Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
BAN CHẤP HÀNH TRUNG ƯƠNG | ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM |
Số: 37-CT/TW | Hà Nội, ngày 06 tháng 06 năm 2014 |
CHỈ THỊ
CỦA BAN BÍ THƯ VỀ TĂNG CƯỜNG SỰ LÃNH ĐẠO CỦA ĐẢNG ĐỐI VỚI CÔNG TÁC ĐÀO TẠO NHÂN LỰC CÓ TAY NGHỀ CAO
Trong những năm qua, công tác đào tạo nhân lực có tay nghề cao ở nước ta đã có bước phát triển, từng bước đáp ứng yêu cầu về nhân lực, góp phần vào sự nghiệp phát triển của đất nước.
Tuy nhiên, chất lượng đào tạo của nhiều cơ sở giáo dục nghề nghiệp còn thấp, chưa đáp ứng được nhu cầu của thị trường lao động, nhất là đối với các lĩnh vực ngành nghề đòi hỏi công nghệ, kỹ thuật cao. Năng lực, trình độ, kỹ năng nghề nghiệp của đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý chưa đạt yêu cầu. Cơ sở vật chất, trang thiết bị giảng dạy, thực hành nghề còn thiếu, lạc hậu; hệ thống chương trình, giáo trình chậm được đổi mới, cập nhật.
Những hạn chế, yếu kém trên đây có nguyên nhân khách quan, nhưng nguyên nhân chủ quan là chủ yếu. Nhận thức của nhiều cấp ủy, chính quyền, cơ sở giáo dục nghề nghiệp, doanh nghiệp và cộng đồng về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của giáo dục nghề nghiệp, đào tạo nhân lực có tay nghề cao chưa đầy đủ, thiếu thống nhất, còn tư tưởng coi trọng bằng cấp. Quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp còn thiếu tập trung, chồng chéo, đầu tư dàn trải, kém hiệu quả; công tác dự báo nhu cầu về nhân lực có tay nghề cao và quy hoạch hệ thống giáo dục nghề nghiệp chưa sát thực tế, thiếu gắn kết giữa đào tạo với nhu cầu sử dụng lao động. Công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát và xử lý các sai phạm chưa thường xuyên, kém hiệu quả; chưa chú trọng kiểm định chất lượng đào tạo. Cơ chế, chính sách khuyến khích các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cộng đồng tham gia đào tạo thiếu đồng bộ.
Nhằm đẩy mạnh công tác đào tạo nhân lực có tay nghề cao theo tinh thần của Nghị quyết Trung ương 8 khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, Ban Bí thư yêu cầu các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể nhân dân tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt một số nhiệm vụ sau:
1- Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức về đào tạo nhân lực có tay nghề cao
Các cấp ủy đảng, chính quyền, cơ quan, tổ chức và doanh nghiệp, đặc biệt là người đứng đầu cần xác định đúng vị trí, vai trò, tầm quan trọng của công tác đào tạo nhân lực có tay nghề cao; đưa công tác này vào trong các chương trình, kế hoạch hoạt động hằng năm của các bộ, ngành, địa phương.
Đổi mới, đa dạng hóa nội dung; hình thức, phương pháp tuyên truyền, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân về vai trò, tầm quan trọng của công tác đào tạo nhân lực có tay nghề cao trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế.
Phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, nâng cao ý thức trách nhiệm, huy động sự tham gia tích cực, có hiệu quả của toàn xã hội đối với công tác đào tạo nhân lực có tay nghề cao.
Định hướng đào tạo nhân lực có tay nghề cao phải trên cơ sở nhu cầu thực tế về nguồn nhân lực của thị trường lao động, lấy tín nhiệm của thị trường lao động đối với người học sau khi tốt nghiệp là tiêu chí để đánh giá uy tín, chất lượng của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp.
2- Tăng cường công tác quản lý nhà nước về đào tạo nhân lực có tay nghề cao
Hoàn thiện hệ thống pháp luật về giáo dục nghề nghiệp và đào tạo nhân lực có tay nghề cao. Sắp xếp, quy hoạch lại mạng lưới các cơ sở giáo dục nghề nghiệp của các bộ, ngành, địa phương, tránh chồng chéo, gây lãng phí nguồn lực xã hội. Quy hoạch, kế hoạch phát triển nguồn nhân lực có tay nghề cao phải bảo đảm về số lượng và cơ cấu nghề nghiệp, gắn với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh và nhu cầu sử dụng của các cơ quan, tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp.
Kiện toàn, nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp. Chú trọng kiểm định chất lượng đào tạo; tăng cường quản lý chương trình, nội dung và chất lượng giáo dục nghề nghiệp, nhất là đào tạo nhân lực có tay nghề cao. Giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp; đẩy mạnh phân cấp, nâng cao trách nhiệm, phát huy vai trò của hội đồng nhà trường.
Nâng cao năng lực dự báo nguồn nhân lực có tay nghề cao thuộc các lĩnh vực, ngành nghề, đặc biệt là đối với các ngành, lĩnh vực mũi nhọn, công nghiệp hỗ trợ, các khu công nghiệp, khu chế xuất, các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Trên cơ sở đó, định hướng lựa chọn nghề nghiệp cho người học.
Thực hiện giám sát của các chủ thể trong nhà trường và xã hội; tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra và xử lý nghiêm các sai phạm của cơ quan quản lý các cấp trong giáo dục nghề nghiệp và đào tạo nhân lực có tay nghề cao, bảo đảm dân chủ, công khai, minh bạch.
3- Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ và đồng bộ chương trình, nội dung đào tạo nhân lực có tay nghề cao
Nội dung đào tạo nhân lực có tay nghề cao cần được xây dựng theo hướng tích hợp kiến thức, kỹ năng, nhất là kỹ năng thực hành và làm việc theo nhóm. Tăng cường giáo dục tác phong làm việc chuyên nghiệp, phẩm chất đạo đức để hình thành năng lực nghề nghiệp, nhân cách cho người học. Lựa chọn, áp dụng chương trình, tiêu chuẩn và công nghệ đào tạo tiên tiến của khu vực và quốc tế đối với một số cơ sở giáo dục nghề nghiệp chất lượng cao trong nước, phù hợp với điều kiện của Việt Nam và xu hướng hội nhập quốc tế.
Đổi mới phương pháp dạy và học của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp theo hướng phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo và vận dụng kiến thức, kỹ năng của người học vào thực hành tay nghề. Đa dạng hóa các phương thức và chương trình đào tạo nhân lực có tay nghề cao. Đẩy mạnh đào tạo, bồi dưỡng năng lực, kỹ năng nghề tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh. Công khai chuẩn đầu ra trong cả nước.
Đổi mới phương thức đánh giá và công nhận tốt nghiệp; xây dựng các tiêu chí đánh giá chất lượng đào tạo nhân lực có tay nghề cao của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên cơ sở kiến thức, năng lực thực hành, ý thức kỷ luật và đạo đức nghề nghiệp. Có cơ chế để các tổ chức, cá nhân sử dụng lao động tham gia đánh giá chất lượng đào tạo của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp chất lượng cao, các nghề trọng điểm cấp độ quốc gia, khu vực và quốc tế.
4- Tăng cường xây dựng và phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý đào tạo nhân lực có tay nghề cao
Xây dựng quy hoạch, kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, chuẩn hóa và có chính sách khuyến khích đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý đào tạo nhân lực có tay nghề cao theo chuẩn trình độ quốc gia, khu vực và quốc tế.
Tăng quy mô đào tạo ở nước ngoài bằng ngân sách nhà nước đối với nhà giáo trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, đào tạo nhân lực có tay nghề cao; khuyến khích việc học tập và nghiên cứu ở nước ngoài bằng các nguồn kinh phí ngoài ngân sách nhà nước.
Có chế độ ưu đãi và hình thức tôn vinh, khen thưởng đối với giáo viên và cán bộ quản lý đào tạo nhân lực có tay nghề cao tùy theo tính chất công việc, năng lực, theo vùng; chú trọng những nghề trọng điểm cấp độ khu vực, quốc tế. Có chính sách khuyến khích nghệ nhân ở các làng nghề tích cực tham gia đào tạo, bồi dưỡng, phát triển nhân lực có tay nghề cao.
5- Đổi mới, hoàn thiện cơ chế, chính sách, đa dạng hóa nguồn lực đào tạo nhân lực có tay nghề cao
Nhà nước giữ vai trò chủ đạo trong đầu tư kinh phí cho đào tạo nhân lực có tay nghề cao; tập trung đầu tư đồng bộ cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đủ điều kiện thực hiện nhiệm vụ đào tạo đạt chuẩn quốc gia, khu vực, quốc tế. Phấn đấu đến năm 2020, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp chất lượng cao có đủ năng lực đào tạo tương đương cấp độ khu vực và quốc tế.
Chủ động, đa dạng hóa các nguồn lực đầu tư cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp chất lượng cao, các nghề trọng điểm cấp độ quốc gia, khu vực và quốc tế. Nhà nước tạo điều kiện thuận lợi để xã hội hóa, khuyến khích các tổ chức, cá nhân liên kết đào tạo với các cơ sở đào tạo nước ngoài có uy tín.
Có chính sách ưu đãi để doanh nghiệp đổi mới công nghệ sản xuất gắn với đào tạo, sử dụng lao động, tạo điều kiện thuận lợi để các tổ chức doanh nghiệp, cá nhân sử dụng lao động, các chuyên gia quốc tế và người Việt Nam định cư ở nước ngoài tham gia vào hoạt động đào tạo nhân lực có tay nghề cao. Thực hiện cơ chế đặt hàng đào tạo trên cơ sở hệ thống định mức kinh tế - kỹ thuật, tiêu chuẩn chất lượng cấp độ quốc gia, khu vực, quốc tế.
Hoàn thiện chính sách hỗ trợ đối với các đối tượng chính sách, đồng bào dân tộc thiểu số và cơ chế tín dụng cho học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay để học một số nghề trọng điểm cấp độ quốc gia, khu vực, quốc tế.
6- Chủ động hợp tác, hội nhập quốc tế
Xây dựng khuôn khổ pháp lý thuận lợi để thu hút đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp chất lượng cao. Hoàn thiện cơ chế hợp tác song phương và đa phương, coi trọng việc tham gia và thực hiện các cam kết quốc tế về chất lượng đào tạo. Tăng cường hợp tác nghiên cứu khoa học, trao đổi thông tin, kinh nghiệm với các nước, các tổ chức quốc tế; khuyến khích các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong nước mở rộng hợp tác, liên kết đào tạo với các cơ sở đào tạo ở nước ngoài.
Có chính sách hỗ trợ, quản lý việc học tập và rèn luyện của học sinh, sinh viên Việt Nam đang học ở các cơ sở giáo dục nghề nghiệp chất lượng cao ở nước ngoài và tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp chất lượng cao có yếu tố nước ngoài tại Việt Nam.
Các cấp ủy, tổ chức đảng nghiên cứu, quán triệt và xây dựng chương trình, kế hoạch thực hiện Chỉ thị; thường xuyên chỉ đạo, kiểm tra việc thực hiện; coi trọng việc sơ kết, tổng kết, rút kinh nghiệm và nhân rộng điển hình tiên tiến.
Đảng đoàn Quốc hội lãnh đạo việc rà soát sửa đổi, bổ sung xây dựng các văn bản pháp luật có liên quan đến giáo dục nghề nghiệp và đào tạo nhân lực có tay nghề cao, tạo cơ sở pháp lý thống nhất, đồng bộ cho việc thực hiện Chỉ thị.
Ban cán sự đảng Chính phủ lãnh đạo việc kiện toàn tổ chức bộ máy quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp; sắp xếp, quy hoạch lại mạng lưới các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và đào tạo nhân lực có tay nghề cao. Hoàn thiện các cơ chế, chính sách về giáo dục nghề nghiệp và đào tạo nhân lực có tay nghề cao. Tăng cường sự phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp trong việc tổ chức thực hiện Chỉ thị.
Đảng đoàn Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể nhân dân đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân tích cực thực hiện và giám sát việc thực hiện Chỉ thị.
Ban Tuyên giáo Trung ương chỉ đạo công tác tuyên truyền, phổ biến, quán triệt Chỉ thị đến các cấp ủy đảng, chi bộ và đảng viên; các cơ quan thông tin đại chúng có các chuyên mục tuyên truyền sâu rộng, thiết thực, hiệu quả về công tác đào tạo nhân lực có tay nghề cao; chủ trì phối hợp với Ban cán sự đảng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và Ban cán sự đảng Bộ Giáo dục và Đào tạo theo dõi, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện Chỉ thị, định kỳ báo cáo Ban Bí thư.
| T/M BAN BÍ THƯ |
Chỉ thị 37-CT/TW năm 2014 tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác đào tạo nhân lực có tay nghề cao do Ban Chấp hành Trung ương ban hành
- Số hiệu: 37-CT/TW
- Loại văn bản: Chỉ thị
- Ngày ban hành: 06/06/2014
- Nơi ban hành: Ban Chấp hành Trung ương
- Người ký: Lê Hồng Anh
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: 06/06/2014
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra