử lý các khu vực trọng tâm trọng điểm trên toàn địa bàn thành phố, hướng dẫn và hỗ trợ trực tiếp cho các tổ chức kiểm tra liên ngành ở các quận, huyện thực hiện.

Sở Xây dựng thành phố là bộ phận thường trực của “Ban kiểm tra liên ngành thành phố” có nhiệm vụ theo dõi tổng hợp tình hình: báo cáo Thường trực Ủy ban nhân dân thành phố và Ban chỉ huy thống nhất thành phố. Kiến nghị các biện pháp thực hiện chỉ thị này có hiệu quả. Đối với những trường hợp vi phạm nghiêm trọng, công an thành phố, Ủy ban nhân dân quận, huyện ra quyết định khởi tố và xử lý theo luật pháp hiện hành.

7/ Phục vụ cho “Năm du lịch” 1990, Ủy ban nhân dân thành phố quyết định lấy “Tết Dương lịch 1990” và “Tết Âm lịch Canh ngọ” là hai mốc thời gian quan trọng để tổ chức triển khai kế hoạch lập lại trật tự đô thị trên toàn thành phố.

8/ Giao cho Ban Tổ chức chánh quyền thành phố cùng với Sở Xây dựng thành phố, Sở Tư pháp thành phố, Công an thành phố nghiên cứu tổ chức và quy chế hoạt động của bộ máy thực hiện nhiệm vụ kiểm tra bảo vệ và xử lý vi phạm về xây dựng và trật tự đô thị thường xuyên, trình Thường trực Ủy ban nhân dân thành phố thông qua vào cuối I/90.

- Trước mắt giao Sở Xây dựng thành phố và Công an thành phố chủ trì tổ chức việc thành lập “ Ban kiểm tra liên ngành thành phố” và soạn thảo quy chế hoạt động tạm thời của tổ chức này.

9/ Sở Tài chánh trích tỷ lệ tiền phạt xây dựng trái phép và phạt vi cảnh của thành phố cấp cho Ban kiểm tra liên ngành để giải quyết các chi phí hoạt động của Ban (xăng dầu, văn phòng phẩm…).

Các Sở, ban, ngành thành phố, UBND các quận, huyện và các cơ quan TW, đơn vị, quân đội, công an đóng trên địa bàn thành phố nghiêm chỉnh chấp hành chỉ thị này.

Chỉ thị này có hiệu lực kể từ ngày ký.

 

 

T/M ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Văn Nam

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Chỉ thị 50/CT-UB năm 1989 về quản lý trật tự đô thị trên lĩnh vực xây dựng, bảo vệ công trình đô thị, giữ gìn môi trường sống và cảnh quang, mỹ quan đô thị do Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh ban hành

  • Số hiệu: 50/CT-UB
  • Loại văn bản: Chỉ thị
  • Ngày ban hành: 12/12/1989
  • Nơi ban hành: Thành phố Hồ Chí Minh
  • Người ký: Nguyễn Văn Nam
  • Ngày công báo: Không có
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 12/12/1989
  • Ngày hết hiệu lực: 07/07/2009
  • Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
Tải văn bản