Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
Nếu bạn là thành viên. Vui lòng ĐĂNG NHẬP để tiếp tục.
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 46/CT-UB | Tp. Hồ Chí Minh, ngày 20 tháng 10 năm 1992 |
CHỈ THỊ
VỀ VIỆC TRIỂN KHAI CÁC BIỆN PHÁP PHÒNG CHỐNG CƠN BÃO SỐ 6 VÀ MƯA BÃO CUỐI VỤ .
Theo Thông báo của Ban chỉ đạo chống lụt bão miền Nam và Đài khí tượng thủy văn thành phố. Hồi 13 giờ ngày 19/10/1992 vị trí trung tâm bão số 6 ở khoảng 12 độ vĩ Bắc và 1/4 độ kinh Đông. Cách bờ biển Nha Trang hơn 400 km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần trung tâm bão đạt cấp 12 (khoảng 120- 135 km/giờ). Dự báo trong vòng 24 giờ tới bão số 6 sẽ di chuyển theo hướng giữa Tây và Tây Tây Bắc với tốc độ khoảng 10- 15 km/giờ. Đây là cơn bão mạnh, sẽ có mưa to, gió lớn và sóng cao trên diện rộng từ Quảng Nam- Đà Nẵng đến Cà Mau.
Thường trực Ủy ban nhân dân thành phố yêu cầu Ủy ban nhân dân các quận, huyện, Ban chỉ huy chống lụt bão các cấp, các sở, ban, ngành thành phố khẩn trương triển khai các biện pháp để phòng chống cơn bão số 6. Ngoài các công tác thường xuyên cần lưu ý các điểm sau :
1- Chủ tịch Ủy ban nhân dân các quận huyện, thủ trưởng các sở, ban, ngành thành phố họp ngay Ban chỉ huy chống lụt bão để đánh giá kết quả thực hiện Chỉ thị số 28/CT-UB ngày 01/7/1992 của Ủy ban nhân dân thành phố về công tác phòng chống lụt bão năm 1992 đồng thời triển khai các biện pháp để phòng chống cơn bão số 6, chú trọng bảo vệ các kho tàng ở nội, ngoại thành. Cụ thể :
- Thông báo và kêu gọi các tàu thuyền đang ở ngoài biển nhanh chóng vào bờ hoặc tìm nơi ẩn náu để tránh bão. Chuẩn bị các phương tiện ứng cứu kịp thời khi có tai nạn xảy ra trên biển.
- Tổ chức kiểm tra các nhà cửa, cơ quan, kho tàng và thực hiện các biện pháp phòng chống dột, chống sập khi có gió to.
- Sở Điện lực, Công an, Bưu điện thành phố : kiểm tra và có biện pháp an toàn về hệ thống điện, thông tin liên lạc.
- Sở Nông nghiệp kiểm tra và chỉ đạo các biện pháp về phòng chống úng ngập, bảo vệ sản xuất vụ mùa nhất là các trọng điểm thường xảy ra úng ngập khi có mưa lớn, chuẩn bị các vật tư cần thiết để giúp dân khôi phục sản xuất trong trường hợp có thiệt hại.
- Các Sở Y tế- Lao động Thương binh xã hội chuẩn bị các phương án cứu trợ, sơ cấp cứu và phòng chống dịch bệnh.
- Thực hiện nghiêm túc chế độ trực ban chống lụt bão và thỉnh thị báo cáo.
2- Trong mấy ngày qua thời tiết diễn biến tương đối phức tạp, có mưa bão tại nhiều vùng. Mực nước các hồ Dầu Tiếng, Trị An ở thượng nguồn đang ở mức cao và phải điều tiết xả qua tràn. Trong tình hình thời tiết xấu, việc điều tiết xả lũ của các hồ sẽ phức tạp hơn. Mức độ ảnh hưởng đối với thành phố khó lường trước hết được. Từ nay đến cuối mùa mưa bão đề nghị Ủy ban nhân dân và Ban chỉ huy chống lụt bão các cấp, các sở ban ngành phải thường xuyên theo dõi tình hình thời tiết, thủy văn, chủ động thực hiện các biện pháp phòng chống thích hợp đảm bảo các mặt công tác và sản xuất, hạn chế tối đa thiệt hại có thể gây ra do mưa bão, lũ lụt, triều cường.
Việc phòng chống cơn bão số 6 rất khẩn trương. Vì vậy, Thường trực Ủy ban nhân dân thành phố yêu cầu Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp, thủ trưởng các sở, ban, ngành thành phố tập trung chỉ đạo ngay công tác này và báo cáo phản ảnh kịp thời về Thường trực Ủy ban nhân dân và Ban chỉ huy chống lụt bão thành phố./.
| TM. ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ |
Chỉ thị 46/CT-UB năm 1992 về việc triển khai các biện pháp phòng chống cơn bão số 6 và mưa bão cuối vụ do Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh ban hành
- Số hiệu: 46/CT-UB
- Loại văn bản: Chỉ thị
- Ngày ban hành: 20/10/1992
- Nơi ban hành: Thành phố Hồ Chí Minh
- Người ký: Nguyễn Văn Huấn
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: Kiểm tra
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra