THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 349-TTg | Hà Nội, ngày 02 tháng 11 năm 1979 |
CHỈ THỊ
VỀ VIỆC ĐẨY MẠNH KHAI THÁC, CHĂM SÓC, GÂY TRỒNG, CHẾ BIẾN HÀNG MÂY, TRE, LÁ XUẤT KHẨU
Thi hành quyết định số 204-TTg ngày 12-6-1979 của Thủ tướng Chính phủ, đoàn nghiên cứu xuất khẩu hàng mây, tre, lá đã đến làm việc tại một số tỉnh có rừng và đến TP. Hồ Chí Minh, tỉnh Hà Sơn Bình có nghề đan lát hàng mây, tre và đã báo cáo kết quả nghiên cứu lên Thủ tướng Chính phủ.
Các loại tre, trúc, giang, nứa, mây, song, lá buôn, lá cọ, v.v… là các sản phẩm có giá trị, vừa cung cấp nguyên liệu cho sản xuất nhiều mặt hàng xuất khẩu và dùng trong nước, vừa tạo ra công việc làm có thu nhập khá cho hàng chục vạn lao động ở thành thị và nông thôn.
Bản quy định về chính sách và biện pháp khuyến khích phát triển sản xuất hàng xuất khẩu (ban hành theo Nghị định số 227-CP ngày 21-6-1979 của Hội đồng Chính phủ) cần được áp dụng đối với việc khai thác, chăm sóc, gây trồng, vận chuyển, chế biến các loại hàng mây, tre, lá xuất khẩu như đối với các mặt hàng nông sản, lâm sản, hải sản xuất khẩu.
Thủ tướng Chính phủ quyết định một số vấn đề cụ thể sau đây để các ngành, các cấp tổ chức thực hiện:
1. Việc khai thác, chăm sóc, gây trồng, vận chuyển các loại cây rừng như tre, trúc, giang, nứa, mây, song, lá buôn, lá cọ, v.v… phải được từng bước đưa vào chỉ tiêu kế hoạch Nhà nước.
Bộ Lâm nghiệp phối hợp với Bộ Ngoại thương để cùng với các địa phương xây dựng quy hoạch, kế hoạch và chỉ tiêu về khai thác, chăm sóc, gây trồng các loại tre, trúc, giang, nứa, mây, song, lá buôn, lá cọ, v.v… và chỉ đạo việc thực hiện.
Ủy ban Kế hoạch Nhà nước cần xác định việc ghi chỉ tiêu về trồng, tu bổ, khai thác các loại tre, mây, song, lá… vào hệ thống chỉ tiêu của các cấp từ trung ương đến tỉnh, huyện cho phù hợp với chủ trương phân cấp quản lý kế hoạch.
2. Ủy ban nhân dân các tỉnh và thành phố trực thuộc trung ương cần chấn chỉnh và cải tiến việc tổ chức khai thác, thu mua, phân phối, vận chuyển (trong phạm vi địa phương và ra ngoài tỉnh) các loại nguyên liệu kể trên, giảm bớt các khâu trung gian và các thủ tục không cần thiết, nhằm bảo đảm nguyên liệu cho các cơ sở sản xuất.
Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và một số tỉnh có truyền thống, có kinh nghiệm về sản xuất hàng mây, tre, lá, có nguồn lao động và tay nghề nhưng thiếu nguyên liệu, cần bàn với Ủy ban nhân dân các tỉnh có nguyên liệu để ký hợp đồng về khai thác, thu mua, vận chuyển, v.v… trên tinh thần hợp tác xã hội chủ nghĩa, phục vụ tốt cho sản xuất và xuất khẩu.
Ủy ban nhân dân các tỉnh có nguyên liệu cần đề cao trách nhiệm về cung cấp mây, song, tre, lá buôn, v.v… cho các thành phố và các tỉnh thiếu nguyên liệu, theo chỉ tiêu kế hoạch Nhà nước giao.
3. Bộ Ngoại thương chủ trì cùng với Bộ Lâm nghiệp, Bộ Nông nghiệp, Liên hiệp các hợp tác xã tiểu – thủ công nghiệp trung ương nghiên cứu xây dựng quy hoạch, kế hoạch về phát triển các đơn vị sản xuất, chế biến hàng mây, tre, lá xuất khẩu trong từng địa phương và từng vùng, bảo đảm phát huy nghề truyền thống, sử dụng lực lượng lao động của địa phương, kết hợp khâu sản xuất, chế biến với khâu cung cấp nguyên liệu, thu mua sản phẩm được thuận lợi, tránh vận chuyển loanh quanh gây lãng phí.
4. Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, các Ủy ban nhân dân tỉnh và thành phố trực thuộc trung ương cần nghiên cứu gấp để thông tư của Bộ hoặc liên Bộ nhằm hướng dẫn việc thi hành các điều có liên quan trong bản Quy định về chính sách và biện pháp khuyến khích phát triển sản xuất hàng xuất khẩu đối với hàng mây, tre, lá xuất khẩu. Cần giải quyết ngay mấy vấn đề sau đây để khuyến khích các đơn vị sản xuất hàng mây, tre, lá:
a. Giải quyết mức cung cấp lương thực cho người lao động khai thác mây, tre, song, lá… ở các vùng rừng tập trung như mức cung cấp cho công nhân sơn tràng;
b. Cung cấp một số công cụ lao động, áo quần bảo hộ lao động, hàng tiêu dùng, thuốc chữa bệnh cho người lao động khai thác, chăm sóc, vận chuyển nguyên liệu mây, tre, nứa, lá buôn… như đối với công nhân sơn tràng;
c. Giá mua nguyên liệu mây, tre, nứa, lá, v.v… làm hàng xuất khẩu cần được giải quyết thỏa đáng. Bộ Ngoại thương cùng với Bộ Lâm nghiệp, Ủy ban Vật giá Nhà nước xem xét và quy định ngay giá về mây, song, tre, trúc, giang, nứa, lá buôn, v.v… để khuyến khích các đơn vị sản xuất, cung cấp nguyên liệu làm hàng xuất khẩu;
d. Giải quyết nhanh chóng các yêu cầu về vốn, về tiền mặt để khuyến khích và đẩy mạnh việc thu mua lâm sản nguyên liệu;
e. Bộ Tài chính nghiên cứu và kiến nghị gấp trong tháng 12 năm 1979 về việc sửa đổi, bổ sung các chế độ, chính sách về các khoản thu và thuế đối với khai thác cung cấp nguyên liệu mây, tre, lá xuất khẩu (các khoản thu và thuế này chỉ phải nộp một lần) nhằm khuyến khích các địa phương phát triển nguyên liệu.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Ngoại thương, Bộ Lâm nghiệp, Ủy ban Vật giá Nhà nước, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước, các ngành và các địa phương có liên quan đôn đốc và chỉ đạo chặt chẽ việc thực hiện các chính sách và biện pháp, bảo đảm tăng nhanh hàng mây, tre, lá, xuất khẩu, góp phần tăng nguồn thu ngoại tệ cho Nhà nước.
| KT. THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ |
Chỉ thị 349-TTg năm 1979 về đẩy mạnh khai thác, chăm sóc, gây trồng, chế biến hàng mây, tre, lá xuất khẩu do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- Số hiệu: 349-TTg
- Loại văn bản: Chỉ thị
- Ngày ban hành: 02/11/1979
- Nơi ban hành: Thủ tướng Chính phủ
- Người ký: Lê Thanh Nghị
- Ngày công báo: 30/11/1979
- Số công báo: Số 9
- Ngày hiệu lực: 02/11/1979
- Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định