Hệ thống pháp luật

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
******

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 41-TTg

Hà Nội, ngày 21 tháng 05 năm 1963 

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC CỦNG CỐ VÀ TĂNG CƯỜNG CHỈ ĐẠO CÔNG TÁC HỢP ĐỒNG KINH TẾ

Kính gửi

- Các bộ, các ủy ban ngang bộ, các cơ quan trực thuộc hội đồng chính phủ
 - Các ủy ban hành chính khu, thành phố, tỉnh

 

Qua cuộc hội nghị tổng kết công tác hợp đồng kinh tế năm 1962, Thủ tướng Chính phủ nhận thấy công tác hợp đồng kinh tế trong năm qua đã có nhiều cố gắng và đã phát huy được trên một mức độ nhất định tác dụng tích cực đối với việc đẩy mạnh thực hiện kế hoạch Nhà nước năm 1962. Tuy nhiên việc chỉ đạo cũng như việc tổ chức thực hiện chế độ hợp đồng kinh tế cũng còn những thiếu soát và khó khăn cần phải tích cực khắc phục như sau:

- Việc lập kế hoạch năm 1962 so với các năm trước tuy có tiến bộ nhưng trong tình hình nền kinh tế của ta còn nhiều nhược điểm chủ yếu là sự mất cân đối giữa nông nghiệp và công nghiệp, giữa yêu cầu phát triển nhanh về sản xuất, về đời sống và khả năng thực tế có hạn, nên tính chất cân đối và toàn diện của kế hoạch còn nhiều thiếu sót. Việc tính toán những điều kiện vật chất, kỹ thuật để thực hiện kế hoạch cũng còn thiếu vững chắc, do đó công tác hợp đồng kinh tế gặp nhiều khó khăn, thiếu cơ sở thực tế để phát huy tác dụng tích cực;

- Việc chỉ đạo công tác này tuy đã được nâng cao lên một bước và đã kết hợp có kết quả với việc chỉ đạo thực hiện kế hoạch Nhà nước nhưng nhìn chung còn thiếu thường xuyên, liên tục và chưa thật chặt chẽ;

- Tổ chức và hoạt động của Hội đồng trọng tài các cấp còn yếu, sinh hoạt chưa đều, và thiếu tập thể. Bộ phận thư ký giúp việc Hội đồng trọng tài các ngành các cấp, nhất là ở các địa phương, chưa được kiện toàn; số đông cán bộ còn kiêm nhiệm, việc phân công chưa rõ ràng. Nguyên nhân chính của tình trạng này là do các ngành, các cấp chưa thực sự quan tâm đến việc cải tiến và tăng cường chỉ đạo công tác hợp đồng kinh tế;

- Đó là những trở ngại lớn, các Bộ, các Ngành và các địa phương cần phải tích cực khắc phục, mới đảm bảo việc nâng cao và phát huy tác dụng mạnh mẽ của công tác hợp đồng kinh tế trong năm nay.

Để đẩy mạnh việc hoàn thành vượt mức kế hoạch Nhà nước năm 1963, Thủ tướng Chính phủ đề ra một số nhiệm vụ công tác sau đây:

1. Các Bộ, Tổng cục, Ủy ban hành chính các địa phương cũng như Hội đồng trọng tài các ngành, các cấp cần tăng cường sự chỉ đạo đối với công tác hợp đồng kinh tế và quan tâm hơn nữa đến việc giáo dục, nâng cao ý thức trách nhiệm và tinh thần hợp tác xã hội chủ nghĩa cho cán bộ các ngành, các cấp trong việc ký kết và thực hiện hợp đồng kinh tế. Cần coi trọng việc nâng cao chất lượng kế hoạch và phải kết hợp chặt chẽ việc tổ chức thực hiện kế hoạch với việc ký kết và thực hiện công tác hợp đồng kinh tế để không ngừng nâng cao tác dụng của chế độ hợp đồng kinh tế đối với việc thực hiện kế hoạch Nhà nước.  

2. Tích cực củng cố và ổn định tổ chức cải tiến lề lối làm việc của Hội đồng trọng tài các ngành, các cấp. Bổ sung ngay số ủy viên còn thiếu và phải bố trí cán bộ chuyên trách có năng lực để kiện toàn bộ phận thư ký giúp việc Hội đồng trọng tài. Các Bộ phận chuyên môn giúp các Bộ, Tổng cục và Ủy ban hành chính các địa phương xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện kế hoạch, phải cộng tác chặt chẽ với bộ phận thư ký của Hội đồng trọng tài, cùng nhau đẩy mạnh công tác hợp đồng kinh tế và dựa vào đó phát hiện những thiếu sót của kế hoạch, kịp thời nghiên cứu, bổ sung những điểm cần thiết cho kế hoạch và đề nghị các biện pháp đẩy mạnh thực hiện kế hoạch. Hội đồng trọng tài trung ương cần chú ý giúp đỡ, bồi dưỡng về nghiệp vụ để nâng cao và cải tiến công tác của bộ phận thư ký Hội đồng trọng tài các ngành, các cấp.

Hội đồng trọng tài các ngành, các cấp cần phải sinh hoạt đều và kết hợp việc kiểm điểm công tác hợp đồng kinh tế với các cuộc họp kiểm điểm thường kỳ việc thực hiện kế hoạch. Hội đồng trọng tài trung ương sẽ họp ba tháng một lần, và họp chung với đại biểu Hội đồng trọng tài các Bộ, Tổng cục và địa phương sáu tháng một lần để kiểm điểm toàn bộ công tác hợp đồng trong thời gian đã qua và đề ra những biện pháp đẩy mạnh công tác hợp đồng kinh tế, nhằm đảm bảo việc thực hiện tốt kế hoạch Nhà nước.

3. Đối với việc thực hiện công tác xử lý, Hội đồng trọng tài các cấp cần giải quyết kịp thời và nhanh chóng các vụ khiếu nại theo đúng chế độ, thể lệ hiện hành, nhất là phải tôn trọng những điều quy định về thời gian xử lý trong điều lệ. Xử lý phải nghiêm minh, thận trọng, nghiêm khắc phê phán những hành động thiếu tinh thần trách nhiệm, những tư tưởng bản vị, cục bộ, trái với tinh thần hợp tác xã hội chủ nghĩa. Mặt khác Hội đồng trọng tài cần phát hiện các mắc mứu khó khăn trong ký kết cũng như trong thực hiện hợp đồng, để giúp các cơ quan có thẩm quyền nghiên cứu biện pháp khắc phục. Hội đồng trọng tài trung ương cần chuẩn bị hội nghị kiểm điểm việc thực hiện công tác xử lý trong thời gian qua, đặc biệt là trong năm 1962 để rút kinh nghiệm, bổ sung vào kế hoạch thực hiện điều lệ xử lý, kịp thời phổ biến cho các ngành, các cấp thi hành.

Về một số vấn đề cụ thể, Thủ tướng Chính phủ quy định như sau:

- Về thời gian hoàn thành việc ký kết các hợp đồng nguyên tắc, nhiệm vụ của các ngành, các cấp là phải tích cực thực hiện theo những quy định của điều lệ. Đối với những trường hợp cụ thể gặp nhiều khó khăn, nhất là các bản hợp đồng kinh tế về xây dựng cơ bản, và nhập thiết bị, nguyên vật liệu, phụ tùng, thời gian có thể được gia thêm nhưng chậm nhất cũng phải xong vào đầu tháng 06 năm 1963;

- Về chế độ báo cáo thường kỳ, Hội đồng trọng tài các cấp cần nghiêm chỉnh chấp hành những điều đã được quy định chung cho các ngành, các cấp. Báo cáo quý phải gửi đến Hội đồng trọng tài trung ương chậm nhất là ngày 28 của tháng thứ ba của quý đó. Báo cáo quý II và quý IV cùng làm với báo cáo sáu tháng và báo cáo toàn năm và gửi đến Hội đồng trọng tài trung ương chậm nhất là 25-06 và 25-12 hàng năm. Nội dụng báo cáo phải nêu được các ưu khuyết điểm về các mặt ký kết, thực hiện công tác hợp đồng kinh tế và thực hiện công tác xử lý đồng thời nêu những khó khăn cần khắc phục và những biện pháp nhằm cải tiến và đẩy mạnh công tác hợp đồng kinh tế.

Kể từ nay, những hợp đồng nguyên tắc ký kết giữa các cơ quan, xí nghiệp trực thuộc Bộ, Tổng cục hay địa phương và các loại hợp đồng cụ thể, không phải gửi về Hội đồng trọng tài trung ương nữa. Nhưng để giúp Hội đồng trọng tài trung ương thường xuyên nắm được tình hình thực hiện công tác hợp đồng kinh tế, ngoài các báo cáo tổng hợp thường kỳ ra, Hội đồng trọng tài các ngành, các cấp cần báo cáo kịp thời những điểm nổi bật về thực hiện công tác hợp đồng kinh tế đồng thời với báo cáo thực hiện kế hoạch Nhà nước hàng tháng. Riêng đối với những trường hợp khó khăn kéo dài không giải quyết được cũng cần kịp thời báo cáo lên Hội đồng trọng tài trung ương để có kế hoạch giúp đỡ giải quyết.

Các ngành, các cấp cần tăng cường chỉ đạo công tác hợp đồng kinh tế hơn nữa và tích cực thực hiện tốt những điều đã quy định trên, để phát huy đầy đủ tác dụng quan trọng của chế độ hợp đồng kinh tế đối với việc đẩy mạnh thực hiện kế hoạch Nhà nước năm 1963.

 

 

K.T. THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
PHÓ THỦ TƯỚNG
 



Lê Thanh Nghị

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Chỉ thị 41-TTg về củng cố và tăng cường chỉ đạo công tác hợp đồng kinh tế do Thủ tướng Chính phủ ban hành

  • Số hiệu: 41-TTg
  • Loại văn bản: Chỉ thị
  • Ngày ban hành: 21/05/1963
  • Nơi ban hành: Thủ tướng Chính phủ
  • Người ký: Lê Thanh Nghị
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 18
  • Ngày hiệu lực: 05/06/1963
  • Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định
Tải văn bản