Hệ thống pháp luật

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH
UBND TỈNH QUẢNG BÌNH
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 42/CT-UB

Đồng Hới, ngày 28 tháng 11 năm 1991

 

CHỈ THỊ

V/V TĂNG CƯỜNG CHỈ ĐẠO THỰC HIỆN LUẬT ĐẤT ĐAI

Sau khi Hội nghị tổng kết 3 năm thi hành Luật đất đai của tỉnh (tháng 1/1991) việc quản lý và sử dụng đất đai ở các địa phương đã có một số chuyển biến tốt. Các sai phạm, khuyết điểm trước đây như giao đất vượt thẩm quyền, sử dụng đất tùy tiện lãng phí, mua bán đất, chuyển nhượng trái phép đã bước đầu được hạn chế, có nơi ngăn chặn được. Một số việc cụ thể để thi hành luật như đăng ký đất, thống kê đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, lập và xét duyệt kế hoạch giao đất khu dân cư cho nhân dân làm nhà ở... đã được chú ý đẩy mạnh ở một số huyện giúp cho việc quản lý Nhà nước về đất đai có điều kiện đi dần vào nề nếp.

Việc sử dụng đất đai trong tỉnh cũng có nhiều tiến bộ đáng kể, đất hoang hoá ở đồng bằng về cơ bản đã đưa vào sản xuất, diện tích 2 vụ tăng lên, nhiều nơi đã thực hiện thâm canh trên diện tích lớn góp phần bảo đảm sự ổn định về lương thực, thực phẩm trong năm qua, đặc biệt vùng gò đồi rộng lớn đã bắt đầu chuyển động. Gần 10.000 ha đất trồng đồi núi trọc đã có chủ cụ thể, sản xuất nông lâm nghiệp đang từng bước phát triển.

Nhìn chung luật đất đai đã bước đầu đi vào cuộc sống và phát huy được sức mạnh.

Tuy vậy việc thi hành luật đất đai còn nhiều khuyết điểm tồn tại.

Theo báo cáo của cơ quan quản lý đất đai của tỉnh, tình hình thi hành luật đất đai trong thời gian gần đây có phần phức tạp và diễn biến xấu: tranh chấp đất đai (cả tranh chấp địa giới) nổi lên nhiều nơi, có nơi rất gay gắt kéo dài. Việc giao đất làm nhà ở rất tuỳ tiện, đặc biệt việc mua bán đất dưới nhiều hình thức xẩy ra nhiều nơi.

Việc mua bán đất không chỉ xảy ra trong dân mà nhiều nơi UBND xã còn tổ chức “đấu thầu” đất ở cho cán bộ và nhân dân thu tiền bất hợp pháp. Một số tổ chức quốc doanh (nông, lâm, trường, trạm trại, cơ quan đơn vị...) cũng cấp đất thu tiền sử dụng riêng. Trong nông thôn không ít ban quản lý cho phép hộ xã viên làm nhà trên đất canh tác màu mỡ, có nơi tự tiện làm nhà không được phép của bất kỳ cấp nào.

Những việc làm trên đã vi phạm điều 5 luật đất đai “nghiêm cấm việc mua bán, lấn chiếm đất đai, tự tiện sử dụng đất nông nghiệp và đất có rừng vào mục đích khác”

Để kịp thời khắc phục tình trạng trên trước hết là phải chấn chỉnh việc giao cấp đất cho tổ chức và cá nhân sử dụng đúng luật; Thường trực Uỷ ban nhân dân tỉnh yêu cầu các cấp, các ngành quán triệt và chấp hành đầy đủ các nội dung sau:

1. Theo điều 13 Luật đất đai thì chỉ từ cấp huyện trở lên mới có quyền quyết định giao đất, thu hồi đất.

- Hợp tác xã và các tổ chức Nhà nước là đơn vị sử dụng đất, được quyền quản lý sử dụng đất đai trong phạm vi Nhà nước giao, không được giao cấp đất cho hộ thành viên làm nhà ở.

Việc giao đất làm nhà ở cho từng hộ hàng năm xã phường phải lập kế hoạch cụ thể trình lên Uỷ ban nhân dân tỉnh xét duyệt, sau đó Uỷ ban nhân dân huyện, thị xã căn cứ vào kế hoạch đã duyệt để quyết định.

- Uỷ ban nhân dân huyện, thị xã được quyền giao đất trong 3 trường hợp: Giao cho Hợp tác xã, tập đoàn sản xuất và nhân dân để sử dụng ổn định lâu dài vào sản xuất nông nghiệp; giao đất chưa sử dụng cho tổ chức và cá nhân sử dụng có thời hạn và tạm thời vào mục đích nông lâm nghiệp; giao đất khu dân cư cho dân làm nhà ở theo kế hoạch đã được Uỷ ban nhân dân tỉnh xét duyệt

- Mọi trường hợp giao đất khác đều thuộc thẩm quyền của Uỷ ban nhân dân tỉnh hoặc Hội đồng Bộ trưởng.

2. Chấm dứt việc mua bán đất dưới mọi hình thức kể cả hình thức giao đất có thu lệ phí hoặc tiền ủng hộ xã.

3. Các cơ quan chức năng của tỉnh có liên quan cần tổ chức tốt việc thanh tra về giao cấp đất, mua bán đất ở tất cả các địa phương.

Các ngành VHTT, các đài phát thanh, truyền hình, các báo, bản tin địa phương thường xuyên tuyên truyền phổ biến luật đất đai và các văn bản dưới luật cho mọi người dân hiểu để chấp hành.

Mọi sai phạm phải kết luận cụ thể và xử lý nghiêm túc theo pháp luật.

4. Uỷ ban nhân dân các huyện, thị tăng cường hơn nữa công tác quản lý ruộng đất, thường xuyên kiểm tra việc thi hành luật đất đai, tiến hành ngay các công việc cần thiết để thi hành luật như: sớm xây dựng quy hoạch phân bố đất đai làm cơ sở cho việc lập kế hoạch giao đất cho dân làm nhà ở, đẩy mạnh việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để mọi người yên tâm đầu tư sản xuất.

5. Để tổng kết công tác năm 1991, huyện, thị nào chưa tổ chức tổng kết 3 năm thi hành luật đất đai theo chỉ thị của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng thì kết hợp tổng kết, bàn biện pháp quản lý đất đai một cách cụ thể.

Trong sự nghiệp xây dựng và phát triển nền kinh tế quốc doanh, đất đai đang ngày một trở nên vô cùng quan trọng và cấp bách, đòi hỏi phải được quản lý chặt chẽ, sử dụng đất tiết kiệm và hợp lý. Muốn vậy phải thi hành đầy đủ luật pháp của Nhà nước về đất đai.

Uỷ ban nhân dân tỉnh yêu cầu các đồng chí chủ tịch Uỷ ban nhân dân các huyện, thị xã, thủ trưởng các ban ngành cấp tỉnh tổ chức học tập, chỉ đạo luật đất đai và các văn bản dưới luật, làm cho mỗi người hiểu rõ và chấp hành đúng luật đất đai; tập trung chỉ đạo thực hiện nghiêm túc chỉ thị này; thường xuyên báo cáo kết quả lên Uỷ ban nhân dân tỉnh./.

 

 

Nơi nhận:
- VP Tỉnh uỷ; (Để B/c)
- TT HĐND;
- Giám đốc các sở, TT
các ban ngành cấp tỉnh;
- Chủ tịch UBND các huyện, thị xã;
- CC QL ruộng đất;
- Lưu NN, TH.

TM. UBND TỈNH QUẢNG BÌNH
CHỦ TỊCH




Trần Sự

 

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Chỉ thị 42/CT-UB năm 1991 tăng cường thực hiện Luật Đất đai do tỉnh Quảng Bình ban hành

  • Số hiệu: 42/CT-UB
  • Loại văn bản: Chỉ thị
  • Ngày ban hành: 28/11/1991
  • Nơi ban hành: Tỉnh Quảng Bình
  • Người ký: Trần Sự
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 28/11/1991
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản