ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 44/CT-UB | Tp. Hồ Chí Minh, ngày 14 tháng 10 năm 1992 |
CHỈ THỊ
VỀ VIỆC KIỆN TOÀN TỔ CHỨC HỆ THỐNG XÉT GIẢI QUYẾT KHIẾU NẠI, TỐ CÁO CỦA CÔNG DÂN
Để bảo đảm quyền khiếu nại, tố cáo của công dân, tăng cường pháp chế, phát huy dân chủ XHCN, bảo vệ quyền và lợi ích của Nhà nước, của tập thể, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, Hội đồng Nhà nước đã ban hành “Pháp lệnh khiếu nại, tố cáo của công dân” ngày 7/5/1991, có hiệu lực từ 1/8/1991.
Ngày 15 tháng 8 năm 1991 Ủy ban nhân dân thành phố đã ban hành Chỉ thị số 28/CT-UB về việc đẩy mạnh công tác “Tuyên truyền phổ biến và thực hiện tốt Pháp lệnh khiếu nại, tố cáo của công dân”.
Từ đó đến nay, việc giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo của công dân đã có những bước tiến bộ rõ rệt : đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân đã được xem xét xử lý nhanh, bớt tình trạng chuyển đi lòng vòng ; công tác tiếp dân của lãnh đạo các ngành, các cấp đã được tiến hành thường xuyên hơn ; các vụ, việc thuộc quyền, trách nhiệm của Thủ trưởng từng ngành, từng cấp được xem xét một cách thận trọng, nghiêm túc.
Tuy nhiên, vẫn còn tồn tại một số nhược điểm về mặt tổ chức bộ máy tiếp nhận và giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân : chức năng nhiệm vụ phân định chưa rõ ràng, có chỗ còn trùng lắp, chưa tập trung vào đầu mối, dẫn đến đùn đẩy trách nhiệm ; ở một số nơi vẫn còn giữ các tổ chức trung gian không cần thiết ; cán bộ làm công tác xem xét giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân chưa được đào tạo bồi dưỡng đúng mức.
Để kiện toàn một bước tổ chức hệ thống xét giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân từ thành phố đến quận, huyện, Ủy ban nhân dân thành phố chỉ thị :
1- Chánh Thanh tra thành phố có trách nhiệm cùng với Trưởng Ban Tổ chức chánh quyền thành phố nghiên cứu, rà soát để có phương án kiện toàn tổ chức và cán bộ thuộc hệ thống thanh tra các ngành, các cấp, đặc biệt là lực lượng làm công tác xét, giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân.
Thanh tra thành phố cần có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng chuyên sâu cho lực lượng thanh tra toàn thành phố, đảm bảo hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
2- Thủ trưởng các sở ban ngành ; Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận, huyện chịu trách nhiệm xem xét, giải quyết các đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân theo thẩm quyền mà Pháp lệnh đã quy định (điều 10, 11, 12, 13 và 15).
Từng sở ngành, quận huyện cần rà soát lại đội ngũ cán bộ làm công tác xét giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân ; nếu xét thấy cần thiết có thể thực hiện việc điều động cán bộ, bảo đảm đủ về số lượng, đồng thời tinh về chất lượng.
Sở ngành nào chưa có tổ chức thanh tra Nhà nước cần gấp rút thành lập, nơi nào chưa bổ nhiệm được Chánh Thanh tra sở, Chánh Thanh tra quận, huyện thì Thủ trưởng sở, ngành, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các quận, huyện cần nhanh chóng lựa chọn cán bộ phù hợp với quy định chung để trình cấp có thẩm quyền xét duyệt, quyết định bổ nhiệm.
3- Giao cho Trưởng Ban Tổ chức chánh quyền thành phố phối hợp với Thanh tra thành phố để nghiên cứu lại chức năng, nhiệm vụ, và sự tồn tại của các Hội đồng, các Ban xét giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân theo lãnh vực (cấp thành phố). Trên cơ sở đó, có phương án trình Ủy ban nhân dân thành phố xem xét quyết định.
Các sở ngành, quận, huyện đã lập ra các Hội đồng xét khiếu tố của công dân (nếu có) thì các sở, ngành, quận, huyện đó có trách nhiệm ra quyết định giải thể.
4- Văn phòng Ủy ban nhân dân thành phố với tư cách là bộ máy làm việc của Ủy ban nhân dân thành phố có trách nhiệm chuyển ngay các đơn, thư khiếu nại, tố cáo sau khi tiếp nhận được đến các cơ quan có thẩm quyền để giải quyết theo nội dung, tính chất vụ việc khiếu tố.
- Việc tiếp nhận, xem xét, giải quyết lại các đơn, thư khiếu nại, tố cáo theo thẩm quyền và trách nhiệm của Ủy ban nhân dân thành phố sẽ do Thanh tra thành phố phối hợp với Văn phòng Ủy ban nhân dân thành phố cùng các cơ quan có liên quan nghiên cứu đề xuất ý kiến trình Ủy ban nhân dân thành phố quyết định. Thanh tra thành phố có nhiệm vụ thường xuyên tổ chức theo dõi, tập hợp tình hình giải quyết các đơn thư khiếu nại, tố cáo tồn đọng ở các ngành, các cấp và báo cáo định kỳ cho Thường trực Ủy ban xem xét chỉ đạo xử lý.
- Văn phòng Tiếp dân có chức năng nhiệm vụ tiếp nhận, hướng dẫn, giải thích, chuyển đơn thư khiếu tố của công dân đến các cơ quan có liên quan để xem xét, quyết định, và đôn đốc các cơ quan trên phúc đáp theo đúng thời gian mà Pháp lệnh đã quy định ; đồng thời tổ chức, sắp xếp việc tiếp dân cho lãnh đạo 3 Thường trực khi có yêu cầu hợp lý của công dân, hoặc của lãnh đạo thành phố.
Việc chấp hành nghiêm túc Pháp lệnh khiếu nại, tố cáo của công dân là trách nhiệm của tất cả các cấp, các ngành, đồng thời cũng là đòi hỏi bức xúc của công dân. Ủy ban nhân dân thành phố yêu cầu từng sở ngành, quận huyện phải nhanh chóng kiện toàn lại tổ chức, bố trí cán bộ phù hợp để thực hiện tốt Pháp lệnh.
Căn cứ chỉ thị này, các đồng chí Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân thành phố, Trưởng Ban Tổ chức chánh quyền thành phố, Chánh Thanh tra thành phố có trách nhiệm rà soát đôn đốc các cơ quan có liên quan để có phương án trình Ủy ban nhân dân thành phố xem xét, quyết định việc kiện toàn tổ chức xét khiếu nại, tố cáo ở từng đơn vị cụ thể./.
| TM. ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ |
Chỉ thị 44/CT-UB năm 1992 về kiện toàn tổ chức hệ thống xét giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân do Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh ban hành
- Số hiệu: 44/CT-UB
- Loại văn bản: Chỉ thị
- Ngày ban hành: 14/10/1992
- Nơi ban hành: Thành phố Hồ Chí Minh
- Người ký: Trương Tấn Sang
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: 14/10/1992
- Ngày hết hiệu lực: 07/07/2009
- Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực