Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
BAN CHẤP HÀNH TRUNG ƯƠNG | ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM |
Số: 41-CT/TW | Hà Nội, ngày 15 tháng 04 năm 2010 |
CHỈ THỊ
CỦA BAN BÍ THƯ
VỀ TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC NGOẠI GIAO KINH TẾ TRONG THỜI KỲ ĐẨY MẠNH CÔNG NGHIỆP HOÁ, HIỆN ĐẠI HOÁ ĐẤT NƯỚC
I- Tình hình triển khai công tác ngoại giao kinh tế trong thời gian qua
1- Trong công cuộc đổi mới và phát triển đất nước, Đảng ta xác định phát triển kinh tế là nhiệm vụ trung tâm. Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ X đã khẳng định quyết tâm phát huy sức mạnh toàn dân tộc, đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, phấn đấu đến năm 2020, nước ta cơ bản trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại.
Thực hiện chủ trương này, cùng với các cấp, các ngành, từ nhiều năm qua, ngành ngoại giao đã chủ động đề xuất và đẩy mạnh hoạt động ngoại giao kinh tế, đưa công tác này trở thành ưu tiên hàng đầu trong ba trụ cột chính của công tác đối ngoại là ngoại giao chính trị, ngoại giao kinh tế và ngoại giao văn hoá. Với các mục tiêu ngày càng được làm rõ, nội dung và hình thức ngày càng hoàn chỉnh và đa dạng, ngoại giao kinh tế đã bước đầu đóng góp thiết thực vào phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, góp phần tạo môi trường quốc tế thuận lợi cho phát triển, mở rộng và từng bước đưa quan hệ hợp tác nhiều mặt giữa Việt Nam với các nước và các tổ chức quốc tế đi vào chiều sâu, đưa kinh tế đất nước hội nhập với kinh tế thế giới; tham mưu cho Đảng và Nhà nước xử lý các vấn đề kinh tế; hỗ trợ cho các bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp trong việc vận động viện trợ, thu hút đầu tư, công nghệ tiên tiến, mở rộng thị trường xuất khẩu hàng hoá, dịch vụ và xuất khẩu lao động, thu hút du lịch, cũng như đẩy mạnh đầu tư ra nước ngoài và bảo vệ lợi ích của doanh nghiệp Việt Nam trên thị trường quốc tế.
2- Tuy nhiên, công tác ngoại giao kinh tế đến nay còn chưa đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của nhiệm vụ đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. Tuy đã thiết lập được quan hệ nhiều mặt với hầu hết các nước và các tổ chức quốc tế và việc gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), đánh dấu bước hội nhập sâu rộng vào kinh tế thế giới, song nước ta còn chưa khai thác có hiệu quả các điều kiện thuận lợi và các nguồn lực bên ngoài phục vụ phát triển kinh tế. Việc tham gia các tổ chức hợp tác kinh tế - thương mại quốc tế chưa thật sự chủ động và hiệu quả. Sự phối hợp của các cơ quan liên quan trong việc triển khai công tác ngoại giao kinh tế có lúc, có nơi chưa chặt chẽ. Công tác nghiên cứu, dự báo kinh tế thế giới để góp phần xây dựng chính sách phát triển và điều hành nền kinh tế chưa được tiến hành thường xuyên và kịp thời. Công tác thông tin về pháp luật, tập quán kinh doanh và thương mại quốc tế, cũng như về các thị trường cụ thể tuy có tiến bộ nhưng vẫn chưa đáp ứng yêu cầu. Hoạt động xúc tiến kinh tế đối ngoại và việc hỗ trợ, bảo vệ lợi ích của doanh nghiệp Việt Nam còn có những hạn chế.
Nguyên nhân chủ yếu của tình hình trên là do các cấp, các ngành ở Trung ương và địa phương chưa nhận thức đầy đủ về vị trí, vai trò và nội dung quan trọng của công tác ngoại giao kinh tế. Đội ngũ cán bộ làm công tác ngoại giao kinh tế còn thiếu, năng lực chưa đáp ứng yêu cầu, nhất là kiến thức kinh tế hiện đại và khả năng ngoại ngữ.
II- Mục tiêu và quan điểm chỉ đạo công tác ngoại giao kinh tế trong giai đoạn đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá
Tình hình thế giới đang chuyển biến rất nhanh, quá trình toàn cầu hoá và hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng phát triển sâu rộng với tốc độ chưa từng có, khoa học - công nghệ tiến bộ vượt bậc, làm thay đổi sâu sắc kinh tế thế giới nói riêng và đời sống quốc tế nói chung. Tình hình này đặt ra nhiều thách thức đồng thời cũng mang lại nhiều cơ hội mới cho sự phát triển đất nước. Để xử lý có hiệu quả các thách thức, tận dụng các cơ hội phục vụ sự nghiệp đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá, chúng ta cần huy động cao độ các nguồn nội lực và ngoại lực, tiếp tục kết hợp nhuần nhuyễn sức mạnh dân tộc với sức mạnh của thời đại, tranh thủ tối đa các điều kiện thuận lợi cho phát triển.
1- Mục tiêu của ngoại giao kinh tế là chủ động tạo dựng môi trường quốc tế thuận lợi, tranh thủ tối đa các nguồn lực bên ngoài phục vụ sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.
2- Quan điểm chỉ đạo công tác ngoại giao kinh tế
- Ngoại giao kinh tế là một nhiệm vụ trọng tâm thường xuyên trong hoạt động đối ngoại bao gồm cả hoạt động đối ngoại đảng, ngoại giao nhà nước và đối ngoại nhân dân, góp phần thực hiện tốt nhiệm vụ phát triển và đảm bảo an ninh của đất nước.
- Ngoại giao kinh tế phải bám sát chủ trương, chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội trong từng thời kỳ, gắn kết chính trị - ngoại giao với kinh tế, phát huy tối đa quan hệ chính trị thuận lợi và lợi thế ngoại giao phục vụ phát triển và hội nhập kinh tế quốc tế của đất nước.
- Ngoại giao kinh tế cần đóng vai trò là một công cụ hữu hiệu đưa nước ta phát triển nhanh và bền vững, xác lập vị thế của Việt Nam trên tầm cao mới trong kinh tế thế giới và cộng đồng quốc tế.
III- Những nội dung, nhiệm vụ cụ thể của công tác ngoại giao kinh tế
1- Tiếp tục mở rộng và đưa quan hệ của nước ta với các nước, các tổ chức và các tập đoàn kinh tế, tài chính quốc tế đi vào chiều sâu; xây dựng chiến lược về quan hệ kinh tế với các nước, chú ý gắn kết quan hệ kinh tế với quan hệ chính trị, tạo lợi ích đan xen với các đối tác nhằm đảm bảo các lợi ích kinh tế, an ninh cho đất nước; chủ động tham gia các diễn đàn đa phương để vừa hợp tác giải quyết các vấn đề chung của khu vực và toàn cầu, vừa tranh thủ tối đa các nguồn lực cho phát triển kinh tế, không ngừng nâng cao vị thế của đất nước và tích cực đóng góp vào hình thành trật tự kinh tế thế giới mới công bằng, dân chủ.
2- Các cấp, các ngành, các địa phương chủ động đưa các nội dung kinh tế như vận động viện trợ, tranh thủ các nguồn vốn, công nghệ, tri thức phục vụ công nghiệp hoá, hiện đại hoá; mở rộng thị trường xuất nhập khẩu hàng hoá và dịch vụ, xuất khẩu lao động, thu hút du lịch, đầu tư ra nước ngoài vào hoạt động đối ngoại; tăng cường đào tạo, bồi dưỡng và bố trí cán bộ, các nguồn lực cần thiết phục vụ cho hoạt động ngoại giao kinh tế.
3- Các cơ quan tham mưu, các viện nghiên cứu, các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài cùng các cơ quan hữu quan khác thường xuyên phối hợp, đẩy mạnh công tác nghiên cứu, dự báo tình hình về các vấn đề kinh tế thế giới, khu vực; nghiên cứu kinh nghiệm phát triển kinh tế của các nước, các lý thuyết kinh tế và mô hình phát triển mới; nghiên cứu pháp luật, tập quán kinh doanh, thương mại quốc tế và của các nước để đóng góp vào việc xây dựng pháp luật và các chính sách phát triển kinh tế - xã hội nói chung, kinh tế đối ngoại nói riêng của Đảng và Nhà nước, xây dựng chiến lược và phương án kinh doanh quốc tế của các doanh nghiệp.
4- Các cơ quan làm công tác đối ngoại và kinh tế đối ngoại, đặc biệt là ngoại giao, công thương, kế hoạch - đầu tư, nông nghiệp - phát triển nông thôn, tăng cường phối hợp với các cơ quan hữu quan tích cực hỗ trợ các ngành, các địa phương và doanh nghiệp mở rộng hoạt động kinh tế đối ngoại thông qua : (1) Cung cấp thông tin, tham mưu về các vấn đề kinh tế, pháp luật, tập quán kinh doanh và thương mại quốc tế; (2) Đột phá, mở quan hệ với các đối tác; (3) Đồng hành, hỗ trợ các ngành, địa phương, doanh nghiệp trong hợp tác quốc tế, tiến hành hoạt động quảng bá quốc gia, xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường, khai thác các nguồn vốn bên ngoài, thu hút đầu tư, du lịch, xuất khẩu lao động và đầu tư ra nước ngoài, hỗ trợ xử lý các tranh chấp kinh tế - thương mại để bảo vệ lợi ích của doanh nghiệp và công dân Việt Nam ở nước ngoài; (4) Đôn đốc thực hiện các cam kết, thoả thuận với các đối tác quốc tế; (5) Hỗ trợ các ngành, địa phương đào tạo cán bộ đối ngoại và ngoại giao kinh tế; (6) Phát huy lợi thế mạng lưới các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài để đẩy mạnh công tác ngoại giao kinh tế.
5- Tiếp tục cụ thể hoá và tích cực triển khai những chủ trương của Đảng và Nhà nước đối với cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài theo tinh thần Nghị quyết số 36-NQ/TW, ngày 26-3-2004 của Bộ Chính trị về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài.
IV- Tổ chức thực hiện
1- Đảng đoàn Quốc hội, Ban cán sự đảng Chính phủ, các ban cán sự đảng, đảng đoàn các cơ quan Trung ương và cấp uỷ đảng địa phương và các hiệp hội nghiên cứu, quán triệt và chỉ đạo thực hiện tốt Chỉ thị này; các cơ quan đối ngoại và các cơ quan có liên quan chủ động phối hợp chặt chẽ trong triển khai công tác ngoại giao kinh tế, tạo ra sức mạnh tổng hợp và đạt hiệu quả cao.
2- Căn cứ vào Chỉ thị này, Ban cán sự đảng Bộ Ngoại giao chủ trì, phối hợp với ban cán sự đảng các bộ, ngành và cơ quan hữu quan xây dựng Đề án tổng thể về công tác ngoại giao kinh tế trong giai đoạn phát triển mới của đất nước, trong đó xác định rõ nhiệm vụ, chương trình hành động đối với các cơ quan tham gia công tác ngoại giao kinh tế, xác định các trọng tâm, trọng điểm về địa bàn, đối tác và lĩnh vực hợp tác, các nguồn lực và tổ chức thực hiện.
3- Văn phòng Trung ương Đảng chủ trì, phối hợp với Ban Đối ngoại Trung ương và các cơ quan có liên quan theo dõi, đôn đốc và kiểm tra việc thực hiện Chỉ thị này, định kỳ hàng năm báo cáo Ban Bí thư.
| T/M BAN BÍ THƯ |
- 1Quyết định 195/2003/QĐ-TTg thành lập Quỹ hỗ trợ các hoạt động ngoại giao phục vụ kinh tế do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 2Quyết định 1547/QĐ-BTC năm 2011 đính chính Thông tư 42/2011/TT-BTC quy định chế độ quản lý tài chính Quỹ hỗ trợ hoạt động ngoại giao phục vụ kinh tế do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành
- 3Quyết định 459/QĐ-BNN-KH năm 2015 Kế hoạch hành động của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện Quyết định 2389/QĐ-TTg về thực hiện Kết luận 79-KL/TW của Bộ Chính trị đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết 20-NQ/TW của BCH Trung ương Đảng (khóa X) về “Tiếp tục xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa"
- 1Quyết định 195/2003/QĐ-TTg thành lập Quỹ hỗ trợ các hoạt động ngoại giao phục vụ kinh tế do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 2Nghị quyết số 36-NQ/TW về việc công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài do Bộ Chính trị ban hành
- 3Quyết định 1547/QĐ-BTC năm 2011 đính chính Thông tư 42/2011/TT-BTC quy định chế độ quản lý tài chính Quỹ hỗ trợ hoạt động ngoại giao phục vụ kinh tế do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành
- 4Quyết định 459/QĐ-BNN-KH năm 2015 Kế hoạch hành động của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện Quyết định 2389/QĐ-TTg về thực hiện Kết luận 79-KL/TW của Bộ Chính trị đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết 20-NQ/TW của BCH Trung ương Đảng (khóa X) về “Tiếp tục xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa"
Chỉ thị 41-CT/TW năm 2010 tăng cường công tác ngoại giao kinh tế trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước do Ban Chấp hành Trung ương ban hành
- Số hiệu: 41-CT/TW
- Loại văn bản: Chỉ thị
- Ngày ban hành: 15/04/2010
- Nơi ban hành: Ban Chấp hành Trung ương
- Người ký: Trương Tấn Sang
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: Kiểm tra
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra