Hệ thống pháp luật

BAN BÍ THƯ
--------

ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM
---------------

Số: 37-CT/TW

Hà Nội, ngày 18 tháng 3 năm 2004

 

CHỈ THỊ

VỀ TIẾP TỤC NÂNG CAO VAI TRÒ, CHẤT LƯỢNG HOẠT ĐỘNG CỦA HỘI NHÀ BÁO VIỆT NAM TRONG THỜI KỲ MỚI

Từ ngày thành lập đến nay, dưới sự lãnh dạo của Đảng và Nhà nước, Hội Nhà báo Việt Nam đã có những đóng góp quan trọng vào việc tổ chức, động viên, cổ vũ các nhà báo - hội viên thực hiện tốt những nhiệm vụ chính trị của Đảng và Nhà nước, thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ của báo chí Việt Nam, xây dựng và phát triển đội ngũ những người làm báo; góp phần tích cực vào công tác chỉ đạo, quản lý báo chí, từng bước hoàn chỉnh hệ thống pháp luật, chính sách về báo chí; có nhiều hoạt động đối ngoại phong phú, không ngừng phát huy và nâng cao vị thế của Hội Nhà báo Việt Nam trong khu vực và trên thế giới; góp phần quan trọng vào thắng lợi của cách mạng trong hơn nửa thế kỷ qua. Hội Nhà báo Việt Nam từ Trung ương đến cơ sở đã từng bước củng cố, kiện toàn về tổ chức, đổi mới về nội dung và phương thức hoạt động, để xứng đáng với lời khen tặng của Ban Chấp hành Trung ương Đảng nhân kỷ niệm 50 năm Ngày thành lập Hội (6/1950-6/2000): "Báo chí cách mạng Việt Nam trung thành, đoàn kết, trí tuệ, đổi mới vì sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước".

Tuy nhiên, bên cạnh những ưu điểm cơ bản nêu trên, hoạt động của Hội Nhà báo Việt Nam cũng như sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đảng và chính quyền các cấp đối với Hội trong thời gian qua còn một số thiếu sót, khuyết điểm sau đây:

- Nội dung, phương thức hoạt động của Hội chưa đáp ứng yêu cầu và đòi hỏi của thực tiễn, sức cuốn hút và tập hợp của Hội chưa cao. Ý thức xây dựng Hội của một số hội viên còn mờ nhạt. Chất lượng hoạt động của một số cơ sở Hội và hội viên chưa cao. Những năm gần đây, một số ít cán bộ lãnh đạo và nhà báo - hội viên vi phạm đạo đức nghề nghiệp, vi phạm kỷ luật của Đảng và pháp luật của Nhà nước làm ảnh hưởng đến uy tín của Hội.

- Sự phối hợp hoạt động giữa các cơ quan quản lý báo chí, các cơ quan báo chí và tổ chức Hội chưa chặt chẽ, chưa có những quy định cụ thể để tạo điều kiện cần thiết cho các cấp Hội và hội viên phát huy đầy đủ vai trò, trách nhiệm của mình.

- Cấp ủy, chính quyền một số ban, ngành ở Trung ương và địa phương chưa thực hiện tốt các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác báo chí cũng như hoạt động của Hội Nhà báo. Do đó, thiếu sự chỉ đạo chặt chẽ và chưa tạo những điều kiện cần thiết về biên chế, kinh phí, cơ sở vật chất để Hội hoạt động và phát triển.

Nhằm thực hiện tốt trách nhiệm lớn lao và vẻ vang của báo chí là phương tiện thông tin đại chúng chủ yếu, có vai trò to lớn trong việc tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, định hướng đúng đắn dư luận xã hội, góp phần nâng cao dân trí, đóng góp tích cực, có hiệu quả vào mọi thắng lợi của cách mạng, Hội Nhà báo Việt Nam cần tiếp tục thực hiện tốt những nhiệm vụ chủ yếu sau đây:

I- Tiếp tục nâng cao vai trò, chất lượng hoạt động của Hội Nhà báo Việt Nam trong thời kỳ mới.

1- Hội Nhà báo Việt Nam là tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp của những người làm báo Việt Nam, hoạt động dưới sự lãnh đạo của Đảng và trong khuôn khổ pháp luật của Nhà nước. Hội cần được tiếp tục đổi mới, kiện toàn về tổ chức, đổi mới phương thức hoạt động nhằm tập hợp và đoàn kết rộng rãi các nhà báo trung thành với sự nghiệp cách mạng của Đảng và của dân tộc, chủ động tham gia công tác chỉ đạo, quản lý báo chí; xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật về báo chí để góp phần xây dựng và phát triển nền báo chí cách mạng và đội ngũ những người làm báo Việt Nam trong thời kỳ mới.

2- Hội Nhà báo các cấp cần thường xuyên tổ chức cho các nhà báo - hội viên nghiên cứu, quán triệt sâu sắc lý luận chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Tích cực, chủ động bằng nhiều hình thức đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chính trị, nghiệp vụ, kỹ năng làm báo cho các hội viên, xây dựng đội ngũ những người làm báo Việt Nam ngang tầm đòi hỏi của nhiệm vụ cách mạng.

Tiến hành xây dựng, triển khai thực hiện đề án về Giải báo chí quốc gia, thu hút đông đảo những người làm báo cả nước tham gia nhằm phát hiện, cổ vũ những tài năng báo chí, động viên ý thức lao động sáng tạo của những người làm báo Việt Nam.

3- Coi trọng việc giáo dục, rèn luyện phẩm chất cách mạng, đạo đức nghề nghiệp cho các nhà báo. Xúc tiến việc xây dựng quy định về đạo đức người làm báo Việt Nam nhằm xây dựng Hội Nhà báo các cấp trong sạch, vững mạnh, không ngừng nâng cao chất lượng nhà báo - hội viên.

4- Hội Nhà báo Việt Nam và tổ chức Hội các cấp cần quan tâm làm tốt hơn nữa việc bảo vệ quyền lợi chính đáng và hợp pháp của nhà báo. Xây dựng cơ chế, chính sách và có hình thức động viên, khen thưởng xứng đáng, kịp thời đối với các đơn vị và cá nhân có thành tích xuất sắc trong hoạt động báo chí, nhất là các đơn vị, cá nhân trực tiếp hoạt động ở những địa bàn có nhiều khó khăn, gian khổ.

5- Đẩy mạnh hơn nữa hoạt động đối ngoại và hợp tác quốc tế của Hội Nhà báo Việt Nam theo đúng đường lối đối ngoại của Đảng và Nhà nước, với nhiều hình thức thích hợp để góp phần nâng cao vị thế quốc tế của Hội Nhà báo Việt Nam và của đất nước trong khu vực và trên thế giới.

6- Các cấp ủy đảng, chính quyền, các cơ quan chỉ đạo, quản lý báo chí, các cơ quan chủ quản cùng các cơ quan báo chí cần tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo, phối hợp hoạt động và có quy định cụ thể tạo điều kiện cần thiết về cán bộ chuyên trách, kinh phí, điều kiện, phương tiện làm việc để Hội Nhà báo các cấp hoạt động đạt hiệu quả thiết thực.

II- Tổ chức thực hiện.

1- Các cấp ủy đảng, chính quyền, Đảng đoàn Hội Nhà báo Việt Nam, các cơ quan chỉ đạo, quản lý báo chí, các cơ quan báo chí có trách nhiệm chỉ đạo việc quán triệt và tổ chức thực hiện Chỉ thị này.

2- Ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương chủ trì phối hợp với Ban cán sự đảng Bộ Văn hóa - Thông tin, Đảng đoàn Hội Nhà báo Việt Nam và các cơ quan liên quan xây dựng các quy chế, quy định cụ thể để phát huy vai trò, trách nhiệm của các cấp Hội Nhà báo tham gia công tác chỉ đạo, quản lý báo chí; xây dựng và hoàn chỉnh hệ thống pháp luật, chính sách về báo chí, về đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ làm công tác báo chí; quy chế bổ nhiệm, khen thưởng và kỷ luật nhà báo; bảo vệ quyền lợi chính đáng và hợp pháp của các cơ quan báo chí, của các nhà báo. Tạo điều kiện để Hội Nhà báo Việt Nam thực hiện tốt vai trò tư vấn, phản biện, giám định của một tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp về các vấn đề liên quan đến hoạt động báo chí, đến đội ngũ các nhà báo.

3. Ban cán sự đảng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành hữu quan, các tỉnh, thành phố tổ chức hướng dẫn và thực hiện cụ thể Chỉ thị 33/98/CP-TTg của Thủ tướng Chính phủ, nhằm xây dựng, củng cố tổ chức, đảm bảo các điều kiện và nâng cao chất lượng hoạt động của Hội Nhà báo các cấp.

4- Ban cán sự đảng Bộ Nội vụ chủ trì phối hợp với Hội Nhà báo Việt Nam và các cấp cơ quan hữu quan xây dựng để trình Chính phủ phê duyệt Đề án tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức Hội Nhà báo Việt Nam từ Trung ương đến cơ sở đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong thời kỳ mới.

5- Ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương có trách nhiệm đôn đốc, theo dõi việc triển khai và thực hiện Chỉ thị này, định kỳ báo cáo Ban Bí thư./.

 

 

T/M BAN BÍ THƯ




Phan Diễn

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Chỉ thị 37-CT/TW năm 2004 tiếp tục nâng cao vai trò, chất lượng hoạt động của Hội Nhà báo Việt Nam trong thời kỳ mới do Ban Bí thư ban hành

  • Số hiệu: 37-CT/TW
  • Loại văn bản: Chỉ thị
  • Ngày ban hành: 18/03/2004
  • Nơi ban hành: Ban Bí thư
  • Người ký: Phan Diễn
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản