ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 40/CT-UB | TP. Hồ Chí Minh, ngày 26 tháng 10 năm 1989 |
CHỈ THỊ
VỀ VIỆC ĐẨY MẠNH CHƯƠNG TRÌNH TIÊM CHỦNG MỞ RỘNG.
Theo số liệu của ngành y tế, trung bình hàng năm ở thành phố có hàng vạn trẻ em mắc bệnh, trong đó có hàng trăm trẻ em chết do các bệnh sởi, ho gà, bạch hầu, uốn ván, lao và bại liệt là những bệnh hiện nay có vaccin phòng ngừa.
Để bảo vệ sức khỏe, sinh mạng của trẻ em và thực hiện lời cam kết của Nhà nước ta với Quốc tế, chúng ta đã đẩy mạnh chương trình tiêm chủng mở rộng và đến nay chương trình này đã mang tính chất phổ cập trong cả nước.
Thành phố Hồ Chí Minh đã bắt đầu thực hiện chương trình tiêm chủng từ 1983 và thực sự đẩy mạnh trên quy mô rộng từ 1985 đến nay. Mỗi năm tỷ lệ tiêm chủng của thành phố tăng từ 5 – 10%, với kết quả hiện nay đạt được 64% trẻ em dưới 1 tuổi được tiêm chủng 6 loại vaccin kể trên.
Nhờ vào đó tỷ lệ mắc một số bệnh giảm rõ rệt như bại liệt, bạch hầu. Nhưng muốn việc tiêm chủng có khả năng bảo vệ đầy đủ cho tất cả trẻ em thì tối thiểu phải tiêm cho được 80% - 90% số trẻ em dưới 1 tuổi – Đó cũng là lý do cam kết của thành phố ta với Hội đồng Bộ trưởng và các tổ chức quốc tế. Tiếc rằng chúng ta chưa đạt được chỉ tiêu này, chưa tương xứng với tiềm năng kinh tế và các điều kiện thuận lợi, màng lưới y tế rộng khắp vững mạnh của thành phố - đúng như nhận xét của đồng chí Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng trong văn bản nhắc nhở thành phố về việc tăng cường chỉ đạo tiêm chủng (văn bản số 1863/K6 ngày 9/10/1989) cũng như ý kiến của các chuyên gia quốc tế đều thống nhất nhận xét rằng thành phố Hồ Chí Minh có thể đạt tỷ lệ cao hơn nhiều.
Nguyên nhân chủ yếu làm chúng ta chưa đạt tỷ lệ đề ra là do các cấp chính quyền, các ngành chưa coi đây là một trong các mục tiêu kinh tế xã hội, để tập trung chỉ đạo cụ thể, chưa tập trung nhân lực, kinh phí thích đáng. Chính quyền và các ngành : Phụ nữ, Chữ thập đỏ, Văn hóa thông tin, Y tế… chưa hợp lực để giáo dục, huy động các bà mẹ tự nguyện đưa con em đi tiêm chủng. Bản thân ngành y tế, nhất là y tế cơ sở vẫn còn nhiều thiết sót trong quyết tâm thực hiện công tác tiêm chủng.
Để thực hiện đạt tỷ lệ tiêm chủng vượt 80% vào ngày 19/5/1990, ngày sinh lần thứ 100 của Chủ tịch Hồ Chí Minh và thanh toán bệnh bại liệt cho trẻ em như mong muốn của Nhà nước, của nhân dân ta cũng như đề nghị của các tổ chức quốc tế… Ủy ban nhân dân thành phố chỉ thị :
1- Các cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp coi đây là một chỉ tiêu kinh tế xã hội, tập trung chỉ đạo các ban ngành huy động nhân lực kinh phí, để đạt được chỉ tiêu đã đăng ký.
2- Ngành y tế tập trung sức cùng các cấp chính quyền tổ chức tiêm chủng đầy đủ cho trẻ em đảm bảo chất lượng, hiệu quả tiêm chủng trước mắt phải củng cố ngay đội ngũ cán bộ y tế cơ sở làm công tác tiêm chủng.
3- Hội Liên hiệp phụ nữ, Chữ thập đỏ, Ủy ban Thiếu niên Nhi đồng và các đoàn thể khác thực hiện công tác giáo dục vận động các bà mẹ đưa con em đi tiêm chủng.
4- Sở Văn hóa thông tin, báo, đài, cổ động, phối hợp với ngành y tế để tuyên truyền giáo dục về lợi ích công tác tiêm chủng.
5- Sở Tài chánh phối hợp cùng Ủy ban nhân dân các cấp chỉ đạo ngành tài chính dành kinh phí hợp lý để thực hiện chương trình : Tiền cho người tham gia tiêm chủng, vận chuyển, bảo quản Vaccin, tuyên truyền, huấn luyện theo sự chỉ đạo cụ thể từng giai đoạn của Ủy ban nhân dân thành phố.
6- Ủy ban nhân dân các quận, huyện, phường, xã chịu trách nhiệm chỉ đạo để thực hiện chỉ tiêu tiêm chủng đã đăng ký. Định kỳ trong cuộc họp giao ban hàng tháng, báo cáo với Thường trực Ủy ban nhân dân về kết quả tiêm chủng tại địa phương mình.
Vì sự nghiệp bảo vệ sức khỏe trẻ em, Ủy ban nhân dân thành phố yêu cầu các đồng chí thực hiện tốt công tác tiêm chủng mở rộng.-
| TM. ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ |
- 1Quyết định 49/2009/QĐ-UBND công bố văn bản hết hiệu lực thi hành do Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh ban hành
- 2Nghị quyết 03/HĐND-NQ năm 1990 về tiêm chủng mở rộng; phổ cập giáo dục cấp I và xóa mù chữ trong tỉnh Bến Tre ban hành
- 3Quyết định 2529/QĐ-UBND năm 2009 quy định mức thu khi tiêm các loại vắc xin, sinh phẩm phòng bệnh cho các đối tượng ngoài Chương trình Tiêm chủng mở rộng trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn
Chỉ thị 40/CT-UB năm 1989 về việc đẩy mạnh chương trình tiêm chủng mở rộng do Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh ban hành
- Số hiệu: 40/CT-UB
- Loại văn bản: Chỉ thị
- Ngày ban hành: 26/10/1989
- Nơi ban hành: Thành phố Hồ Chí Minh
- Người ký: Đỗ Duy Liên
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: 26/10/1989
- Ngày hết hiệu lực: 07/07/2009
- Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực