Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH NINH THUẬN
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 35/2011/CT-UBND

Ninh Thuận, ngày 29 tháng 12 năm 2011

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC QUẢN LÝ VÀ PHÁT TRIỂN CÂY XANH ĐÔ THỊ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH NINH THUẬN

Xây dựng nền kinh tế phát triển nhanh, bền vững đi đôi với việc bảo vệ môi trường, phấn đấu xây dựng Ninh Thuận trở thành một trong những điểm đến xanh có môi trường sống tốt trong tương lai là một trong những định hướng mà toàn Đảng bộ, chính quyền các cấp đang tập trung triển khai thực hiện. Trong những năm qua mặc dù điều kiện kinh tế tỉnh nhà còn khó khăn nhưng cơ sở hạ tầng đô thị trong đó có cây xanh đã được Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh, chính quyền các cấp quan tâm chỉ đạo công tác đầu tư nâng cấp nên bộ mặt các đô thị trên địa bàn tỉnh đã có những thay đổi rõ rệt, thành phố Phan Rang - Tháp Chàm được công nhận đạt chuẩn đô thị loại 3. Tuy nhiên, một trong những chỉ tiêu của thành phố Phan Rang - Tháp Chàm không đạt so với tiêu chuẩn đô thị là tỉ lệ cây xanh chỉ đạt 3,68m2/người quá thấp so với tiêu chuẩn 9,0m2/người; ở các thị trấn khác trên địa bàn tỉnh tỷ lệ cây xanh còn thấp hơn (<1m2/người). Tồn tại trên xuất phát từ nhiều nguyên nhân nhưng tập trung chủ yếu ở các nguyên nhân sau:

- Công tác chăm sóc, phát triển cây xanh đô thị trong thời gian qua mặc dù được các cấp, các ngành quan tâm đầu tư phát triển nhưng chưa tập trung, nguồn lực bố trí đầu tư cho lĩnh vực này quá thấp so với yêu cầu; công tác xã hội hoá để huy động nguồn lực xã hội tham gia quản lý, bảo vệ và phát triển cây xanh đô thị chưa được quan tâm nên chưa đề cao được trách nhiệm của toàn xã hội đối với yêu cầu xanh hoá môi trường nơi ở, học tập, làm việc để đưa nhiệm vụ này trở thành một phong trào sâu rộng trong toàn dân;

- Quy hoạch chi tiết cây xanh các đô thị chưa triển khai thực hiện dẫn đến tình trạng cây xanh đường phố phát triển tự phát, pha tạp nhiều chủng loại, không phù hợp điều kiện khí hậu nên khả năng phát triển chậm, thiếu tính thẩm mỹ và đặc thù của địa phương; công tác chăm sóc quản lý cây xanh nhìn chung còn nhiều bất cập, kinh phí chưa đảm bảo cho việc chăm sóc và duy trì sự phát triển của cây; hệ thống vườn ươm phục vụ cho phát triển cây xanh đô thị chưa được quan tâm đầu tư; việc đầu tư các công trình hạ tầng kỹ thuật chưa đồng bộ, chồng chéo làm ảnh hưởng đến sự phát triển của cây xanh trên các tuyến phố chính và khu dân cư; tình trạng tự ý chặt hạ, tỉa cành cây xanh đô thị khi chưa có giấy phép, cố ý làm chết cây xanh của các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân chưa được kiểm soát; việc chăn thả gia súc như bò, dê, cừu, … trên các tuyến đường phố làm hư hại cây xanh, ảnh hưởng lớn đến mỹ quan và môi trường của các đô thị vẫn còn phổ biến.

Để kịp thời chấn chỉnh công tác quản lý và phát triển cây xanh đô thị, đồng thời thực hiện tốt Quyết định số 107/2007/QĐ-UBND ngày 17 tháng 5 năm 2007 của Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Thuận về việc ban hành Quy định quản lý cây xanh đô thị trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận, đẩy mạnh triển khai thực hiện chủ trương “Chung tay xây dựng Ninh Thuận xanh - sạch - đẹp”, Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành và Ủy ban nhân dân cấp huyện, thành phố tập trung thực hiện tốt các nội dung sau đây:

1. Tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về quản lý cây xanh đô thị: các sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, các tổ chức chính trị, tổ chức xã hội nghề nghiệp trong phạm vi trách nhiệm của mình phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng và trường học tuyên truyền, phổ biến, giáo dục, hướng dẫn người dân và công đồng dân cư tham gia trồng, chăm sóc, bảo vệ cây xanh đô thị và chấp hành nghiêm chỉnh các quy định của pháp luật liên quan về quản lý cây xanh đô thị.

2. Sở Xây dựng:

a) Chủ trì triển khai hoàn thành công tác lập quy hoạch hệ thống cây xanh đô thị trên địa bàn tỉnh làm cơ sở pháp lý cho việc quản lý và đầu tư, kêu gọi xã hội hoá phát triển hệ thống cây xanh đô thị; thực hiện quy hoạch quỹ đất xây dựng vườn ươm cây giống đô thị và tham mưu cơ chế để phát triển hệ thống vườn ươm cây xanh đô thị trên địa bàn đảm bảo cho nhu cầu trồng mới cây xanh đô thị;

b) Tăng cường giám sát trong công tác quản lý, thẩm định quy hoạch, xây dựng công trình đảm bảo mật độ cây xanh theo đúng quy chuẩn, tiêu chuẩn quy định hiện hành; chỉ đạo Thanh tra Xây dựng phối hợp chặt chẽ với chính quyền các cấp xử lý nghiêm các hành vi vi phạm các quy định về bảo vệ cây xanh, công viên và vườn hoa theo quy định của pháp luật;

c) Tiếp tục rà soát, tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành các quy định liên quan công tác quản lý và phát triển cây xanh đô thị trên địa bàn tỉnh;

d) Tham mưu triển khai công tác ngầm hoá hệ thống hạ tầng điện lực, viễn thông, truyền hình để hạn chế tối đa ảnh hưởng các công trình này đến phát triển cây xanh, đảm bảo mỹ quan đô thị;

đ) Tổng hợp cơ sở dữ liệu về cây xanh đô thị; hướng dẫn, kiểm tra, đánh giá việc quản lý cây xanh trên địa bàn tỉnh và định kỳ hằng năm báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh và Bộ Xây dựng.

3. Sở Kế hoạch và Đầu tư:

a) Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan nghiên cứu chính sách đầu tư để huy động nguồn lực xã hội phát triển hệ thống cây xanh đô thị; tập trung cân đối nguồn bố trí vốn thực hiện các dự án phát triển cây xanh đô thị theo kế hoạch; huy động và tranh thủ tối đa các nguồn vốn Trung ương và các nguồn vốn khác cho công tác phát triển cây xanh đô thị thông qua việc lồng ghép vào các chương trình dự án;

b) Khi xem xét bố trí nguồn vốn và thẩm định các dự án công sở, trường học phải đảm bảo bố trí các hạng mục cây xanh sân vườn; các công trình giao thông đô thị có vỉa hè phải đảm bảo hạng mục cây xanh đường phố đồng bộ trong dự án; hạn chế tối đa việc bêtông hoá sân đường không cần thiết trong các trụ sở cơ quan, trường học.

4. Sở Tài chính: chủ trì, phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư tham mưu bố trí kinh phí thực hiện kế hoạch hàng năm theo danh mục dự án đầu tư phát triển hạ tầng cây xanh đã được Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt; cân đối bổ sung kinh phí để đảm bảo công tác duy trì chăm sóc hệ thống cây xanh đô thị và phát triển nguồn giống cây xanh tại các vườn ươm lâm nghiệp.

5. Đề nghị Liên đoàn Lao động tỉnh chủ trì tham mưu phát động phong trào thi đua “xanh - sạch - đẹp” trong các cấp Công đoàn cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp; đưa phong trào này trở thành nguồn lực quan trọng thực hiện Đề án “Chung tay xây dựng Ninh Thuận xanh - sạch - đẹp”; đưa tỉ lệ phủ xanh trụ sở cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, khu dân cư trở thành một tiêu chí đánh giá bình xét thi đua khen thưởng các đơn vị hàng năm.

6. Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn chủ trì, phối hợp với Sở Xây dựng, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố nghiên cứu phát triển các giống cây xanh đô thị phù hợp với từng địa bàn để xây dựng kế hoạch nhân giống tại các đơn vị lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh; chủ động chuẩn bị giống cây trồng theo yêu cầu để hỗ trợ cây giống phục vụ Tết trồng cây hàng năm.

7. Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các sở, ngành có liên quan hoàn thành và triển khai thực hiện Đề án “Chung tay xây dựng Ninh Thuận xanh - sạch - đẹp”.

8. Sở Giáo dục và Đào tạo:

a) Chỉ đạo các đơn vị trường học lập kế hoạch trồng và chăm sóc cây xanh, từng bước phủ xanh các trường học;

b) Phát động phong trào “xanh hoá trường học”, lồng ghép với phong trào “Trường học thân thiện - Học sinh tích cực và xây dựng trường chuẩn quốc gia”, đưa chỉ tiêu này trở thành chỉ tiêu thi đua toàn ngành.

9. Sở Lao động Thương binh và Xã hội tổ chức trồng và chăm sóc cây xanh tại các Nghĩa trang Liệt sĩ và đài tưởng niệm.

10. Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch:

a) Tăng cường công tác chăm sóc, quản lý cây xanh, công viên, vườn hoa tại các khu du lịch, điểm tham quan;

b) Phối hợp với Tỉnh Đoàn Ninh Thuận và các cơ quan có liên quan tổ chức thực hiện Tết trồng cây hàng năm.

11. Đề nghị Tỉnh Đoàn Ninh Thuận chủ trì, phối hợp với các sở ngành liên quan xây dựng chi tiết kế hoạch ra quân Tết trồng cây hàng năm để chủ động trong việc chuẩn bị giống, chủng loại cây trồng và kinh phí nhằm phục vụ cho các đợt ra quân; phát động trong toàn thể đoàn viên thanh niên phong trào làm xanh hoá nơi dân cư, công sở, trường học, đưa tiêu chí này trở thành tiêu chí thi đua tổ chức cơ sở Đoàn.

12. Công ty Điện lực Ninh Thuận phối hợp thường xuyên với các cơ quan quản lý cây xanh đô thị tại các địa bàn. Khi tiến hành chặt hạ, cắt tỉa cây xanh phải báo cơ quan quản lý Nhà nước để cử cán bộ kỹ thuật phối hợp thực hiện. Việc chặt, tỉa cây để đảm bảo an toàn công trình lưới điện cao áp phải thực hiện theo đúng quy định tại Nghị định số 106/2005/NĐ-CP ngày 17 tháng 8 năm 2005 của Chính phủ và Nghị định số 64/2010/NĐ-CP ngày 11 tháng 6 năm 2010 của Chính phủ; có kế hoạch từng bước ngầm hoá hệ thống điện các tuyến đường đô thị để không ảnh hưởng đến sự phát triển cây xanh đô thị và đảm bảo mỹ quan đô thị.

13. Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Báo Ninh Thuận: mở chuyên mục trên Báo, Đài Phát thanh và Truyền hình phổ biến, tuyên truyền về chủ trương, chính sách, các quy định pháp luật về quản lý phát triển hệ thống cây xanh đô thị nhằm nâng cao ý thức của nhân dân về công tác chăm sóc và bảo vệ cây xanh đô thị; kịp thời phát hiện, phản ánh và biểu dương những mô hình hiệu quả, những tập thể, cá nhân, đơn vị có sự sáng tạo đạt thành tích tốt trong quá trình đầu tư, chăm sóc, bảo vệ công viên, cây xanh đồng thời phê phán, phản ánh những tập thể, cá nhân làm chưa tốt trong công tác quản lý, phát triển cây xanh trên địa bàn tỉnh.

14. Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố:

a) Tập trung thực hiện tốt việc quản lý cây xanh đô thị theo quy định tại Điều 11, 12 của Quyết định số 107/2007/QĐ-UBND ngày 17 tháng 5 năm 2007 của Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Thuận; tăng cường công tác tuyên truyền vận động nhân dân tham gia bảo vệ, quản lý và phát triển hệ thống cây xanh đô thị, nhất là các quy định quản lý cây xanh đô thị theo Quyết định số 107/2007/QĐ-UBND để người dân hiểu rõ và có ý thức trồng và bảo vệ, chăm sóc cây xanh đô thị đúng theo quy định; thực hiện nghiêm việc quản lý cây xanh trên địa bàn mình quản lý, ngăn chặn và xử lý theo thẩm quyền và đề nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý kịp thời các tổ chức, cá nhân vi phạm quy định về phát triển cây xanh đô thị theo đúng quy định của pháp luật;

b) Chủ trì, phối hợp với các Sở ngành liên quan xây dựng các đề án, kế hoạch phát triển cây xanh đô thị 5 năm và hàng năm làm cơ sở cho việc bố trí vốn triển khai thực hiện;

c) Căn cứ vào quy hoạch, kế hoạch phát triển cây xanh đô thị được duyệt, hàng năm cân đối nguồn ngân sách địa phương tập trung xây dựng các vườn hoa, công viên và cải tạo cây xanh đường phố, phối hợp ngành nông nghiệp phủ xanh các khu vực cấm xây dựng trong đô thị nhằm tăng dần mật độ diện tích phủ xanh đô thị; huy động các nguồn xã hội hoá triển khai đầu tư phát triển cây xanh đô thị; phát động phong trào xanh hoá địa bàn khu phố và đưa tiêu chí này vào bình xét khu phố văn hoá hàng năm;

d) Phối hợp với Sở Xây dựng tham mưu xây dựng bộ máy vận hành khai thác, duy tu, bảo dưỡng và phát triển hiệu quả các công trình hạ tầng đô thị trong đó có cây xanh đô thị;

đ) Chỉ đạo phòng chuyên môn quản lý cây xanh đô thị thuộc huyện, thành phố thống kê lập cơ sở dữ liệu về cây xanh đô thị trên địa bàn được giao quản lý hằng năm báo cáo Sở Xây dựng để theo dõi, tổng hợp;

e) Chỉ đạo Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn:

- Thực hiện nghiêm việc quản lý cây xanh trên địa bàn mình phụ trách, ngăn chặn, xử lý theo thẩm quyền và đề nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý kịp thời các tổ chức, cá nhân vi phạm các quy định về phát triển cây xanh đô thị theo đúng quy định của pháp luật; phối hợp với cơ quan chuyên môn cấp huyện, thành phố, Thanh tra Xây dựng xử phạt nghiêm hành vi vi phạm các quy định về bảo vệ cây xanh, công viên và vườn hoa theo quy định tại Nghị định số 23/2009/NĐ-CP ngày 27 tháng 02 năm 2009 của Chính phủ.

- Tuyên truyền vận động nhân dân hiểu và thực hiện đúng quy định về việc trồng, bảo vệ, chăm sóc cây xanh đô thị và liên hệ với cơ quan quản lý về cây xanh của đô thị hướng dẫn tổ chức, cá nhân có nhu cầu trồng cây xanh trước trụ sở cơ quan, khu dân cư, nhà ở, … trồng cây đúng quy định và đúng chủng loại.

- Vận động, khuyến khích người dân trồng, chăm sóc cây xanh trước nhà, đường phố, khu dân cư nơi sinh sống đúng quy hoạch và đúng quy định về chuẩn loại cây, từng bước phủ xanh đô thị.

15. Tổ chức thực hiện:

a) Chỉ thị này có hiệu lực sau 10 (mười) ngày kể từ ngày ký ban hành;

b) Giao các sở ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố cụ thể hoá nhiệm vụ được giao tại Chỉ thị này bằng các kế hoạch ngắn hạn và dài hạn để tổ chức thực hiện nhằm đảm bảo đạt mục đích và hiệu quả đặt ra;

c) Giao Sở Xây dựng theo dõi, đôn đốc việc thực hiện Chỉ thị này và định kỳ hàng năm báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Nguyễn Đức Thanh

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Chỉ thị 35/2011/CT-UBND về tăng cường công tác quản lý và phát triển cây xanh đô thị trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận do Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Thuận ban hành

  • Số hiệu: 35/2011/CT-UBND
  • Loại văn bản: Chỉ thị
  • Ngày ban hành: 29/12/2011
  • Nơi ban hành: Tỉnh Ninh Thuận
  • Người ký: Nguyễn Đức Thanh
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản