BAN CHẤP HÀNH TRUNG ƯƠNG | ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM |
Số: 45-CT/TW | Hà Nội, ngày 23 tháng 9 năm 1994 |
CHỈ THỊ
VỀ MỘT SỐ CÔNG TÁC Ở VÙNG DÂN TỘC MÔNG
Dân tộc Mông ở nước ta đến nay có khoảng 60 vạn người
Dưới sự lãnh đạo của Đảng, đồng bào Mông với tinh thần yêu nước và cách mạng, đã đoàn kết, gắn bó trong cộng đồng các dân tộc Việt nam có nhiều đóng góp trong các cụôc kháng chiến, xây dựng căn cứ địa cách mạng, góp phần to lớn cho sự nghiệp giành độc lập dân tộc và bảo vệ Tổ quốc. Ngày nay, trong sự nghiệp đổi mới, đồng bào tin tưởng và ủng hộ đường lối của Đảng.
Đời sống kinh tế, văn hoá, xã hội ở một số vùng dân tộc Mông đã có những tiến bộ nhất định so với trước, nhưng nhìn chung khó khăn của đồng bào còn rất lớn, nhất là về kinh tế-xã hội có sự chênh lệch khá xa so với các vùng và nhiều dân tộc khác.
Các tổ chức cơ sở Đảng, Chính quyền đoàn thể ở vùng dân tộc Mông chưa được củng cố, hoạt động yếu, còn quan liêu, xa rời quần chúng, ít chăm lo, cải thiện đời sống cho đồng bào, số lượng và chất lượng cán bộ dân tộc Mông ở các cấp, các ngành, các địa phương thiếu và yếu, không đáp ứng được yêu cầu của tình hình mới.
Lợi dụng tình hình đời sống mọi mặt của đồng bào quá khó khăn, thiếu thốn, làng bản còn nhiều tập tục lạc hậu nặng nề chưa xoá bỏ được, đạo Thiên chúa và đạo Tin lành, đạo "Vàng chứ" đã xâm nhập, phát triển, một số người lợi dụng thẩn quyền, giáo lý, mê tín để đe doạ, cưỡng ép, lừa bịp đồng bào, gây hậu quả nghiêm trọng ở một số nơi.
Tình hình trên chủ yếu là do chúng ta có những khuyết đIểm trong việc tỏ chức thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và nhà nước, nhất là về mặt kinh tế-xã hội, thiếu những giải pháp cụ thể do hiệu quả để đáp ứng những nhu cầu của đồng bào về ăn mặc, ở, nước, chữa bệnh và thiếu hướng dẫn khắc phục những mê tín, tập tục lạc hậu... trong khi đó, các thế lực thù địch có chiến lược, lực lược và biện pháp cụ thể lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo để phá hoại sự nghiệp cách mạng của nước ta.
Nếu để tình trạng trên kéo dài thì lòng tin của đồng bào đối với Đảng và Nhà nước sẽ giảm sút, kẻ địch sẽ lợi dụng xâm nhập lôi kéo quần chúng chống lại Đảng và chế độ ta.
Xuất phát từ vị trí quan trọng và tình hình đặc thù của vùng dân tộc Mông, để thực hiện tốt chính sách dân tộc của Đảng, các Nghị quyết 22 và 24 của Bộ Chính trị (khoá VI) về chính sách dân tộc, chính sách tôn giáo, nhằm ổn định tình hình chính trị nâng cao đời sống mọi mặt của dân tộc Mông, Ban bí thư yêu cầu các cấp Đảng uỷ, chính quyền, các ban, ngành đoàn thể thực hiện tốt những công tác sau đây:
1/ Tăng cường tuyên truyền giáo dục trong đồng bào Mông về đường lối, chủ trương, chính sách đổi mới của Đảng và Nhà nước nhằm củng cố và tăng cường sự thống nhất về chính trị, tư tưởng, đoàn kết dân tộc, chống âm mưu diễn biến hoà bình và những luận đIệu xuyên tạc của các thế lực thù địch.
Có kế hoạch, hình thức tuyên truyền, giáo dục sát thực, chủ động, kịp thời và có hiệu quả.
Coi trọng biện pháp tuyên truyền miệng, tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, chọn những phát thanh viên giỏi tiếng Mông để làm việc này. Phát triển các đIểm văn hoá, truyền hình ở các phiên chợ rẻo cao và những nơI có đIều kiện tập trung đồng bào.
2/ Tạo điều kiện phát triển sản xuất, nâng cao đời sống mọi mặt trong vùng dân tộc Mông
Hướng dẫn, giúp đỡ đồng bào sản xuất, kinh doanh, bố trí lại cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo những kinh nghiệm và mô hình đã có hiệu quả ở các địa phương. Các đơn vị kinh tế quốc doanh, các lâm, nông trường có trách nhiệm hướng dẫn đồng bào đưa công nghiệp và công nghệ mới vào sản xuất, cung ứng vật tư, giống, vốn và giúp đồng bào tiêu thụ sản phẩm.
Đề nghị Nhà nước dành riêng một khoản trong ngân sách đầu tư cho miền núi, hỗ trợ cho vùng dân tộc Mông để giải quyết nước ăn, nước sản xuất, đường giao thông quan trọng và các cơ sở y tế, giáo dục.... có biện pháp quản lý chặt chẽ, thống nhất nhằm sử dụng có hiệu quả vốn đầu tư cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, những trường hợp tham nhũng, làm thất thoát, sử dụng sai mục đích ngân sách đầu tư này phải sử lý nghiêm khắc.
Nhà nước thực hiện giao đất, giao rừng cho đồng bào, sớm cụ thể hoá chính sách ưu đãi đối với những nơi đồng bào được giao nhiệm vụ bảo vệ rừng đầu nguồn, rừng đặc chủng sao cho đồng bào có thu nhập cao hơn làm nương, rẫy. đối với người kinh doanh rừng, cần bảo đảm lợi ích thoả đáng để tạo động lực trong việc trồng, chăm sóc và tái sinh rừng.
Các ngành giáo dục, y tế có biện pháp hữu hiệu để xoá mù chữ, củng cố tăng cường y tế cơ sở, giải quyết các dịch bệnh, nhất là bệnh bướu cố, sốt rét, phát triển các đội y tế lưu động định kỳ đến các bản làng vùng cao để chăm sóc sức khoẻ cho đồng bào. Mở thêm các trường nội trú, đa dạng hoá các chương trình học tập, gắn học với hành để sớm tạo nhiều nguồn cán bộ cho dân tộc Mông. Các trường của các ngành, đoàn thể, lực lượng vũ trang, trường Đảng chú ý đào tạo cán bộ dân tộc Mông. Có chính sách thu hút cán bộ miền xuôi, lực lượng vũ trang, cán bộ hưu trí... tham gia xoá mù chữ và đào tạo cán bộ cho đồng bào dân tộc Mông. Có chính sách đặc biệt về giáo dục và đào tạo đối với người Mông.
Các ngành, các cấp có biện pháp cùng các địa phương thực hiện xoá đói, giảm nghèo ở vùng dân tộc Mông, nhất là vùng núi cao, vùng căn cứ cách mạng; trước mắt phấn đấu không để đồng bào đói, rét, chiến dịch.
3/ Làm tốt công tác định canh định cư
Nơi nào mật độ dân cư quá đông, thiếu đất sản xuất, đồng bào có nguyện vọng chuyển đến nơi còn đất sản xuất, điều kiện sinh hoạt tốt h ơn thì bố trí lại, chủ yếu bố trí, sắp xếp ở trong xã, trong huyện, trong tỉnh là chính. Nếu không còn đất sản xuất thì hướng dẫn giúp đỡ đồng bào chuyển sang sản xuất ngành nghề, nghề mới. Khi đồng bào có nguyện vọng di cư ra ngoài tỉnh thì tỉnh có dân đi và dân đến phải trao đổi, bàn bạc, giải quyết theo cách nào phải bàn với đồng bào (từng dòng họ) để tạo sự nhất trí. Khi thực hiện, tổ chức đưa, đón đồng bào chu đáo, bảo đảm đoàn kết dân tộc, giữ vững an ninh trật tự, nhanh chóng ổn định sản xuất và đời sống, không để đồng bào di cư tự do.
Khi sắp xếp, bố trí lại dân cư cần chú ý đến đặc điểm của người Mông là quần tụ theo dòng họ.
Việc bố trí lại dân cư phải nằm trong quy hoạch và kế hoạch của nhà nước, theo phương án kinh tế-xã hội, quốc phòng, an ninh.
Ban cán sự đảng Uỷ ban Dân tộc và Miền núi chủ trì phối hợp với các ban, ngành, địa phương tổng kết công tác định canh định cư những năm qua và đề ra những biện pháp đổi mới công tác này.
4/ Kiên trì vận động đồng bào bỏ trồng cây thuốc phiện trên cơ sở hướng dẫn đồng bào sản xuất kinh doanh, trồng cây thay thế có thu nhập tương tự như khi trồng cây thuốc phiện, tránh khuynh hướng chủ quan, nóng vội, dùng biện pháp hành chính, cưỡng bức. Các cấp chính quyền cần quản lý chặt chẽ, sử dụng đúng mục đích, có hiệu quả kinh phí nhà nước đầu tư để giải quyết xoá bỏ cây thuốc phiện và nghiện hút, xử lý nghiêm các hành vi tham ô kinh phí này và các tội phạm buôn lậu thuốc phiện.
5/ Công tác tôn giáo ở vùng dân tộc Mông
Thực hiện chính sách tôn trọng tự do tín ngưỡng và không tín ngưỡng của đồng bào. Các giáo hội và các chức sắc muốn tuyên truyền phát triển đạo phải xin phép chính quyền và thực hiện đúng chính sách, pháp luật của Nhà nước, các cấp chính quyền tăng cường quản lý các hoạt động tôn giáo theo pháp luật.
Mặt trận và các đoàn thể nhân dân cần sâu sát nắm tâm tư, nguyện vọng của đồng bào, tuyên truyền, vận động, giáo dục đồng bào thực hiện đúng chính sách tôn giáo của Đảng và Nhà nước, gắn đạo với đời, bảo đảm đoàn kết dân tộc, đoàn kết giữa người có đào và không có đạo; đồng thời tuyên truyền, vận động đồng bào thực hiện nếp sống văn hoá mới, xoá bỏ tập tục lạc hậu nặng nề.
Ở những vùng đồng bào thực sự tự nguyện theo các tôn giáo, đã có đăng ký thì chính quyền và đoàn thể tôn trọng các sinh hoạt tôn giáo, bảo hộ các nơi thờ tự, hướng dẫn các chức sắc và đồng bào sinh hoạt tôn giáo theo chính sách và pháp luật của nhà nước.
Ở những vùng đồng bào bị đe doạ, cưỡng ép theo đạo thì tuyên truyền giáo dục, giác ngộ làm cho đồng bào thấy rõ âm mưu lợi dụng tôn giáo của các phần tử xấu.
Đối với những người lợi dụng tôn giáo, mê tín, hoạt động lừa bịp, gây mất đoàn kết trong các gia đình, dòng họ, bản làng... thì cô lập, chính quyền hỗ trợ người đứng đầu dòng họ đưa những người đó ra kiểm điểm trước đồng bào về những hoạt động sai trái của mình, không dùng biện pháp hành chính bắt bớ thô bạo, những tên phạm pháp, gây hậu quả nghiêm trọng, thì xử lý theo pháp luật. Khi xử lý phải thu thập đủ chứng cứ, xử đúng người, đúng tội danh theo luật định, tranh thủ những người đúng đầu dòng họ, các chức sắc và quần chúng tích cực để tạo sự đồng tình, ủng hộ rộng rãi trong nhân dân.
Không cho phép cá nhân và tổ chức, kể cả tổ chức phi Chính phủ nước ngoài đến các vùng đồng bào dân tộc hoạt động tôn giáo bất hợp pháp.
Ban Tôn giáo của Chính phủ tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng kiến thức công tác tôn giáo cho cán bộ làm công tác tôn giáo, cán bộ chính quyền, mặt trận và các đoàn thể nhân dân.
6/ Củng cố, xây dựng cơ sở Đảng, chính quyền, đoàn thể ở vùng dân tộc Mông theo tinh thần Nghị quyết TW 3.
Chăm lo bồi dưỡng, đào tạo đội ngũ cán bộ và xây dựng lực lượng cốt cán trong các bản, làng, các dòng họ, trong các chức sắc tôn giáo, tạo thành một đội ngũ cán bộ cơ sở vững ở vùng dân tộc Mông.
Ban Tổ chức TW cùng với Ban Tổ chức và Cán bộ của Chính phủ xây dựng chính sách đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng, đãi ngộ đối với cán bộ cơ sở, trưởng bản, già làng, trưởng dòng họ, cán bộ nghỉ hưu, lực lượng vũ trang... tham gia hoạt động trong vùng dân tộc Mông, chú ý kết hợp tốt giữa các thế hệ cán bộ, đồng thời nghiên cứu chính sách thu hút các loại cán bộ đến công tác ở vùng dân tộc Mông.
Mặt trận và các đoàn thể nhân dân coi trọng phát triển đoàn viên, hội viên trong dân tộc Mông trong chức sắc, tín đồ các tôn giáo, hỗ trợ, tạo điều kiện cho cơ sở hoạt động, đẩy mạnh phong trào xoá đói giảm nghèo trong vùng dân tộc Mông ; tăng cường biện pháp cho đồng bào vay vốn để phát triển kinh tế gia đình ; phát hiện, kiến nghị với chính quyền trợ cấp kịp thời cho những nơi đồng bào bị đói, rét và dịch bệnh.
7/ Tổ chức thực hiện.
Các cấp uỷ đảng, các Đảng đoàn, Ban cán sự Đảng các cấp phổ biến, triển khai chỉ thị này, kiểm điểm những việc làm được và chưa làm được trong thời gian qua, đề ra những biện pháp, phối hợp chặt chẽ giữa các ngành, đoàn thể TW với các địa phương có dân tộc Mông để thực hiện tốt những nhiệm vụ nêu trong chỉ thị này theo phương châm giúp đỡ, hướng dẫn, tạo điều kiện để đồng bào tự xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc của mình, cần rút kinh nghiệm và cải tiến cách làm việc, khắc phục kiểu làm việc hình thức, quan liêu, gây phiền hà cho các địa phương và vùng dân tộc Mông.
Ban Cán sự Đảng Chính phủ chỉ đạo về mặt nhà nước đối với Uỷ ban Dân tộc và Miền núi các Bộ, ngành liên quan xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện những vấn đề nêu trong Chỉ thị này.
Ban Dân vận TW cùng với Ban tôn giáo của Chính phủ chủ trì phối hợp với các cơ quan có liên quan hướng dẫn công tác tôn giáo trong vùng dân tộc Mông.
Ban Dân vận, Ban Tổ chức, Đảng đoàn mặt trận, Đảng đoàn các đoàn thể nhân dân, Đảng uỷ công an, Đảng uỷ quân sự các cấp tăng cường chỉ đạo xây dựng cơ sở chính trị ở vùng dân tộc Mông.
Ban Cán sự Đảng Uỷ ban Dân tộc và Miền núi, Ban Tôn giáo của Chính phủ theo dõi, kiểm tra việc thực hiện chỉ thị này, từng thời tổng hợp tình hình báo cáo Ban Bí thư.
Chỉ thị này phổ biến đến tổ chức cơ sở Đảng.
| TM. BAN BÍ THƯ |
Chỉ thị 45-CT/TW năm 1994 về công tác ở vùng dân tộc Mông do Ban Chấp hành Trung ương ban hành
- Số hiệu: 45-CT/TW
- Loại văn bản: Chỉ thị
- Ngày ban hành: 23/09/1994
- Nơi ban hành: Ban Chấp hành Trung ương
- Người ký: Đào Duy Tùng
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: 23/09/1994
- Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực