- 1Quyết định 30/QĐ-TTg năm 2007 Phê duyệt Đề án Đơn giản hoá thủ tục hành chính trên các lĩnh vực quản lý nhà nước giai đoạn 2007 - 2010 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 2Chỉ thị 636/CT-TTg năm 2009 thực hiện Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật và các biện pháp thi hành luật do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 3Thông tư 129/2009/TT-BTC quy định lập dự toán, quản lý và sử dụng kinh phí thực hiện đề án đơn giản hóa thủ tục hành chính trên các lĩnh vực quản lý nhà nước giai đoạn 2007-2010 do Bộ Tài chính ban hành
- 4Công văn số 5566/VPCP-TCCV về việc thông báo ý kiến của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện Đề án 30 do Văn phòng Chính phủ ban hành
UỶ BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 50/2009/CT-UBND | Vĩnh Yên, ngày 28 tháng 9 năm 2009 |
CHỈ THỊ
VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC THỰC HIỆN ĐỀ ÁN 30
Ngày 10 tháng 01 năm 2007 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành quyết định số 30/QĐ-TTg, Phê duyệt Đề án đơn giản hoá thủ tục hành chính trên các lĩnh vực quản lý nhà nước giai đoạn 2007-2010 (gọi tắt là Đề án 30);
Tổng quan Đề án 30 bao gồm ba giai đoạn, đưa ra một giải pháp mang tính hệ thống, công khai và minh bạch nhằm rà soát, đơn giản hoá và loại bớt các thủ tục hành chính không hợp pháp, không cần thiết và không hợp lý. Giai đoạn 1: thống kê thủ tục hành chính. Giai đoạn 2: Rà soát, kiến nghị đơn giản hoá thủ tục hành chính. Giai đoạn 3: Thi hành các khuyến nghị về đơn giản hoá thủ tục hành chính.
Kết thúc giai đoạn 1, nhìn chung các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành, thị và UBND các xã, phường, thị trấn đã thực hiện đạt được kết quả bước đầu tích cực; thống kê, chụp ảnh nguyên trạng thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của 3 cấp chính quyền có liên quan đến cá nhân, tổ chức và doanh nghiệp. Ngày 07/8/2009 UBND tỉnh chính thức ban hành các Quyết định công bố Bộ thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của 3 cấp chính quyền; trong đó: cấp tỉnh, có 850; cấp huyện, có 220; cấp xã, có 209.
Bên cạnh những kết quả đạt được trong quá trình thực hiện giai đoạn 1 còn một số tồn tại, hạn chế cần được chấn chỉnh, khắc phục kịp thời trong giai đoạn tiếp theo của đề án đó là: nhận thức của Lãnh đạo và công chức chuyên môn làm nhiệm vụ đề án 30 một số cơ quan, đơn vị xem nhẹ công tác này và thực hiện chưa nghiêm túc kế hoạch của UBND tỉnh và hướng dẫn của Tổ công tác thực hiện Đề án 30 của UBND tỉnh, nên việc thống kê thủ tục hành chính chưa đầy đủ về số lượng, chất lượng biểu mẫu còn hình thức, thiếu thông tin, hoặc thông tin không đầy đủ, thậm chí không đúng thẩm quyền dẫn đến làm đi, làm lại nhiều lần làm ảnh hưởng đến chất lượng công việc, tiến độ chậm so với quy định.
Để khắc phục tồn tại, yếu kém trong giai đoạn 1, thực hiện có hiệu quả giai đoạn tiếp theo của đề án 30. UBND tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành thuộc tỉnh; UBND các huyện, thành, thị và UBND các xã, phường, thị trấn, thực hiện tốt một số nhiệm vụ sau đây:
1. Tăng cường công tác truyền thông Đề án 30:
a) Thủ trưởng các sở, ban ngành; Chủ tịch UBND các huyện, thành, thị; Chủ tịch UBND các xã, phường, thị trấn (gọi chung là Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị) triển khai thực hiện có hiệu quả kế hoạch số 3622/KH-UBND ngày 04/9/2009 của UBND tỉnh về truyền thông đề án 30. Tuyên truyền quảng bá thúc đẩy nhận diện tổng quan Đề án 30 qua 3 giai đoạn: Thống kê thủ tục hành chính; Rà soát khuyến nghị đơn giản hoá thủ tục hành chính; Thực thi các khuyến nghị về đơn giản hoá thủ tục hành chính.
b) Phải coi trọng công tác truyền thông đề án 30 là đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng trong hệ thống các cơ quan hành chính nhà nước từ tỉnh đến cơ sở, nhằm nâng cao trình độ chuyên môn, hạn chế những yếu kém của đội ngũ cán bộ, công chức trong thực thi công vụ và được lồng ghép với công tác tự kiểm tra cải cách hành chính hàng năm và việc thực hiện đề án 30 tại các sở, ban, ngành; UBND các huyện, thành, thị; UBND các xã phường, thị trấn trong tỉnh.
c) Tuyên truyền sâu rộng đến các cấp, các ngành; toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, người dân và doanh nghiệp về kết quả công bố Bộ thủ tục hành chính cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã. Việc công bố, công khai hoá Bộ thủ tục hành chính các cấp sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho cá nhân, tổ chức tiếp cận thủ tục hành chính và các quy định có liên quan, rút ngắn thời gian giải quyết công việc, giảm thiểu chi phí không chính thức; qua đó góp phần ngăn ngừa nhũng nhiễu tiêu cực trong bộ máy công quyền và cải thiện quan hệ giữa chính quyền với nhân dân. Mặt khác tạo thuận lợi cho các cấp, các ngành, cá nhân, tổ chức… tham gia giám sát thực hiện của các cơ quan hành chính nhà nước từ tỉnh đến cơ sở, tham gia xây dựng chính quyền các cấp vững mạnh, góp phần xây dựng nhà nước pháp quyền, nhà nước của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân.
2. Đề cao trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị trong thực hiện đề án 30:
a) Thực hiện nội dung văn bản số 5566/VPCP-TCCV, ngày 13/8/2009 của Văn phòng Chính phủ về việc thông báo ý kiến của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện Đề án 30, giao chỉ tiêu cho các cơ quan, đơn vị sau khi kết thúc giai đoạn 2 của đề án phải đơn giản hoá và kiến nghị đơn giản hoá tối thiểu 30% các quy định hiện hành về thủ tục hành chính thuộc phạm vi chức năng quản lý, thông qua việc loại bỏ các quy định không cần thiết, hợp lý nhưng chưa hợp pháp; phân cấp thực hiện hoặc áp dụng các biện pháp khác để thay thế thủ tục hành chính không còn phù hợp.
b) Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh và Chủ tịch UBND tỉnh về công tác thực hiện đề án 30. Phải bố trí, phân công 01 Lãnh đạo; bố trí đủ cán bộ chuyên trách làm việc trực tiếp cho đến khi kết thúc đề án 30 theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
c) Trên cơ sở Bộ thủ tục hành chính của các bộ, ngành TW công bố, phải tiếp tục chỉ đạo rà soát thống kê bổ sung thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của từng cấp, từng ngành và từng lĩnh vực; trình UBND tỉnh công bố theo quy định;
Về phạm vi thống kê: Thống kê đầy đủ các thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của các cơ quan, đơn vị theo đặc thù địa phương, cơ sở; bao gồm tất cả các thủ tục hành chính giữa cơ quan nhà nước với cá nhân, tổ chức liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh và đời sống nhân dân; các thủ tục hành chính giữa các cơ quan nhà nước có liên quan đến việc giải quyết thủ tục hành chính cho cá nhân và tổ chức.
d) Tổ chức quán triệt, thực hiện nghiêm túc nhiệm vụ giai đoạn 2: Rà soát thủ tục hành chính; tổng hợp và lập báo cáo kết quả rà soát thủ tục hành chính, bảo đảm chất lượng, đúng quy định.
e) Thực hiện nghiêm túc giai đoạn 3: Thực thi các phương án đơn giản hóa thủ tục hành chính thuộc phạm vi chức năng, quản lý của cơ quan, đơn vị đã được các cơ quan có thẩm quyền thông qua.
3) Nâng cao chất lượng, hiệu quả giai đoạn 2 rà soát thủ tục hành chính:
a) Việc rà soát thủ tục hành chính của các cơ quan, đơn vị được thống nhất thực hiện theo các biểu mẫu của Tổ công tác chuyên trách cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ phát hành, do Tổ công tác thực hiện đề án 30 của UBND tỉnh hướng dẫn.
b) Tăng cường kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện điền biểu mẫu 2, 2a, 2b đảm bảo chính xác, đầy đủ nội dung và có chất lượng đối với từng thủ tục hành chính thuộc phạm vi rà soát của cơ quan, đơn vị mình.
c) Tổ chức lấy ý kiến nội bộ cơ quan, đơn vị nhằm đơn giản hoá thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền và kiến nghị đơn giản hoá các quy định hiện hành về thủ tục hành chính thuộc phạm vi chức năng quản lý. Lập báo cáo kết quả rà soát thủ tục hành chính, cùng với tất cả biểu mẫu 2, 2a, 2b gửi Tổ công tác thực hiện đề án 30 của UBND tỉnh.
d) Thường xuyên hợp tác với Tổ công tác Đề án 30 của UBND tỉnh và các cơ quan, tổ chức có liên quan khác trong quá trình triển khai nhiệm vụ rà soát từng thủ tục hành chính; bổ sung thông tin, chỉnh sửa các biểu mẫu rà soát khi được Tổ công tác yêu cầu.
4. Thực thi nghiêm túc giai đoạn 3 về các phương án đơn giản hóa thủ tục hành chính:
a) Các phương án đơn giản hóa thủ tục hành chính, mẫu đơn, mẫu tờ khai hành chính, yêu cầu hoặc điều kiện để thực hiện thủ tục hành chính sau khi được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét, thông qua sẽ được UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh triển khai thực thi ngay.
b) Các cơ quan, đơn vị có trách nhiệm thực thi nghiêm túc các phương án đơn giản hóa thủ tục hành chính thuộc phạm vi chức năng, quản lý của mình đã được các cơ quan có thẩm quyền thông qua.
5. Đảm bảo cơ sở vật chất phục vụ cho công tác thực hiện đề án 30:
a) Kinh phí thực hiện đề án 30 của các cơ quan, đơn vị và Tổ công tác thực hiện đề án 30 của UBND tỉnh được áp dụng theo Thông tư số 129/2009/TT-BTC, ngày 24 tháng 6 năm 2009 của Bộ Tài chính. UBND tỉnh đã có công văn số 3050/UBND-KT2 ngày 30/7/2009 về việc hướng dẫn lập dự toán và bố trí kinh phí thực hiện Đề án 30/QĐ-TTg. Sở Tài chính có trách nhiệm chủ trì hướng dẫn các cơ quan, đơn vị lập dự toán, sử dụng kinh phí thực hiện đề án 30 bảo đảm đúng quy định.
b) Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị có trách nhiệm bố trí kinh phí và cơ sở, vật chất đảm bảo cho công tác thực hiện đề án 30 của ngành, cấp mình.
6. Đề nghị UBMTTQ tỉnh và các tổ chức thành viên: Tăng cường phối hợp tuyên truyền đề án 30 (công bố bộ thủ tục hành chính cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã…); trong chương trình công tác năm cần bổ sung nội dung tuyên truyền thông qua hội nghị, hội thảo, các buổi nói chuyện chuyên đề và toạ đàm. kết hợp tổ chức vinh danh các đơn vị, cá nhân điển hành về cải cách thủ tục hành chính; đồng thời giám sát việc thực hiện đề án 30 của các cấp chính quyền thuộc tỉnh.
7. Trách nhiệm của Văn phòng UBND tỉnh (Tổ công tác thực hiện đề án 30 của UBND tỉnh):
a) Chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị thực hiện đề án 30 theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và kế hoạch của UBND tỉnh.
b) Trong giai đoạn 2 rà soát thủ tục hành chính, hàng tháng giao ban định kỳ với các cơ quan, đơn vị; kiểm tra, đôn đốc, tư vấn và trợ giúp nghiệp vụ đảm bảo chất lượng việc rà soát từng thủ tục hành chính; mẫu đơn, mẫu tờ khai hành chính; các yêu cầu hoặc điều kiện để thực hiện thủ tục hành chính theo đúng hướng dẫn của Tổ công tác chuyên trách cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ.
c) Đề xuất UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh thực thi nghiêm túc các phương án đơn giản hóa thủ tục hành chính đã được các cơ quan có thẩm quyền thông qua; áp dụng một cách hiệu quả kỹ thuật “dùng một văn bản sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ nội dung nhiều văn bản” tại Chỉ thị số 636/CT-TTg, ngày 20 tháng 5 năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ trong việc ban hành các văn bản thực thi phương án đơn giản hóa thủ tục hành chính.
d) Theo dõi, giám sát, đôn đốc việc thực thi của các cơ quan, đơn vị; định kỳ hàng tháng báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh và Tổ công tác chuyên trách cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ theo quy định./.
| TM. UỶ BAN NHÂN DAN TỈNH |
- 1Quyết định 30/QĐ-TTg năm 2007 Phê duyệt Đề án Đơn giản hoá thủ tục hành chính trên các lĩnh vực quản lý nhà nước giai đoạn 2007 - 2010 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 2Chỉ thị 636/CT-TTg năm 2009 thực hiện Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật và các biện pháp thi hành luật do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 3Thông tư 129/2009/TT-BTC quy định lập dự toán, quản lý và sử dụng kinh phí thực hiện đề án đơn giản hóa thủ tục hành chính trên các lĩnh vực quản lý nhà nước giai đoạn 2007-2010 do Bộ Tài chính ban hành
- 4Công văn số 5566/VPCP-TCCV về việc thông báo ý kiến của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện Đề án 30 do Văn phòng Chính phủ ban hành
Chỉ thị 50/2009/CT-UBND về tăng cường công tác thực hiện Đề án 30 do Ủy ban nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc ban hành
- Số hiệu: 50/2009/CT-UBND
- Loại văn bản: Chỉ thị
- Ngày ban hành: 28/09/2009
- Nơi ban hành: Tỉnh Vĩnh Phúc
- Người ký: Nguyễn Ngọc Phi
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: 08/10/2009
- Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực