Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
CHỦ TỊCH HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 369-CT | Hà Nội, ngày 19 tháng 10 năm 1990 |
Tình hình xăng dầu ở nước ta hiện nay và năm 1991 thiếu nghiêm trọng do nguồn cung ứng trước đây bị giảm nhiều và do ảnh hưởng cuộc khủng hoảng ở vùng Vịnh. Việc nhập khẩu để đáp ứng nhu cầu sản xuất và tiêu dùng trong nước rất khó khăn. Trước tình hình này, một mặt phải tìm mọi cách tạo nguồn xăng dầu để đáp ứng những nhu cầu thật thiết yếu của kinh tế, đời sống, quốc phòng, an ninh; mặt khác phải hết sức tiết kiệm tiêu dùng xăng dầu trong sản xuất và sinh hoạt.
Tiếp theo Chỉ thị số 338-CT ngày 21 tháng 9 năm 1990, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng bổ sung một số điểm như sau:
1- Về việc tiết kiệm tiêu dùng xăng dầu trong sản xuất và tiêu dùng.
Phải quán triệt sâu sắc tinh thần triệt để tiết kiệm tiêu dùng xăng dầu, coi đây là một chủ trương lớn của Nhà nước, nhất là trong tình hình cấp bách trước mắt. Nhu cầu nào chưa cấp thiết thì nhất thiết phải giảm hoặc cắt.
Trong sản xuất, vận tải, xây dựng: các cơ sở phải thực hiện mức tiêu hao xăng dầu thật chặt chẽ và cố gắng càng giảm nhiều hơn càng tốt.
Đối với các ngành tiêu thụ nhiều xăng dầu, các Bộ chủ quản phải đi sâu nghiên cứu chỉ đạo, kiểm tra thật cụ thể việc thực hiện các biện pháp tiết kiệm:
- Ngành điện: một mặt, phấn đấu hạ định mức dầu cho 1 KWh điện phát ra, giảm tiêu hao về điện tự dùng và tổn thất trên đường dây hiện nay đang quá cao, mặt khác, căn cứ vào tình hình nguồn nước để tận dụng cao nhất khả năng thuỷ điện, giảm bớt yêu cầu phát điện bằng dầu. Chỉnh đốn lại việc phân phối điện, ưu tiên điện cho sản xuất, các sự nghiệp y tế, giáo dục, văn hoá, khoa học kỹ thuật; giảm bớt điện cho tiêu dùng, chống lãng phí điện, nước công cộng ở ngoài xã hội, trong cơ quan Nhà nước và đoàn thể nhân dân. Xoá bỏ hẳn chế độ cơ quan, xí nghiệp thanh toán tiền điện thay cho cán bộ, công nhân viên chức và trừ theo tỷ lệ tiền lương. Chống thất thu tiền điện, nước; ai dùng điện, nước mà không trả tiền phải phạt nặng, ăn cắp điện phải bị truy tố trước pháp luật. Những cán bộ, nhân viên ngành điện, ăn cắp tiền điện, nước của Nhà nước, nhận hối lộ, có hành vi tiêu cực trong việc cung cấp điện, nước và thu tiền điện, nước phải bị đuổi ra khỏi cơ quan, xí nghiệp, vi phạm nặng phải bị xử lý về hình sự. Tiến hành việc điều chỉnh giá điện phù hợp với giá dầu tăng lên.
- Ngành vận tải: khuyến khích tận dụng một cách có hiệu quả các phương tiện vận tải thô sơ để tiết kiệm xăng dầu. Hết sức chú trọng vận tải hàng hoá hai chiều, tận dụng sức chở của phương tiện, tích cực khai thác khả năng vận chuyển hàng hoá bằng đường sắt, đường sông (nhất là ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long), giảm bớt vận chuyển bằng ô-tô. Giảm tiêu hao xăng dầu trên 1 tấn/km hàng hoá, một hành khách/km vận chuyển.
- Ngành xây dựng: phấn đấu hạ định mức tiêu hao xăng dầu trong vận tải vật liệu xây dựng, trong hoạt động của các phương tiện thi công xây lắp cơ giới và trong sản xuất xi-măng.
- Ngành nông nghiệp: tính toán lại nhu cầu xăng dầu, khắc phục tình trạng xăng dầu cấp cho thuỷ lợi và các loại máy nông nghiệp không sử dụng hết bị lợi dụng vào việc khác.
Đối với các ngành sản xuất khác: phấn đấu giảm ít nhất từ 10% đến 20% so với mức sử dụng hiện nay.
Trong quốc phòng và an ninh, Bộ Quốc phòng và Bộ Nội vụ cần thực hiện những biện pháp tiết kiệm triệt để xăng dầu trên cơ sở bảo đảm quốc phòng, an ninh và trật tự an toàn xã hội. Các tổ chức làm kinh tế của quân đội và công an phải hạch toán riêng phần xăng dầu dùng trong kinh tế, không được dùng xăng dầu cấp cho công tác quốc phòng và an ninh vào các hoạt động kinh tế.
Trong tiêu dùng:
Hiện nay số xăng dầu bán lẻ quá lớn, mức tiêu thụ quá cao, vượt quá xa khả năng của đất nước. Với giá quốc tế hiện nay phải chi trên 100 triệu đô-la vào mục đích này, trong khi nguồn ngoại tệ quá eo hẹp.
Vì vậy, Hội đồng Bộ trưởng chủ trương:
- Trong quý IV/1990 và năm 1991, tạm ngừng nhập khẩu ô-tô du lịch từ 15 chỗ ngồi trở xuống, xe hai bánh gắn máy các loại. Nghiêm cấm việc nhập lậu ô-tô, xe máy dưới mọi hình thức.
Bộ Thương nghiệp ra lệnh đình chỉ ngay hiệu lực thi hành đối với các hạn ngạch, giấy phép nhập khẩu ô-tô, xe máy đã cấp trước ngày ký Chỉ thị này và hướng dẫn xử lý những lô hàng đã mở L/C hoặc một hình thức thanh toán nào khác.
- Vận động cán bộ, công nhân viên Nhà nước và nhân dân dùng mọi phương tiện đi lại thô sơ để tiết kiệm xăng dầu, chỉ dùng ô-tô, xe máy trong những trường hợp thật cần thiết.
Trong các cơ quan và tổ chức của Nhà nước (kể cả sản xuất, kinh doanh và hành chính sự nghiệp), xe ô-tô chỉ được dùng trong trường hợp đi công tác xa, vào việc công, không dùng vào việc riêng; không được dùng ô-tô con và hạn chế dùng xe chở khách chạy suốt Bắc - Nam, hạn chế sử dụng ô-tô tải chạy đường dài. Ngành giao thông vận tải nhanh chóng cải tiến việc vận chuyển hành khách công cộng trên cả 3 mặt: số lượng phương tiện, chất lượng phục vụ và giá vé. Tăng vận chuyển hành khách ở các thành phố lớn.
Bộ Giao thông vận tải và Bưu điện phối hợp với các ngành liên quan hướng dẫn cụ thể việc thi hành chủ trương về sử dụng xe con, xe ca và xe vận tải hàng hoá nói trên.
2- Về việc tạo nguồn xăng dầu: ngoài các biện pháp đã nêu trong Chỉ thị số 338-CT, nay bổ sung thêm:
- Nhà nước khuyến khích các Công ty và tư nhân có đủ điều kiện được Nhà nước cho phép nhập xăng dầu về kinh doanh dưới sự quản lý thống nhất của Nhà nước.
*
* *
Căn cứ vào các chủ trương trên đây của Hội đồng Bộ trưởng Hội đồng Bộ trưởng, Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước, các Bộ Thương nghiệp, Tài chính và các ngành chức năng khác phải hướng dẫn kịp thời, và có kế hoạch tổ chức chỉ đạo việc thực hiện. Chậm nhất là đến cuối tháng 10/1990 phải ban hành xong các văn bản hướng dẫn.
Các Bộ, Uỷ ban Nhà nước, cơ quan khác thuộc Hội đồng Bộ trưởng, Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố, đặc khu căn cứ vào Chỉ thị này có những quy định cụ thể để thực hiện trong phạm vi ngành và địa phương và báo cáo với Hội đồng Bộ trưởng về kế hoạch thực hiện, mức tiết kiệm xăng dầu.
Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước, Bộ Thương nghiệp có trách nhiệm theo dõi và kiểm tra việc thực hiện.
Hội đồng Bộ trưởng đề nghị, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ các cấp, Hội đồng nhân dân các cấp, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể xã hội động viên các tầng lớp nhân dân nghiêm chỉnh thực hiện chủ trương tiết kiệm xăng dầu, giám sát việc thực hiện, phát hiện, ngăn chặn kịp thời và có thái độ nghiêm đối với những việc làm sai trái xảy ra tại địa phương, cơ sở mình. Cần làm cho mọi người có nhận thức sâu sắc về chủ trương tiết kiệm xăng dầu, không những vì yêu cầu cấp bách trước mắt, mà còn để khắc phục khuyết điểm buông lỏng quản lý tồn tại từ lâu, đã gây nên một nếp tiêu dùng lãng phí, nhằm tạo điều kiện tích cực thúc đẩy sản xuất, phát triển kinh tế.
| Đỗ Mười (Đã ký)
|
- 1Chỉ thị 78-TTg năm 1979 về tiết kiệm xăng dầu do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 2Quyết định 133-TTg năm 1981 về việc triệt để thực hiện tiết kiệm xăng dầu và chống lấy cắp xăng dầu do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 3Chỉ thị 23/2004/CT-TTg về việc tiếp tục đẩy mạnh các biện pháp tiết kiệm xăng dầu do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 1Chỉ thị 78-TTg năm 1979 về tiết kiệm xăng dầu do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 2Quyết định 133-TTg năm 1981 về việc triệt để thực hiện tiết kiệm xăng dầu và chống lấy cắp xăng dầu do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 3Thông tư 09-BTN/TT năm 1990 về việc tổ chức lưu thông xăng dầu trong tình hình hiện nay theo Chỉ thị 369/CT do Bộ Thương Nghiệp ban hành
- 4Công văn 4038/QLTT-TW năm 1990 về việc quản lý thị trường xăng dầu do Bộ Thương nghiệp ban hành
- 5Chỉ thị 23/2004/CT-TTg về việc tiếp tục đẩy mạnh các biện pháp tiết kiệm xăng dầu do Thủ tướng Chính phủ ban hành
Chỉ thị 369-CT năm 1990 về tiết kiệm xăng dầu do Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng ban hành
- Số hiệu: 369-CT
- Loại văn bản: Chỉ thị
- Ngày ban hành: 19/10/1990
- Nơi ban hành: Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng
- Người ký: Đỗ Mười
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Số 22
- Ngày hiệu lực: 03/11/1990
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra