Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 43/CT-UB | TP. Hồ Chí Minh, ngày 11 tháng 10 năm 1983 |
CHỈ THỊ
VỀ VIỆC TỔ CHỨC HUY ĐỘNG VÀ SỬ DỤNG TỐT NGÀY CÔNG LAO ĐỘNG XÃ HỘI CHỦ NGHĨA
Theo chế độ lao động xã hội chủ nghĩa, tất cả công dân nam từ 18 tuổi đến 50 tuổi và công dân nữ từ 18 tuổi đến 45 tuổi còn sức lao động thì hàng năm đều có nghĩa vụ đóng góp một số ngày công lao động xã hội chủ nghĩa để phục vụ công ích, góp phần xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa.
Tại thành phố ta, tổng số ngày công lao động xã hội chủ nghĩa hàng năm có thể huy động khoản thêm 10 triệu. Những năm gần đây, các cấp chính quyền chỉ mới huy động hằng năm khoảng 30% số ngày công đó để xây dựng một số công trình quốc phòng và những công trình phục vụ lợi ích công cộng ở địa phương, xí nghiệp v.v… Tuy tỷ lệ ngày công được huy động còn thấp nhưng có tình trạng sử dụng không hợp lý, còn lãng phí nghiêm trọng, chưa kể số 70% ngày công còn lại chưa được huy động.
Đây là một thiếu sót lớn của các cấp chính quyền trên địa bàn thành phố và của ngành chức năng quản lý lao động. Nguyên nhân chủ yếu của tình hình trên là :
- Các cấp, các ngành còn coi nhẹ ý nghĩa chính trị, kinh tế và tác dụng giáo dục xã hội chủ nghĩa của hình thức lao động tập thể nhằm tổ chức cho tất cả công dân trong độ tuổi làm nghĩa vụ lao động xã hội chủ nghĩa và còn sức lao động được tham gia đóng góp vào những công việc mang lại lợi ích chung cho phường xã và cho toàn thành phố ta.
Trong khi ngân sách Nhà nước còn eo hẹp, chúng ta đã thực hiện phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm có kết quả tốt. Ở từng phường xã, quận huyện và trên toàn thành phố còn rất nhiều công việc phải thực hiện để phát triển kinh tế, văn hóa, củng cố quốc phòng, xây dựng các công trình phúc lợi công cộng. Nhưng nhiều cấp, nhiều ngành chưa tích cực đề ra thành chương trình hành động để tổ chức thực hiện bằng số ngày công lao động xã hội chủ nghĩa theo chế độ của Nhà nước. Việc buôn lỏng quản lý đã làm cho Quyết định 648/QĐ-UB ngày 3.6.1977 của Uỷ ban Nhân dân thành phố quy định chế độ ngày công nghĩa vụ lao động xã hội chủ nghĩa không được thi hành nghiêm túc.
- Trong năm 1983, các quận huyện và một số ngành đã có kế hoạch sử dụng lao động xã hội chủ nghĩa để xây dựng một số công trình kinh tế, phúc lợi công cộng và kế hoạch này đã được Uỷ ban Nhân dân thành phố duyệt (tại Quyết định số 183/QĐ-UB ngày 26.3.1983). Tuy nhiên, do kế hoạch chưa được xây dựng hoàn chỉnh từ cơ sở, việc tổ chức thực hiện gặp nhiều khó khăn về vốn, vật tư, nhiệm vụ thiết kế, công cụ lao động và tổ chức lao động tại công trường.
- Nói chung việc tổ chức điều phối và sử dụng hợp lý hằng triệu ngày công (trong đó có lao động kỹ thuật) là một công tác phức tạp, nhưng ta chưa kịp thời rút kinh nghiệm để từng bước cải tiến lĩnh vực công tác này.
Những thiếu sót trên đây cần được kịp thời khắc phục để chống lãng phí lao động và không để tình trạng không công bằng trong việc huy động lao động xã hội chủ nghĩa, chỉ một bộ phận lao động trong thành phố được huy động còn phần lớn chưa tham gia lao động xã hội chủ nghĩa.
Để tổ chức huy động và sử dụng tốt ngày công lao động xã hội chủ nghĩa trên toàn thành phố, Uỷ ban Nhân dân thành phố chỉ thị :
1. Các cấp, các ngành, nhất là các cơ quan thông tấn đại chúng cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giải thích, vận động cho toàn thể cán bộ, công nhân viên chức và công nhân ở tuổi lao động thông suốt ý nghĩa của việc thực hiện nghĩa vụ lao động xã hội chủ nghĩa theo chế độ Nhà nước, để mọi công dân sẵn sàng, tự nguyện tham gia lao động theo sự huy động của cơ quan quản lý lao động.
Phải coi lao động xã hội chủ nghĩa là nghĩa vụ thường xuyên tự nguyện của mỗi công dân ở độ tuổi lao động, đồng thời đối với số người trốn tránh nghĩa vụ, cố ý vi phạm luật lệ sinh hoạt xã hội… thì Nhà nước cũng áp dụng hình thức giáo dục thông qua lao động.
2. Tích cực chuẩn bị phát động một đợt lao động xã hội chủ nghĩa để làm một số công trình có đủ điều kiện thực hiện, chào mừng thắng lợi Đại hội Đảng bộ thành phố khi Đại hội bế mạc (khoảng đầu tháng 11/1983) - từ đó rút kinh nghiệm, - tiếp tục tổ chức huy động lao động xã hội chủ nghĩa để xây dựng các công trình khác nhằm lập thành tích chào mừng 10 năm giải phóng thành phố (30.4.1975 - 30.4.1985). Thông qua phong trào lao động xã hội chủ nghĩa, huy động đông đảo quần chúng tham gia xây dựng thành phố, gây khí thế thi đua sôi nổi giữa các phuờng xã, quận huyện với tinh thần làm chủ tập thể mạnh mẽ, phát huy mọi sáng kiến, khắc phục các khó khăn để tự đề ra và tổ chức thực hiện các công trình mang lại lợi ích thiết thực cho từng cấp (phường xã, quận huyện và cấp thành phố), bảo đảm cho mỗi địa phương, mỗi ngành, mỗi cấp đều có những công trình của cấp mình, ngành mình. Phải kết hợp tốt việc phát huy tính năng động, sáng tạo của quần chúng địa phương, từng ngành với việc tổ chức, chỉ đạo và quản lý thống nhất công tác huy động lao động, bảo đảm công bằng hợp lý, không để lãng phí ngày công lao động. Lao động là nguồn vốn tích lũy của xã hội, do đó phải đưa số ngày công lao động nghĩa vụ vào kế hoạch kinh tế xã hội của các cấp chính quyền trong thành phố.
3. Trong tổ chức thực hiện, cần tiến hành khẩn trương, đồng bộ những công việc sau đây :
a) Từ nay đến 15.10.1983, các ngành, cấp thành phố, các quận huyện và phường xã cần động viên sáng kiến của quần chúng, tổ chức sinh hoạt nhẹ nhàng trong từng cơ quan, trường học, đơn vị cơ sở cho đến tổ dân phố về ý nghĩa của việc tham gia lao động xã hội chủ nghĩa để xây dựng thành phố. Từng ngành, từng cấp xác định những công trình cần thực hiện từ nay đến Tết Nguyên đán 1984, và đăng ký số ngày công lao động xã hội chủ nghĩa tại từng phường xã, từng quận huyện, nắm số lượng phân loại để có kế hoạch sử dụng hợp lý theo năng lực nghề nghiệp của người lao động.
Ở từng phường xã và những đơn vị cơ sở (xí nghiệp, cơ quan, bệnh viện, trường học v.v…) cần tổ chức thực hiện những công trình thiết thực như làm các công trình vệ sinh, thông cống rãnh, sửa chữa, xây dựng trường học, lớp mẫu giáo, nhà trẻ, nhà văn hóa, câu lạc bộ, tu sửa các đường hẽm, tổ chức những ngày Chủ nhật trồng cây tập trung ở các đồi, dọn mặt bằng cho công trình xây dựng, tổ chức tương trợ các gia đình thương binh, liệt sĩ, những gia đình nghèo khó khăn, sửa chữa nhà cửa, tổ chức đào giếng, làm thủy lợi, xây dựng đường sá liên xã, thôn ấp v.v…
Ở mỗi quận huyện cần có vài công trình của cấp huyện.
Cấp thành phố có những công trình cấp thành phố do các ngành đề xuất, được Uỷ ban Nhân dân lựa chọn và duyệt, nhất là ngành quản lý nhà đất và công trình công cộng cần đăng ký những công trình của ngành mình có yêu cầu lao động xã hội chủ nghĩa.
Ở từng cấp, từng ngành, đối với những công trình đã được đưa vào kế hoạch thực hiện thì phải tổ chức bộ phận chỉ đạo để chuẩn bị tốt các điều kiện thực hiện.
b) Các quận huyện, phường xã cần tăng cường bộ phận quản lý lao động do một Phó Chủ tịch phụ trách. Ở cấp thành phố, Giám đốc Sở Lao động giúp Uỷ ban Nhân dân thành phố hướng dẫn việc đăng ký công trình và đăng ký số ngày công, chịu trách nhiệm quản lý, kiểm tra, đôn đốc và điều phối lao động xã hội chủ nghĩa trên toàn thành phố. Cố gắng nắm và sử dụng tốt số ngày công lao động có kỹ thuật như (làm nghề mộc, nề, điện…) để phục vụ các công trình xây dựng.
c) Công an thành phố thực hiện chế độ phạt vi cảnh bằng ngày công lao động theo đúng quy định của Nhà nước và chịu trách nhiệm điều động số lao động này theo yêu cầu của cơ quan quản lý lao động cấp thành phố.
d) Nói chung, cần huy động công dân đóng góp ngày công lao động xã hội chủ nghĩa bằng ngày công thực tế, do đó, đối với công nhân viên chức và sinh viên, học sinh (trong độ tuổi làm nghĩa vụ lao động xã hội chủ nghĩa), cần huy động lao động trong những ngày nghỉ. Trong những hoàn cảnh cụ thể, có một số người không thu xếp được việc sản xuất (thợ thủ công) hoặc công việc làm ăn hàng ngày do neo đơn v.v… thì cho phép đóng tiền thay cho ngày công lao động. Mức đóng góp tùy theo mức thu nhập và do Sở Lao động cùng Sở Tài chánh nghiên cứu trình Uỷ ban Nhân dân thành phố duyệt và ban hành trong tháng 10/83 cùng với quy định về việc quản lý và sử dụng quỹ ở từng cấp, nhất là sử dụng vào việc mua sắm công cụ lao động.
đ) Để bảo đảm tổ chức thực hiện tốt chủ trương trên đây, Uỷ ban Nhân dân thành phố giao trách nhiệm cho Giám đốc Sở Lao động cùng phối hợp với Uỷ ban kế hoạch, Sở quản lý nhà đất và công trình công cộng, các đoàn thể và với Uỷ ban Nhân dân một số quận huyện nghiên cứu đề nghị với Ủy ban nhân dân thành phố về việc thành lập Ban chỉ đạo công tác huy động và sử dụng lao động xã hội chủ nghĩa ở cấp thành phố và quận huyện.
Giám đốc Sở Lao động, Uỷ ban kế hoạch, Sở quản lý nhà đất và công trình công cộng, Sở Tài chánh, Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân quận huyện, phường xã, thủ trưởng tất cả các sở, ban, ngành các đơn vị của địa phương và trung ương trên địa bàn thành phố có trách nhiệm thi hành chỉ thị này.
Đề nghị Mặt trận Tổ quốc và Ban chấp hành các đoàn thể cấp thành phố có chỉ thị cho các cấp dưới phối hợp chặt chẽ với các cấp chính quyền và các cơ quan quản lý lao động, tích cực tham gia tuyên truyền, vận động và tổ chức thực hiện chỉ thị này, tạo khí thế thi đua sôi nổi, huy động các tầng lớp nhân dân tham gia lao động xã hội chủ nghĩa, đạt năng suất cao, hiệu quả lớn, lập thành tích chào mừng thắng lợi Đại hội Đảng bộ thành phố và xây dựng các công trình kỷ niệm 10 năm giải phóng thành phố.
| TM. ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ |
Chỉ thị 43/CT-UB năm 1983 về tổ chức huy động và sử dụng tốt ngày công lao động xã hội chủ nghĩa do Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh ban hành
- Số hiệu: 43/CT-UB
- Loại văn bản: Chỉ thị
- Ngày ban hành: 11/10/1983
- Nơi ban hành: Thành phố Hồ Chí Minh
- Người ký: Lê Đình Nhơn
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: Kiểm tra
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra