CHỦ TỊCH HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 332-CT | Hà Nội, ngày 02 tháng 12 năm 1983 |
CHỈ THỊ
VỀ VIỆC CHỦ ĐỘNG PHÒNG CHÁY, CHỮA CHÁY RỪNG TRONG MÙA KHÔ HANH HÀNG NĂM
Hàng năm vào mùa khô hanh, nạn cháy rừng vẫn thường xuyên xảy ra ở hầu hết các địa phương có rừng,những năm qua, nhiều địa phương đã áp dụng các biện pháp tích cực trong công tác phòng cháy, chữa cháy rừng, đã huy động hàng vạn lượt người tham gia chữa cháy. Những cố gắng đó đã hạn chế được một phần nạn cháy rừng, nhưng vẫn chưa tạo ra cơ sở vững chắc nhằm hạn chế tới mức thấp nhất nạn cháy rừng hàng năm. Mùa khô năm 1982-1983, nạn cháy rừng xảy ra rất nghiệm trọng, nhất là ở tây Nam Bộ và Tây Nguyên làm mất hàng vạn hécta rừng tự nhiên và rừng trồng, gây thiệt hại lớn về kinh tế, ảnh hưởng đến môi trường sống, làm thay đổi tiểu khí hậu của nhiều vùng.
Nguyên nhân chủ yếu của các vụ cháy rừng:
- Các cấp, các ngành chưa thật chủ dộng và thường xuyên tổ chức chỉ đạo thực hiện các biện pháp phòng cháy, chữa cháy rừng, ngành lâm nghiệp chưa đề cao trách nhiệm và kế hoạch phối hợp chặt chẽ với các ngành trong việc phòng cháy, chữa cháy rừng.
- Ngành lâm nghiệp chưa có tổ chức đủ mạnh về cơ sở vật chất kỹ thuật và cán bộ chuyên trách để làm công tác phòng cháy và chữa cháy rừng.
- Ngành lâm nghiệp cùng các ngành liên quan chậm trình Nhà nước các chính sách thiết thực để khuyến khích và động viên toàn dân tham gia bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng.
Nguyên nhân trực tiếp của các vụ cháy rừng là do việc đốt nương, làm rẫy, dùng lửa vô ý thức trong rừng hoặc do kẻ địch phá hoại.
Để chủ động và tích cực phòng cháy, chữa cháy rừng trong mùa khô hanh hàng năm, Chủ tịch Hội đồng bộ trưởng yêu cầu các cấp, các ngành làm ngay những việc sau đây:
1. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục sâu rộng cho mọi người nhận thức sâu sắc về vị trí và tác dụng to lớn nhiều mặt của rừng, tác hại của nạn cháy rừng, từ đó nâng cao ý thức trách nhiệm trong việc phòng cháy và tham gia chữa cháy rừng, bảo vệ rừng.
2. Phải gắn công tác phòng cháy, chữa cháy rừng với việc tổ chức lại sản xuất lâm nghiệp, tổ chức lại rừng, vận động định canh, định cư, giao đất giao rừng. Đề cao trách nhiệm của các đơn vị lâm nghiệp và quyền làm chủ tập thể của nhân dân trong việc quản lý, bảo vệ rừng. Phải quy hoạch và hướng dẫn chu đáo đồng bào dân tộc làm nương rẫy, đi đôi đẩy mạnh định canh, định cư, sớm chấm dứt nạn phá rừng làm nương rẫy.
3. Thành lập và củng cố các ban phòng cháy, chữa cháy rừng của các cấp, bảo đảm sự hoạt dộng có hiệu quả trong suốt mùa khô hanh. Phải lấy việc chủ động đề phòng là chính nhưng khi xảy ra cháy rừng, Uỷ ban nhân dân và các ngành, các cấp sở tại phải có trách nhiệm huy động mọi lực lượng và phương tiện tại chỗ để nhanh chóng dập tắt lửa rừng, không để cháy lan. Sau mỗi vụ khô hanh, phải có tổng kết rút kinh nghiệm để chỉ đạo cho mùa khô sau.
4. Xây dựng phương án phòng cháy, chữa cháy rừng ở từng cấp và tới tận cơ sở nhất là cho những vùng trọng điểm có rừng dễ cháy. Làm mới và tu sửa lại các công trình phòng cháy như đường ranh, kênh mương cản lửa, chòi canh gác lửa, bảng biển báo lửa, cấm lửa... khoanh và giao trách nhiệm bảo vệ phòng cháy, chữa cháy rừng cho các cơ quan, đơn vị và nhân dân ở trong rừng và gần rừng. Bộ Lâm nghiệp cùng với Bộ Nội vụ, Bộ Quốc phòng tổ chức một số đội phòng cháy, chữa cháy rừng chủ lực, có phương tiện và thiết bị đủ mạnh để chi viện và dập tắt các vụ cháy lớn cho một số vùng trọng điểm có rừng dễ cháy.
5. Bộ Lâm nghiệp và Bộ Nội vụ phải tăng cường công tác kiểm tra và chỉ đạo công tác tuần tra trong suốt mùa khô hanh. Lực lượng kiểm lâm nhân dân và các tổ chức dân phòng phải được củng cố và triển khai hoạt động mạnh mẽ. Bộ Lâm nghiệp phải nghiên cứu, sớm trình Hội đồng bộ trưởng ban hành chính sách khuyến khích nhân dân bảo vệ rừng, phòng cháy và tham gia chữa cháy rừng.
6. Những tỉnh, huyện, xã, hợp tác xã, các đơn vị và cá nhân có thành tích phòng cháy, chữa cháy rừng sẽ được xét khen thưởng thích đáng. Đơn vị và cá nhân nào gây ra cháy rừng, tuỳ theo mức độ mà xét xử nghiêm minh, phải bồi thường tài sản thiệt hại và phải trồng lại diện tích rừng đã mất. Người nào làm cháy rừng mà gây hậu quả nghiêm trọng thì bị truy tố theo pháp luật.
Chủ tịch Hội đồng bộ trưởng yêu cầu các cấp, các ngành có trách nhiệm phổ biến rộng rãi và khẩn trương triển khai thực hiện chỉ thị này đến tận cơ sở.
Bộ trưởng Bộ Lâm nghiệp có trách nhiệm hướng dẫn, theo dõi, kiểm tra đôn đốc các ngành và các địa phương trong việc thực hiện chỉ thị này, định kỳ báo cáo kết quả lên Chủ tịch Hội đồng bộ trưởng.
| Tố Hữu (Đã ký)
|
- 1Chỉ thị 02/2004/CT-BNN tăng cường các biện pháp cấp bách phòng cháy, chữa cháy rừng mùa khô 2003-2004 do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành
- 2Nghị định 22/CP năm 1995 ban hành bản quy định phòng cháy, chữa cháy rừng
- 3Quyết định 801-QĐ năm 1986 về quy phạm phòng cháy, chữa cháy rừng thông, rừng tràm và một số loại rừng dễ cháy khác do Bộ trưởng Bộ Lâm nghiệp ban hành
- 1Chỉ thị 02/2004/CT-BNN tăng cường các biện pháp cấp bách phòng cháy, chữa cháy rừng mùa khô 2003-2004 do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành
- 2Nghị định 22/CP năm 1995 ban hành bản quy định phòng cháy, chữa cháy rừng
- 3Quyết định 801-QĐ năm 1986 về quy phạm phòng cháy, chữa cháy rừng thông, rừng tràm và một số loại rừng dễ cháy khác do Bộ trưởng Bộ Lâm nghiệp ban hành
Chỉ thị 332-CT năm 1983 về việc chủ động phòng cháy, chữa cháy rừng trong mùa khô hanh hàng năm do Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng ban hành
- Số hiệu: 332-CT
- Loại văn bản: Chỉ thị
- Ngày ban hành: 02/12/1983
- Nơi ban hành: Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng
- Người ký: Tố Hữu
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Số 20
- Ngày hiệu lực: 17/12/1983
- Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định