PHÓ THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ | VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA |
Số: 445-TTg | Hà Nội, ngày 14 tháng 12 năm 1959 |
CHỈ THỊ
VỀ CHÍNH SÁCH GIÚP ĐỠ THƯƠNG BINH, BỆNH BINH VÀ GIA ĐÌNH LIỆT SĨ TRONG PHONG TRÀO HỢP TÁC HÓA NÔNG NGHIỆP
Hiện nay, phong trào hợp tác hóa nông nghiệp đang phát triển mạnh. Ở những nơi đã tổ chức hợp tác xã, nhiều thương binh, bệnh binh và gia đình liệt sĩ đã tham gia, nhưng cũng còn một số anh em và gia đình chưa vào hợp tác xã, trong đó có những người vì thiếu sức lao động, ngại vào hợp tác xã không đảm bảo được công việc hoặc sợ không được giúp đỡ như khi chưa vào hợp tác xã. Một số hợp tác xã trong lúc đầu mới tổ chức còn bỡ ngỡ, ngại không muốn kết nạp những thương binh, bệnh binh và gia đình liệt sĩ thiếu sức lao động. Đối với những trường hợp thiếu sức lao động đã được kết nạp rồi, một số hợp tác xã đang lúng túng không biết nên đối đãi thế nào cho đúng.
Chúng ta cần nhận rõ thương binh, bệnh binh và gia đình liệt sĩ là những người có công với cách mạng, sở dĩ ngày nay một số anh em và gia đình bị thiếu sức lao động là vì bản thân hoặc chồng con đã hy sinh phấn đấu cho cách mạng. Căn cứ tinh thần chính sách của Đảng và Chính phủ lo ưu đãi,săn sóc thương binh, bệnh binh và gia đình liệt sĩ, chúng ta có nhiệm vụ tạo điều kiện kết nạp vào hợp tác xã và giúp đỡ các anh em thương binh, bệnh binh và gia đình liệt sĩ (nhất là các trường hợp thiếu sức lao động), để họ chẳng những giữ được mức sinh hoạt bình thường mà còn nâng cao dần đời sống cũng như các xã viên khác.
Để thể hiện sự quan tâm săn sóc của Đảng, Chính phủ và nhân dân đối với thương binh, bệnh binh và gia đình liệt sĩ trong phong trào hợp tác hóa nông nghiệp, Thủ tướng phủ quy định như sau:
1. Các địa phương và các hợp tác xã phải tích cực giúp đỡ, tạo điều kiện để thương binh, bệnh binh và gia đình liệt sĩ gia nhập hợp tác xã, trên cơ sở ra sức lao động sản xuất trong hợp tác xã mà bảo đảm mức sinh hoạt bình thường và nâng cao dần mức sống.
2. Đối với các thương binh, bệnh binh và gia đình liệt sĩ thiếu sức lao động, cần phải chú ý chiếu cố, giúp đỡ nhằm đạt yêu cầu như sau: với sự cố gắng bản thân của các gia đình và các anh em đó, với sự chiếu cố, giúp đỡ của hợp tác xã và với tiền phụ cấp của Chính phủ (đối với thương binh), bảo đảm cho mức thu nhập của họ tương đương với thu nhập của các hộ xã viên có sức lao động bình thường và có số nhân khẩu tương đương.
Về biện pháp chiếu cố và giúp đỡ sẽ thực hiện như sau:
1. Theo quy định của hợp tác xã, mỗi năm hoặc mỗi vụ, xã viên phải lao động sản xuất một số ngày công nhất định, thu nhập của xã viên chủ yếu là dựa vào số ngày công lao động đó, cho nên khi phân phối công việc, các hợp tác xã cần giao cho những xã viên là thương binh, bệnh binh và gia đình liệt sĩ thiếu sức lao động những công việc thích hợp với từng người, ngoài ra cần chú ý kinh doanh thêm nghề khác, cho họ tham gia làm vào những lúc rỗi rãi để họ có một số ngày công không quá ít so với số ngày công của một xã viên khác.
2. Nếu sau khi đã giao công việc thích hợp và tổ chức nghề khác cho làm trong những ngày rỗi rãi và bản thân anh em thương binh, bệnh binh và gia đình liệt sĩ đã cố gắng lao động sản xuất rồi mà triển vọng số ngày công của họ vẫn còn ít, hoặc nếu vì họ đau ốm nhiều ngày làm được ít công, thì cần giúp đỡ họ thêm một số ngày công, bằng cách hợp tác xã vận động xã viên làm giúp cho họ một số ngày công. Nếu số ngày công cần giúp đỡ nhiều. Vượt quá khả năng giúp đỡ của hợp tác xã, thì sẽ đề nghị với xã vận động các hợp tác xã bạn hoặc nhân dân bên ngoài đến làm giúp thêm cho họ.
3. Nếu sau khi đã thực hiện hai biện pháp trên rồi mà thu nhập của họ cộng với tiền phụ cấp được lĩnh (nếu có) vẫn còn thấp so với hộ xã viên lao động trung bình có nhân khẩu tương đương, thì khi hợp tác xã còn ở bậc thấp, cần định tỷ lệ hoa lợi trả cho ruộng đất của những hộ xã viên là thương binh, bệnh binh và gia đình liệt sĩ thiếu sức lao động nhiều hơn mức quy định chung. Nhưng tỷ lệ nhiều hơn tối đa không quá 5% sản lượng bình nghị vào hợp tác xã. Ví dụ mức hoa lợi trả cho ruộng đất là 26% sản lượng bình nghị khi vào hợp tác xã thì mức hoa lợi trả cho ruộng đất thương binh, bệnh binh hoặc gia đình liệt sĩ, tùy tình hình và trường hợp cụ thể có thể là 28%, 29%, 30% hay 31%.
Ở những hợp tác xã bậc cao, riêng đối với gia đình thương binh, liệt sĩ thiếu sức lao động, cũng có thể tạm cho hưởng hoa lợi ruộng đất hoặc tạm cho kinh doanh riêng những đất đai có sản vật đặc biệt mà diện tích tương đối lớn, nhưng không tốn nhiều công chăm sóc.
4. Cuối cùng, nếu các gia đình ấy vẫn còn thiếu thốn thì cần trích một phần quỹ công ích để phụ cấp thêm cho họ. Định tỷ lệ trả hoa lợi ruộng đất cũng như định trích quỹ công ích bao nhiêu phải do đại hội xã viên bàn bạc, quyết định.
Về biện pháp thứ nhất, khi giao công việc thích hợp, dành công việc cho làm vào những khi rỗi rãi, tạo điều kiện cho thương binh, bệnh binh lao động, cần phải đặc biệt chú ý giữ gìn sức khỏe cho các anh em ấy. Tuy tình hình cụ thể, có thể chỉ áp dụng biện pháp thứ nhất và biện pháp thứ hai, hay cả biện pháp thứ ba và thứ tư.
Trên đây là quy định cụ thể về chính sách giúp đỡ thương binh, bệnh binh và gia đình liệt sĩ trong hợp tác xã sản xuất nông nghiệp. Bệnh binh nói ở đây bao gồm các quân nhân đã giải ngũ trong kháng chiến và từ khi hòa bình lập lại vì chiến đấu và công tác gian khổ mà tới nay còn mang bệnh tật.
Thủ tướng phủ yêu cầu các Ủy ban Hành chính các cấp, các hợp tác xã nghiên cứu chỉ thị này và chấp hành cho chu đáo.
| KT. THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ |
Chỉ thị 445-TTg năm 1959 về chính sách giúp đỡ thương binh, bệnh binh và gia đình liệt sĩ trong phong trào hợp tác hóa nông nghiệp do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- Số hiệu: 445-TTg
- Loại văn bản: Chỉ thị
- Ngày ban hành: 14/12/1959
- Nơi ban hành: Thủ tướng Chính phủ
- Người ký: Trường Chinh
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Số 49
- Ngày hiệu lực: 29/12/1959
- Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định