Hệ thống pháp luật

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
******

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 335-TTg

Hà Nội, ngày 08 tháng 09 năm 1959 

 

CHỈ THỊ

VỀ CÔNG TÁC LÂM NGHIỆP

Kính gửi: Bộ Nông Lâm và các Ủy ban Hành chính khu, tỉnh

Công cuộc kiến thiết xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc đòi hỏi ngày càng nhiều lâm sản để cải thiện đời sống nhân dân, cung cấp nguyên liệu cho công nghiệp, thương nghiệp, phát huy đầy đủ tác dụng của rừng rú, trong việc phòng chống hạn, lũ, lụt, gió, bão, v.v... bảo vệ sản xuất, tài sản, sức khỏe của nhân dân.

Diện tích đất rừng của ta rất lớn và ở vùng nhiệt đới, có nhiều loại lâm sản quý, nhiều giống cây tốt, mọc nhanh; rừng núi của ta đại bộ phận là tài sản của toàn dân; nhân dân ta, đặc biệt các dân tộc miền núi sẵn có nhiều kinh nghiệm về nghề rừng, đang được tổ chức lại và ngày càng có nhiều khả năng hơn để kinh doanh tốt về lâm nghiệp; việc xây dựng và phát triển công thương nghiệp xã hội chủ nghĩa đang mở ra nhiều nguồn tiêu thụ các loại lâm sản chính và phụ rất phong phú của đất nước.

Mấy năm gần đây, ta đã có nhiều cố gắng và đạt được một số thành tích trong công tác lâm nghiệp, nhưng còn có nhiều khuyết điểm hạn chế việc phát huy đầy đủ những thuận lợi nói trên, để xây dựng và phát triển lâm nghiệp xã hội chủ nghĩa, nhằm đáp ứng kịp yêu cầu trước mắt và tương lai: việc khai thác và sử dụng gỗ chưa được tổ chức hợp lý còn nhiều lãng phí, nạn lửa rừng còn phổ biến, việc đốt nương rẫy chưa được hướng dẫn chặt chẽ, công tác gây rừng, tu bổ, cải tạo rừng mới làm được ít.

Bên cạnh những khó khăn khách quan cũng có nhiều nguyên nhân chủ quan. Trong nhận thức tư tưởng của một bộ phận nhân dân và cán bộ, còn có những điều sai lệch. Về đường lối, chính sách, chưa có một quan điểm toàn diện về lâm nghiệp xã hội chủ nghĩa; việc điều tra nắm tình hình về lâm nghiệp chưa được tốt và kịp thời, thiếu cơ sở để đề ra hướng phát triển lâm nghiệp dài hạn, rất cần thiết trong việc kinh doanh lâm nghiệp; các chính sách cụ thể cũng chưa được nghiên cứu bổ sung hoặc ban hành cho phù hợp với sự phát triển của tình hình. Cũng do đó: kinh doanh rừng thiếu quy hoạch; quản lý rừng theo lề lối hành chính, thiếu cơ quan chịu trách nhiệm đối với từng khu rừng; lâm luật xã hội chủ nghĩa chưa được xây dựng; lực lượng sản xuất chưa tổ chức vào nề nếp. Về mặt kỹ thuật chưa làm tốt việc đúc kết kinh nghiệm quần chúng kết hợp với học tập lý luận tiền tiến và công tác nghiên cứu khoa học, cải tiến kỹ thuật và công cụ sản xuất.

Để chấn chỉnh những thiếu sót trên, đẩy công tác lâm nghiệp tiến mạnh, nhanh và toàn diện theo kịp công cuộc kiến thiết xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc, căn cứ vào nghị quyết của Thường vụ Hội đồng Chính phủ ngày 29 tháng 07 năm 1959, Thủ tướng Chính phủ chỉ thị:

1. Bộ Nông lâm phối hợp với các Bộ, các ngành liên quan, nghiên cứu những vấn đề rất cần thiết sau đây:

- Đường lối công tác và hướng phát triển lâm nghiệp dài hạn, nhằm làm cho rừng rú nước ta ngày càng giầu và phong phú hơn.

- Nắm tình hình rừng để xác định trữ lượng và sản lượng hàng năm; chủ trương định canh ở miền núi; quy hoạch sử dụng đất đai, để xác định những khu vực dành cho kinh doanh lâm nghiệp dài hạn, nhằm xây dựng lâm phần sản xuất tương đối ổn định; lập quy hoạnh kinh doanh rừng cho mỗi cấp tỉnh, xã, xí nghiệp.

- Chấn chỉnh công tác quản lý rừng chú trọng mấy vấn đề: phân cấp quản lý rừng cho các cấp hành chính, đặc biệt cho các xã; giao rừng và tổ chức việc kinh doanh về lâm nghiệp cho các đơn vị kinh doanh sản xuất như nông trường, xí nghiệp, hợp tác xã; kiện toàn tổ chức lâm nghiệp các cấp thành cơ quan kinh doanh toàn diện về rừng.

- Các chính sách chế độ bảo vệ rừng và sơn thú, trồng cây, gây rừng, khai thác, sử dụng gỗ, chính sách giá cả, chế độ sử dụng tiền bán lâm sản vào việc tu bổ, cải tạo rừng và kiến thiết đường sá trong rừng.

- Kế hoạch xây dựng và phát triển lực lượng lao động phục vụ sản xuất lâm nghiệp.

- Kế hoạch xây dựng và phát triển công nghiệp chế biến, bảo quản, đảm bảo tăng tỷ lệ sử dụng gỗ mềm; kế hoạch mở mang đường sá nhằm tạo điều kiện khai thác những rừng xa; kế hoạch cải tiến và xây dựng khoa học kỹ thuật lâm nghiệp.

- Xây dựng lâm luật đi đôi với tăng cường tuyên truyền, giáo dục nhân dân.

Cần phải căn cứ vào điều kiện và khả năng, chọn vấn đề phải nghiên cứu trước, giải quyết những vấn đề thiết thực và cấp bách nhất, có trọng điểm đối với từng vấn đề và từng nơi, phải biết nhìn xa, đồng thời phải bảo đảm thực hiện tốt các nhiệm vụ cấp bách.

Kết quả nghiên cứu phải tiến đến quy định thành chính sách chế độ cụ thể, rồi phải có kế hoạch phổ biến, tuyên truyền, tổ chức vận động thực hiện cho có kết quả thiết thực.

2. Đồng thời phải tích cực đẩy mạnh thực hiện kế hoạch trước mắt, theo phương châm tích cực bảo vệ rừng, đẩy mạnh phong trào trồng cây gây rừng, khai thác hợp lý và tiết kiệm sử dụng.

Xây dựng lâm nghiệp xã hội chủ nghiệp là một công tác khó khăn, phức tạp. Bộ Nông lâm, các ngành, các Ủy ban Hành chính các cấp có liên quan cần phải rất cố gắng khắc phục mọi khó khăn, nhược điểm, khuyết điểm để đẩy công tác lâm nghiệp tiến nhanh, tiến mạnh.

 

 

K.T. THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
PHÓ THỦ TƯỚNG



 
 
Phạm Hùng

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Chỉ thị 335-TTg năm 1959 về công tác lâm nghiệp do Thủ Tướng Chính Phủ ban hành.

  • Số hiệu: 335-TTg
  • Loại văn bản: Chỉ thị
  • Ngày ban hành: 08/09/1959
  • Nơi ban hành: Thủ tướng Chính phủ
  • Người ký: Phạm Hùng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 37
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản