Hệ thống pháp luật

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 39-TTg

Hà Nội, ngày 18 tháng 1 năm 1997

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC BẢO ĐẢM AN TOÀN CHO NGƯỜI VÀ PHƯƠNG TIỆN NGHỀ CÁ HOẠT ĐỘNG TRÊN BIỂN

Trong thời gian qua, mặc dù Nhà nước đã ban hành nhiều quy định yêu cầu các cấp chính quyền địa phương và ngư dân phải có những biện pháp để phòng ngừa, hạn chế những rủi ro cho người và phương tiện nghề cá khi gặp thiên tai, nhưng trên thực tế, do còn chủ quan, việc chấp hành các quy định còn lỏng lẻo, tuỳ tiện, thiếu kiểm tra đôn đốc và chưa có các biện pháp kiên quyết, vì vậy trong mấy năm gần đây, mưa bão đã gây tổn thất lớn về người và tài sản. Chỉ riêng năm 1996 có cơn bão đã cướp đi sinh mạng hàng trăm ngư dân, mất đi nhiều của cải...

Để chủ động phòng ngừa và hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về người và tài sản của ngư dân do mưa bão gây ra, Thủ tướng Chính phủ chỉ thị:

1. Bộ Thuỷ sản tiến hành ngay một số công việc sau đây:

- Rà soát lại các quy định hiện hành, sửa đổi, bổ sung các quy định cụ thể về trang bị an toàn và cứu nạn cho người và tàu thuyền hoạt động nghề cá như phao cứu sinh, dụng cụ cứu hoả, phương tiện thông tin v.v..., phù hợp với từng vùng nước, từng loại tàu thuyền và khả năng vốn của ngư dân, bảo đảm tất cả mọi phương tiện đánh bắt thuỷ sản phải có các phương tiện an toàn tối thiểu khi đi biển.

- Phối hợp với Uỷ ban nhân dân các cấp, các ngành thường xuyên tổ chức các lớp huấn luyện ngắn ngày để hướng dẫn ngư dân các kiến thức cần thiết về trang bị và sử dụng phương tiện an toàn, cứu nạn; sản xuất đủ và cung ứng kịp thời các trang bị an toàn, cứu nạn cho ngư dân.

- Xây dựng đề án tổng thể về phòng chống lụt bão của ngành và quy định cụ thể các nơi cư trú, neo đậu tàu thuyền, nơi sơ tán dân ở từng vùng, từng địa phương.

- Phối hợp với Bộ Giao thông vận tải tổ chức việc đăng ký và cấp giấy phép hoạt động nghề cá cho các tàu thuyền đánh bắt thuỷ hải sản có đủ trang bị an toàn, cứu nạn.

- Tổ chức các Trung tâm phối hợp tìm kiếm cứu nạn người và tàu thuyền đánh bắt hải sản trên biển ở từng khu vực theo Quyết định số 780/TTg ngày 23 tháng 10 năm 1996 của Thủ tướng Chính phủ, phối hợp với Uỷ ban Quốc gia tìm kiếm - cứu nạn trên không và trên biển cùng các ngành có liên quan tìm kiếm, cứu nạn kịp thời ngư dân khi có tai nạn xảy ra.

2. Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm tuyên truyền giáo dục cho ngư dân và các chủ phương tiện hoạt động nghề cá hiểu rõ lợi ích và tầm quan trọng của việc trang bị đầy đủ các phương tiện cứu hộ, để họ tự giác chấp hành các quy định của Nhà nước. Tổ chức kiểm tra việc chấp hành của ngư dân đối với công việc này. Trường hợp không đủ các điều kiện an toàn như quy định thì dứt khoát không được để cho ngư dân ra khơi và Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phải chịu trách nhiệm về việc để ngư dân bị chết do thiếu các phương tiện an toàn theo quy định.

3. Bộ Giao thông vận tải có trách nhiệm phối hợp với các Bộ: Thuỷ sản, Quốc phòng tổ chức mạng thông tin liên lạc và hệ thống đảm bảo an toàn hàng hải (đèn biển, phao bơi, cột tiêu...), trên các tuyến sông, biển.

4. Bộ Quốc phòng chủ trì, phối hợp với Uỷ ban Quốc gia tìm kiếm - cứu nạn trên không và trên biển quy định thời gian và cách thức tổ chức bắn pháo hiệu báo bão, cứu nạn người và tàu thuyền khi gặp nạn.

5. Bộ Tài chính cùng với Bộ Thuỷ sản nghiên cứu đề xuất chính sách và các biện pháp cụ thể nhằm khuyến khích ngư dân mua sắm các trang bị an toàn, cứu nạn trình Thủ tướng Chính phủ quyết định trong quý I năm 1997; Chỉ đạo các cơ quan bảo hiểm tổ chức cho ngư dân mua bảo hiểm thuyền viên theo yêu cầu bắt buộc và khuyến khích mua bảo hiểm thân tàu.

6. Bộ Kế hoạch và Đầu tư xem xét phân bổ kế hoạch tài chính hàng năm cho ngành Thuỷ sản, Quốc phòng, Nội vụ, Giao thông vận tải để làm tốt công tác phòng ngừa và cứu nạn cho người và phương tiện nghề cá.

7. Ban chỉ đạo phòng, chống lụt bão Trung ương phối hợp chặt chẽ với Bộ Thuỷ sản, Tổng cục Khí tượng - Thuỷ văn, Tổng cục Bưu điện và Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các phương tiện thông tin đại chúng có biện pháp và hình thức thông tin, thông báo kịp thời tình hình thời tiết bất thường nhất là trong mùa mưa bão cho ngư dân biết để chủ động ra khơi, phòng tránh tai nạn xảy ra khi đang đánh bắt hải sản trên biển.

8. Uỷ ban Quốc gia tìm kiếm - cứu nạn trên không và trên biển chỉ đạo Bộ Thuỷ sản và các Bộ ngành có liên quan, phối hợp, tổ chức kịp thời việc cứu nạn cho ngư dân và các phương tiện hoạt động nghề cá khi có tai nạn xảy ra.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ trưởng các Bộ, Thủ trưởng các cơ quan ngang Bộ, các cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các tỉnh và thành phố trực thuộc Trung ương trong phạm vi trách nhiệm của mình cần khẩn trương tổ chức triển khai thực hiện nghiêm túc Chỉ thị này và báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

 

 

Trần Đức Lương

(Đã ký)

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Chỉ thị 39-TTg năm 1997 về việc bảo đảm an toàn cho người và phương tiện nghề cá hoạt động trên biển do Thủ tướng Chính phủ ban hành

  • Số hiệu: 39-TTg
  • Loại văn bản: Chỉ thị
  • Ngày ban hành: 18/01/1997
  • Nơi ban hành: Thủ tướng Chính phủ
  • Người ký: Trần Đức Lương
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 5
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản